Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, ôn luyện trắc nghiệm từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung Bài 18: Sinh quyển. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của sinh vật Địa lí lớp 10.
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Địa Lí 10 Bài 18: Sinh quyển. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của sinh vật:
ĐỊA LÍ 10 BÀI 18: SINH QUYỂN. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CỦA SINH VẬT
Phần 1: Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 18: Sinh quyển. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của sinh vật
I. Sinh quyển
– Khái niệm: Là một quyển của Trái Đất, trong đó có toàn bộ sinh vật sinh sống.
– Phạm vi của sinh quyển:
+ Phía trên: tiếp xúc với tầng ô dôn.
+ Phía dưới: đến đáy đại dương nơi sâu nhất trên 11km, trên lục địa đáy của lớp vỏ phong hóa.
Kết luận: Sinh quyển bao gồm toàn bộ tầng thấp của khí quyển, toàn bộ thủy quyển và phần trên của thạch quyển.
II. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của sinh vật
1. Khí hậu
– Nhiệt độ:
+ Mỗi loài thích nghi với một giới hạn nhiệt nhất định.
+ Nhiệt độ thích hợp, sinh vật phát triển nhanh, thuận lợi.
– Nước và độ ẩm không khí: là môi trường thuận lợi, sinh vật phát triển mạnh.
– Ánh sáng:
+ Quyết định quá trình quang hợp của cây xanh.
+ Cây ưa sáng phát triển tốt ở nơi có đầy đủ ánh sáng, những cây chịu bóng thường sống trong bóng râm.
2. Đất
– Đặc điểm: Các đặc tính lí, hóa, độ phì ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của thực vật.
– Ví dụ: Đất ngập mặn có rừng ngập mặn; đất feralit đỏ vàng có rừng xích đạo, cây lá rộng; đất chua phèn có cây tràm, cây lác,…
Hình 18.1. Mẫu diện đất feralit ở Việt Nam
3. Địa hình
– Độ cao: Lên cao nhiệt độ thay đổi, độ ẩm thay đổi, thực vật phân bố thành vành đai khác nhau.
– Hướng sườn: Hướng sườn có ánh sáng khác nhau, thực vật phân bố khác nhau.
Hình 18.2. Các vành đai thực vật theo độ cao ở núi An-pơ (châu Âu)
4. Sinh vật
– Thức ăn là nhân tố sinh học quyết định sự phân bố, phát triển của động vật.
– Mối quan hệ: Nơi nào thực vật phong phú thì động vật phong phú và ngược lại.
5. Con người
– Ảnh hưởng đến phạm vi phân bố của sinh vật (mở rộng hay thu hẹp).
– Ví dụ:
+ Tích cực: Trồng rừng, mở rộng diện tích rừng.
+ Tiêu cực: Khai thác rừng bừa bãi, rừng thu hẹp.
Phần 2: 14 câu hỏi trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 18: Sinh quyển. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của sinh vật
Câu 1: Nhân tố địa hình ảnh hưởng đến sự phân bố và phát triển của thực vật ở vùng núi thông qua
A. Đặc điểm bề mặt địa hình.
B. Độ cao và hướng các dãy núi.
C. Độ dốc địa hình.
D. Độ cao và hướng sườn.
Lời giải:
Độ cao, hướng sườn ảnh hưởng đến phân bố và phát triển:
+ Lên cao nhiệt độ thay đổi, độ ẩm thay đổi, thực vật phân bố thành vành đai khác nhau.
+ Hướng sườn có ánh sáng khác nhau, thực vật phân bố khác nhau
Đáp án cần chọn là: D
Câu 2: Yếu tố quyết định tới quá trình quang hợp của cây xanh là
A. Ánh sáng
B. Nhiệt độ
C. Nước và độ ẩm
D. Độ cao địa hình
Lời giải:
Ánh sáng quyết định quá trình quang hợp của cây xanh. Cây ưa sáng phát triển tốt ở nơi có đầy đủ ánh sáng, những cây chịu bóng thường sống trong bóng râm.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 3: Nhận định nào sau đây không đúng khi nói về tác động tích cực của con người đối với sự phát triển và phân bố sinh vật trên Trái Đất?
A. Con người đã thu hẹp diện tích rừng làm tuyệt chủng nhiều loài động thực vật.
B. Con người đã biết lai tạo để cho ra nhiều giống mới làm đa dạng thêm giới sinh vật.
C. Con người đã di cư các loại cây trồng và vật nuôi làm thay đổi sự phân bố nguyên thủy.
D. Con người tiến hành trồng rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc.
Lời giải:
Xác định từ khóa “nhận định không đúng về tác động tích cực’’ → tìm ra tác động tiêu cực.
Hoạt động chặt phá rừng quá mức đã làm thu hẹp diện tích rừng, làm tuyệt chủng nhiều loài động thực vật trên Trái Đất. Ở nước ta, diện tích rừng bị thu hẹp cũng ảnh hưởng đến đời sống nhiều loài chim thú quý.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 4: Trong những nhân tố tự nhiên, nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển và phân bố của sinh vật là
A. Khí hậu
B. Đất
C.Địa hình
D. Bản thân sinh vật
Lời giải:
Sự phát triển và phân bố của sinh vật phụ thuộc chặt chẽ vào 5 yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nước và chất dinh dưỡng. Trong đó có tới 4 nhân tố (nhiệt độ, độ ẩm, nước, ánh sáng) thuộc khí hậu.
⇒ các yếu tố trên của khí hậu có tác động trực tiếp đến sự phát triển và phân bố của sinh vật, biểu hiện:
– Nhiệt độ: Mỗi loài thích nghi với một giới hạn nhiệt độ nhất định. Nhiệt độ thích hợp, sinh vật phát triển nhanh, thuận lợi.
Ví dụ: Chè là loài cây có nguồn gốc cận nhiệt, chỉ phát triển tốt nhất ở điều kiện khí hậu mát mẻ, độ ẩm vừa phải..
Các loài cây ôn đới như mận đào,lê, táo phát triển ở vùng ôn đới núi cao; chuối, sầu riêng, xoài, nhãn ưa khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới…
– Nước và độ ẩm không khí: là môi trường thuận lợi, sinh vật phát triển mạnh.
Ví dụ: Nước ta thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm có nguồn nước dồi dào, độ ẩm lớn cây cối sinh trưởng xanh tốt quanh năm.
– Ánh sáng: quyết định quá trình quang hợp của cây xanh
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: Thực vật có ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố động vật chủ yếu do
A. Thực vật là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật
B. Thực vật là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật.
C. Sự phát triển thực vật làm thay đổi môi trường sống của động vật.
D. Sự phát tán một số loài thực vật mang theo một số loài động vật nhỏ.
Lời giải:
Thức ăn là nhân tố quyết định đối với sự phát triển và phân bố động vật.
– Thực vật là nguồn thức ăn quan trọng đối với nhiều loài động vật, rừng còn là nơi cư trú của nhiều loài chim thú.
– Mặt khác nhiều động vật ăn thực vật lại là thức ăn của động vật ăn thịt → sư phát triển phân bố các loài động vật ăn thực vật kéo theo sự phát triển và phân bố của nhiều động vật ăn thịt.
⇒ Như vậy, nơi nào thực vật phong phú thì động vật cũng phong phú và ngược lại.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 6: Giới hạn phía trên của sinh quyển là
A. Nơi tiếp giáp lớp ôzôn của khí quyển (22km).
B. Đỉnh của tầng đối lưu (ở xích đạo là 16 km, ở cực khoảng 8 km).
C. Đỉnh của tầng bình lưu (50 km).
D. Đỉnh của tầng giữa (80 km).
Lời giải:
Ranh giới phía trên của sinh quyển là tiếp xúc với tầng ôzôn.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 7: Giới hạn phía dưới của sinh quyển là
A. Tới thềm lục địa (ở đại dương) và hết lớp vỏ lục địa.
B. Tới thềm lục địa (ở đại dương) và hết lớp vỏ phong hóa (trên lục địa).
C. Tới đáy đại dương và hết lớp vỏ phong hóa (trên lục địa).
D. Tới đáy đại dương và hết lớp vỏ lục địa.
Lời giải:
Ranh giới phía dưới của sinh quyển đến đáy đại dương nơi sâu nhất trên 11km, trên lục địa đáy của lớp vỏ phong hóa.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 8: Phạm vi của sinh quyển bao gồm các quyển nào dưới đây ?
A. Tầng thấp của khí quyển và toàn bộ thủy quyển.
B. Tầng thấp của khí quyển, toàn bộ thủy quyển và phần trên của thạch quyển.
C. Toàn bộ thủy quyển và thổ nhưỡng quyển.
D. Toàn bộ thạch quyển và thổ nhưỡng quyển.
Lời giải:
Sinh quyển bao gồm tầng thấp của khí quyển, toàn bộ thủy quyển và phần trên của thạch quyển.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 9: Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và phân bố của sinh vật, chủ yếu thông qua các yếu tố
A. Gió, nhiệt độ, nước, ánh sáng.
B. Nhiệt độ, nước, độ ẩm không khí, ánh sáng.
C. Khí áp, nước, độ ẩm không khí, ánh sáng.
D. Khí áp, gió, nhiệt độ, nước, ánh sáng.
Lời giải:
Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và phân bố của sinh vật, chủ yếu thông qua các yếu tố: nhiệt độ, nước, độ ẩm không khí, ánh sáng.
– Nhiệt độ: Mỗi loài thích nghi với một giới hạn nhiệt nhất định. Nhiệt độ thích hợp, sinh vật phát triển nhanh, thuận lợi.
– Nước và độ ẩm không khí: là môi trường thuận lợi, sinh vật phát triển mạnh.
– Ánh sáng: quyết định quá trình quang hợp của cây xanh. Cây ưa sáng phát triển tốt ở nơi có đầy đủ ánh sáng, những cây chịu bóng thường sống trong bóng râm.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 10: Nhân tố đất ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của thực vật thông qua
A. Đặc tính lí, hóa của đất.
B. Tầng đất mỏng hay dày.
C. Màu sắc của đất.
D. Kích thước hạt đất và độ mềm, cứng.
Lời giải:
Các đặc tính lí, hóa, độ phì ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của thực vật.
Ví dụ: Đất ngập mặn có rừng ngập mặn; đất feralit đỏ vàng có rừng xích đạo, cây lá rộng; đất chua phèn có cây tràm, cây lác…
Đáp án cần chọn là: A
Câu 11: Kiểu khí hậu nào dưới đây có điều kiện thuận lợi nhất cho cây cối sinh trưởng và phát triển ?
A. Khí hậu nhiệt đới gió mùa
B. Khí hậu xích đạo ẩm
C. Khí hậu cận nhiệt địa trung hải
D. Khí hậu ôn đới lục địa
Lời giải:
Vùng khí hậu xích đạo ẩm (50B đến 50N) quanh năm nhận được lượng nhiệt lớn, độ ẩm không khí cao (>80%), lượng mưa lớn (1500 -2000mm hoặc hơn); bức xạ mặt trời lớn, số giờ nắng trong năm lớn.
⇒ Điều kiện nhiệt ẩm dồi dào, lượng mưa lớn, ánh sáng chan hòa quanh năm → rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cối, rừng có nhiều tầng cây phát triển rậm rạp.
Ví dụ: Rừng rậm A-ma-dôn, rừng xích đạo ẩm ở Trung Phi
Đáp án cần chọn là: B
Câu 12: Ở nước ta, các loài cây sú, vẹt, đước, bần chỉ phát triển và phân bố trên loại đất nào ?
A. Đất phù sa ngọt.
B. Đất feralit đồi núi
C. Đất chua phen
D. Đất ngập mặn
Lời giải:
Sú, vẹt bần, đước là các loại cây ngập mặn điển hình.
⇒ Chúng chỉ phát triển và phân bố trên loại đất ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số vùng ven biển các tỉnh phía Bắc (Nam Định, Ninh Bình…)
Đáp án cần chọn là: D
Câu 13: Ảnh hưởng rõ rệt nhất của con người đối với sự phân bố sinh vật trên Trái Đất thể hiện ở việc
A. Mở rộng thu hẹp diện tích rừng trên bề mặt trái đất.
B. Di chuyển giống cây trồng, vật nuôi từ nơi này tới nơi khác.
C. Làm tuyệt chủng một số loài động vật, thực vật.
D. Tạo ra một số loài động, thực vật mới trong quá trình lai tạo.
Lời giải:
Ảnh hưởng rõ rệt nhất của con người đối với sự phân bố sinh vật trên Trái Đất thể hiện ở việc con người mở rộng hoặc thu hep phạm vi phân bố sinh vật trên Trái Đất.
– Con người đã đưa các loại cây trồng như cam, chanh, trẩu mía, từ châu Á và châu Âu…sang trồng ở Nam Mĩ và châu Phi.
– Ngược lại, các loài như khoai tây, thuốc lá, cao su… lại được chuyển từ châu Mĩ sang trồng ở châu Phi, châu Á.
– Nhiều loài động vật như bò, cừu, thỏ sang nuôi ở Ô-xtrây-li-a và Niu Di –lân.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 14: Ở vùng khí hậu cận nhiệt lục địa, cây cối hầu như không phát triển, hình thành các hoang mạc, nguyên nhân chủ yếu là do
A. gió thổi quá mạnh
B. nhiệt độ quá cao
C. độ ẩm quá thấp
D. thiếu ánh sáng
Lời giải:
Vùng khí hậu cận nhiệt lục địa phân bố chủ yếu ở vùng sơn nguyên Iran (châu Á) – thuộc Tây Nam Á. Khu vực này nằm gần đường chí tuyến, khu vực thống trị của các khối áp cao, chỉ có gió thổi đi không có gió thổi đến; mặt khác vị trí nằm cách xa biển nên ít chịu ảnh hưởng của các khối khí ẩm từ biển vào ⇒ khiến cho lượng ẩm của vùng rất thấp, mưa rất ít → khí hậu khô hạn, hình thành các hoang mạc, cây cối hầu như không phát triển.
Đáp án cần chọn là: C
Xem thêm