Giải bài tập Địa Lí 9 Bài 11: Vùng Đồng bằng sông Hồng
Câu hỏi mở đầu trang 167 Địa Lí 9: Đồng bằng sông Hồng có vị trí địa lí thuận lợi, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào, mặt bằng dân trí cao. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng?
Trả lời:
– Dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào, mặt bằng dân trí cao là điều kiện thuận lợi để vùng phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng lao động cao có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về lao động cho các ngành kinh tế. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao đời sống người dân.
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
Câu hỏi trang 167 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.1 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Bao gồm 11 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
– Diện tích 21,3 nghìn km2, chiếm khoảng 6,4% diện tích cả nước (2021).
– Có vùng biển rộng lớn thuộc vịnh Bắc Bộ với nhiều đảo, quần đảo như Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng),…
– Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; nước làng giềng Trung Quốc. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển bậc nhất so với cả nước, từ vùng có thể kết nối thuận lợi với các vùng trong nước và các quốc gia trong khu vực.
2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Câu hỏi trang 167 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.1 và thông tin trong bài, hãy phân tích những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Địa hình, đất: địa hình đồng bằng châu thổ do 2 hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp, đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất lương thực – thực phẩm; địa hình đồi núi ở phía bắc, tây bắc, tây nam chủ yếu là đất feralit, thuận lợi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng.
– Khí hậu mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm cao (23- 25°C), lượng mưa trung bình năm lớn (từ 1400 – 2000 mm/năm), tạo điều kiện thuận lợi cho các cây trồng, vật nuôi sinh trường, phát triển tốt quanh năm. Có mùa đông kéo dài từ tháng 11 – tháng 3 năm sau, thích hợp phát triển các loại cây cận nhiệt và ôn đới.
– Nước: các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình,… và các hồ là nguồn nước dồi dào, thuận lợi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nguồn nước ngầm phong phú bổ sung cho nguồn nước mặt
– Sinh vật: tài nguyên sinh vật phong phú, diện tích rừng gần 490 nghìn ha (chiếm 3,3% cả nước năm 2021), tập trung ở Quảng Ninh, khu vực đồi núi phía tây; ven biển nhiều nơi có rừng ngập mặn. Các vườn quốc gia (Cúc Phương, Tam Đảo, Cát Bà, Ba Vì, Bái Tử Long, Xuân Thủy) và khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cát Bà, Châu thổ sông Hồng) có thành phần loài động, thực vật đa dạng, là những nơi bảo tồn các loài sinh vật tự nhiên.
Câu hỏi trang 169 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.1 và thông tin trong bài, hãy phân tích những thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Vùng biển rộng lớn có nhiều bãi tôm, bãi cá với ngư trường trọng điểm Hải Phòng – Quảng Ninh; ven biển có nhiều bãi triều, đầm, vịnh,… thuận lợi phát triển ngành khai thác và nuôi trồng hải sản.
– Có nhiều thắng cảnh (vịnh Hạ Long, Bái Tử Long,…) bãi biển đẹp (Trà Cổ, Quan Lạn,…), các khu dự trữ sinh quyển thế giới và vườn quốc gia cũng thuận lợi cho phát triển du lịch biển.
– Có nhiều cửa sông, vịnh biển thuận lợi xây dựng các cảng biển. Hải Phòng, Quảng Ninh là những cảng lớn, cửa ngõ xuất khẩu, nhập khẩu của vùng với cả nước và các nước trên thế giới.
– Các đảo trên vịnh Bắc Bộ là địa bàn phát triển du lịch, cơ sở hậu cần cho giao thông vận tải biển, khai thác chế biến thủy sản kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng.
– Việc phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo của vùng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển, an ninh quốc phòng.
3. Đặc điểm dân cư, nguồn lao động và vấn đề đô thị hóa
Câu hỏi trang 169 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.2 và thông tin trong bài, hãy phân tích đặc điểm dân cư vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Là vùng đông dân nhất cả nước với 23,2 triệu người (chiếm 23,6% cả nước), vẫn tiếp tục tăng do tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên còn cao (khoảng 1,07%) và sức hút người nhập cư.
– Năm 2021, số dân trong độ tuổi từ 15 – 64 tuổi chiếm hơn 65% dân số của vùng, là nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế. Về cơ cấu theo giới tính, tỉ lệ nữ chiếm 50,8%, nam chiếm 49,2% số dân toàn vùng.
– Mật độ dân số cao nhất so với các vùng trong cả nước (1091 người/km2 năm 2021, gập 3,7 lần mức trung bình cả nước). Tỉ lệ dân nông thôn chiếm 62,4% dân số toàn vùng (2021). Dân cư tập trung đông hơn ở trung tâm đồng bằng là nơi có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với tập quán canh tác lúa nước. Những nơi có mật độ dân số cao nhất là ở các đô thị; khu vực vùng núi, ven biển dân cư phân bố thưa thớt hơn. Các thành phố đông dân của vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long,…
– Người Kinh chiếm hơn 89% dân số, phân bố chủ yếu ở đồng bằng; các dân tộc Mường, Tày, Dao,… sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi. Mỗi dân tộc có những kinh nghiệm sản xuất riêng, gắn liền với nét đặc trưng về văn hóa, tạo nên sự đa dạng trong cơ cấu ngành kinh tế và văn hóa của vùng.
Câu hỏi trang 170 Địa Lí 9: Dựa vào bảng 11.1 và thông tin trong bài, hãy phân tích ảnh hưởng của nguồn lao động đến sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Nguồn lao động dồi dào (hơn 11,4 triệu lao động năm 2021), chất lượng lao động thuộc loại cao nhất cả nước, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về lao động cho các ngành kinh tế.
– Lao động cần cù, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và thâm canh nông nghiệp. Chất lượng lao động ngày càng được cải thiện với tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng, từ 21,3% (2011) lên 37% (2021), cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (26,1%). Hà Nội, Hải Phòng là những địa phương có chất lượng lao động cao với tỉ lệ lao động đã qua đào tạo khoảng 50%.
– Lao động tập trung đông ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội cũng đang gây ra những trở ngại cho việc sắp xếp, giải quyết việc làm.
Câu hỏi trang 170 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích vấn đề đô thị hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Mức độ đô thị hóa cao và tăng nhanh so với cả nước, năm 2009 tỉ lệ dân số đô thị chiếm 28,6%, đến năm 2021, tăng lên 37,6%. Hà Nội là đô thị đặc biệt (8,3 triệu dân) và hàng chục odo thị các cấp khác. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa dẫn đầu cả nước do quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là quá trình phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ.
– Đô thị hóa góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên đô thị hóa còn tồn tại một số khó khăn cần giải quyết như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông,… nhất là ở các thành phố lớn.
4. Vị thế của Thủ đô Hà Nội
Câu hỏi trang 171 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích vị thế của Thủ đô Hà Nội.
Trả lời:
– Là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia; trung tâm giao dịch quốc tế, kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu của cả nước với lịch sử phát triển hơn 1000 năm.
– Năm 2021, quy mô kinh tế lớn, chiếm 41,8% GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng và khoảng 12,6% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế đa dạng, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế thế giới.
– Là trung tâm thương mại lớn của vùng và cả nước với hoạt động nội thương, ngoại thương diễn ra sôi động.
– Là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu cả nước. Nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học công nghệ và các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hà Nội đang là địa bàn trọng điểm về thu hút đầu tư các ngành công nghệ, dịch vụ của cả nước.
– Hà Nội hiện nay là trung tâm, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.
5. Sự phát triển và phân bố kinh tế
Câu hỏi trang 171 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.3 và thông tin trong bài, hãy trình bày khái quát sự phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
Là vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Tổng sản phẩm của vùng tăng nhanh, năm 2021 chiếm hơn 30% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Câu hỏi trang 172 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.4 và thông tin trong bài, hãy trình bày:
– Tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp.
– Tình hình phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp.
– Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp:
+ Là vùng trọng điểm sản xuất lương thực – thực phẩm thứ hai của cả nước, sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây diện tích trồng lúa giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hình thành các vùng lúa chất lượng cao (Nam Định, Thái Bình,…). Thế mạnh về sản xuất cây thực phẩm nhất là rau vụ đông, cây ăn quả tập trung ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,…
+ Ngành chăn nuôi chú trọng phát triển, vật nuôi chính là lợn, chiếm khoảng 20% cả nước và đàn gia cầm chiếm 25% cả nước (2021). Các tỉnh và thành phố nuôi nhiều lợn và gia cầm là Hà Nội, Thái Bình, Nam Định,…
+ Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, hình thành các cụm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Tình hình phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp:
+ Chú trọng phát triển qua việc thực hiện bảo vệ và trồng rừng ở vùng đồi núi, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển.
– Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản:
+ Nuôi trồng và khai thác phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi trồng do hiệu quả kinh tế cao.
+ Năm 2021, chiếm 12,6% diện tích và 17,4% sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước. Nuôi trồng thủy sản tập trung ở các bãi bồi, vịnh biển, bãi triều và diện tích mặt nước sông, hồ.
+ Thủy sản khai thác chiếm 9,1% sản lượng khai thác cả nước (2021). Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định,… là những địa phương khai thác và nuôi trồng nhiều thủy sản.
Câu hỏi trang 173 Địa Lí 9: Dựa vào hình 11.4 và thông tin trong bài, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
– Tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây, chiếm khoảng 35% GRDP của vùng (2021).
– Cơ cấu ngành khá đa dạng, trong đó nổi bật là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…); sản xuất ô tô (Hải Phòng, Vĩnh Phúc,…); sản xuất, chế biến thực phẩm (Hà Nội, Hải Dương,…); dệt, sản xuất trang phục (Hưng Yên, Nam Định,…); nhiệt điện (Quảng Ninh, Thái Bình,…); khai thác than (Quảng Ninh); sản xuất vật liệu xây dựng (Hải Phòng, Hải Dương,…).
– Mức độ tập trung công nghiệp vào loại cao nhất cả nước. Các trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của vùng là Hà Nội, Hải Phòng,…
– Định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phân bố công không gian công nghiệp hợp lí theo các hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp, gắn với các cảng biển, các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với các vùng lân cận.
Câu hỏi trang 174 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ của Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP của vùng (chiếm 42,1% năm 2021), đang phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng.
– Giao thông vận tải có sự phát triển mạnh, đặc biệt là các tuyến đường bộ, các tuyến cao tốc; các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh,…; cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh); các phương tiện vận tải từng bước hiện đại giúp cho các hoạt động sản xuất, lưu thông thuận lợi.
– Hoạt động thương mại phát triển bậc nhất cả nước. Nội thương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng chiếm khoảng 26% cả nước (2021). Các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm thương mại của vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long,… Hoạt động ngoại thương, trị giá xuất – nhập khẩu của vùng chiếm tới 36% cả nước (2021). Các địa phương có trị giá xuất – nhập khẩu hàng đầu của vùng là Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng,…
– Các hoạt động tài chính – ngân hàng phát triển rộng khắp, hỗ trợ nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hà Nội là trung tâm tài chính – ngân hàng hàng đầu của cả nước.
– Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của vùng, năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành chiếm 51,7% cả nước. Hà Nội là trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, các trung tâm du lịch khác như Hạ Long, Ninh Bình, Hải Phòng,…
– Các lĩnh vực dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, giáo dục và đào tạo, y tế,… cũng phát triển rất mạnh.
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập trang 174 Địa Lí 9: Hãy lựa chọn một ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Hồng và trình bày tóm tắt tình hình phát triển, phân bố ngành kinh tế đó:
Trả lời:
Tình hình phát triển, phân bố ngành công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng:
– Tốc độ phát triển nhanh, chiếm khoảng 35% GRDP của vùng (2021).
– Cơ cấu ngành đa dạng, nổi bật là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…); sản xuất ô tô (Hải Phòng, Vĩnh Phúc,…); sản xuất, chế biến thực phẩm (Hà Nội, Hải Dương,…); dệt, sản xuất trang phục (Hưng Yên, Nam Định,…); nhiệt điện (Quảng Ninh, Thái Bình,…); khai thác than (Quảng Ninh); sản xuất vật liệu xây dựng (Hải Phòng, Hải Dương,…).
– Mức độ tập trung công nghiệp vào loại cao nhất cả nước. Các trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của vùng là Hà Nội, Hải Phòng,…
– Định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phân bố công không gian công nghiệp hợp lí theo các hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp, gắn với các cảng biển, các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với các vùng lân cận.
Vận dụng trang 174 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin về một trung tâm công nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
Trung tâm công nghiệp Bắc Ninh
Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước, trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng lên 79,3%. Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt, có 10 khu đã đi vào hoạt động; thành lập 31 cụm công nghiệp, 21 cụm đã đi vào hoạt động.
Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2021 kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,89%/năm.
Phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 10. Thực hành: Vẽ sơ đồ thể hiện các thế mạnh về tư nhiên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Bài 11. Vùng Đồng bằng sông Hồng .
Bài 12. Thực hành: Sưu tầm tư liệu và trình bày về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Bài 13. Bắc Trung Bộ.
Bài 14. Thực hành: Tìm hiểu vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ.
Bài 15. Duyên hải Nam Trung Bộ