Giải Chuyên đề Địa lí 10 Chuyên đề 2: Đô thị hóa
I. Khái niệm
Mở đầu trang 16 Chuyên đề Địa lí 10: Đô thị hóa là gì? Đô thị hóa ở các nước phát triển và các nước đang phát triển khác nhau như thế nào?
Trả lời:
* Khái niệm đô thị hóa:
– Theo nghĩa hẹp: Đô thị hóa là quá trình phát triển đô thị, với biểu hiện đặc trưng là tăng quy mô dân số và diện tích đô thị.
– Theo nghĩa rộng: Đô thị hóa không chỉ là quá trình tăng quy mô dân số đô thị và mở rộng diện tích đô thị, mà còn bao gồm cả những thay đổi về phân bố dân cư, cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và trong lối sống, văn hóa, tổ chức không gian môi trường sống.
* Sự khác nhau giữa đô thị hóa ở các nước phát triển và các nước đang phát triển:
Tiêu chí | Các nước phát triển | Các nước đang phát triển |
Đặc điểm đô thị hóa | – Đô thị hoá diễn ra sớm, gắn liền với công nghiệp hoá.- Số dân thành thị tăng nhưng tốc độ tăng dân số thành thị lại giảm.- Tỉ lệ dân thành thị cao nhưng không đều giữa các khu vực, các nước.- Số lượng đô thị tăng chậm hơn ở các nước đang phát triển | – Đô thị hoá diễn ra muộn và gắn liền với bùng nổ dân số và công nghiệp hóa.- Số dân thành thị tăng nhanh dẫn đến tốc độ tăng dân số thành thị cao- Tỉ lệ dân thành thị nhìn chung còn thấp và có sự khác biệt giữa các khu vực và các nước- Số lượng các đô thị và quy mô đô thị đều tăng nhanh. |
Xu hướng đô thị hóa | – Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm.- Quy mô dân số đô thị, nhất là siêu đô thị ít thay đổi.- Các đô thị mở rộng ra vùng ngoại ô.- Ưu tiên phát triển đô thị nhỏ và vừa, đô thị vệ tinh xung quanh các đô thị lớn.- Tái tạo đô thị theo hướng đô thị xanh. | – Tốc độ tăng dân số thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn khá cao nhưng có xu hướng giảm dần.- Số lượng các đô thị lớn và các siêu đô thị vẫn tiếp tục tăng.- Trong tương lai, đô thị hóa cũng sẽ chuyển sang hướng phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị vừa và nhỏ hiện đại hóa và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị. |
1. Đô thị hóa
Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin trong mục 1, hãy trình bày khái niệm đô thị hóa.
Trả lời:
* Khái niệm đô thị hóa:
– Theo nghĩa hẹp: Đô thị hóa là quá trình phát triển đô thị, với biểu hiện đặc trưng là tăng quy mô dân số và diện tích đô thị.
– Theo nghĩa rộng: Đô thị hóa không chỉ là quá trình tăng quy mô dân số đô thị và mở rộng diện tích đô thị, mà còn bao gồm cả những thay đổi về phân bố dân cư, cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và trong lối sống, văn hóa, tổ chức không gian môi trường sống.
2. Tỉ lệ dân thành thị
Câu hỏi trang 17 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 2 và hình 1, hãy:
– Nêu ý nghĩa của tỉ lệ dân thành thị.
– Nhận xét sự phân hóa về tỉ lệ dân thành thị của các nước, năm 2020.
Trả lời:
– Yêu cầu số 1: Ý nghĩa của tỉ lệ dân thành thị:
+ Tỉ lệ dân thành thị là chỉ báo về mức độ đô thị hóa của một quốc gia. Tỉ lệ dân thành thị lớn thường thể hiện mức độ đô thị hóa cao.
+ Tỉ lệ dân thành thị cho biết trình độ phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Những khu vực và các nước có tỉ lệ dân thành thị cao thường có hoạt động kinh tế và chất lượng cuộc sống của cư dân cao hơn.
– Yêu cầu số 2: Nhận xét sự phân hóa về tỉ lệ dân thành thị của các nước, năm 2020: Tỉ lệ dân thành thị năm 2020 có sự khác nhau giữa các khu vực và các nước, chủ yếu là sự phân hóa giữa các nước phát triển và các nước đnag phát triển.
+ Các nước phát triển như: Mỹ, Ca-na-da, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển và một số nước lớn như Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a có tỉ lệ dân thành thị cao nhất, chiếm trên 80% trở lên.
+ Một số nước có tỉ lệ dân đô thị cao từ 60% đến 80% là Nga, Trung Quốc,Cô-lôm-bi-a, Pê-ru, I-Ran,…
+ Một số nước có tỉ lệ dân đô thị khá cao đạt từ 40% – 60% là Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ai Cập, Ca-dắc-xtan, Công-gô,…
+ Một số nước có tỉ lệ dân đô thị thấp nhất chỉ dưới 40% là Ấn Độ, Việt Nam, Lào, Mi-an-ma,…
II. Đô thị hóa ở các nước phát triển
1. Đặc điểm đô thị hóa
Câu hỏi trang 19 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 1, bảng 1 và hình 2, hãy phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển.
Trả lời:
* Đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển:
– Quá trình đô thị hóa diễn ra sớm, gắn liền với công nghiệp hóa
+ Vào cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, cách mạng công nghiệp diễn ra, dẫn đến đô thị hóa nhanh ở nhiều nước tư bản châu Âu và Bắc Mỹ.
+ Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa gắn liền với nhau nên các đô thị thường có quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước,…).
+ Cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu lao động xã hội chuyển biến theo.
– Số dân thành thị tăng nhưng tốc độ tăng dân số thành thị lại giảm
+ Số dân thành thị ở các nước phát triển không ngừng tăng, đạt 1003.5 triệu người vào năm 2020.
+ Tốc độ tăng dân số thành thị ở các nước phát triển lại có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do: các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa; đô thị hóa đã đạt trình độ cao; dân thành thị chuyển từ vùng trung tâm về các đô thị vệ tinh hoặc ra vùng ngoại ô.
– Tỉ lệ dân thành thị cao nhưng không đều giữa các khu vực, các nước
+ Tỉ lệ dân thành thị của phần lớn các nước phát triển đều cao hơn mức trung bình của thế giới và của các nước đang phát triển.
+ Các khu vực có tỉ lệ dân thành thị cao như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu,… Các khu vực có tỉ lệ dân thành thị thấp hơn là Đông Á, Đông Âu.
+ Tỉ lệ dân thành thị cũng có sự khác nhau rõ rệt giữa các nước.
– Số lượng đô thị tăng chậm hơn ở các nước đang phát triển
+ Các siêu đô thị (Niu Oóc và Tô-ky-ô) ra đời đầu tiên ở các nước phát triển.
+ Năm 2020 trên toàn thế giới có 34 siêu đô thị, các nước phát triển chỉ có 6 siêu đô thị.
2. Quy mô đô thị
Câu hỏi trang 20 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin mục 2, hình 3 và bảng 2, hãy:
– Phân biệt quy mô đô thị ở các nước phát triển.
– Xác định vị trí các siêu đô thị của các nước phát triển.
– Nhận xét sự thay đổi quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển trong giai đoạn 1950 – 2020.
Trả lời:
Yêu cầu số 1:
– Phân biệt quy mô đô thị ở các nước phát triển: dựa vào quy mô dân số
+ Đô thị nhỏ có số dân từ 0,3 đến dưới 1 triệu dân.
+ Đô thị trung bình có số dân từ 1 đến dưới 5 triệu dân.
+ Đô thị lớn có số dân từ 5 đến dưới 10 triệu dân.
+ Đô thị cực lớn (siêu đô thị) có từ 10 triệu dân trở lên.
– Xác định vị trí các siêu đô thị của các nước phát triển: Tô-ky-ô, Ô-xa-ca (Nhật Bản); Niu Oóc, Lốt An-giơ-lét (Hoa Kỳ); Pa-ri (Pháp), Mát-xcơ-va (Nga).
– Yêu cầu số 2: Nhận xét sự thay đổi quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển trong giai đoạn 1950 – 2020: Nhìn chung quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển đều tăng trong giai đoạn 1950 – 2020, tuy nhiên có thể chia làm hai thời kì:
+ Thời kỳ tăng nhanh từ 1950 – 2000: quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển tăng nhanh. Đặc biệt như siêu đô thị Tô-ky-ô (Nhật Bản) tăng từ 11,3 triệu người (1950) lên đến 34,5 triệu người (2000), tăng 23,2 triệu người trong 50 năm.
+ Thời kì tăng chậm và ổn định từ 2000 – 2020: trong 20 năm này, quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển tăng chậm và giữ ổn định. Cụ thể như Tô-ky-ô (Nhật Bản) tăng từ 34,5 triệu người (2000) lên 37,4 triệu người (2020), chỉ tăng 2,9 triệu người trong 20 năm.
3. Xu hướng đô thị hóa
Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 3, hình 6 và bảng 3, hãy nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước phát triển.
Trả lời:
* Nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước phát triển.
– Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm. Vì tốc độ đô thị hoá của các nước phát triển sẽ duy trì ở mức thấp và chậm dần.
– Quy mô dân số đô thị, nhất là siêu đô thị ít thay đổi. Vì đô thị quá chật chội và đông đúc, số dân ở các siêu đô thị sẽ hầu như không thể tăng thêm. Xu hướng người dân chuyển ra vùng ngoài đô thị vì rộng rãi, thoải mái hơn.
– Các đô thị mở rộng ra vùng ngoại ô. Vì người dân thích sống ở vùng ven đô hơn là trong những trung tâm thành phố đắt đỏ. Ở vùng ngoại ô cuộc sống hiện đại và không chịu áp lực như ở vùng trung tâm đô thị.
– Ưu tiên phát triển đô thị nhỏ và vừa, đô thị vệ tinh xung quanh các đô thị lớn. Vì nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các siêu đô thị, phát triển các đô thị vừa và nhỏ, đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị lớn, mở rộng đô thị ra xung quanh.
– Tái tạo đô thị theo hướng đô thị xanh. Vì hướng tới gần gũi và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường đô thị, sức khỏe người dân đô thị và sự phát triển đô thị trong tương lai.
III. Đô thị hóa ở các nước đang phát triển
1. Đặc điểm đô thị hóa
Câu hỏi trang 24 Chuyên đề Địa lí 10: 1. Đọc thông tin trong mục 1, bảng 4 và hình 7, hãy phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các nước đang phát triển.
2. Dựa vào hình 3, hãy xác định một số siêu đô thị của các nước đang phát triển.
Trả lời:
Yêu cầu số 1: Đặc điểm đô thị hóa ở các nước đang phát triển:
– Đô thị hóa diễn ra muộn, gắn liền với bùng nổ dân số và công nghiệp hóa
+ Sự bùng nổ dân số đã kéo theo sự “bùng nổ” đô thị hóa.
+ Nhiều đô thị ở các nước đang phát triển được hình thành như: Thượng Hải (Trung Quốc), Niu Đê-li (Ấn Độ), Mê-hi-cô Xi-ti (Mê-hi-cô),…
+ Nhiều nước đang phát triển có quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh, càng làm cho đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
– Số dân thành thị tăng nhanh dẫn đến tốc độ tăng dân số thành thị cao
+ Các nước đang phát triển có số dân thành thị tăng nhanh và ngày càng chiếm tỉ lệ cao.
+ Đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn công nghiệp hóa.
+ Tốc độ tăng dân số thành thị của các nước đang phát triển vẫn cao mặc dù có xu hướng giảm.
– Tỉ lệ dân thành thị nhìn chung còn thấp và có sự khác biệt giữa các khu vực và các nước
+ Tỉ lệ dân thành thị của các nước đang phát triển thấp hơn mức trung bình của thế giới (năm 2020, tỉ lệ dân thành thị của các nước đang phát triển đạt 51.7%, trong khi thế giới là 56.2%)
+ Tỉ lệ dân thành thị của các nước có sự khác biệt lớn giữa các khu vực và các nước.
+ Tỉ lệ dân thành thị ở các nước đang phát triển nhìn chung là thấp, tuy nhiên, một số nước vẫn có tỉ lệ dân thành thị cao (như: Trung Quốc, Ác-hen-ti-na; Bra-xin…)
– Số lượng các đô thị và quy mô đô thị đều tăng nhanh
+ Số lượng các đô thị và quy mô đô thị ở các nước đang phát triển tăng nhanh.
+ Số lượng đô thị ngày càng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số đô thị của thế giới. Đặc biệt, số lượng các đô thị lớn và siêu đô thị tăng rất nhanh.
+ Sự tăng trưởng dân số đô thị chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn và các siêu đô thị.
Yêu cầu số 2: Một số siêu đô thị của các nước đang phát triển.
– Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc
– Niu-đê-li và Mum-bai của Ấn Độ
– Cai-rô của Ai Cập
– Xao-pao-lô của Bra-xin
– Mê-hi-cô Xi-ti của Mê-hi-cô
2. Xu hướng đô thị hóa
Câu hỏi trang 24 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 2 và hình 8, hãy nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước đang phát triển.
Trả lời:
* Nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước đang phát triển:
– Tốc độ tăng dân số thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn khá cao nhưng có xu hướng giảm dần. Vì các nước đang phát triển có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, lao động sẽ ngày càng có xu hướng tập trung tại các đô thị.
– Số lượng các đô thị lớn và các siêu đô thị vẫn tiếp tục tăng. Do các nước đang phát triển vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế nhanh.
– Trong tương lai, đô thị hóa cũng sẽ chuyển sang hướng phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị vừa và nhỏ hiện đại hóa và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị. Vì sự phát triển nhanh các đô thị lớn và cực lớn gây nên nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển đô thị vệ tinh, đô thị vừa và nhỏ để khống chế có hiệu quả dân số của các đô thị lớn và siêu đô thị, giảm sức ép về dân số, lao động, việc làm, môi trường. Việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần nâng cao vai trò của đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.
IV. Tác động của đô thị ở các nước đang phát triển
1. Tác động đến kinh tế
Câu hỏi trang 25 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 1, hãy phân tích tác động của quá trình đô thị hóa đến kinh tế ở các nước đang phát triển.
Trả lời:
* Tác động của quá trình đô thị hóa đến kinh tế ở các nước đang phát triển:
a) Tích cực
– Đô thị hóa kéo theo sự chuyển dịch lao động từ đó thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
– Năng suất lao động ở các khu vực công nghiệp, dịch vụ cao hơn ở khu vực nông nghiệp giúp thu nhập của lao động ở các khu vực phi nông nghiệp cao hơn ở khu vực nông nghiệp.
– Các đô thị là thị trường tiêu thụ lượng hàng hóa lớn và đa dạng.
– Các đô thị cũng là nơi thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
– Sự phát triển đô thị dẫn tới sự phát triển hạ tầng đô thị.
b) Tiêu cực
– Quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước,…) và hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, vui chơi giải trí,…) ở đô thị do số dân đô thị tăng nhanh.
– Tăng sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn.
2. Tác động đến dân cư, xã hội
Câu hỏi trang 25 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 2, hãy phân tích tác động của quá trình đô thị hóa đến dân cư – xã hội ở các nước đang phát triển.
Trả lời:
* Tác động của quá trình đô thị hóa đến dân cư – xã hội ở các nước đang phát triển:
a) Tích cực
– Đô thị hóa tạo ra nhiều việc làm mới cho dân cư, làm thay đổi sự phân bố dân cư và lao động, thay đổi cơ cấu dân số, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng trong đời sống xã hội.
– Nâng cao thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.
– Đô thị hóa giúp phổ biến lối sống thành thị. Đó là lối sống với phong cách làm việc công nghiệp, tôn trọng pháp luật.
– Đô thị hóa làm chậm tốc độ tăng tự nhiên của dân số, giúp cơ cấu dân số ổn định hơn, chất lượng dân cư cao hơn.
b) Tiêu cực
– Lao động và việc làm là những vấn đề nan giải trong quá trình đô thị hóa.
– Ảnh hưởng đến nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp ở nông thôn.
– Nhà ở là vấn đề lớn đối với đô thị. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
3. Tác động đến môi trường
Câu hỏi trang 26 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 3, hãy phân tích tác động của quá trình đô thị hóa đến môi trường ở các nước đang phát triển.
Trả lời:
* Tác động của quá trình đô thị hóa đến môi trường ở các nước đang phát triển:
a) Tích cực
– Đô thị hóa gắn liền với việc mở rộng và phát triển không gian đô thị, hình thành môi trường đô thị (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – kĩ thuật,…).
– Tạo động lực phát triển quốc gia, lãnh thổ và nâng cao mức sống nhân dân.
b) Tiêu cực
– Phát triển đô thị, mở rộng đô thị, thay đổi mục đích sử dụng đất khiến môi trường thay đổi, một số hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp bị mất đi.
– Đô thị góp phần tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, đe doạ sự phát triển bền vững.
4. Tác động của đô thị hóa ở Việt Nam
Câu hỏi trang 27 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 4, hãy nêu tác động của quá trình đô thị hóa đối với nước ta.
Trả lời:
* Tác động của quá trình đô thị hóa đối với nước ta:
a) Tích cực
– Đô thị hóa dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Khu vực đô thị ngày càng có đóng góp tỉ lệ lớn trong tổng GDP cả nước
– Phát triển đô thị góp phần quan trọng vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
– Đô thị hóa đi liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ đã tạo ra lượng việc làm lớn, tăng thu nhập cho người lao động.
– Không gian đô thị mở rộng kéo theo cơ sở hạ tầng có quy mô ngày càng lớn, chất lượng hạ tầng dần được cải thiện.
– Lối sống đô thị lan toả và phát huy nhiều mặt tích cực trong đời sống xã hội.
b) Tác động tiêu cực
– Số dân đô thị tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng đô thị phát triển không theo kịp đã dẫn tới những hệ lụy, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tạo sức ép lên việc làm,…
– Nhiều mặt tiêu cực của lối sống đô thị cũng lan về nông thôn, phá vỡ nhiều nét đẹp lâu đời của làng quê.
– Chênh lệch mức sống trong dân cư ngày càng lớn, ảnh hưởng tới trật tự xã hội,…
Câu 1 trang 27 Chuyên đề Địa lí 10: Hãy so sánh đặc điểm đô thị hóa giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Trả lời:
1. So sánh đặc điểm đô thị hóa giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Câu 2 trang 27 Chuyên đề Địa lí 10: Cho bảng số liệu:
Bảng 5: Số dân thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 – 2020
(Đơn vị: triệu người)
1950 | 1980 | 2000 | 2020 | |
Số dân thành thị | 750.9 | 1754.2 | 2868.3 | 4379.0 |
Số dân nông thôn | 1785.5 | 2703.8 | 3275.2 | 3416.0 |
Tổng số dân | 2536.4 | 4458.0 | 6143.5 | 7795.0 |
Hãy vẽ biểu đồ thể hiện sự thay đổi cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 – 2020. Nêu nhận xét.
Trả lời:
– Xử lí số liệu:
Bảng: Số dân thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 – 2020 (Đơn vị: %)
1950 | 1980 | 2000 | 2020 | |
Số dân thành thị | 29.6 | 39.3 | 46.7 | 56.2 |
Số dân nông thôn | 70.4 | 60.7 | 53.3 | 43.8 |
Tổng số dân | 100 | 100 | 100 | 100 |
– Vẽ biểu đồ:
– Nhận xét:
Nhìn chung cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 – 2020 có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ dân số nông thôn, tăng tỉ lệ dân số thành thị.
+ Tỉ lệ dân thành thị tăng từ 29,6% (1950) lên đến 56,2% (2020), tăng 26,6%, tương đương tỉ lệ dân nông thôn cũng giảm 26,6%.
+ Từ 1950 đến 2000 tỉ lệ dân nông thôn vẫn chiếm ưu thế >50% so với tỉ lệ dân thành thị, cụ thể năm 2000 là 53,3%.
+ Từ 2000 đến 2020, tỉ lệ dân thành thị đã vượt lên >50% so với tỉ lệ dân nông thôn, cụ thể năm 2020 là 56,2%.
Vận dụng trang 27 Chuyên đề Địa lí 10: Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:
1. Sưu tầm thông tin tìm hiểu về một siêu đô thị trên thế giới
2. Tìm hiểu và đề xuất một số biện pháp để khắc phục một trong những vấn đề nan giải ở các đô thị lớn của nước ta hiện nay (gợi ý vấn đề: ùn tắc giao thông, tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, di cư tự do vào đô thị, ô nhiễm môi trường đô thị,…).
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ 1. Sưu tầm thông tin tìm hiểu về một siêu đô thị trên thế giới
* Tìm hiểu về Siêu đô thị lớn nhất thế giới Tokyo
– Thuở mới hình thành, Tokyo là một làng chài nhỏ với tên gọi Edo. Hiện thành phố này đã trở thành một siêu đô thị với tỷ lệ dân số cao nhất thế giới. Đến thăm Nhật Bản hầu hết du khách đều ngạc nhiên trước lượng người chen chúc nhau trên những chuyến tàu vào giờ cao điểm. Shibuya của Tokyo cũng được bình chọn là giao lộ đông đúc nhất hành tinh.
– Theo số liệu thống kê năm 2020, Tokyo là địa phương đông dân nhất Nhật Bản với hơn 38 triệu người (bao gồm cả Kanagawa liền kề, các tỉnh Saitama và Chiba).
– 420.000 người di cư đến Tokyo chỉ trong một năm
+ Chỉ trong một năm 2017, khoảng 420.000 người từ khắp các vùng của Nhật Bản đã di cư đến Tokyo, đặc biệt là từ khu vực Kanto. Họ đến thủ đô để học tập và làm việc. Phần lớn người dân chuyển đến 23 phường chính của Tokyo.
+ Cứ mỗi năm trôi qua, lượng người di cư về ngày càng nhiều biến thành phố này trở thành đô thị đông dân nhất thế giới.
– Mật độ dân số Tokyo cao gấp 18 lần mức trung bình
+ Xét tổng thể toàn đất nước, tại Nhật Bản cứ một km2 có 340 người sinh sống, 340/km2.
+ Tuy nhiên, riêng ở Tokyo, con số này tăng vọt lên 6.200/km², cao hơn 18 lần so với mức trung bình của toàn Nhật Bản.
– Dân số Tokyo tăng trưởng 11 năm liên tiếp
+ Theo thống kê của chính quyền Tokyo, dân số ở 23 phường và các thành phố trực thuộc Tokyo từ năm 1996 đến nay chưa bao giờ giảm.
+ Dân số của khu vực thủ đô Tokyo đang trên đà tăng trưởng trong 11 năm liên tiếp.
+ Trong khi dân số toàn Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2008, thì ở Tokyo không hề giảm và vẫn tiếp tục tăng lên.
+ Năm 1995, 9,2% tổng dân số Nhật Bản sống ở Tokyo, nhưng con số đó đã tăng lên 10,1% vào năm 2015 chỉ trong 10 năm.