Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 6: Yêu thương, chia sẻ
Đọc: Bảy sắc cầu vồng trang 67, 68, 69
Chia sẻ
Tiếng Việt lớp 3 trang 67 Câu 1: Quan sát và cho biết em thấy gì trong mỗi hình ảnh dưới đây:
Phương pháp giải:
Em quan sát hình ảnh và hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Hình 1: Mưa bão gây ngập lụt.
Hình 2: Các chú bộ đội cứu trợ người dân ngày bão.
Hình 3: Các bạn nhỏ đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hình 4: Lễ trao tặng nhà tình nghĩa.
Tiếng Việt lớp 3 trang 67 Câu 2: Trao đổi:
a) Các hình ảnh 2, 3, 4 nói lên điều gì tốt đẹp trong cuộc sống?
b) Vì sao mọi người trong cộng đồng cần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trao đổi cùng các bạn.
Trả lời:
a) Hình 2, 3, 4 thể hiện sự tương thân thương ái, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương của mọi người.
b) Mọi người trong cộng đồng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Bài đọc
Bảy sắc cầu vồng
Một họa sĩ đang say sưa vẽ bức tranh phong cảnh đồng quê. Bỗng trời đổ mưa. Họa sĩ vội lấy ô để che bức tranh đang vẽ dở.
Bị mưa làm ướt, các màu bắt đầu càu nhàu. Màu đỏ thấy thế bèn lên tiếng:
– Các bạn thật là những màu mềm yếu!
Màu da cam phản ứng:
– Bạn nói ai vậy? Mình là màu da cam nổi tiếng. Các quả cam đều sơn màu của mình đấy!
Màu vàng đáp:
– Nhưng màu vàng của tớ mới là màu của Mặt Trời, bạn nhé!
Thế là các màu quay ra tranh cãi xem màu nào đẹp nhất: Màu xanh lục nói rằng mình là màu của cây cỏ, thiên nhiên. Màu xanh lam cho rằng mình là màu xanh của bầu trời. Màu xanh dương bảo mình là sắc biếc của đại dương, sông suối. Màu tím thì tự hào vì có vẻ đẹp đằm thắm giống như hoa vi ô lét…
Đúng lúc đó, mưa vụt tạnh. Mặt Trời ló ra. Một cây cầu vồng rực rỡ hiện lên trên nền trời. Họa sĩ liền vẽ bức tranh một cây cầu vồng vắt ngang qua cánh đồng lúa vàng rực. Các màu cùng bừng sáng. Chúng nắm tay nhau. Và trong vòng tay ấy, các màu càng rực rỡ hơn cả ngàn lần khi đứng một mình.
Trần Thị Ngân, Phạm Hồng Thúy, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
(Sưa tầm, biên soạn)
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 1: Tìm các đoạn ứng với mỗi ý sau:
a) Cơn mưa bất ngờ.
b) Các màu tranh cãi.
c) Cùng nắm tay nhau.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ câu chuyện để chia đoạn.
Trả lời:
Các đoạn ứng với mỗi ý sau là:
a) Cơn mưa bất ngờ: Từ đầu đến “…tranh đang vẽ dở.”.
b) Các màu tranh cãi: Từ “Bị mưa làm ướt…” đến “…giống như hoa vi ô lét…”.
c) Cùng nắm tay nhau: Từ “Đúng lúc đó…” đến hết.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 2: Các màu tranh cãi nhau về điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của câu chuyện.
Trả lời:
Các màu tranh cãi nhau xem màu nào đẹp nhất.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 3: Trong bức tranh cầu vồng, các màu hiện lên như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối của câu chuyện.
Trả lời:
Trong bức tranh cầu vồng, các màu cùng bừng sáng, chúng nắm tay nhau, rực rỡ hơn cả ngàn lần khi đứng một mình.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 4: Câu chuyện trên nói với em điều gì? Chọn ý trả lời em thích:
a) Ai cũng có ích.
b) Có đoàn kết mới thành công.
c) Sự hài hòa tạo nên cái đẹp.
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Câu chuyện trên nói với em rằng:
c) Sự hài hòa tạo nên cái đẹp.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 1: Tìm các từ chỉ màu sắc trong bài đọc.
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc và tìm các từ chỉ màu sắc.
Trả lời:
Các từ chỉ màu sắc trong bài đọc là: đỏ, da cam, vàng, xanh lục, xanh lam, xanh dương, tím, cầu vồng.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 2: Xếp các từ sau thành những cặp từ có nghĩa giống nhau:
Phương pháp giải:
Em đọc các từ và phân loại phù hợp.
Trả lời:
1 – b, 2 – c, 3 – a.
Tự đọc sách báo trang 69
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:
– 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về tình cảm cộng đồng.
– 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về tình cảm cộng đồng.
Phương pháp giải:
Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 2: Viết vào phiếu đọc sách:
– Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn câu thơ em thích).
– Cảm nghĩ của em.
Trả lời:
Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.
Viết: Ôn chữ viết hoa: G, H trang 70
Tiếng Việt lớp 3 trang 70 Câu 1: Viết tên riêng: Gành Hào
Tiếng Việt lớp 3 trang 70 Câu 2: Viết câu:
Hoa thơm dù mọc bờ rào
Gió nam, gió bắc, hướng nào cũng thơm.
Ca dao
Trả lời:
Em thực hiện viết bài vào vở.
Chú ý:
– Viết đúng chính tả.
– Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng.
Nói và nghe: Bộ lông rực rỡ của chim thiên đường trang 70
Tiếng Việt lớp 3 trang 70 Câu 1: Nghe và kể lại câu chuyện:
BỘ LÔNG RỰC RỠ CỦA CHIM THIÊN ĐƯỜNG
TRẦN HOÀI DƯƠNG
Gợi ý:
a) Chim thiên đường làm gì để chuẩn bị cho mùa đông đang tới?
b) Vì sao chim thiên đường cho đi những vật nó kiếm được:
– Khi bay qua tổ sáo đen?
– Khi gặp bầy gõ kiến?
– Khi đến tổ của chim mai hoa?
c) Gió lạnh đột ngột ùa về, chim thiên đường gặp khó khăn gì?
d) Chèo bẻo loan tin cho các bạn đến giúp chim thiên đường làm gì?
e) Chiếc áo chim thiên đường luôn khoác trên mình thể hiện điều gì?
Phương pháp giải:
Em lắng nghe câu chuyện, dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện.
Trả lời:
BỘ LÔNG RỰC RỠ CỦA CHIM THIÊN ĐƯỜNG
Trần Hoài Dương
Chim Thiên Đường đi tha rác về lót ổ, chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần. Nó bay rất xa, chọn những chiếc lá vàng, lá đỏ thật đẹp, những ngọn cỏ thật thơm, thật mềm.
Bay ngang qua tổ Sáo Đen, Sáo Đen ngỏ lời xin chiếc lá sồi đỏ thắm, Thiên Đường vui vẻ thả xuống cho bạn chiếc lá mà mình cũng rất ưng ý.
Thiên Đường lại bay đi kiếm chiếc lá khác. Được một cành hoa lau màu tím hồng rất mịn, Thiên Đường hối hả cắp ngang mỏ bay về. Ngang qua tổ Gõ Kiến, bầy Gõ Kiến con rối rít gọi, xin cho xem bằng được. Thấy bầy chim non thích cành hoa lau, Thiên Đường không nỡ mang về, lại vội vàng bay đi kiếm cành lá khác.
Lâu lắm, Thiên Đường mới lại tìm được một cụm cỏ mật khô vàng rượi, thơm mát. về qua tổ chim Mai Hoa, thấy cái tổ trông tuềnh trông toàng, chim Mai Hoa đang ốm, vật vã đôi cánh, Thiên Đường mủi lòng, gài cụm cỏ mật che gió cho bạn. Mai Hoa vẫn run lập cập, Thiên Đường bối rối không biết làm cách nào cho bạn đỡ rét. Nó nhìn xuống ngực rồi lấy mỏ rứt ra từng nạm lông xốp mịn, lót ổ cho Mai Hoa…
Cứ thế, mùa đông đến từ lúc nào Thiên Đường không hay biết. Những trận gió lạnh buốt cứ xói mãi vào chiếc tổ còn rất sơ sài của Thiên Đường. Chú chim tốt bụng loay hoay sửa lại tổ, che kín được mặt này thì mặt kia lại trống hoác. Bộ lông màu nâu nhạt của Thiên Đường xù lên, trông xơ xác tội nghiệp.
Chèo Bẻo bay ngang qua, trông thấy thế, vội loan báo cho mọi loài chim được biết. Sáo Đen, Gõ Kiến, Mai Hoa, Bói Cá, Hoạ Mi, Sơn Ca… cùng rất nhiều bạn bè bất chấp mưa gió, bay đến sửa lại tổ giúp Thiên Đường. Ai cũng yêu quý người bạn tốt bụng nên chẳng mấy chốc Thiên Đường đã có một chiếc tổ thật đẹp. Chẳng những thế, Chèo Bẻo còn nảy ra một ý định dễ thương, đem bàn với các bạn. Lời Chèo Bẻo được các bạn hết sức tán thưởng. Lập tức, mỗi chim rứt trên bộ cánh của mình một chiếc lông quý : chiếc màu đỏ thắm, chiếc màu xanh cánh trả, chiếc màu vàng tươi, chiếc màư đen tuyền…, gom góp lại thành một chiếc áo đem tặng Thiên Đường.
Từ đó, Thiên Đường luôn khoác trên mình một chiếc áo nhiều màu rực rỡ, vật kỉ niệm thiêng liêng của biết bao loài chim bạn bè.
– Em dựa vào gợi ý và kể lại câu chuyện.
Tiếng Việt lớp 3 trang 70 Câu 2: Câu chuyện giúp em hiểu điều gì?
Phương pháp giải:
Em liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.
Trả lời:
Từ câu chuyện, em thấy rằng Chim Thiên Đường biết sống hết lòng vì đồng loại nên được các loài – chim yêu mến và xả thân giúp đỡ. Thiên Đường thật xứng đáng với bộ lông rực rỡ và quý giá, đó là phần thưởng cho lòng tốt mà bạn bè trao tặng.
Mỗi chúng ta cần biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ người khác. Khi mình biết cho đi thì mình sẽ nhận lại được những món quà xứng đáng.
Đọc: Bận trang 71, 72
Bận
Trời thu bận xanh
Sông Hồng bận chảy
Cái xe bận chạy
Lịch bận tính ngày
Con chim bận bay
Cái hoa bận đỏ
Cờ bận vẫy gió
Chữ bận thành thơ
Hạt bận vào mùa
Than bận làm lửa.
Cô bận cấy lúa
Chú bận đánh thù
Mẹ bận hát ru
Bà bận thổi nấu.
Còn con bận bú
Bận ngủ bận chơi
Bận tập khóc cười
Bận nhìn ánh sáng.
Mọi người đều bận
Nên đời rộn vui
Con vừa ra đời
Biết chăng điều đó
Mà đem vui nhỏ
Góp vào đời chung.
TRINH ĐƯỜNG
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Câu 1: Mỗi vật nêu ở khổ thơ 1 bận việc gì?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 1.
Trả lời:
Mỗi vật nêu ở khổ thơ 1 bận việc là: trời bận xanh, sông bận chảy, xe bận chạy, lịch bận tính ngày, chim bận bay, cờ bận vẫy gió, chữ bận thành thơ, hạt bận vào mùa, than bận làm ra lửa.
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Câu 2: Mỗi người nêu ở khổ thơ 2 bận việc gì?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 2.
Trả lời:
Mỗi người nêu ở khổ thơ 2 bận việc là: Cô bận cấy lúa, chú bận đánh giặc, mẹ bận hát ru, bà bận thổi nấu, bé bận bú, bận chơi, bận tập khóc, cười, bận nhìn ánh sáng.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72 Câu 3: Em hiểu câu thơ “Mọi người đều bận / Nên đời rộn vui.” như thế nào? Chọn ý em thích:
a) Mọi người đều bận để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
b) Mọi người đều bận nhưng vui vì làm những việc có ích.
c) Mọi người đều bận nên cuộc sống rất nhộn nhịp.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và liên hệ bản thân để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Em hiểu câu thơ “Mọi người đều bận / Nên đời rộn vui.” là:
a) Mọi người đều bận để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72 Câu 4: Mẹ nhắn nhủ em bé điều gì?
– Học thuộc lòng 14 dòng thơ đầu.
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 3.
Trả lời:
Mẹ nhắn nhủ em bé là đem vui nhỏ góp cho đời chung.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 72 Câu 1: Xếp các từ dưới đây vào nhóm thích hợp:
Phương pháp giải:
Em quan sát và xếp các từ vào nhóm thích hợp.
Trả lời:
– Bận: tất bật, bận bịu, bận rộn.
– Nhàn: Nhàn rỗi, nhàn hạ, rảnh rỗi.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72 Câu 2: Đặt câu với một từ trong bài tập trên.
Mẫu: Ngày mùa, ở nông thôn, nhà nào cũng bận rộn.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đặt câu.
Trả lời:
– Tết đến, mẹ em tất bật chuẩn bị nấu cỗ.
– Lúc rảnh rỗi em thường vẽ tranh.
Viết: Làm đơn xin cấp thẻ đọc sách trang 72, 73
Tiếng Việt lớp 3 trang 72 Câu 1: Hãy nói những điều em biết (hoặc em mong muốn) về thư viện trường em (hoặc thư viện ở nơi em sinh sống).
Gợi ý:
a) Thư viện nằm ở đâu?
b) Mọi người đến thư viện làm gì?
c) Em thích (hoặc mong muốn) điều gì ở thư viện?
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
– Thư viện trường em gồm có hai phòng nằm ở phía bên trái khu A (khối lớp 1, lớp 2).
– Chúng em thường tìm đọc các cuốn sách giới thiệu các bài văn hay, bài văn đoạt giải, các bài toán thi học sinh giỏi…
– Thư viện trường em mở cửa suốt từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, ngày hai buổi.
– Thư viện rất sạch sẽ, khang trang, ngăn nắp
– Chiều thứ năm, chiều thứ bảy tuần nào, em và các bạn cũng đến thư viện trường trá sách, mượn sách, đọc báo Hoa học trò.
– Nhờ thư viện trường mà việc đọc sách báo đã trở thành niềm say mê của chúng em.
Tiếng Việt lớp 3 trang 73 Câu 2: Hãy hoàn thành Đơn xin cấp thẻ đọc sách ở thư viện trường (hoặc thư viện nơi em sinh sống) theo mẫu sau:
Trả lời:
Em tự liên hệ bản thân và hoàn thành bài tập.
Đọc: Chia sẻ niềm vui trang 73, 74, 75
Chia sẻ niềm vui
Mấy ngày liền, báo chí liên tục đưa tin về thiệt hại do cơn bão mới nhất gây ra. Có một bức ảnh làm tôi rất xúc động: Một phụ nữ trẻ ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà đổ nát của mình. Đứng cạnh chị là một bé gái đang bám chặt lấy mẹ, mắt mở to, sợ hãi.
Con trai tôi sốt sắng nói:
– Trường con đang quyên góp sách vở, quần áo giúp các bạn vùng bị bão, mẹ ạ.
– Bố mẹ giúp con chuẩn bị nhé? Mẹ còn muốn đóng một thùng riêng gửi tặng hai mẹ con trong bức ảnh này.
Chúng tôi cùng cậu con trai chất vào hai chiếc thùng các tông quần áo, sách vở, đồ dùng,… Đứng nhìn bố mẹ và anh sắp xếp, con gái tôi có vẻ nghĩ ngợi. Nó chạy vào phòng, rồi trở ra ngay. Tay nó ôm chặt con búp bê tóc vàng. Đó là món đồ chơi nó yêu thích nhất. Nó hôn tạm biệt con búp bê rồi bỏ vào thùng. Tôi bảo:
– Con gửi cho em thứ khác cũng được. Đây là con búp bê con thích nhất mà.
Con gái tôi gật đầu:
– Em bé nhận được sẽ rất vui, mẹ ạ.
Tôi xúc động nhìn con. Ôi, con gái tôi đã biết đem tặng niềm vui để em bé kia cũng được vui!
MINH THƯ
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 1: Điều gì khiến người mẹ trong câu chuyện xúc động?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Điều khiến người mẹ trong câu chuyện xúc động là bức ảnh một phụ nữ trẻ ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà đổ nát của mình. Đứng cạnh chị là một bé gái đang bám chặt lấy mẹ, mắt mở to, sợ hãi.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 2: Gia đình hai bạn nhỏ làm gì để giúp đỡ đồng bào vùng bị bão tàn phá?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Gia đình hai bạn nhỏ đã chuẩn bị hai chiếc thùng các tông quần áo, sách vở, đồ dùng,… để quyên góp cho vùng bị bão.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 3: Bé gái tặng gì cho em nhỏ trong bức ảnh?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Bé gái tặng con búp bê tóc vàng mà em thích nhất cho em nhỏ trong bức ảnh.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 4: Em có suy nghĩ gì về hành động của bé gái trong câu chuyện?
Phương pháp giải:
Em liên hệ bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Trả lời:
Hành động của bé gái trong câu chuyện là hành động đẹp và rất đáng được tuyên dương. Em bé đã biết chia sẻ niềm vui cho người khác.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 1: Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:
Phương pháp giải:
Em quan sát, suy nghĩ và xếp từ vào nhóm thích hợp.
Trả lời:
– Chỉ cộng đồng: bản làng, dòng họ, thôn xóm, trường học, lớp học.
– Chỉ tình cảm cộng đồng: đùm bọc, đoàn kết, tình nghĩa, giúp đỡ, yêu thương.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 2: Đặt câu với một từ ở bài tập trên. Cho biết câu đó thuộc mẫu câu nào.
– Ai là gì?
– Ai làm gì?
– Ai thế nào?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đặt câu đúng các mẫu câu.
Trả lời:
– Ai thế nào?: Lớp em rất đoàn kết, yêu thương nhau
– Ai làm gì?: Người trong thôn xóm luôn giúp đỡ lẫn nhau.
Viết: Bận trang 75, 76
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 1: Nhớ – viết: Bận (14 dòng thơ đầu)
Phương pháp giải:
Em thực hiện bài viết vào vở.
Chú ý:
– Viết đúng chính tả.
– Viết hoa các chữ cái đầu dòng mỗi dòng thơ.
Trả lời:
Em hoàn thành bài viết vào vở.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 2: Chọn vần phù hợp với ô trống:
a) Vần uênh hay ênh?
b) Vần uêch hay êch?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a) bập bênh
cồng kềnh
tuềnh toàng
chuệnh choạng
xuềnh xoàng
b) trống huếch
mũi hếch
nguệch ngoạc
rỗng tuếch
nghếch mắt nhìn
Tiếng Việt lớp 3 trang 76 Câu 3: Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống rồi giải câu đố:
a) Chữ l hay n?
b) Vần ac hay at?
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a) Sông không đến, bến không vào
Lơ lửng giữa trời mà sao có nước?
Là quả dừa.
b) Quả gì tên gọi khác thường
Nén “buồn riêng” để ngát hương cho đời?
Là quả sầu riêng.
Nói và nghe: Quà tặng của em trang 76
Tiếng Việt lớp 3 trang 76 Câu hỏi: Tả một đồ vật (hoặc đồ chơi) em tặng người khác (hoặc em được người khác tặng).
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý và hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Bài tham khảo 1:
Trong số những món đồ chơi, em thích nhất là chú gấu bông. Đây là món quà sinh nhật mà mẹ đã tặng cho em. Toàn thân chú gần như khoác lên mình một bộ lông màu nâu sáng, chỉ ở tai, mõm, bàn chân và cái bụng phệ là pha những mảng màu hồng nhạt. Gương mặt gấu bông toát lên vẻ hiền hậu và vui vẻ. Hai mắt chú đen láy như mắt thật, lộ nét tinh nghịch và thông minh. Cái mũi chú nhỏ, nhàn nhạt hồng trông khá buồn cười. Trên cổ lại thắt cái nơ đỏ chói , còn thêm một bông hoa màu trắng trên đôi tay, trông chú thật bảnh bao, duyên dáng. Em rất yêu chú gấu bông. Em thường hay đặt chú trên bàn học, ngắm chú mà nghe lòng vui vui.
Bài tham khảo 2:
Món đồ chơi mà em thích nhất chính là chiếc ô tô đồ chơi. Đây là món quà mà ông nội đã tặng em. Nó giống như một chiếc ô tô được thu nhỏ. Ô tô có màu đỏ, chạy bằng pin. Em có thể điều khiển cho ô tô di chuyển nhờ một bộ điều khiển từ xa. Mỗi khi rảnh, em lại đem chiếc ô tô ra chơi. Em tự hứa sẽ giữ gìn món quà này thật cẩn thận.
Đọc: Nhà rông trang 77, 78
Nhà rông
Ở hầu hết các địa phương vùng Bắc Tây Nguyên trước đây, làng nào cũng có nhà rông. Hình dáng nhà rông có thể không giống nhau, nhưng bao giờ đó cũng là ngôi nhà sàn cao lớn nhất, đẹp nhất của làng.
Nhà rông được dựng bằng gỗ tốt kết hợp với tre, nứa; mái lợp cỏ tranh. Dân làng cùng nhau làm nhà rông. Làng càng lớn và có nhiều người tài giỏi thì nhà rông càng bề thế, khang trang.
Nhà rông dùng làm nơi đón tiếp khách đến làng, nơi các già làng bàn bạc việc chung, nơi đàn ông lúc rỗi rãi ngồi trò chyện hoặc vót nan, đan lát,… Nhà rông là chỗ ngủ của con trai từ tuổi thiếu niên cho đến khi lấy vợ. Đây là tập quán từ xa xưa do trai tráng phải trực chiến để bảo vệ làng. Nhà rông còn là nơi tổ chức những lễ cúng chung của dân làng.
Nhà rông thật là đặc sắc. Vì vậy, mỗi khi nói đến Tây Nguyên là người ta thường nhắc đến nhà rông.
LƯU HÙNG
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 77 Câu 1: Nhà rông có những đặc điểm gì nổi bật?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Nhà rông có những đặc điểm nổi bật là: ngôi nhà sàn cao lớn nhất, đẹp nhất của làng. Nhà rông được dựng bằng gỗ tốt kết hợp với tre, nứa; mái lợp cỏ tranh.
Tiếng Việt lớp 3 trang 77 Câu 2: Nhà rông được dùng làm gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của bài đọc.
Trả lời:
Nhà rông được dùng làm nơi đón tiếp khách đến làng, nơi các già làng bàn bạc việc chung, nơi đàn ông lúc rỗi rãi ngồi trò chyện hoặc vót nan, đan lát, là chỗ ngủ của con trai từ tuổi thiếu niên cho đến khi lấy vợ, là nơi tổ chức những lễ cúng chung của dân làng.
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 3: Vì sao có thể nói nhà rông là nơi thể hiện tài năng và tinh thần cộng đồng của người dân Tây Nguyên?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Có thể nói nhà rông là nơi thể hiện tài năng và tinh thần cộng đồng của người dân Tây Nguyên vì: Dân làng cùng nhau làm nhà rông. Làng càng lớn và có nhiều người tài giỏi thì nhà rông càng bề thế, khang trang. Mỗi khi nói đến Tây Nguyên là người ta thường nhắc đến nhà rông.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 1: Xếp các từ ngữ sau thành 3 cặp từ ngữ có nghĩa giống nhau:
Phương pháp giải:
Em dựa theo nghĩa của các từ để xếp đúng.
Trả lời:
a – 2, b – 3, c – 1.
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 2: Em cần đặt dấu hai chấm vào những chỗ nào trong các câu sau?
a) Tây Nguyên là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Mnông,…
b) Tây Nguyên có những cảnh đẹp nổi tiếng hồ Lắk, thác Pren, vườn quốc gia Chư Mom Ray,…
c) Tây Nguyên trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chanh leo,…
Phương pháp giải:
Em dựa vào công dụng của dấu hai chấm để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a) Tây Nguyên là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em: Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Mnông,…
b) Tây Nguyên có những cảnh đẹp nổi tiếng: hồ Lắk, thác Pren, vườn quốc gia Chư Mom Ray,…
c) Tây Nguyên trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chanh leo,…
Góc sáng tạo: Em đọc sách trang 78, 79
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 1: Chọn 1 trong 2 đề sau:
a) Ghi vào nhật kí đọc sách nhận xét của em về một nhân vật em thích trong một truyện em mới đọc (hoặc mới nghe kể).
Gợi ý:
– Tên truyện em mới đọc (hoặc mới nghe kể) là gì?
– Em thích nhân vật nào trong truyện?
– Vì sao em thích nhân vật đó?
b) Ghi vào nhật kí đọc sách cảm nghĩ của em về một bài thơ em mới được học (hoặc mới được đọc).
Gợi ý:
– Tên bài thơ em mới được học (hoặc mới được đọc) là gì?
– Bài thơ ấy nói về điều gì?
– Em thích hình ảnh nào trong bài thơ ấy?
– Vì sao em thích hình ảnh đó?
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý và liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a) Gần đây em có đọc câu chuyện Đem tặng niềm vui. Câu chuyện kể về gia đình bạn nhỏ cùng nhau sắp xếp đồ để quyên góp, giúp đỡ người dân vùng bị bão. Em thích nhất là nhân vật bé gái trong câu chuyện. Vì tuy còn bé những bé gái đã biết chia sẻ niềm vui của mình cho người khác.
b) Bài thơ em mới được học là bài thơ Bận. Bài thơ nói về mọi người hăng say làm việc, làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Em thích nhất hình ảnh mọi người cần mẫ làm những công việc hằng ngày trong cuộc sống. Vì những hình ảnh đó làm em cảm thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vô cùng rộn ràng và tươi đẹp.
Tiếng Việt lớp 3 trang 79 Câu 2: Giới thiệu và bình chọn đoạn viết hay.
Phương pháp giải:
Em lắng nghe đoạn viết của các bạn và lựa chọn bài viết em thích.
Trả lời:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 5: Ôn tập giữa học kì 1
Bài 7: Khối óc và bàn tay
Bài 8: Rèn luyện thân thể
Bài 9: Sáng tạo nghệ thuật