Giải bài tập Giáo dục công dân lớp 6 Bài 8: Tiết kiệm
Khởi động
Khởi động trang 38 Giáo dục công dân lớp 6: Hãy quan sát hình ảnh bên cạnh và cho biết các bạn ấy đang lãng phí những gì?
Lời giải:
Các bạn đang chơi game. Việc làm của các bạn đang lãng phí thời gian. Vì game là 1 trò chơi tiêu khiển chỉ để giải trí lúc rảnh, vậy mà các bạn học sinh trong hình lại bỏ quá nhiều thời gian để chơi.
Khám phá
Khám phá 1 trang 38 – 39 Giáo dục công dân lớp 6: – Những chi tiết nào trong câu chuyện thể hiện lối sống tiết kiệm của Bác Hồ?
– Từ câu chuyện về Bác Hồ, em hiểu tiết kiệm là gì? Vì sao chúng ta phải tiết kiệm?
– Em rút ra được bài học gì cho bản thân từ bài học trên?
Lời giải:
– Những chi tiết trong câu chuyện thể hiện lối sống tiết kiệm của Bác Hồ là:
+ Bữa ăn quy định không quá 3 món.
+ Ăn món gì phải hết đấy.
+ Có quả chuối hơi nẫu, nhiều người không ăn,bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn.
+ Đi công tác Bác thường bảo các đồng chỉ chuẩn bị cơm nắm.
+ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, 1 tháng nhịn ăn 3 bữa để cho người nghèo.
+ Nếu miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng 1 tờ to.
– Từ câu chuyện về Bác Hồ, em hiểu tiết kiệm là: sử dụng 1 cách hợp lí tiền bạc, của cải, thời gian, sức lực của người khác. Chúng ta phải tiết kiệm vì tiết kiệm không chỉ giảm gánh nặng cho gia đình, thể hiện lối sống văn minh mà còn có điều kiện giúp đỡ người khác , chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
– Em rút ra được bài học cho bản thân từ bài học: chúng ta phải biết tiết kiệm từ mọi việc làm nhỏ nhặt nhất có thể.
Khám phá 2 trang 40 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy quan sát các hình ảnh dưới đây và cho biết:
– Hành vi nào thể hiện sự tiết kiệm và hành vi nào thể hiện sự lãng phí?
– Hậu quả của những hành vi lãng phí?
– Những hành vi lãng phí nào xung quanh em đáng bị phê phán.
Lời giải:
– Hành vi thể hiện sự tiết kiệm và hành vi thể hiện sự lãng phí là:
+ Hành vi 1, 2 thể hiện sự tiết kiệm bởi vì những hành vi này biết sử dụng một cách hợp lí nguồn nước và biết tích lũy, để dành tiền bạc.
+ Hành vi 3, 4 thể hiện sự lãng phí bởi vì những hành vi đó không sử dụng lãng phí của cải, nguồn nước và cả thời gian.
– Hậu quả của những hành vi lãng phí là: Tốn kém tiền bạc của gia đình, tài nguyên của xã hội và lãng phí với thời gian của chúng ta.
– Những hành vi lãng phí nào xung quanh em đáng bị phê phán là:
+ Sử dụng lãng phí nước.
+ Bật các thiết bị điện khi không cần thiết.
+ Dành quá nhiều thời gian để xem ti vi…
Khám phá 3 trang 41 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy thảo luận và chia sẻ với các bạn trong lớp về ý nghĩa câu ca dao sau:
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng
(Ca dao)
Lời giải:
Ý nghĩa câu ca dao trên là: dùng ngôn từ hóm hỉnh để khuyên răn mọi người. Khoai, ngô không giá trị bằng lúa gạo nhưng rất quan trọng, để ăn độn, nhất là trong kỳ giáp hạt tháng ba ngày tám. Dù có được mùa cũng không nên “phụ ngô khoai, coi thường”, rẻ rúng ngô khoai
“Khi thất bát” là khi mất mùa, nhà nông thu hoạch kém. “Lấy ai bạn cùng” nghĩa là lấy gì để san sẻ, để chia ngọt sẻ bùi cùng mình qua cơn đói kém, thiếu thốn. Câu tục ngữ với cách nói nhẹ nhàng mà thấm thía về một lời khuyên nhà nông, cũng như mọi người phải biết quý trọng ngô khoai, không được coi thường hoặc hoang phí ngô khoai, lương thực.
Khám phá 4 trang 41 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy thuyết trình trước lớp về một trong những chủ đề sau:
– Tiết kiệm thời gian
– Tiết kiệm tiền bạc
– Tiết kiệm điện, nước
Lời giải:
Bài thuyết trình tham khảo về tiết kiệm thời gian:
Cuộc sống của con người mỗi ngày một thay đổi, của cải vật chất ngày càng nhiều nhưng tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Nếu chúng ta không biết tiết kiệm thì làm ra bao nhiêu cũng hết. C. Mác nói: “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Câu nói của Các Mác khẳng định thời gian là quý nhất.
Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là tiết kiệm?. Tiết kiệm là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí.
Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, việc cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp lúc cần đóng góp cũng không đóng góp.
Tiết kiệm cũng không phải là dè xẻn, để dành, cất kín tiền bạc dư thừa mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào cũng có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà, theo tinh thần của câu khẩu hiệu: “Tiết kiệm là quốc sách”.
Cac Mac nói : “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian” bởi vì thời gian gắn liền với từng con người và từng việc cụ thể. Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Ví dụ : học sinh học năm năm thì hết bậc Tiểu học, bốn năm thì hết bậc Trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc Trung học phổ thông. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả. Từ xưa, dân gian cũng đã khẳng định: “Thì giờ là vàng bạc”.
Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội. Sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.
Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội ?. Lúc ấy, dẫu có muốn học lại từ đầu thì chắc cũng không dễ dàng gì.
Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp.
Có thời gian là có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải làm gì để đến “khi nhắm mắt xuôi tay, không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí ?” (“Thép đã tôi thế đấy” – Otsterropski). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý thời gian mình đang sống.
Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, câu nói của Cac Mac càng có giá trị như một chân lí. Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần tranh thủ thời gian để khôi phục và phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta đã bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình theo đường lối đổi mới, mở cửa nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật. Nhà nước ta đã đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước.
“Tiết kiệm là quốc sách”, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Với một quốc gia như Việt Nam thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản, mà nguồn vốn của nhân dân chỉ có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm.
Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm đúng chất lượng tốt tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm công sức lao động.
Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chi tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải “tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của”.
Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm ?. Điều quan trọng nhất là nên dành nhiều thời gian để : “Học, học nữa, học mãi”; phải biết sắp xếp một cách hợp lí giờ học, giờ chơi, giờ lao động. Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là chúng ta phải có ý thức tự giác.
Câu nói của Cac Mac đúng với mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia. Trong nhịp sống khẩn trương của thời đại công nghiệp, chúng ta lại càng phải thường quyên rèn luyện ý thức tiết kiệm.
Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí tiền của Nhà nước, nhất là lãng phí thời gian. Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của Nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 41 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy nhận xét về hành vi của các bạn và đưa ra lời khuyên cho các bạn ấy trong các tình huống sau đây:
Lời giải:
– Tình huống 1: Lan đang lãng phí thời gian => em sẽ khuyên Lan lần sau không nên như vậy nữa, việc hôm nay chớ để ngày mai, chúng ta nên biết tiết kiệm thời gian của bản thân mình.
– Tình huống 2: Các bạn đang lãng phí tài nguyên nước và điện của nhà trường => Em sẽ nhắc nhở các bạn không nên lãng phí nước và điện như vậy, vì này là tài nguyên chung của toàn trường, mỗi người nên tiết kiệm một chút.
– Tình huống 3: An đang lãng phí về tiền bạc của gia đình => Em sẽ nói cho An biết ở ngoài xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ và họ thiếu thốn rất nhiều, vì vậy chúng ta nên biết tiết kiệm tiền bạc để có thể giúp đỡ cho gia đình cũng như xã hội.
Vận dụng
Vận dụng 1 trang 42 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy lập kế hoạch tiết kiệm để có thể đủ chi phí mua giày dép, sách vở cho năm học mới, mà không phải xin bố mẹ?
Lời giải:
Em có thể lập bảng kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm tiền
Mục tiêu |
Chỉ tiêu |
Nuôi heo đất |
Mỗi ngày bỏ vào heo đất ít nhất 5000 đồng |
Kế hoạch chi tiêu |
Chỉ tiêu vào những vật dụng cần thiết |
Làm thêm |
Nhận đồ handmade để làm kiếm thêm thu nhập |
Vận dụng 2 trang 42 Giáo dục công dân lớp 6: Em hãy tự nhận xét việc rèn luyện tính tiết kiệm của mình, bạn bè, người thân. Nêu 5 điều góp ý cho chính em, bạn bè, người thân để cùng nhau thay đổi tích cực hơn.
Lời giải:
Dưới đây là 1 bài nhận xét tham khảo:
– Nhận xét về việc rèn luyện tính tiết kiệm của bản thân:
+ Chi tiêu còn chưa hợp lí, còn sử dụng tiền vào những vấn đề không quan trọng và không cần thiết.
Ví dụ: mua quá nhiều quần áo, giày dép không dùng đến.
+ Đôi khi sử dụng những thiết bị điện không cần thiết.
+ Sử dụng đồ dùng học tập còn lãng phí.
+ Ăn uống còn hay để thừa đồ ăn và vứt bỏ đồ thừa.
– 5 điều góp ý cho chính bản thân:
+ Suy nghĩ kỹ trước khi chi tiêu: điều đó có cần thiết không?, nếu không có nó bản thân còn cách khắc phục nào khác không?
+ Chỉ bật những thiết bị điện cần thiết.
+ Khi ra ngoài chú ý tắt hết các thiết bị điện.
+ Sử dụng đồ dùng học tập hợp lí, tránh việc lãng phí.
+ Ăn uống hợp lí, chỉ lấy hoặc làm đủ khẩu phần ăn tránh đổ đồ ăn thừa gây lãng phí.