Giải bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 5 Bài 9: Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long
Khởi động (trang 40)
Câu hỏi trang 40 Lịch sử và Địa lí 5: Hãy chia sẻ những điều em biết về vua Lý Thái Tổ.
Hình 1. Tượng đài vua Lý Thái Tổ (Hà Nội)
Lời giải:
– Vua Lý Thái Tổ là người sáng lập ra Triều Lý. Người đã viết “Chiếu dời đô” và cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội), mở ra thời kì phát triển mới cho đất nước.
Khám phá (trang 40, 41, 42)
Câu hỏi trang 40 Lịch sử và Địa lí 5: Đọc thông tin, em hãy:
• Nêu sự thành lập Triều Lý.
• Nhận xét về nội dung và ý nghĩa của “Chiếu dời đô”.
Lời giải:
♦ Yêu cầu số 1: Sự thành lập Triều Lý: năm 1009, Lý Công Uẩn được các quan lại ủng hộ, suy tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Triều Lý được thành lập.
♦ Yêu cầu số 2:
– Nội dung của “Chiếu dời đô”: thông báo rộng rãi quyết định về việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La cho nhân dân biết.
– Ý nghĩa của “Chiếu dời đô”: thể hiện tầm nhìn sáng suốt của vua Lý Thái Tổ, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Câu hỏi trang 41 Lịch sử và Địa lí 5: Đọc thông tin, em hãy trình bày một số nét chính về xây dựng và bảo vệ đất nước dưới thời Lý.
Lời giải:
– Một số nét chính về lịch sử Việt Nam dưới Triều Lý:
+ Triều Lý tiến hành xây dựng chính quyền, thực hiện hàng loạt những việc làm ổn định và phát triển đất nước như: ban hành bộ “Luật Hình thư”, đổi tên nước thành Đại Việt, xây dựng Văn Miếu, tổ chức khoa thi đầu tiên, lập Quốc Tử Giám,…
+ Thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển thủ công nghiệp và các hoạt động buôn bán.
+ Chủ động tổ chức cuộc kháng chiến đánh bại quân Tống xâm lược, giữ vững nền độc lập của đất nước.
Luyện tập (trang 43)
Luyện tập 1 trang 43 Lịch sử và Địa lí 5: Kể tóm tắt câu chuyện về Lý Công Uẩn, trong đó có sử dụng các cụm từ sau: năm 1009, Hoa Lư, dời đô, Đại La, Thăng Long.
Lời giải:
– Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, vốn là người thông minh, tài đức. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, các quan trong triều đình đã suy tôn Lý Công Uẩn lên làm vua (hiệu là Lý Thái Tổ), lập ra nhà Lý. Nhận thấy kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) chật hẹp, không còn phù hợp cho sự phát triển của đất nước, năm 1010, vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô quyết định dời đô từ Hoa Lư đến thành Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long.
Luyện tập 2 trang 43 Lịch sử và Địa lí 5: Kể tên và nêu những đóng góp nổi bật của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu thời Lý.
Lời giải:
(*) Tham khảo 1:
– Tên nhân vật: Lý Thường Kiệt
– Những đóng góp chính của Lý Thường Kiệt:
+ Lý Thường Kiệt đã có những trận đánh vô cùng oanh liệt .
+ Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, ông đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân giặc và giành thắng lợi vẻ vang.
+ Không chỉ tài giỏi trong việc lên chiến lược, chỉ huy quân sĩ, ông còn là người hiểu lòng quân khi đã khích lệ tinh thần họ, góp phần vào chiến thắng vẻ vang.
(*) Tham khảo 2:
– Tên nhân vật: Lý Thái Tổ.
– Những đóng góp của vua Lý Thái Tổ đối với dân tộc:
+ Sáng lập ra Triều Lý.
+ Dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội).
Vận dụng (trang 43)
Vận dụng trang 43 Lịch sử và Địa lí 5: Sưu tầm thông tin (tư liệu, hình ảnh,…) về một nhân vật thời Lý mà em ấn tượng và chia sẻ với mọi người.
Lời giải:
(*) Tư liệu tham khảo: Những chiến công rạng danh lịch sử của Thái úy Lý Thường Kiệt
– Năm 1061 người Mường ở biên giới Thanh Hóa, Nghệ An quấy rồi, Lý Thường Kiệt được lệnh đi dẹp loạn. Thế nhưng ông chủ trương không dùng bạo lực mà cố gắng thu phục nhân tâm. Từ đó ông đã thu phục được dân Mường, giúp ổn định vùng biên giới phía Nam.
– Băm 1069, Lý Thường Kiệt cùng vua Lý Thánh Tông đem quân trấn áp Chăm-pa, đập tan ý đồ phối hợp với quân Tống của Chăm-pa. Vua Chiêm là Chế Củ phải chạy trốn đến biên giới với Chân Lạp thì không dám vượt sang vì có hiềm thù với Chân Lạp, nên phải đầu hàng Lý Thường Kiệt. Sau đó Chế Củ phải dâng 3 châu cho Đại Việt.
– Trong những năm 1075 – 1077, Lý Thường Kiệt lãnh đạo nhân dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.
– Năm 1104 vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân tiến đánh, chiếm lại các vùng đất mà vua Chế Củ đã nhượng lại cho Đại Việt trước đây. Lý Thường Kiệt lúc này đã 86 tuổi vẫn đưa quân về phía Nam đánh bại quân Chiêm Thành. Chế Ma Na phải nộp lại đất cho Đại Việt
Xem thêm các bài giải bài tập Lịch sử và Địa Lí lớp 5 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 8: Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc
Bài 9: Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long
Bài 10: Triều Trần và kháng chiến chống Mông-Nguyên
Bài 11: Khởi nghĩa Lam Sơn và Triều Hậu Lê
Bài 12: Triều Nguyễn
Bài 13: Cách mạng tháng Tám năm 1945