Giải Chuyên đề Địa lí 10 Chuyên đề 3: Phương pháp viết báo cáo địa lí
I. Cách viết báo cáo địa lí
Mở đầu trang 33 Chuyên đề Địa lí 10: Thế nào là báo cáo địa lí? Làm thế nào để viết và trình bày báo cáo địa lí một cách hiệu quả nhất?
Trả lời:
– Khái niệm: Báo cáo địa lí là hệ thống các tri thức về một hoặc một số vấn đề địa lí tự nhiên, kinh tế, xã hội do học sinh thu thập, xử lí, phân tích, tổng hợp dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
– Những lưu ý khi trình bày báo cáo địa lí:
+ Ngôn ngữ sử dụng trong báo cáo phải khoa học, đơn giản, ngắn gọn.
+ Nội dung báo cáo rõ ràng, súc tích, thông tin được trình bày một cách logic trong các phần. Phần nội dung cần phân tích, dẫn chứng, so sánh hoặc đưa ra được những nhận xét, bình luận, kết luận về vấn đề bảo cáo.
+ Số liệu, biểu đồ, khái niệm,… cần ghi rõ nguồn gốc, nơi trích dẫn hoặc điều tra. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo.
+ Việc đánh số hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu phải theo thứ tự hoặc gắn với tiêu mục. Tên hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ nằm phía dưới hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, tên bảng số liệu nằm phía trên bảng. Chú thích ảnh, biểu đồ, bảng biểu được bố trí nằm phía dưới ảnh, biểu đồ và bảng biểu.
1. Quan niệm về báo cáo địa lí
Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin, hãy cho biết thế nào là báo cáo địa lí. Lấy ví dụ cụ thể về báo cáo địa lí.
Trả lời:
– Khái niệm: Báo cáo địa lí là hệ thống các tri thức về một hoặc một số vấn đề địa lí tự nhiên, kinh tế, xã hội do học sinh thu thập, xử lí, phân tích, tổng hợp dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
– Ví dụ: Báo cáo về vấn đề phát triển nông nghiệp xanh ở một địa phương
2. Cấu trúc của một báo cáo địa lí
Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin và dựa vào kiến thức đã học, hãy lấy ví dụ một chủ đề báo cáo địa lí và những nội dung cần triển khai trong chủ đề đó.
Trả lời:
* Ví dụ: chủ đề báo cáo về phát triển nông nghiệp xanh ở Tây Nguyên
* Những nội dung cần triển khai:
– Ý nghĩa của vấn đề: xác định ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Tây Nguyên
– Khả năng: xác định các điều kiện hoặc các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp như điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên
– Thực trạng: cần phân tích được lịch sử phát triển nông nghiệp, hiện trạng và phân bố nông nghiệp trên địa Tây Nguyên.
– Hướng giải quyết: cần dựa trên việc phân tích khả năng và thực trạng về phát triển nông nghiệp xanh để đưa ra hướng giải quyết (giải pháp) trong báo cáo.
3. Các bước viết một báo cáo đại lí
Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin và dựa vào kiến thức đã học, hãy xác định ý tưởng và đề xuất tên của một báo cáo địa lí.
Trả lời:
– Xác định ý tưởng: vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp xanh
– Tên chủ đề báo cáo: Báo cáo về vấn đề phát triển nông nghiệp xanh ở tỉnh Đồng Tháp
Câu hỏi trang 35 Chuyên đề Địa lí 10: Hãy lập đề cương sơ lược thể hiện nội dung cần có trong báo cáo địa lí đã đề xuất.
Trả lời:
– Ý nghĩa của vấn đề: Ý nghĩa và sự cần thiết của phát triển nông nghiệp xanh ở tỉnh Đồng Tháp
– Khả năng: các điều kiện thuận lợi của tỉnh Đồng Tháp cho việc phát triển nông nghiệp xanh
+ Điều kiện tự nhiên: vị trí địa lí, đất, nước, khí hậu, sinh vật
+ Điều kiện kinh tế xã hội: dân cư, lao động, thị trường tiêu thụ
– Thực trạng:
+ Hiện trạng phát triển nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp
+ Tình hình phân bố ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp
– Hướng giải quyết:
+ Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp xanh
+ Phát huy các thế mạnh, khắc phục các khó khăn của điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội để phát triển nông nghiệp xanh.
Câu hỏi trang 36 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin, hãy lựa chọn một kĩ thuật thu thập thông tin và trình bày các bước thu thập thông tin cho báo cáo địa lí đã đề xuất.
Trả lời:
– Thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu: sách, tài liệu, niên giám thống kê; các báo cáo, tư liệu của tỉnh Đồng Tháp; tư liệu từ internet (trang tin cậy).
– Các bước thu thập thông tin cho báo cáo:
+ Bước 1 – Thu thập thông tin: Tìm kiếm các thông tin liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh ở tỉnh Đồng Tháp
+ Bước 2 – Chọn lọc và xử lí thông tin: Lựa chọn những thông tin liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh ở tỉnh Đồng Tháp. Xác định độ tin cậy và khách quan của thông tin; xử lí các số liệu thống kê để tránh sự nhận định khác nhau đối với vấn đề nghiên cứu; trình bày các thông tin định lượng dưới dạng bảng số liệu, biểu đồ, sơ đồ.
+ Bước 3 – Hệ thống hóa thông tin: Sắp xếp các thông tin đã xử lí theo đề cương báo cáo; bổ sng những thông tin còn thiếu so với yêu cầu đặt ra của báo cáo.
4. Một số lưu ý khi viết và trình bày báo cáo
Câu hỏi trang 36 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin, hãy nêu một số lưu ý khi viết báo cáo địa lí. Lấy ví dụ cụ thể.
Trả lời:
– Một số lưu ý khi viết báo cáo địa lí (kèm ví dụ)
+ Ngôn ngữ sử dụng trong báo cáo phải khoa học, đơn giản, ngắn gọn. Ví dụ: không sử dụng các từ địa phương trong bài báo cáo địa lí
+ Nội dung báo cáo rõ ràng, súc tích, thông tin được trình bày một cách logic trong các phần. Phần nội dung cần phân tích, dẫn chứng, so sánh hoặc đưa ra được những nhận xét, bình luận, kết luận về vấn đề bảo cáo. Ví dụ: cần phân tích cụ thể ý nghĩa của các điều kiện tự nhiên như đất, nước, khí hậu đối với phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh Đồng Tháp.
+ Số liệu, biểu đồ, khái niệm,… cần ghi rõ nguồn gốc, nơi trích dẫn hoặc điều tra. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo. Ví dụ: thông tin tham khảo trong sách thì cần ghi rõ nguồn gốc như tên sách và tên của tác giả.
+ Việc đánh số hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu phải theo thứ tự hoặc gắn với tiêu mục. Tên hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ nằm phía dưới hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, tên bảng số liệu nằm phía trên bảng. Chú thích ảnh, biểu đồ, bảng biểu được bố trí nằm phía dưới ảnh, biểu đồ và bảng biểu. Ví dụ: tên hình ảnh sẽ ghi theo thứ tự hình 1, hình 2,… bảng cũng ghi theo số thứ tự bảng 1, bảng 2,…
Câu hỏi trang 37 Chuyên đề Địa lí 10: Em hãy chia sẻ những điều cần lưu ý khi thuyết trình.
Trả lời:
– Những điều cần lưu ý khi thuyết trình:
+ Thiết kế bài thuyết trình một cách khoa học, nội dung thuyết trình cần cô đọng, có kết cấu logic.
+ Trực quan hóa bài thuyết trình bằng các hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, video clip,… (nếu có thể, nên thiết kế bài báo cáo trên phần mềm PowerPoint với các trang trình chiếu tóm tắt ý chính và các hình ảnh, bảng biểu minh hoạ).
+ Người thuyết trình nên quản lí tốt thời gian trình bày, sử dụng giọng nói và ngôn ngữ cơ thể linh hoạt, biểu cảm trong thuyết trình, có sự tương tác với người nghe,..
II. Thực hành viết một báo cáo địa lí
– Lựa chọn một vấn đề địa lí trong các lĩnh vực: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế, Môi trường và phát triển bền vững trong Chương trình Địa lí lớp 10 hoặc vấn đề địa lí của địa phương như:
Báo cáo tìm hiểu về một ngành kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác than, du lịch,…) hoặc một vấn đề trong phát triển các ngành kinh tế (vấn đề môi trường trong khai thác khoáng sản, vấn đề năng lượng tái tạo,…).
Báo cáo tìm hiểu về một vấn đề địa lí dân cư (gia tăng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư,…).
– Xác định mục tiêu, nội dung và xây dựng đề cương báo cáo.
– Thu thập thông tin, chọn lọc, xử lí và hệ thống hoá thông tin.
– Viết báo cáo theo đề cương.
– Trình bày kết quả của báo cáo địa lí.
Trả lời:
BÁO CÁO: TÌM HIỂU VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN
CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM Ở TÂY NGUYÊN
I. Ý nghĩa của vấn đề phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên
Hình 1: Một số cây công nghiệp lâu năm của Tây Nguyên.
1.1. Ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế
– Tạo nguồn hàng xuất khẩu, tích lũy vốn
– Hình thành các mô hình sản xuất mới (kinh tế vườn)
– Tác động đến sự phát triển các ngành kinh tế
Hình 2: Cà phê Tây Nguyên góp phần đưa Việt Nam đứng thứ 2 thế giới
về sản xuất và xuất khẩu cà phê
1.2. Ý nghĩa đối với xã hội
– Thu hút lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập
– Tạo ra tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thúc đấy phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng,…
– Góp phần phân bố lại dân cư trong vùng
Hình 3: Phát triển cây công nghiệp lâu năm giúp ổn định dân di cư ở Tây Nguyên
1.3. Ý nghĩa đối với môi trường
– Sử dụng hợp lí tài nguyên: hạn chế tình trạng người dân phá rừng bừa bãi, đốt rừng làm nương rẫy
– Bảo vệ môi trường: diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng lên sẽ làm giảm diện tích đất trống đồi núi trọc, giảm thiểu các thiên tai xảy ra như lũ quét, xói mòn, sạt lở đất, hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước.
II. Khả năng vấn đề phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên
2.1. Điều kiện tự nhiên
– Đất: đất đỏ ba dan chiếm 1,4 triệu ha với tầng phong hóa sâu, giàu dinh dưỡng, phân bố trên mặt bằng rộng lớn. Thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm trên quy mô lớn.
– Khí hậu: khí hậu cận xích đạo phù hợp trồng các cây công nghiệp có nguồn gốc nhiệt đới. Mùa khô kéo dài tạo thuận lợi cho việc phơi sấy và bảo quản nông sản. Các cao nguyên có độ cao trên 1000m có khí hậu mát mẻ tạo điều kiện trồng cây công nghiệp cận nhiệt.
Hình 4: Phơi sấy cà phê sau khi thu hoạch ở tỉnh Gia Lai
– Khó khăn: Mùa khô kéo dài làm mực nước ngầm hạ thấp nên việc làm thủy lợi vừa khó khăn, vừa tốn kém, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và đời sống. Rừng bị phá hoại dẫn đến xói mòn đất.
2.2. Điều kiện kinh tế xã hội
* Thuận lợi:
– Khả năng thu hút được nhiều lao động từ các vùng kinh tế khác.
– Cơ sở chế biến cây công nghiệp ngày càng được mở rộng và cải thiện.
– Thị trường tiêu thụ cây công nghiệp được mở rộng cả trong và ngoài nước.
– Chính sách của Nhà nước trong khuyến khích phát triển cây công nghiệp.
* Khó khăn:
– Thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật.
– Cơ sở hạ tầng còn thiếu, đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải.
– Công nghiệp chế biến còn nhỏ bé.
III. Thực trạng sản xuất phân bố cây công nghiệp của Tây Nguyên
3.1. Cây cà phê
– Là cây công nghiệp quan trọng của Tây Nguyên.
– Diện tích: 450 nghìn ha, chiếm 4/5 diện tích cà phê của cả nước.
– Sản lượng 761,6 nghìn tấn/năm chiếm 90,6% sản lượng cà phê của cả nước.
Bảng 1: Tỉ trọng diện tích cây cà phê của Tây Nguyên so với cả nước
Bảng 2: Tỉ trọng sản lượng cây cà phê của Tây Nguyên so với cả nước
– Phân bố: tập trung ở một số tỉnh như Đắk Lắk (nơi có diện tích cà phê lớn nhất 259 nghìn ha), Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum. Trong đó cà phê Buôn Mê Thuột nổi tiếng có chất lượng cao.
+ Cà phê chè trồng ở nơi có khí hậu mát mẻ như Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
+ Cà phê vối trồng ở nơi có khí hậu nóng hơn như Đắk Lắk, Đắk Nông.
Hình 5: Cà phê Buôn Mê Thuột ở Tây Nguyên
3.2. Cây chè
– Tây Nguyên có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước.
– Diện tích: 24,2 nghìn ha, chiếm 24,6% diện tích chè cả nước.
– Sản lượng: 20,5 nghìn tấn/năm, chiếm 27,1% sản lượng chè cả nước.
– Phân bố: tập trung ở các cao nguyên cao như Lâm Đồng (tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước), Gia Lai. Chè được chế biến tại các nhà máy Biển Hồ, Bảo Lộc,…
Hình 6: Sản xuất trà Ô long tại vùng chè Cầu Đất – Đà Lạt
3.3. Cây cao su
– Tây Nguyên là vùng có diện tích cao su lớn thứ 2 cả nước.
– Diện tích: 82,4 nghìn ha, chiếm 19,8% diện tích cao su cả nước.
– Sản lượng: 53,5 nghìn tấn/năm chiếm 17,1% sản lượng cao su cả nước
– Phân bố: tập trung ở Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Ngoài ra còn có một số cây công nghiệp lâu năm khác như: dâu, tằm, điều, tiêu,…
Hình 7: Diện tích cây cao su ở Tây Nguyên đã vượt ngưỡng 200.000 ha
IV. Hướng giải quyết
– Hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp, có kế hoạch mở rộng diện tích đi đôi với bảo vệ rừng và phát triển thủy lợi.
– Đa dạng hóa cơ cấu cây công nghiệp để vừa hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, vừa sử dụng hợp lí tài nguyên.
– Hiện đại hóa các cơ sở chế biến, tăng cường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
– Thu hút lao động từ các nơi khác đến tạo ra tập quán sản xuất mới.
– Đảm bảo lương thực thực phẩm cho vùng thông qua trao đổi hàng hóa với các vùng khác để ổn định diện tích cây công nghiệp.
– Phát triển mô hình kinh tế vườn – rừng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
– Nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải, đặc biệt là tuyến đường 14 xuyên Tây Nguyên và tuyến 19, 26 nối vùng với khu vực đồng bằng duyên hải.
Hình 8: Mô hình phát triển kinh tế vườn – rừng ở Tây Nguyên