Giải bài tập Địa Lí 9 Bài 6: Công nghiệp
Câu hỏi mở đầu trang 145 Địa Lí 9: Công nghiệp là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng ở nước ta. Sự phát triển và phân bố của ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau như điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, kinh tế – xã hội. Nước ta phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu nào? Vì sao nước ta hướng đến phát triển công nghiệp xanh?
Trả lời:
– Các ngành công nghiệp chủ yếu: công nghiệp khai thác dầu thô và khí tự nhiên; công nghiệp sản xuất điện; công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; công nghiệp dệt, sản xuất trang phục.
– Hướng đến phát triển công nghiệp xanh vì: giúp cho các điều kiện của môi trường tốt hơn, giúp tái sử dụng các chất thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
1. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp
Câu hỏi trang 145 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích vai trò của một trong các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp ở nước ta.
Trả lời:
– Nhân tố tự nhiên:
+ Khoáng sản: Nước ta có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng với hơn 60 loại khác nhau. Một số loại có trữ lượng đáng kể như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên,… có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để quy hoạch, phát triển công nghiệp.
+ Sinh vật: tài nguyên rừng, sinh vật phong phú, đa dạng là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến.
+ Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc, trữ lượng thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Srêpôk, sông Đồng Nai,… là điều kiện phát triển thủy điện. Sông ngòi cung cấp nước cho một số ngành công nghiệp. Nguồn nước nóng, nước khoáng đa dạng, phân bố ở nhiều nơi Quang Hanh, Bình Châu, Thanh Tân, Đảnh Thạnh, Vĩnh Hảo,… tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp sản xuất nước khoáng, nước tinh khiết.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đem lại nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như năng lượng gió, mặt trời,… Tạo ra tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, tác động đến sự phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.
+ Vị trí địa lí: những nơi gần cảng biển, đường giao thông huyết mạch, các đô thị lớn có nền công nghiệp phát triển mạnh và tập trung phân bố nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp.
+ Tuy nhiên, phần lớn các mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ, chủ yếu thuận lợi cho phát triển công nghiệp địa phương; nhiều loại khoáng sản được khai thác đã suy giảm đáng kể về trữ lượng, đòi hỏi ngành công nghiệp phải thay đổi để phù hợp với nguồn nguyên liệu mới.
2. Sự phát triển và phân bố của các nghành công nghiệp chủ yếu
Câu hỏi trang 146 Địa Lí 9: Dựa vào hình 6.1 và thông tin trong bài, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của một trong các ngành công nghiệp chủ yếu ở nước ta.
Trả lời:
– Công nghiệp sản xuất điện: Phát triển vào giữa thế kỉ XIX, hiện nay tăng trưởng nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước. Sản lượng điện năm 2021 đạt 244,9 tỉ kWh. Cơ cấu khá đa dạng, xu hướng tăng dần tỉ trọng điện gió và điện mặt trời. Áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào phát triển nguồn điện, lưới điện,… làm cho sản lượng tăng nhanh.
+ Thủy điện: các nhà máy thủy điện lớn tập trung ở khu vực Tây Bắc như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW) và ở Tây Nguyên như Ialy (720 MW), Sê San 4 (360 MW).
+ Nhiệt điện: phân bố rộng khắp cả nước. Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như Hải Phòng 1 (1200 MW), Vũng Áng 1 (1200 MW),… các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí như Phú Mỹ (2540 MW), Ô Môn 1,2,3,4 (3810 MW),…
+ Điện gió: chủ yếu ở Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… một số nhà máy công suất lớn ở Ninh Thuận (Trung Nam Thuận Nam, 450 MW), Tây Ninh (Dầu Tiếng, 420 MW),…
+ Nguồn năng lượng từ thủy triều khá lớn, đang nghiên cứu và sẽ đưa vào khai thác trong tương lai.
3. Vấn đề phát triển công nghiệp xanh
Câu hỏi trang 150 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy giải thích tại sao cần phải phát triển công nghiệp xanh ở nước ta hiện nay.
Trả lời:
– Cần phải phát triển công nghiệp xanh vì:
+ Công nghiệp xanh là nền công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp cho các điều kiện của môi trường tốt hơn.
+ Việc phát triển công nghiệp xanh giúp tái sử dụng các chất thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập 1 trang 150 Địa Lí 9: Nêu ví dụ về một nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp ở nước ta.
Trả lời:
– Ví dụ về nhân tố kinh tế – xã hội: thị trường của ngành công nghiệp đang ngày càng được mở rộng, nhiều sản phẩm của các ngành công nghiệp dệt; sản xuất trang phục hay sản xuất giày, dép đã đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu kể các các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước EU,… đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ở nước ta.
Luyện tập 2 trang 150 Địa Lí 9: Lập bảng tóm tắt tình hình phát triển và phân bố của một ngành công nghiệp chủ yếu ở nước ta hiện nay.
Trả lời:
Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm |
|
Tình hình phát triển |
Phân bố |
– Là ngành phát triển khá sớm (từ cuối thế kỉ XIX), gắn liền với nhu cầu cơ bản của người dân. Ngày càng đa dạng, thay đổi quy trình sản xuất, không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng sản phẩm. – Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ rộng rãi nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng được thị trường trong và ngoài nước. |
Phát triển và phân bố gắn với vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản như thủy sản ướp đông phân bố ở Đồng bằng sông Cửu Long, gạo xay xát ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, cà phê bột và cà phê hòa tan ở Tây Nguyên. |
Vận dụng trang 150 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin và trình bày tình hình phát triển một ngành công nghiệp ở địa phương em đang sinh sống.
Trả lời:
Công nghiệp điện tử ở tỉnh Bắc Ninh
Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh ước đạt 86%; công nghiệp điện tử có tỷ trọng chiếm tới hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Ngành công nghiệp điện tử, với sự đóng góp của các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng thế giới như: Samsung (Hàn Quốc); Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Foxconn (Đài Loan)… đầu tư vào các KCN tập trung trở thành hạt nhân thu hút chuỗi nhà cung ứng vệ tinh, giúp cho Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu của cả nước, làm thay đổi và tạo nên đột phá của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp điện tử Bắc Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố cơ bản, quan trọng và là khâu đột phá chiến lược. Vì vậy, trong thời gian qua, lao động ngành điện tử tại Bắc Ninh có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh học nghề 60.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 3.800 người, trung cấp 4.500 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 51.700 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77% (tăng 1% so với năm 2021)…
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5. Thực hành: Viết báo cáo về một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả .
Bài 6. Công nghiệp.
Bài 7. Thực hành: Xác định các trung tâm công nghiệp chính ở nước ta
Bài 8. Dịch vụ
Bài 9. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ .
Bài 10. Thực hành: Vẽ sơ đồ thể hiện các thế mạnh về tư nhiên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.