Giải bài tập GDCD 9 Bài 3: Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng
Mở đầu trang 16 Bài 3 GDCD 9: Em hãy kể tên một số hoạt động cộng đồng mà em đã tham gia và nêu ý nghĩa của hoạt động cộng đồng đó.
Trả lời:
– Một số hoạt động cộng đồng mà em đã tham gia:
+ Phong trào kế hoạch nhỏ
+ Chương trình thiện nguyện: tặng áo ấm và sách cho các bạn học sinh vùng cao
+ Tham gia quét dọn, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
– Ý nghĩa của các hoạt động đó:
+ Phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tăng cường sức mạnh của các lực lượng trong cộng đồng, góp phần cải thiện điều kiện sống của cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội.
+ Tạo ra cơ hội cho bản thân được giao lưu, học hỏi, rèn luyện các kĩ năng, mở rộng hiểu biết về mọi mặt.
Khám phá trang 16 GDCD 9: Em hãy cho biết những hoạt động nào được nhắc đến ở mỗi hình ảnh và thông tin trên. Hoạt động đó do những chủ thể nào thực hiện?
Trả lời:
– Hình ảnh 1. Hoạt động: dọn dẹp vệ sinh môi trường sống – hoạt động này được thực hiện bởi: các bạn học sinh, người dân sinh sống tại địa bàn đó.
– Hình ảnh 2. Hoạt động: hiến máu nhân đạo – hoạt động này được thực hiện bởi: đoàn viên thuộc đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
– Hình ảnh 3. Hoạt động: đền ơn đáp nghĩa – hoạt động này được thực hiện bởi: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Hình ảnh 4. Hoạt động thiện nguyện (trao tặng quà cho trẻ em vùng cao) – hoạt động này được thực hiện bởi: câu lạc bộ thiện nguyện kết nối các nhà hảo tâm.
– Thông tin. Các hoạt động thiện nguyện, như: trao quà; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn – hoạt động này được thực hiện bởi: Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Khám phá trang 16 GDCD 9: Theo em, các hoạt động đó có điểm gì chung? Em hiểu thế nào là hoạt động cộng đồng?
Trả lời:
– Điểm chung: các hoạt động được đề cập đến ở hình ảnh và thông tin trên đều là những hoạt động mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, thiết thực cho cộng đồng.
– Khái niệm hoạt động cộng đồng: Hoạt động cộng đồng là những hoạt động được tổ chức bởi các cá nhân, tập thể với mục tiêu mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Khám phá trang 16 GDCD 9: Từ thông tin và hình ảnh trên, em hãy giải thích sự cần thiết phải tham gia hoạt động cộng đồng.
Trả lời:
Sự cần thiết của việc tham gia hoạt động cộng đồng:
– Đối với cộng đồng:
+ Phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc;
+ Tăng cường sức mạnh của các lực lượng trong cộng đồng.
+ Góp phần cải thiện điều kiện sống của cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội.
– Đối với cá nhân:
+ Tạo ra cơ hội cho mỗi cá nhân được giao lưu, học hỏi, rèn luyện các kĩ năng, mở rộng hiểu biết về mọi mặt;
+ Nâng cao giá trị của bản thân và được mọi người yêu mến.
Khám phá trang 18 GDCD 9: Em hãy nhận xét việc làm của các bạn học sinh trong mỗi hình ảnh trên.
Trả lời:
– Hình ảnh 1. Cả hai bạn nữ trong bức ảnh đã có thái độ tích cực khi tham gia hoạt động: hướng dẫn, hỗ trợ học tập cho các em nhỏ ở làng trẻ em SOS
– Hình ảnh 2. Bạn H đã thiếu tích cực, không tập trung khi tham gia hoạt động dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ.
Khám phá trang 18 GDCD 9: Thực hiện Chương trình Công tác Đoàn – Đội, trường của em thường tổ chức những hoạt động nào? Hoạt động đó nhằm mục đích gì?
Trả lời:
– Chương trình Công tác Đoàn – Đội, trường của em thường tổ chức một số hoạt động sau:
+ Chương trình về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hoá;
+ Các hoạt động tình nguyện thường xuyên, như: các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia giữ gìn cảnh quan, môi trường học đường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,…
– Những hoạt động đó được thực hiện nhằm mục đích: mang lại những giá trị, lợi ích chung cho cộng đồng; góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…
Khám phá trang 18 GDCD 9: Em hãy lựa chọn một hoạt động cộng đồng để xây dựng kế hoạch tham gia và vận động người khác cùng tham gia hoạt động đó theo gợi ý dưới đây:
Tên hoạt động: |
|
Mục tiêu |
……………………. |
Nội dung, hình thức |
……………………. |
Đối tượng tham gia |
……………………. |
Thời gian, địa điểm |
……………………. |
Phân công nhiệm vụ |
……………………. |
Dự kiến kết quả đạt được |
……………………. |
Nhận xét kết quả thực hiện của bản thân và các thành viên khác |
……………………. |
Trả lời:
(*) Tham khảo: kế hoạch thiện nguyện “Đồ cũ – yêu thương mới”
– Tên hoạt động: “Đồ cũ – yêu thương mới”
– Mục tiêu:
+ Giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao.
+ Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
+ Góp phần giáo dục lòng nhân ái cho các bạn học sinh.
– Nội dung, hình thức: vận động giáo viên, học sinh, người dân quyên góp các sản phẩm như:
+ Quần áo cũ không dùng nhưng lành, sạch, vẫn sử dụng được, đặc biệt là quần áo ấm cho trẻ em.
+ Nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày.
+ Đồ dùng sinh hoạt hoặc đồ dùng học tập.
– Đối tượng tham gia:
+ Giáo viên, học sinh thuộc trường THCS ………
+ Người dân sinh sống trên địa bàn huyện ……………
– Thời gian, địa điểm:
* Thời gian:
+ Thời gian phát động: …/…../……
+ Thời gian nhận đồ quyên góp: từ …/…../…… đến …/…../……
+ Thời gian tổ chức hoạt động thiện nguyện (dự kiến): …/…../……
* Địa điểm:
+ Địa điểm nhận sản phẩm quyên góp: phòng công đoàn của trường THCS….
+ Địa điểm tổ chức trao quà thiện nguyện: ……………….
– Phân công nhiệm vụ:
STT |
Người phụ trách |
Nhiệm vụ |
1 |
Bí thư ban chấp hành đoàn trường |
– Phổ biến các thông tin về chương trình thiện nguyện cho bí thư các chi đoàn. – Tiếp nhận, thống kê và lập danh sách các sản phẩm quyên góp (từ các lớp gửi về) – Xây dựng kế hoạch chi tiết cho chuyến đi thiện nguyện (ví dụ: liên hệ chính quyền địa phương; thuê xe,….) |
2 |
Bí thư các chi đoàn |
– Phổ biến thông tin về chương trình thiện nguyện tới các đoàn viên trong lớp. – Tiếp nhận, thống kê và lập danh sách các sản phẩm quyên góp (từ các đoàn viên gửi về) |
3 |
Cá nhân mỗi giáo viên, học sinh |
– Tuyên truyền, phổ biến về chương trình thiện nguyện đến người thân, bạn bè. – Tích cực tham gia và vận động người thân, bạn bè tham gia chương trình thiện nguyện… |
…. |
– Dự kiến kết quả đạt được:
+ Trao được nhiều suất quà cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
+ HS được giáo dục, bồi dưỡng về tinh thần nhân ái.
Luyện tập 1 trang 20 GDCD 9: Em hãy xác định tên, mục đích, ý nghĩa của mỗi hoạt động trong các trường hợp sau:
STT |
Trường hợp |
Tên hoạt động |
Mục đích |
Ý nghĩa |
1 |
Hằng năm, trường Trung học cơ sở H thường tổ chức cho học sinh đến thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. |
|||
2 |
Chính quyền địa phương V thường tổ chức các chương trình tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã. |
|||
3 |
Lớp của K cùng thực hiện dự án nuôi heo đất ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. |
|||
4 |
Sau mỗi năm học, bạn P thường thu gom sách vở cũ và quần áo trong gia đình mình để gửi tặng các em học sinh vùng cao. |
Trả lời:
♦ Trường hợp 1. Hằng năm, trường Trung học cơ sở H thường tổ chức cho học sinh đến thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương.
– Tên hoạt động: Đền ơn đáp nghĩa
– Mục đích: Tri ân, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ ỏ địa phương.
– Ý nghĩa:
+ Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
+ Góp phần giáo dục, bồi dưỡng ở HS lòng yêu nước, biết ơn các thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu cho độc lập dân tộc.
♦ Trường hợp 2. Chính quyền địa phương V thường tổ chức các chương trình tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã.
– Tên hoạt động: Bảo vệ môi trường
– Mục đích: tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã.
– Ý nghĩa:
+ Góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học.
+ Nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân công dân trong việc bảo vệ môi trường sống.
+ Góp phần đấu tranh để hạn chế các loại tội phạm liên quan đến việc: săn bắt, tàng trữ, buôn bán,… động vật hoang dã.
♦ Trường hợp 3. Lớp của K cùng thực hiện dự án nuôi heo đất ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
– Tên hoạt động: kế hoạch nhỏ
– Mục đích: giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
– Ý nghĩa:
+ Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
+ Góp phần giáo dục lòng nhân ái cho các bạn học sinh.
♦ Trường hợp 4. Sau mỗi năm học, bạn P thường thu gom sách vở cũ và quần áo trong gia đình mình để gửi tặng các em học sinh vùng cao.
– Tên hoạt động: chương trình thiện nguyện
– Mục đích: giúp đỡ các bạn học sinh vùng cao.
– Ý nghĩa:
+ Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
+ Góp phần giáo dục lòng nhân ái cho các bạn học sinh.
Luyện tập 2 trang 20 GDCD 9: Em hãy dựa vào câu ca dao dưới đây để chia sẻ trước lớp về sự cần thiết và trách nhiệm tham gia hoạt động cộng đồng:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Trả lời:
(*) Bài biết tham khảo:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” – câu ca dao đó vẫn luôn vang vọng như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Xã hội hiện đại khiến cho con người trở nên vì chính mình nhiều hơn mà bỏ qua ý thức cộng đồng. Vậy ý thức cộng đồng phải hiểu chính xác là gì? Trước tiên, chúng ta phải hiểu được khái niệm ý thức. Ý thức vốn là một phạm trù triết học khá trừu tượng và khó hiểu. Nhưng hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp, tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.
Một người sống có ích cần có những biểu hiện qua hành động cụ thể. Đầu tiên, người đó cần biết tuân thủ những quy định của các cơ quan tổ chức hay hiến pháp pháp luật của nhà nước thì họ đang ý thức được trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống. Với những người xung quanh, chúng ta cần có sự tôn trọng và yêu thương chân thành. Với môi trường tự nhiên cũng cần phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn. Tất cả những hành động và việc làm của người có ý thức đều sẽ hướng đến lợi ích chung của cả cộng đồng.
Hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là nhiều người sống không có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều hành vi như buôn bán động vật hoang dã hay buôn bán trẻ em và phụ nữ. Đến việc phá hoại rừng, xả thải ra các con sông khiến môi trường bị ô nhiễm. Hay hành vi của nhóm nam thanh niên chưa đủ mười tám tuổi ở Hà Nội tổ chức đua xe máy. Những việc làm trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, môi trường sống tự nhiên và an toàn giao thông. Đó chỉ là một trong số ít những việc làm thiếu ý thức mà thôi. Nhưng bên cạnh đó cũng có vô số những hành động đẹp. Chắc hẳn chúng ta không thể quên được hình ảnh các chiến sĩ bộ đội phải lập trại ngủ ngoài rừng để canh phòng biên giới trong những ngày dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp. Hay hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của nhiều người trong khu cách ly được đăng tải trên mạng với thông điệp: “Cách ly không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ”, với hy vọng người dân hãy tự giác cách ly khi cần thiết. Đó chính là tinh thần một người vì mọi người, thể hiện ý thức cộng đồng cao.
Đối với một học sinh cuối cấp như tôi, trách nhiệm lớn nhất lúc này phải làm là cố gắng học tập thật tốt để hoàn thành xuất sắc kì thi sắp tới. Cũng như tích cực tham gia các hoạt động chung có ý nghĩa với cộng đồng. Tôi hy vọng rằng trong tương lai mình sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.
Quả thật, đúng như lời bài hát “Để gió cuốn đi”, mỗi người cần có một tấm lòng rộng mở, sống có ý thức và trách nhiệm hơn với xã hội. Chỉ như vậy, bản thân mới trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
* Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Luyện tập 3 trang 21 GDCD 9: Có ý kiến cho rằng, hiện nay, bên cạnh những học sinh, thanh niên có tấm lòng nhân ái thì vẫn còn những cá nhân sống ích kỉ, ham chơi, chỉ biết hưởng thụ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Em hãy nêu quan điểm của mình về ý kiến trên. Hãy lấy vi dụ chứng minh cho quan điểm đó.
Trả lời:
– Đồng tình với ý kiến: hiện nay, bên cạnh những học sinh, thanh niên có tấm lòng nhân ái thì vẫn còn những cá nhân sống ích kỉ, ham chơi, chỉ biết hưởng thụ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
– Chứng minh: một số hành vi thể hiện lối sống ích kỉ, cá nhân, thiếu trách nhiệm với cộng động:
+ Thiếu tích cực khi tham gia các hoạt động cộng đồng do nhà trường, địa phương,… tổ chức.
+ Xả rác bừa bãi; không tiết kiệm điện, nước, thức ăn,…
+ Thờ ơ, vô cảm trước hành vi bạo lực học đường,…
* Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Luyện tập 4 trang 21 GDCD 9: Em hãy cùng bạn thảo luận các tiêu chí để đánh giá trách nhiệm của học sinh trong việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng theo mẫu dưới đây:
Tiêu chí |
Biểu hiện cụ thể |
Tinh thần, thái độ tham gia hoạt động |
|
Mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao |
|
Thái độ hợp tác và hỗ trợ mọi người |
|
Kết quả vận động người thân, bạn bè tham gia hoạt động |
Trả lời:
Tiêu chí |
Biểu hiện cụ thể |
Tinh thần, thái độ tham gia hoạt động |
– Tích cực, hăng hái tham gia/ vận động người thân, bạn bè tham gia các hoạt động cộng đồng. – Chủ động nhận các nhiệm vụ; đóng góp công sức vào hoạt động chung của tập thể. – Đưa ra các nhận xét, đánh giá đúng đắn, khách quan và đề xuất những biện pháp để hoạt động chung được diễn ra thuận lợi, hoàn thành đúng mục tiêu đã đề ra. |
Mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao |
– Luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. – Dũng cảm nhận lỗi, không trốn tránh trách nhiệm (trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ). |
Thái độ hợp tác và hỗ trợ mọi người |
– Luôn giữ thái độ thân thiện, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành mục tiêu chung của tập thể. |
Kết quả vận động người thân, bạn bè tham gia hoạt động |
– Tuyên truyền, phổ biến được chương trình đến đông đảo người thân, bạn bè,… – Sử dụng nhiều phương pháp, hình thức mới, để góp phần lan tỏa chương trình đến đông đảo người dân hơn (ví dụ: sử dụng các trang mạng xã hội; phương tiện truyền thông,…) |
Luyện tập 5 trang 21 GDCD 9: Em hãy sưu tầm thông tin và chia sẻ trước lớp về những tấm gương (tổ chức, cá nhân) tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. Em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Trả lời:
(*) Tham khảo: tấm gương anh Sùng A Cải
– Anh Sùng A Cải, một người con dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, Sùng A Cải đã sáng lập ra Dự án “Ước mơ triệu cây xanh” với mục đích trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo mạch nước ngầm, bảo vệ đất và tạo sinh kế cho các hộ dân phát triển bền vững. Sau 6 năm hoạt động, dự án đã trồng được hơn 65.000 cây. Tổng số cây do người dân được vận động trồng lên tới hơn 700.000 cây tại tỉnh Yên Bái.
– Cùng với Dự án Ước mơ triệu cây xanh, Sùng A Cải đã sáng lập và quản lý 3 dự án: “Tri thức bản em” thành lập từ năm 2016 với mục đích quyên góp sách, truyện và văn phòng phẩm cho các thư viện trường học; “Nông trại quê em” nhằm phát triển hoa màu vụ đông, cung cấp nguồn hoa màu đa dạng cho dịp tết; “Ươm mầm” thành lập năm 2022 nhằm cung cấp học bổng, quà cho các em học sinh nghèo vượt khó đỗ các trường nội trú và học chuyên nghiệp; tổ chức các hoạt động hướng nghiệp… Riêng năm 2022, nhóm của Sùng A Cải đã kêu gọi, tổ chức được rất nhiều hoạt động thiện nguyện với giá trị gần 500 triệu đồng.
– Với những đóng góp của mình, Sùng A Cải đã được vinh danh tại Lễ tôn vinh Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng 2022 do Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tổ chức.
Anh Sùng A Cải được vinh danh tại Lễ tôn vinh Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng 2022
* Bài học: tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để đóng góp sức lực nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
* Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Vận dụng 1 trang 21 GDCD 9: Em hãy thực hiện kế hoạch tham gia hoạt động cộng đồng và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo tiêu chí đã xây dựng.
Trả lời:
(*) Tham khảo: Kế hoạch tuyên truyền “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông”
– Mục tiêu: nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông
– Đối tượng: người dân trên địa bàn tổ dân phố X
– Nội dung tuyên truyền:
+ Luật giao thông đường bộ.
+ Các tình huống ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông.
+ Giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, người gặp khó khăn khi tham gia giao thông.
+ Giảm tiếng ồn khi tham gia giao thông.
– Người thực hiện việc tuyên truyền:
+ Học sinh trường THCS X
+ Chi đoàn Tổ dân phố X (thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường ….)
– Thời gian, địa điểm:
+ Thời gian: đầu giờ buổi sáng (6 giờ – 7 giờ 30 phút) và cuối giờ chiều (17 giờ – 18 giờ 30 phút) các ngày cuối tuần.
+ Địa điểm: nhà văn hóa tổ dân phố X
– Kết quả dự kiến:
+ Người tham gia giao thông hiểu biết thêm về Luật giao thông đường bộ.
+ Người tham gia giao thông chủ động giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, nhường đường cho người đi bộ.
+ Người tham gia giao thông chấp hành Luật giao thông đường bộ tốt hơn.
+ Người tham gia giao thông hạn chế sử dụng còi xe khi không cần thiết.
* Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Vận dụng 2 trang 21 GDCD 9: Em hãy làm một sản phẩm (một bức thư, bài thuyết trình, video, … ) mang thông điệp tuyên truyền về trách nhiệm của mỗi học sinh khi tham gia hoạt động chung của cộng đồng.
Trả lời:
(*) Sản phẩm tham khảo (tranh vẽ):
Xem thêm các bài giải bài tập Giáo dục công dân 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 2: Khoan dung
Bài 3: Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng
Bài 4: Khách quan và công bằng
Bài 5: Bảo vệ hoà bình
Bài 6: Quản lí thời gian hiệu quả
Bài 7: Thích ứng với thay đổi