Giải bài tập Lịch Sử lớp 10 Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam
I. Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam
1. Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc
Câu hỏi trang 127 Lịch sử 10: Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành từ những cơ sở nào?
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I.1 SGK.
B2: Xác định được 2 cơ sở sau:
+ Nhu cầu thủy lợi, phát triển nông nghiệp, chống ngoại xâm.
+ Chính sách đoàn kết giữa các dân tộc.
Trả lời:
Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành từ 2 cơ sở:
– Xuất phát từ nhu cầu thủy lợi và trị thủy, phát triển nông nghiệp, đấu tranh chống ngoại xâm,…các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã hình thành tinh thần đoàn kết từ xa xưa.
– Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cũng thực hiện nhiều chính sách để xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.
2. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước
Câu hỏi 1 trang 128 Lịch sử 10: Tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong lịch sử được thể hiện như thế nào?
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I.2 SGK.
B2: Trình bày được 2 biểu hiện của tinh thần đoàn kết của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam:
+ Trong sinh hoạt, sản xuất và lao động (dựng nước).
+ Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm (giữ nước).
Trả lời:
Biểu hiện của tinh thần đoàn kết của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước:
– Sự đoàn kết của các cộng động dân tộc ở Việt Nam trong công cuộc dựng nước thể hiện ở chỗ cùng khai phá đất đai, tiến hành sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần…
– Những hoạt động kinh tế và văn hóa góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.
– Trong công cuộc giữ nước, các dân tộc Việt Nam đã cùng nhau sát cánh chống lại sự xâm lược và lật đổ ách thống trị của ngoại bang.
Câu hỏi 2 trang 128 Lịch sử 10: Em hãy kể tên một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam?
Phương pháp giải:
Đọc mục I.2 SGK.
Trả lời:
– Trong thời kì Bắc thuộc có các anh hùng dân tộc thiểu số đã tham gia khởi nghĩa lật đổ ách thống trị ngoại bang như Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng,…
– Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có rất nhiều anh hùng dân tộc thiểu số đã tham gia kháng chiến: Bế Văn Đàn (dân tộc Tày), Nơ Trang Lơng (người M’nông), Kim Đồng (người Nùng),..
Câu hỏi 3 trang 128 Lịch sử 10: Hãy kể tên một số bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc Việt Nam mà em biết
Phương pháp giải:
Tham khảo các sách báo và internet “các bài hát ca ngợi anh hùng Cách mạng”…
Trả lời:
Một số bài hát có thể kể đến như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Bài hát Ngô Mây, Noi gương anh Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Hát về Lê Ðình Chinh, Những bông sen (Lê Thị Hồng Gấm)…
3. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Câu hỏi 1 trang 130 Lịch sử 10: Em hãy nêu ý nghĩa của việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I.3 trang 129 SGK.
B2: Trình bày được:
+ Vai trò của khối đại đoàn kết trong bảo vệ tổ quốc.
+ Vai trò của khối đại đoàn kết trong phát triển kinh tế, văn hóa.
Trả lời:
– Mối quan hệ hòa hợp, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc sẽ tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho việc phát triển kinh tế, văn hóa.
– Khối đại đoàn kết là nguồn sức mạnh để cộng đồng các dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Câu hỏi 2 trang 130 Lịch sử 10: Theo em, nội dung chính yếu trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-ku là gì?
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục Em có biết SGK trang 129.
B2: Xác định được nội dung chính yếu trong bức thư là:
+ Kêu gọi tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số.
+ Khẳng định tính tất yếu phải đoàn kết các dân tộc với nhau.
Trả lời:
– Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ bình dị, đời thường “anh em ruột thịt”, “sống chết có nhau”, “sướng khổ cùng nhau”, “no đói giúp nhau”,… rất gần gũi với các đồng bào các dân tộc thiểu số.
– Người khẳng định tính tất yếu phải đoàn kết các dân tộc với nhau vì: “đều là con cháu Việt Nam”, “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta”, “để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chính phủ ta”, “giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
– Người còn khẳng định niềm tin kiên định vào tinh thần đoàn kết “…lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Câu hỏi 3 trang 130 Lịch sử 10: Em hãy cho biết, câu nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công” là của ai. Câu nói đó nhắc nhở em điều gì khi học về cộng đồng các dân tộc Việt Nam?
Phương pháp giải:
B1: Khẳng định câu nói trên là của bác Hồ.
B2: Khi học về các cộng đồng các dân tộc Việt Nam cần chú ý:
+ Sự đang dạng bản sắc văn hóa.
+ Khối đại đoàn kết dân tộc.
Trả lời:
– “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961.
– Khi học về cộng đồng các dân tộc Việt Nam em cần phải chú ý:
+ Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
+ Khối đại đoàn kết dân tộc được xây dựng không chỉ nhằm đoàn kết các cộng động dân tộc Việt Nam trong một khối thống nhất, mà còn phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc.
+ Tinh thần đại đoàn kết này đã làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ tổ quốc.
II. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay
1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc
Câu hỏi trang 131 Lịch sử 10: Theo em, các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ như thế nào?
Phương pháp giải:
B1: Quan sát Hình 20.5. Sơ đồ các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc ở Việt Nam trang 130.
B2: Mối quan hệ: thống nhất, không thể tách rời, gắn bó quan hệ hữu cơ với nhau.
Trả lời:
– Những nguyên tắc trên được trình bày trong một thể thống nhất, không thể tách rời, gắn bó quan hệ hữu cơ với nhau.
– Những nguyên tắc này không phải hình thành ngay một lúc mà trải qua một quá trình bổ sung, hoàn thiện, nâng cao để trở thành một trong những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
2. Nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước
Câu hỏi trang 133 Lịch sử 10: Nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa như thế nào đối với việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam?
Phương pháp giải:
Đọc mục II.2 trang 132 SGK.
Trả lời:
– Việc thực hiện các chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
– Đồng thời các chính sách này cũng góp phần thúc đẩy cộng đồng các dân tộc Việt Nam tăng cường đoàn kết, ngày càng phát triển về mọi mặt.
Luyện tập và Vận dụng (trang 133)
Luyện tập 1 trang 133 Lịch sử 10: Tác động của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong công đồng các dân tộc Việt Nam là gì?
Phương pháp giải:
Đọc mục II.2 trang 131, 132 SGK.
Trả lời:
– Nhà nước đã quan tâm, đầu tư, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển cho vùng dân tộc và miền núi trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội,…
– Những chính sách trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ y tế ở các vùng dân tộc và miền núi.
– Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, củng cố niềm tin của họ vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Luyện tập 2 trang 133 Lịch sử 10: Vì sao khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Phương pháp giải:
Đọc mục I.3 trang 129 SGK.
Trả lời:
– Kế thừa từ truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
– Khối đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần hình thành lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
– Trong thời đại hiện nay, khối đại đoàn kết dân tộc cũng góp phần ngăn chặn, tiêu diệt mọi hành động phá hoại, những âm mưu diễn biến hòa bình…của các thế lực phản động nhắm vào dân tộc ta.
– Khối đại đoàn kết dân tộc cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo dựng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Vận dụng 1 trang 133 Lịch sử 10: Vì sao cần phải giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc? Hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân em về vấn đề này.
Phương pháp giải:
HS xây dựng đoạn văn triển khai theo các ý sau:
– Kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc.
– Nhờ có đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta mới đánh thắng được những kẻ thù xâm lăng.
– Vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Trả lời:
Gợi ý giải
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh toàn dân được hun đúc trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Câu nói nổi tiếng của Bác “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công” như muốn khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đoàn kết càng chặt chẽ thì sức mạnh càng lớn, càng dễ dàng đi tới thắng lợi hơn. Chân lý này cũng đã được minh chứng qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, từ lịch sử hơn ngàn năm Bắc thuộc cho đến những tên đế quốc sừng sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều bị sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đánh bại. Khối đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần hình thành lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Trong thời đại hiện nay, khối đại đoàn kết dân tộc cũng góp phần ngăn chặn, tiêu diệt mọi hành động phá hoại, những âm mưu diễn biến hòa bình…của các thế lực phản động nhắm vào dân tộc ta.
Vận dụng 2 trang 133 Lịch sử 10: Hãy lựa chọn để thuyết trình về một chính sách văn hóa – xã hội đối với cộng đồng các dân tộc ít người.
Phương pháp giải:
HS có thể lựa chọn các chủ đề sau để xây dựng bài thuyết trình:
+ Các chương trình xóa đói giảm nghèo.
+ Các chương trình y tế, phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm.
+ Các chương trình giáo dục.
Trả lời:
Gợi ý giải
“Trường đẹp cho em” đến với dân tộc thiểu số ở Sơn La.
– Thời gian: chương trình “Điều ước cho em” khởi động từ tháng 4-2021, trong khuôn khổ chương trình “Sức mạnh 2.000”.
– Quy mô:
+ Trung tâm Tình nguyện quốc gia, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã triển khai 82 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em”, tại 16 tỉnh, 30 huyện và 66 xã ở vùng có kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Bắc và Đông Bắc. 82 công trình với quy mô 118 lớp học, 46 phòng công vụ và 26 nhà vệ sinh, phục vụ gần 2.500 em học sinh, với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng.
+ Với tổng kinh phí 785 triệu đồng, công trình “Trường đẹp cho em” tại điểm trường Bó Kiếng được khánh thành, bàn giao sẽ giúp hiện thực điều ước có trường mới, trường đẹp đủ tiêu chuẩn học tập đối với các em học sinh nơi đây.
– HS sưu tầm tranh ảnh, các bài báo, video…liên quan để chèn vào slide thuyết trình.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 16: Văn minh Chăm – pa
Bài 17: Văn minh Phù Nam
Bài 18: Văn minh Đại Việt
Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam