Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
Phần 1: Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
Câu 1. Ở các nước xứ lạnh, các ngành vận tải gặp nhiều ừở ngại nhất vào mùa đông là
A. đường biển và đường sông.
B. đường hàng không và đường biển.
C. đường ô tô và đường sắt.
D. đường ô tô và đường ống.
Đáp án: A
Giải thích: Ở các nước xứ lạnh, các ngành vận tải gặp nhiều ừở ngại nhất vào mùa đông là đường biển và đường sông.
Câu 2. Ở nước ta về mùa khô, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn nhất là
A. đường hàng không.
B. đường sông.
C. đường sắt.
D. đường ô tô.
Đáp án: B
Giải thích: Ở nước ta về mùa khô, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn nhất là đường sông.
Câu 3. Ưu điểm của ngành vận tải đường ô tô là
A. trẻ, tốc độ cao, đóng vai trò đặc biệt trong vận tải hành khách quốc tế.
B. rẻ, thích hợp với hàng nặng, cồng kềnh; không yêu cầu chuyển nhanh.
C. tiện lợi, cơ động và có khả năng thích nghi với các điều kiện địa hình.
D. vận tải được hàng nặng trên đường xa với tốc độ nhanh, ổn định, giá rẻ.
Đáp án: C
Giải thích: Đường ô tô có những ưu thế nổi bật là sự thuận tiện và cơ động, phù hợp với cự li vận tải trung bình và ngắn, có khả năng phối hợp hoạt động với các loại hình vận tải khác, mạng lưới ngày càng mở rộng, chất lượng và phương tiện ngày càng hiện đại, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, giao thông vận tải đường ô tô có khối lượng chuyên chở không lớn như vận tải đường sắt, đường thuỷ, tiêu thụ nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông,…
Câu 4. Mạng lưới giao thông vận tải ở các nước đang phát triển còn lạc hậu chủ yếu là do
A. thiếu vốn đầu tư.
B. dân cư phân bố không đồng đều.
C. trình độ công nghiệp hóa còn thấp.
D. điều kíện tự nhiên không thuận lợi.
Đáp án: A
Giải thích: Mạng lưới giao thông vận tải ở các nước đang phát triển còn lạc hậu chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư. Vốn đầu tư và chính sách tác động tới sự phát triển mạng lưới và mức độ hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.
Câu 5. Phát biểu nào sau đây không đúng với ngành vận tải đường biển?
A. Có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.
B. Là loại hình vận chuyển hàng hóa quốc tế.
C. Khối lượng luân chuyển hàng hóa rất lớn.
D. Sự phát triển luôn gắn chặt với nội thương.
Đáp án: D
Giải thích: Giao thông vận tải đường biển là phương thức vận tải hàng hóa chủ yếu trên các tuyến đường biển nội địa và quốc tế (vận tải viễn dương). Giao thông đường biển đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hóa trong tổng khối lượng của tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa trên thế giới (chủ yếu là dầu mỏ và sản phẩm của dầu mỏ). Ngành vận tải đường biển hướng tới quy trình chặt chẽ, hạn chế rủi ro và bảo vệ hàng hóa an toàn trong quá trình vận chuyển, đồng thời chú ý tới vấn đề bảo vệ môi trường biển và đại dương.
Câu 6. Yếu tố nào sau đây không hoàn toàn đúng với đặc điểm phân bố ngành vận tải đường sông?
A. Khu vực đường sông quan trọng đều có kênh đào.
B. Có cơ sở kinh tế phân bố dọc theo các dòng sông.
C. Phải có dòng sông lớn, có giá trị về vận tải thuỷ.
D. Có nhiều phụ lưu, có cửa sông mở về phía biển.
Đáp án: D
Giải thích: Đặc điểm phân bố ngành vận tải đường sông là: Phải có dòng sông lớn, có giá trị về vận tải thuỷ; Có cơ sở kinh tế phân bố dọc theo các dòng sông và khu vực đường sông quan trọng đều có kênh đào.
Câu 7. Sự tồn tại và phát triển của một cảng biển không phụ thuộc vào
A. có mặt của vùng tiền cảng.
B. có mặt hậu phương cảng.
C. tuyến đường dài hay ngắn.
D. vị trí thuận lợi xây cảng.
Đáp án: C
Giải thích: Sự tồn tại và phát triển của một cảng biển phụ thuộc vào vị trí thuận lợi xây cảng, có mặt hậu phương cảng và có mặt của vùng tiền cảng. Cảng biển đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó sẽ rất phát triển, sầm uất và có thể trở thành một cảng biển trung chuyển lớn trên thế giới.
Câu 8. Phát biểu nào sau đây không đúng với ngành hàng không?
A. Sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kĩ thuật mới.
B. Cước phí vận tải đắt, trọng tải thấp, chủ yếu chở hành khách.
C. Tốc độ vận chuyển nhanh không phương tiện nào sánh kịp.
D. Có vai trò thứ yếu chuyên chở hành khách giữa các châu lục.
Đáp án: D
Giải thích:
– Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giao lưu giữa các vùng của mỗi nước và các nước trên thế giới, là cầu nối quan trọng giữa các nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển du lịch. Vận tải đường hàng không tiết kiệm được thời gian đi lại, gắn kết các vùng xa xôi, tăng cường hội nhập và có vai trò đối với an ninh quốc phòng.
– So với các loại hình vận tải khác, ngành hàng không có tốc độ vận tải cao, thời gian vận chuyển ngắn, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tuy nhiên, cước phí vận tải đắt, trọng lượng vận tải thấp.
Câu 9. Ưu điểm của ngành vận tải bằng đường sông là
A. tiện lợi, cơ động và có khả năng thích nghi với các điều kiện địa hình.
B. rẻ, thích hợp với hàng nặng, cồng kềnh; không yêu cầu chuyển nhanh.
C. vận tải được hàng nặng trên đường xa với tốc độ nhanh, ổn định, giá rẻ.
D. trẻ, tốc độ cao, đóng vai trò đặc biệt trong vận tải hành khách quốc tế.
Đáp án: B
Giải thích: Ngày nay, nhờ việc cải tiến phương tiện vận tải, cải tạo hệ thống sông, hồ (đào kênh, nạo vét lòng sông,… để kết nối các lưu vực vận tải và cảng biển) đã góp phần nâng cao năng lực vận tải đường sông, hồ. Ưu điểm của ngành vận tải bằng đường sông là rẻ, thích hợp với hàng nặng, cồng kềnh; không yêu cầu chuyển nhanh.
Câu 10. Các nước nào sau đây phát triển mạnh giao thông đường sông, hồ?
A. Nhật Bản, LB Nga, Ấn Độ.
B. Hoa Kì, LB Nga, Đan Mạch.
C. Nhật Bản, LB Nga, Na Uy.
D. Hoa Kì, LB Nga, Ca-na-đa.
Đáp án: D
Giải thích: Các quốc gia phát triển mạnh giao thông sông, hồ là Hoa Kì, Liên bang Nga, Ca-na-đa. Các hệ thống sông, hồ có tiềm năng lớn về giao thông là Đa-nuýp, Rai-nơ, Von-ga,… (châu Âu), Mê Công, Dương Tử,… (châu Á), Mi-xi-xi-pi và Ngũ Hồ,… (châu Mỹ).
Câu 11. Chỉ có các cường quốc về kinh tế và công nghệ thì mới là các cường quốc về hàng không, vì
A. ngành hàng không phát triển đòi hỏi công nghệ tiên tiến.
B. các nước này có đội ngũ kĩ sư và lao động kĩ thuật cao.
C. các cường quốc có nhiều vốn, kĩ thuật cao để đầu tư lớn.
D. số lượng người dân đi lại bằng đường hàng không nhiều.
Đáp án: A
Giải thích: Chỉ có các cường quốc về kinh tế và công nghệ thì mới là các cường quốc về hàng không, vì ngành hàng không phát triển đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Các máy bay ngày càng hiện đại, vận chuyển được khối lượng lớn hơn, bay quãng đường xa hơn với tốc độ nhanh và an toàn hơn.
Câu 12. Phát biểu nào sau đây không đúng với vai trò của các kênh đào trong một hệ thống vận tải đường sông?
A. Nhờ có kênh đào mà việc vận chuyển ở hệ thống linh hoạt.
B. Nhờ có kênh đào mà các lưu vực vận tải được nối với nhau.
C. Các kênh đào được xây dựng vượt qua các trở ngại địa hình.
D. Các kênh đào là cơ sở quan trọng hình thành các cảng sông.
Đáp án: D
Giải thích: Vai trò của các kênh đào trong một hệ thống vận tải đường sông là các kênh đào được xây dựng vượt qua các trở ngại địa hình và nhờ có kênh đào mà các lưu vực vận tải được nối với nhau và việc vận chuyển linh hoạt, có hệ thống.
Câu 13. Nước có đội tàu buôn lớn nhất thế giới là
A. Li-bê-ri-a.
B. Pa-na-ma.
C. Nhật Bản.
D. Hi Lạp.
Đáp án: C
Giải thích: Nhật Bản là quốc gia có đội tàu buôn lớn nhất thế giới hiện nay.
Câu 14. Vai trò của giao thông vận tải đối với sản xuất không phải là
A. giúp các hoạt động sinh hoạt người dân thuận tiện.
B. cung ứng vật tư, nguyên, nhiên liệu cho sản xuất.
C. giúp cho các quá trình sản xuất diễn ra bình thường.
D. vận chuyển, đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ.
Đáp án: A
Giải thích: Vai trò của giao thông vận tải đối với sản xuất là vận chuyển nguyên liệu, vật tư kĩ thuật,… đến nơi sản xuất và sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Nhờ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kết nối các ngành kinh tế.
Câu 15. Nhân tố nào sau đây ảnh hưởng sâu sắc tới sự vận tải hành khách, đặc biệt là bằng đường bộ?
A. Quy mô, cơ cấu dân số.
B. Trình độ phát triển kinh tế.
C. Truyền thống, phong tục tập quán.
D. Phân bố dân cư, đô thị.
Đáp án: D
Giải thích: Phân bố dân cư (đặc biệt là sự phân bố các thành phố lớn và các chùm đô thị) ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách (vận tải bằng ô tô). Ví dụ: Các đô thị thành phố đặc trưng bởi các loại hình vận tải ô tô như: xe buýt, xe khách, taxi, ô tô…
Phần 2: Lý thuyết Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
I. Vai trò và đặc điểm
1. Vai trò
– Giao thông vận tải là ngành dịch vụ quan trọng, là khâu không thể thiếu trong sản xuất, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được diễn ra liên tục.
– Giúp nhu cầu đi lại của toàn xã hội được diễn ra thuận tiện và thông suốt.
– Tạo các mối liên kết kinh tế – xã hội giữa các địa phương trong quốc gia, tăng cường các mối giao lưu và hợp tác quốc tế.
– Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, làm thay đổi phân bố sản xuất và dân cư.
– Góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mỗi vùng, quốc gia.
2. Đặc điểm
– Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hoá.
– Các tiêu chí đánh giá dịch vụ vận tải gồm: Khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.
– Giao thông vận tải là khâu quan trọng trong dịch vụ logistic.
– Có sự phân bố đặc thù theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.
II. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải
1. Vị trí địa lí
– Đây là nhân tố quy định sự có mặt của loại hình giao thông vận tải.
– Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải.
2. Nhân tố tự nhiên
– Địa hình quy định sự có mặt và vai trò của loại hình giao thông vận tải.
– Khí hậu và thời tiết ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải.
– Các điều kiện thời tiết như mưa, bão, sương mù, băng tuyết,… sẽ cản trở hoạt động của một số phương tiện giao thông vận tải.
3. Nhân tố kinh tế – xã hội
– Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của giao thông vận tải.
– Phân bố dân cư ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách.
– Khoa học – công nghệ ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển, việc hiện đại hoá và nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải, quá trình điều hành và quản lí giao thông vận tải.
– Vốn đầu tư và chính sách tác động tới sự phát triển mạng lưới và mức độ hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.
III. Tình hình phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải trên thế giới
Hình 34.1. Phân bố giao thông đường ô tô, đường sắt trên thế giới, năm 2020
1. Đường ô tô
– Tình hình phát triển:
+ Vận tải đường ô tô ra đời sớm, phát triển mạnh và phổ biến nhất hiện nay nhờ tính ưu việt trong việc di chuyển, tính kết nối với các loại hình vận tải khác.
+ Số lượng ô tô trên thế giới không ngừng tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là phương tiện ô tô thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao.
+ Mạng lưới đường sá ngày càng phát triển, tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên, nhất là hệ thống đường cao tốc.
– Phân bố
+ Mật độ đường ô tô tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU.
+ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu là các quốc gia có tỉ lệ sở hữu và sử dụng ô tô cao nhất trên thế giới.
2. Đường sắt
– Tình hình phát triển:
+ Vận tải đường sắt ra đời sớm, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 nhờ sự phát minh đầu máy hơi nước.
+ Trên thế giới có hơn 1,37 triệu km đường sắt (năm 2020) với nhiều loại hình như đường sắt trên mặt đất, đường sắt trên cao, đường sắt dưới lòng đất,…
– Phân bố: Mạng lưới đường sắt trên thế giới tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga,…
3. Đường sông, hồ
– Tình hình phát triển: Giao thông vận tải đường sông, hồ phát triển từ rất sớm để đảm nhận vai trò vận tải người và hàng hoá trên các hệ thống sông, hồ tự nhiên.
– Phân bố: Một số hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn như sông Đa-nuýp (Danube), sông Rai-nơ (Rhein) ở châu Âu; Trường Giang, sông Mê Công,…
4. Đường biển
– Tình hình phát triển:
+ Ngành giao thông vận tải đường biển phát triển từ rất sớm và chủ yếu là vận tải ven bờ, khối lượng vận chuyển nhỏ, cự ly vận chuyển ngắn.
+ Các tàu biển có kích thước và tải trọng ngày càng lớn, công nghệ vận hành được cải tiến để tăng tốc độ, đảm bảo an toàn và chú trọng đến bảo vệ môi trường biển.
– Phân bố
+ Các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po,… sở hữu đội tàu nhiều nhất thế giới.
+ Các tuyến đường biển nhộn nhịp trên thế giới hiện nay là tuyến kết nối châu Âu qua Ấn Độ Dương với châu Á – TBD; tuyến kết nối hai bên bờ Đại Tây Dương.
+ Một số cảng biển có năng lực vận tải lớn trên thế giới như Thượng Hải, Xin-ga-po, Hồng Kông, Rốt-tec-đam,…
Hình 34.2. Phân bố giao thông đường biển, đường hàng không trên thế giới, năm 2020
5. Đường hàng không
– Tình hình phát triển:
+ Hàng không là ngành giao thông vận tải non trẻ nhưng có bước phát triển thần tốc nhờ tiến bộ của khoa học – công nghệ và tính ưu việt về tốc độ di chuyển.
+ Số lượng các máy bay dân dụng trên thế giới không ngừng tăng lên với khoảng 35 000 chiếc đang hoạt động.
– Phân bố
+ Hiện nay, thế giới có hơn 15 000 sân bay dân dụng đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
+ Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương kết nối châu Âu với châu Mỹ, tuyến nối Hoa Kỳ với các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Địa lí 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố dịch vụ
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 36: Địa lí ngành thương mại
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 37: Địa lí ngành du lịch và tài chính – ngân hàng