Giải bài tập Địa Lí 9 Bài 9: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Câu hỏi mở đầu trang 159 Địa Lí 9: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (hay còn gọi là Trung du và miền núi phía Bắc) có thiên nhiên phân hóa đa dạng giữa Đông Bắc và Tây Bắc; là nơi tập trung nhiều dân tộc sinh sống tạo nên nét đặc trưng về văn hóa, truyền thống sản xuất. Vùng có đặc điểm dân cư, dân tộc như thế nào? Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế ra sao?
Trả lời:
– Đặc điểm dân cư, dân tộc: dân số 12,9 triệu người, mật độ dân số thấp 136 người/km2, tỉ lệ dân thành thị chiếm 20,5%; đa dạng dân tộc, sự phân bố các dân tộc có sự thay đổi.
– Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế:
+ Có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp.
+ Ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh chóng, cơ cấu ngành đa dạng.
+ Các ngành dịch vụ khá đa dạng, du lịch, xuất – nhập khẩu là các hoạt động nổi bật.
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
Câu hỏi trang 159 Địa Lí 9: Dựa vào hình 9.1 thông tin trong bài, hãy xác định vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
– Diện tích hơn 95 nghìn km2 (chiếm 28,7% cả nước). Gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; được chia thành hai tiểu vùng là Đông Bắc và Tây Bắc.
– Tiếp giáp với Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và các nước Trung Quốc, Lào với nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng như Hữu Nghị, Lào Cai, Tây Trang,… thuận lợi trong việc thúc đẩy giao thương quốc tế và kết nối với các cảng biển ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
=> Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng đối với đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Câu hỏi trang 159 Địa Lí 9: Dựa vào hình 9.1 thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phân hóa thiên nhiên giữa Đông Bắc và Tây Bắc.
Trả lời:
Đặc điểm |
Đông Bắc |
Tây Bắc |
Địa hình |
Chủ yếu núi trung bình, núi thấp, chạy theo hướng vòng cung như Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, có vùng đồi chuyển tiếp. |
Địa hình cao nhất nước ta, đỉnh phan-xi-păng cao 3147 m; địa hình chia cắt và hiểm trở, xen kẽ là các cao nguyên đá vôi, cánh đồng và thung lũng. |
Khí hậu |
Có 2 đai cao là đai nhiệt đới gió mùa, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi. |
Có đủ 3 đai cao là đai nhiệt đới gió mùa, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi và đai ôn đới gió mùa trên núi. |
Sông ngòi |
Có các hệ thống sông lớn |
Có các hệ thống sông lớn, tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. |
Sinh vật |
Có tỉ lệ che phủ rừng cao hơn Tây Bắc |
Có đủ 3 đai sinh vật là rừng nhiệt đới, rừng cận nhiệt đới, rừng ôn đới trên núi cao. |
Khoáng sản |
Tập trung một số lợi như than, sắt, chì, kẽm, bô-xít, a-pa-tít,… |
Ít khoáng sản hơn, chủ yếu là chì, kẽm, đồng, đất hiếm, nước khoáng,… |
Câu hỏi trang 161 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy xác định các thế mạnh để phát triển công nghiệp; lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và du lịch của vùng.
Trả lời:
– Địa hình, đất: địa hình đa dạng gồm địa hình đồi núi chủ yếu đồi núi thấp, dãy núi cao nhất vùng là Hoàng Liên Sơn, địa hình đồi phổ biến, các cánh đồng thung lũng xen kẽ khu vực đồi núi, địa hình các-xtơ, ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn,… Địa hình kết hợp với đất feralit tạo thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng và du lịch.
– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh nhất cả nước, khí hậu phân hóa theo độ cao địa hình, tạo điều kiện phát triển cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới, cây dược liệu, rau quả, phát triển du lịch.
– Nước: là thượng nguồn của nhiều hệ thống sông lớn như sông Hồng, Kỳ Cùng, Bằng Giang,… thuận lợi cho phát triển thủy điện, cung cấp nước. Có nhiều hồ tự nhiên, hồ thủy điện lớn như Ba Bể, Thác Bà, Hòa Bình,… thuận lợi phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước ngầm, nước khoáng phong phú với một số mỏ nước khoáng có giá trị để phát triển du lịch và công nghiệp như Kim Bôi, Thanh Thủy, Trạm Tấu,…
– Rừng: tiềm năng lớn về diện tích rừng với gần 5,4 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 53,8% (2021), tạo thế mạnh cho việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Hệ thống vườn quốc gia như Hoàng Liên (Lào Cai), Du Già (Hà Giang), Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng), Ba Bể (Bắc Kạn), Xuân Sơn (Phú Thọ),… có nhiều loại sinh vật đặc hữu, tạo sức hút lớn cho ngành du lịch.
– Khoáng sản: tập trung nhiều loại khoáng sản, cơ cấu đa dạng, một số loại trữ lượng lớn như a-pa-tít, đồng, than đá,… và nhiều mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng tạo thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.
3. Đặc điểm dân cư và chất lượng cuộc sống
Câu hỏi trang 161 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy cho biết đặc điểm nổi bật về phân bố dân cư và thành phần dân tộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
– Phân bố dân cư: năm 2021, vùng có số dân khoảng 12,9 triệu người (chiếm 13,2% cả nước); mật độ dân số thấp, khoảng 136 người/km2. Dân số thành thị chiếm khoảng 20,5%, dân số nông thôn chiếm khoảng 79,5%.
– Thành phần dân tộc: là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như Kinh, Thái, Mường, Dao, HMông, Tày, Nùng,… Các dân tộc có truyền thống văn hóa đặc sắc, đoàn kết trong xây dựng và phát triển kinh tế. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, sự phân bố các dân tộc có sự thay đổi và xu hướng các dân tộc sinh sống đan xen nhau trở nên phổ biến ở nhiều khu vực trong vùng.
Câu hỏi trang 162 Địa Lí 9: Dựa vào bảng 9.1 và thông tin trong bài, hãy nhận xét chất lượng cuộc sống dân cư vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
– Chất lượng cuộc sống dân cư vùng ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quần đầu người/tháng được nâng lên, tăng từ 0,9 triệu đồng (2010) lên 2,8 triệu đồng (2021).
– Vùng đang đầu tư xây dựng nông thôn mới với hạ tầng giao thông được nâng cấp và làm mới, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng giảm mạnh, từ 29,4% (2010) giảm xuống còn 13,4% (2021).
– Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, đạt 71,2 tuổi, tỉ lệ người biết chữ cũng tăng lên, đạt 90,6% năm 2021.
4. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế
Câu hỏi trang 162 Địa Lí 9: Dựa vào hình 9.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
– Nông nghiệp:
+ Trồng trọt: là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn, cơ cấu cây đa dạng, trong đó có cây trồng cận nhiệt đới, ôn đới, cây dược liệu. Chè có diện tích lớn nhất cả nước, sản lượng đạt 853,4 nghìn tần, chiếm 78,2% sản lượng cả nước, trồng nhiều ở Mộc Châu, Tân Cương; cà phê trồng nhiều ở Sơn La, Điện Biên; cây dược liệu như hồi, quế, tam thất phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng núi cao Hoàng Liên Sơn; cây ăn quả phát triển theo hướng tập trung như xoài, nhãn (Sơn La), vải thiều (Bắc Giang),…; rau vụ đông được phát triển mạnh ở nhiều tỉnh.
+ Chăn nuôi: năm 2021, có số lượng đàn trâu nhiều nhất cả nước, khoảng 1,2 triệu con, chiếm 55% cả nước, tập trung ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình,…; tổng đàn bò đạt 1,2 triệu con (chiếm 19% cả nước), nuôi bò sữa được chú trọng phát triển ở Mộc Châu; tổng đàn lợn đạt 5,5 triệu con, nuôi nhiều ở Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La,…
– Lâm nghiệp: tổng diện tích rừng lớn (chiếm 36,5% diện tích cả nước – 2021)
+ Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản: sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất là gần 5,4 triệu m3 (chiếm 28,4% sản lượng cả nước), chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ; ngoài ra còn khai thác tre, nứa,… Ngành khai thác và chế biến gỗ phát triển và phân bố ở nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái,…
+ Trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng: việc trồng rừng được quan tâm nên diện tích rừng trồng tăng 0,5 triệu ha từ 2010 – 2021; công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng cũng được tiế hành ở nhiều vườn quốc gia như Hoàng Liên, Xuân Sơn, Ba Bể, Du Già, Phia Oắc – Phia Đén.
Câu hỏi trang 164 Địa Lí 9: Dựa vào hình 9.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày tình hình phát triển, phân bố công nghiệp ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
Công nghiệp của vùng tăng trưởng nhanh chóng do thu hút đầu tư, đổi mới về khoa học công nghệ trong khâu sản xuất, tạo động lực cho phát triển công nghiệp. Cơ cấu ngành đa dạng, phù hợp với thế mạnh đặc trưng của vùng.
– Công nghiệp sản xuất điện:
+ Nhiều thế mạnh pháy triển thủy điện trên các sông Đà, sông Chảy,… Các nhà máy thủy điện như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW), Thác Bà (108 MW), Tuyên Quang (342 MW),… cung cấp điện năng hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước.
+ Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như Sơn Động (220 MW) Bắc Giang, Na Dương (110 MW) Lạng Sơn, Cao Ngạn (100 MW) Thái Nguyên,… đóng góp vào sản xuất điện năng cho vùng. Tiềm năng về nguồn năng lượng mới như điện mặt trời cũng được chú trọng đầu tư và phát triển trong tương lai.
– Công nghiệp khai khoáng: có nhiều khoáng sản thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai khoáng. Các cơ sở công nghiệp khai khoáng của vùng như a-pa-tít (Lào Cai), than đá (Lạng Sơn, Thái Nguyên), đá vôi xi măng (Sơn La),…
– Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp khác như sản xuất, chế biến thực phẩm; vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến lâm sản;… cũng đang được đầu tư phát triển.
Câu hỏi trang 165 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy kể tên các ngành dịch vụ nổi bật của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
– Các ngành dịch vụ nổi bật của vùng: du lịch, xuất khẩu, nhập khẩu
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập 1 trang 165 Địa Lí 9: Hãy tóm tắt đặc điểm phân hóa thiên nhiên giữa Đông Bắc và Tây Bắc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
Đặc điểm |
Đông Bắc |
Tây Bắc |
Địa hình |
Chủ yếu núi trung bình, núi thấp, chạy theo hướng vòng cung, có vùng đồi chuyển tiếp. |
Địa hình cao nhất nước ta, chia cắt và hiểm trở, xen kẽ là các cao nguyên đá vôi, cánh đồng và thung lũng. |
Khí hậu |
Có 2 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi. |
Có đủ 3 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi và đai ôn đới gió mùa trên núi. |
Sông ngòi |
Có các hệ thống sông lớn |
Có các hệ thống sông lớn, tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. |
Sinh vật |
Có tỉ lệ che phủ rừng cao hơn Tây Bắc |
Có đủ 3 đai sinh vật là rừng nhiệt đới, rừng cận nhiệt đới, rừng ôn đới trên núi cao. |
Khoáng sản |
Tập trung một số lợi như than, sắt, chì, kẽm, bô-xít, a-pa-tít,… |
Ít khoáng sản hơn, chủ yếu là chì, kẽm, đồng, đất hiếm, nước khoáng,… |
Luyện tập 2 trang 165 Địa Lí 9: Lấy ví dụ chứng minh ngành du lịch là thế mạnh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
Ví dụ: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó có các tài nguyên du lịch tự nhiên như đỉnh Phan-xi-păng (Lào Cai), dãy Hoàng Liên Sơn, cao nguyên đá Đồng Văn, thác Bản Giốc (Cao Bằng); các vườn quốc gia như Hoàng Liên, Ba Bể, Xuân Sơn,…; nguồn nước khoáng nóng có giá trị du lịch như Kim Bôi (Hòa Bình), đây là những điều kiện tạo sức hút đối với khách du lịch và phát triển ngành du lịch của vùng.
Vận dụng trang 165 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin và trình bày về một dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trả lời:
Trong các dân tộc sinh sống ở tỉnh Hà Giang, cộng đồng dân tộc Tày chiếm số đông với khoảng 170 nghìn người. Ở tỉnh Hà Giang, dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh.
Trải qua thời gian, đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Người Tày sống thành các bản ở ven các thung lũng, triền núi thấp vùng thượng du, nơi có nguồn nước suối trong mát. Mỗi bản có khoảng 15 đến 20 nóc nhà, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, người Tày thường chọn những loại gỗ quý để dựng nhà. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.
Người Tày sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh, thủy canh trong sản xuất lúa nước; ngoài ra còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả… chăn nuôi theo hình thức thả rông là chủ yếu; người Tày rất nổi tiếng nghề dệt thổ cẩm, các nghề thủ công gia đình như sản xuất nông cụ, làm đồ gỗ, đồ gốm.
Về trang phục, người Tày được nhận dạng qua các bộ trang phục màu chàm, áo cánh ngắn bên trong, áo dài bên ngoài và hầu như không có họa tiết thêu thùa. Mặc dù không cầu kỳ, nhiều màu sắc, những chiếc áo chàm của người Tày giản dị thể hiện nét đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Tày; tính cách ôn hòa, nhã nhặn của chính bản thân họ. Trong cuộc sống người Tày vẫn duy trì những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt mang bản sắc riêng của dân tộc mình.
Các lễ hội như: Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Hội xuống đồng tổ chức vào dịp đầu năm; Lễ hội cầu trăng tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm;… là những lễ hội độc đáo, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của họ.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 8. Dịch vụ
Bài 9. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ .
Bài 10. Thực hành: Vẽ sơ đồ thể hiện các thế mạnh về tư nhiên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Bài 11. Vùng Đồng bằng sông Hồng .
Bài 12. Thực hành: Sưu tầm tư liệu và trình bày về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Bài 13. Bắc Trung Bộ.