Giải bài tập GDCD 6 Bài 4: Tôn trọng sự thật
Khởi động
Khởi động trang 19 Giáo dục công dân lớp 6: Cùng trao đổi, thảo luận:
Bình, Hưng và Minh cùng đi học. Trên đường đi, Minh rẽ vào cửa hàng đồ chơi điện tử nên đến lớp muộn, nhưng Minh báo với cô giáo là bị hỏng xe giữa đường.
Nếu em là Bình và Hưng, em sẽ lựa chọn cách ứng xử như thế nào? Vì sao?
Lời giải:
– Nếu em là Bình và Hưng, em sẽ khuyên Minh nên nói sự thật với cô giáo và xin lỗi cô. Nếu Minh không nghe, em sẽ báo cáo với cô để cô nói chuyện với Minh để giúp bạn có những suy nghĩ và hành vi đúng đắn, không gian dối và tập trung học tập. Vì chúng ta không nên nói dối, phải tôn trọng sự thật, phải biết công nhận những sự thật đã diễn ra, có như vậy chúng ta mới là người trung thực, được mọi người yêu quý, xã hội mới tốt đẹp hơn.
Khám phá
Khám phá 1 trang 20 Giáo dục công dân lớp 6: 1. Biểu hiện của tôn trọng sự thật
a. Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
a) Em hãy tìm ra từ ngữ nói lên “Sự thật” trong câu chuyện trên.
b) Câu nói nổi tiếng của Ga-li-lê “Dù sao Trái Đất vẫn quay” chứng tỏ ông là người như thế nào? Vì sao?
b. Tìm hiểu những biểu hiện của tôn trọng sự thật
Trao đổi, thảo luận nhóm về biểu hiện của tôn trọng sự thật trong các trường hợp sau:
(1) Việc học sinh cần làm để thầy cô giáo biết, khi:
– Bạn ngồi bên cạnh hay nhìn bài của mình để được điểm tốt?
– Một nhóm bạn mất đoàn kết, hoặc cãi nhau?
– Bạn thân của mình không học bài, làm bài tập ở nhà?
(2) Việc học sinh cần làm để bố mẹ biết, khi mình:
– Bị điểm kém trong học tập?
– Bị bạn trong lớp, trong trường bắt nạt?
(3) Việc em cần làm khi chứng kiến kẻ gian lấy trộm đồ của người khác, hành vi cố tình làm hỏng công trình công cộng,…
Lời giải:
a) Sự thật mà Ga-li-lê bảo vệ là Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời chứ không phải Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất. Ga-li-lê đã tôn trọng sự thật bằng cách tuyên bố: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”.
b) Câu nói nổi tiếng của Ga-li-lê “Dù sao Trái Đất vẫn quay” chứng tỏ ông là người trung thực, thẳng thắn, dám đứng ra nói lên sự thật, nói những điều đúng đắn. Vì trong thời kì Ga-li-lê sinh sống, quan điểm “Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và luôn đứng yên” được coi là quan điểm chính thống trong xã hội. Tất cả những ý kiến phản bác lại điều đó đều không được chấp nhận. Vì vậy, quan điểm mà Ga-li-lê ủng hộ rằng “Trái Đất mới là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời” là trái ngược với quan điểm này, bị cho là chống đối. Ga-li-lê đã bị đưa ra trước toà án để xét xử nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình.
(1) Việc học sinh cần làm để thầy cô giáo biết, khi:
– Bạn ngồi bên cạnh hay nhìn bài của mình để được điểm tốt: Trước hết em sẽ khuyên bạn rằng không nên có hành vi không chịu học như vậy và nếu như bạn có hiểu vài ý thì em sẽ chỉ cho bạn một vài câu có thể là bạn chưa hiểu lắm. Em sẽ khuyên bạn nên tự nhận lỗi với thầy cô giáo. Nếu bạn không nghe thì em sẽ báo cáo lại thầy cô giáo biết.
– Một nhóm bạn mất đoàn kết, hoặc cãi nhau: Em sẽ khuyên các bạn, phân tích cho các bạn nghe hậu quả của việc mất đoàn kết. Sau đó báo cáo lại thầy cô giáo biết để có hướng khuyên nhủ các bạn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
– Bạn thân của mình không học bài, làm bài tập ở nhà: Em sẽ khuyên nhủ bạn nên chăm chỉ và cố gắng học bài, làm bài. Em giúp đỡ bạn, hướng dẫn bạn những bài khó. Em trình bày cho cô giáo về trường hợp của bạn và xin cô có cách giải quyết giúp bạn tốt hơn.
(2) Việc học sinh cần làm để bố mẹ biết, khi mình:
– Bị điểm kém trong học tập: Nói thật với bố mẹ, nói rõ lí do, xin lỗi bố mẹ và hứa sẽ đạt điểm cao hơn. Nếu cần bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ gì thì cũng chia sẻ thật với bố mẹ luôn.
– Bị bạn trong lớp, trong trường bắt nạt: Thành thật nói với bố mẹ sự việc để bố mẹ có hướng giải quyết.
(3) Việc em cần làm khi chứng kiến kẻ gian lấy trộm đồ của người khác, hành vi cố tình làm hỏng công trình công cộng,…: Em sẽ theo dõi nếu đúng sự việc như vậy em sẽ báo cho thầy cô, bố mẹ, những người lớn, những người có trách nhiệm biết.
=> Từ trao đổi trên, tôn trọng sự thật có biểu hiện trong cuộc sống là:
– Biết nhận lỗi của bản thân và nhận thức khách quan về người khác.
– Trung thực trong thi cử, báo cáo thầy giáo về lỗi sai của bạn.
– Tố cáo hành vi, việc làm sai trái.
– Chấp hành tốt mọi nội quy nơi mình sống.
– Chỉ rõ sai cho bạn và khuyên bạn, giúp đỡ bạn để lần sau bạn không mắc phải khuyết điểm đó nữa.
– Lắng nghe ý kiến của mọi người nhưng sẵn sàng tranh luận để tìm ra sự thật…
Khám phá 2 trang 21 Giáo dục công dân lớp 6: 2. Vì sao phải tôn trọng sự thật?
Thảo luận tình huống sau:
a) Em đồng ý hay không đồng ý với ý kiến nào trên đây? Vì sao?
b) Nếu en là Mai, em sẽ làm gì? Vì sao?
Lời giải:
a) Em đồng ý với ý kiến cho rằng Mai làm như vậy là không nói đúng sự thật, cũng không tốt cho Thảo. Bởi vì, Mai đang không tôn trọng sự thật, không trung thực và khách quan. Mai làm như vậy khiến cô giáo không biết về tình hình học tập của Thảo và khiến Thảo nghĩ rằng mình được Mai bảo vệ, Thảo sẽ không thể học tốt hơn, chăm chỉ hơn.
b) Nếu en là Mai, em sẽ thành thật nhận lỗi đã bao che cho bạn và nói trung thực với cô về tình hình của Thảo để cô có cách giúp Thảo chăm chỉ và học tốt hơn. Chính em cũng khuyên Thảo, chỉ rõ cho Thảo nhận thức được bản thân mình còn nhiều khuyết điểm.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (1) Em đồng tình hay không đồng tình với hành vi nào dưới đây? Vì sao?
A. Luôn đồng ý và nói theo số đông.
B. Luôn nói đúng những điều có thật.
C. Luôn bảo vệ ý kiến và việc làm của mình.
D. Luôn phê phán những người không cùng quan điểm với mình.
Lời giải:
A. Luôn đồng ý và nói theo số đông. Em không đồng tình vì không phải lúc nào ý kiến của số đông cũng đúng. Chúng ta cần nhìn nhận sự việc trên tinh thần khách quan và trung thực. Những việc nào đúng dù là không được số đông ủng hộ cũng phải bảo vệ.
B. Luôn nói đúng những điều có thật. Em đồng tình vì đó là việc tôn trọng sự thật. Nó bảo vệ cuộc sống, bảo vệ cho những điều đúng đắn, tránh nhầm lẫn, oan sai. Giúp con người tin tưởng, gắn kết với nhau hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Khiến tâm hồn thoải mái, sức khỏe tốt, bản thân đẹp hơn trong mắt mọi người.
C. Luôn bảo vệ ý kiến và việc làm của mình. Em không đồng tình vì ngay cả bản thân mình cũng chưa có khả năng nhận thức đúng đắn hết mọi điều, thì chúng ta không để cho rằng ý kiến của bản thân luôn đúng được. Khi chúng ta làm những việc chưa đúng, chúng ta phải biết nhận lỗi của bản thân và thay đổi.
D. Luôn phê phán những người không cùng quan điểm với mình. Em không đồng tình vì chúng ta phải tôn trọng sự thật. Dù quan điểm đó không cùng với quan điểm của mình nhưng nếu đó là sự thật thì chúng ta phải tôn trọng, chấp nhận.
Luyện tập 2 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (2) Sau khi học xong bài “Tôn trọng sự thật”, Linh cho rằng trong cuộc sống không phải bao giờ cũng nên tôn trọng sự thật, cần tuỳ theo từng trường hợp mà ứng xử cho phù hợp.
? Em đồng ý hay không đồng ý với suy nghĩ của Linh? Vì sao?
Lời giải:
Em đồng ý với suy nghĩ của Linh. Vì đôi khi không tôn trọng sự thật có thể tạo ra kết quả tốt hơn là nói ra sự thật. Ví dụ như một người bị ung thư sắp chết, nhưng ta nói dối để họ có niềm tin hơn trong việc chữa trị, trong kháng chiến các chiến sỹ cách mạng dù bị tra tấn dã man cũng không khai bí mật của tổ chức mình… Tuy nhiên, cần tuỳ theo từng trường hợp mà ứng xử cho phù hợp. Chúng ta phải luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Người trung thực không chấp nhận sự giả dối, gian lận, không vì lợi ích riêng mà che giấu sự thật hoặc làm sai lệch sự thật.
Luyện tập 3 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (3) Nếu một người bạn thân của em nói xấu, nói sai về một người khác, em sẽ lựa chọn phương án giải quyết nào sau đây? Vì sao?
A. Xa lánh, không chơi với bạn nữa.
B. Bỏ qua, coi như không biết.
C. Khuyên bạn nên nhận lỗi, sửa chữa và luôn nói rõ sự thật.
D. Vẫn chơi với bạn, nhưng không tin bạn như trước nữa.
Lời giải:
Nếu một người bạn thân của em nói xấu, nói sai về một người khác, em sẽ lựa chọn phương án giải quyết:
C. Khuyên bạn nên nhận lỗi, sửa chữa và luôn nói rõ sự thật.
Vì bạn đang dựa vào suy nghĩ cá nhân để nhận định về người khác chứ không phải dựa trên sự khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật. Bạn cần tôn trọng sự thật để hiểu rõ về sự việc, hiện tượng, từ đó có cái nhìn đúng để giải quyết tốt mọi công việc và đánh giá đúng về người khác.
Luyện tập 4 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (4) Em hãy kể lại một việc làm thể hiện tôn trọng sự thật hoặc không tôn trọng sự thật trong cuộc sống mà em biết.
Lời giải:
– Một việc làm thể hiện tôn trọng sự thật:
Bạn Linh chứng kiến một vụ tai nạn và bỏ trốn, làm hiện trường giả để đổ tội cho người khác. Trong phiên toà xét xử bạn đã đứng ra và nói sự thật để bảo vệ người bị hại mặc dù bị tên phạm tội đe doạ.
– Một việc làm thể hiện không tôn trọng sự thật:
Theo thông tin từ Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông, ngày 29-1-2020, qua rà quét không gian mạng, trung tâm đã phát hiện thông tin “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội”, “Hà Nội 24h đêm mai đóng hết cửa ngõ”… đang lan truyền trên mạng xã hội. Qua kiểm tra, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khẳng định đây là tin giả (fake news), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19, và đặc biệt là gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Trong khoảng vài năm trở lại đây, có hàng trăm tin giả xuất hiện trên báo chí ở Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cá nhân, tổ chức và đời sống xã hội nói chung. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Vận dụng
Vận dụng 1 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (1) Xây dựng thông điệp về chủ đề “Tôn trọng sự thật”:
– Mỗi nhóm xây dựng một thông điệp về chủ đề “Tôn trọng sự thật” và ghi ra giấy.
– Trưng bày, giới thiệu thông điệp của các nhóm trước lớp.
– Bình chọn thông điệp hay nhất.
Lời giải:
* Định hướng (gợi ý):
– Xây dựng một thông điệp về chủ đề “Tôn trọng sự thật” và ghi ra giấy.
+ Tôn trọng sự thật là như thế nào? Giá trị của tôn trọng sự thật? Làm gì để tôn trọng sự thật?
+ Thông điệp cần ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu.
– Viết ra giấy khổ to, có trang trí để thu hút hơn.
* Bài mẫu:
– Bài 1: Tôn trọng sự thật từ những điều nhỏ nhất
Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng có bài học “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Vậy thật thà ở đây là gì, thật thà chính là muốn nói về sự thành thật, đức tính trung thực, tôn trọng sự thật của con người. Tôn trọng sự thật từ việc ăn nói, hành động, có lối sống ngay thẳng, không quanh co, dối trá, không lừa bịp ai. Người tôn trọng sự thật là người dám nói dám làm, dám làm dám nhận, khi làm sai cũng không quanh co chối tội mà thẳng thắn, thành thật nhận lỗi về mình. Tôn trọng sự thật là một đức tính đáng quý của con người, cũng là một bài học đạo đức mà mỗi người được dạy dỗ ngay từ khi còn ấu thơ. Khi còn bé, mỗi khi ta làm sai trái điều gì, ta đánh vỡ một chiếc cốc, một cái bát sau đó bố mẹ phát hiện ra và hỏi “Ai làm đây” thì đứa trẻ biết nhận lỗi chính là đứa trẻ ngoan ngoãn, trung thực. Khi lấy trộm tiền tiêu vặt của mẹ sau đó bị phát hiện cũng thường hỏi lại ai lấy thì mau khai nhận… tất cả những hành động con nít thường gặp ấy cũng giáo dục con người về tính trung thực. Là những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, bài học tôn trọng sự thật là một trong những bài học quan trọng mà các bạn phải nhớ để ứng dụng trong cả cuộc đời mình. Hãy trung thực, thành thật trong việc học tập, thi cử, trung thực trong những hành động việc làm của mình. Tránh biến mình trở thành một tấm gương xấu, một đứa trẻ tệ hại gây ra biết bao sai lầm đáng tiếc vì sự dối trá của mình.
– Bài 2: Trung thực là phẩm chất quý giá nhất của đời người
Trung thực đến từ tâm của mỗi người, hình thành nên nhân cách của một người và đem đến những giá trị tuyệt vời cho mỗi con người. Sự trung thực chính là đức tính tốt đẹp mà ai cũng cần phải có. Cuộc sống luôn đặt ra cho mỗi chúng ta những chọn lựa để tồn tại, trung thực chính là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Trung thực không chỉ đem đến cho bạn niềm tin mà còn giúp bạn bình tĩnh đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống. Thành công mà chúng ta có được không chỉ nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mà còn phải nhờ vào một đức tính không kém quan trọng đó là sự trung thực. Giữ được lòng trung thực đó là điều đáng để bạn có thể tự hào về bản thân. Trung thực giúp bạn không ngại thị phi, dũng cảm nói lên sự thật và đấu tranh cho sự công bằng. Cho dù có điều gì xảy ra, bạn hãy vững tin rằng cuối cùng thì sự trung thực, lòng dũng cảm vẫn luôn chiến thắng. Chính sự trung thực giúp bạn xây dựng mối quan hệ thật bền vững, đem đến cho bạn một kết quả như mình mong muốn. Nếu có làm sai, người trung thực luôn đứng ra nhận trách nhiệm về mình và cố gắng sửa sai, họ luôn tôn trọng sự thật và đứng về lẽ phải. Họ không chỉ hiểu rõ tính cần thiết của sự trung thực trong công việc mà còn biết cách áp dụng nó tùy thuộc vào hoàn cảnh. Trung thực góp phần làm trong sạch cộng đồng, đẩy lùi được sự tha hóa đạo đức, làm cho sự gian dối không còn chỗ đứng. Trung thực, thẳng thắn là điều mà bạn cần phải ghi nhớ trong giao tiếp, trong kinh doanh, tạo cho đối tác một niềm tin để có thể gắn kết và hợp tác lâu dài. Đó chính là một phẩm chất tốt, giúp bạn tạo được ấn tượng đẹp trong mắt mọi người. Giữ gìn lòng trung thực chính là giữ gìn tư cách, đạo đức của bản thân. Cho dù cuộc sống có khó khăn thiếu thốn như thế nào, bạn cũng phải nhớ giữ mình, có như vậy bạn mới xứng đáng được tôn trọng. Khi chúng ta sống ngay thẳng thì điều mà chúng ta nhận lại được từ những người xung quanh cũng là sự chân thành và thẳng thắn. Có được tính trung thực, bạn không cần phải tìm ra lý do để nói dối và không phải lo sợ người khác biết. Cho dù có xảy ra chuyện gì, bản thân cũng dễ dàng chấp nhận được bởi nó là sự thật. Chúng ta không thể lừa dối người khác mãi được, vì trước sau gì điều đó cũng bị phát hiện. Nói dối, có đôi lúc hậu quả không xảy ra ngay lúc đó, nhưng để lại là sự ray rứt của lương tâm vì những lời nói dối. Xây dựng chữ tín thì khó, nhưng chỉ cần một lần chúng ta nói dối sẽ phá vỡ tất cả. Cuộc sống của bạn cho dù có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao, thì bạn cũng không nên đánh mất đi lòng trung thực đáng tự hào của mình. Bạn hãy nhớ rằng khó khăn của mình hôm nay, rồi sẽ được đền đáp xứng đáng vào ngày mai. “Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng” – Walter Scott.
Vận dụng 2 trang 22 Giáo dục công dân lớp 6: (2) Lập một hòm thư mở của lớp “Hòm thư nói thật”:
Mỗi học sinh tự viết thư cho một bạn trong lớp về việc mình đã nói dối bạn một lần nào đó. Bức thư có ghi tên người nhận, nhưng không cần ghi tên người gửi.
Trong giờ sinh hoạt lớp hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng sẽ lấy ra một hoặc một vài bức thư và đọc to trước lớp.
Lời giải:
Gửi Oanh
Mình xin lỗi vì đã nói dối bạn trong giờ kiểm tra rằng mình không biết làm bài. Điều mình muốn là bạn có thể tự hiểu làm bài theo đúng thực lực của mình, chứ không phải chép bài của mình. Mình mong bạn sẽ tha thứ cho mình và cũng nhận ra bạn cần thay đổi. Chúng ta hãy cùng chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức nhé.
Gửi Hùng
Hôm trước mình nói với bạn là mình không có tẩy để cho bạn mượn. Mình thật sự xin lỗi. Mình có tẩy nhưng vì mình sợ cho bạn mượn, bạn sẽ làm mất nên mình đã nói dối bạn. Mình thật là ích kỉ phải không? Mong bạn hãy tha lỗi cho mình. Mình sẽ thay đổi, sẽ biết chia sẻ với mọi người nhiều hơn.