Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 10 trang 105, 106 tập 2 hay nhất
Video bài giảng Thực hành tiếng Việt lớp 10 – Cánh diều
Câu 1 trang 105 SGK Ngữ Văn 10 tập 2: Đọc các đoạn văn dưới đây và thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Xác định chủ đề của đoạn văn.
– Nhận xét về tính liên kết trong đoạn văn.
– Nhận xét về tính mạch lạc của đoạn văn.
a) Lúc này, với tình hình như vậy, phải ra sức đổi mới và sáng tạo. Đổi mới một cách căn bản, trong đó có nhiều việc phải nghĩ khác, làm khác cha anh, để tránh những sai lầm đã có, thoát ra khỏi những nguy cơ, giáo điều, cản trở, lạc hậu, để phát triển vượt lên. Làm vậy là trung thành với cha anh, với mong muốn một Việt Nam phát triển, mong “con hơn cha” để nhà có phúc. Đó là sự trung thành với lí tưởng một dân tộc và một đất nước Việt Nam phát triển cường thịnh, một xã hội thật sự tốt đẹp; chứ không phải trung thành theo nghĩa phải nghĩ, phải nói, phải viết, phải làm hệt y như cha anh, dù hoàn cảnh đã khác. (Vũ Ngọc Hoàng).
b) Thế hệ người lớn hôm nay có ý định để lại gì cho lớp trẻ? Thông thường, nhiều người có trách nhiệm và tâm huyết vẫn nghĩa phải phấn đấu để lại cho lớp trẻ một quốc gia phát triển. Đó là mong muốn chính đáng, làm được như thế thì quá tốt. Nhưng làm sao mà để lại được cho lớp trẻ một đất nước phát triển khi mà ta chưa tạo ra được một đất nước như vậy? Ta không thể để lại cái mà ta chưa làm ra được. Có lẽ phải nghĩ cách khác, trước nhất, quan trọng nhất, là để lại cho lớp trẻ sự trưởng thành của chính họ, của cả cách họ suy nghĩ khác ta, để từ đó, những con người mới ấy sẽ tạo ra một đất nước Việt Nam phát triển. Để lại con người mới là để lại tất cả. Con để lại tất cả (nếu có) mà không để lại được con người thì tất cả cũng sẽ không còn. (Vũ Ngọc Hoàng).
c) Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu. Câu thứ nhất gợi ra cái nền phông cảnh bằng nét rộng khoáng đạt, thoáng đãng: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”. Chữ xanh ngắt gợi được cái sắc xanh riêng của mùa thu với tất cả vẻ êm ả, mát mẻ và trong xanh của nó. Ba chữ mây từng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn, hiện ra một tiền cảnh là cần trúc lơ phơ… Tầm nhìn dịch chuyển từ xa đến gần. Và, không phải cành trúc, ngọn trúc mà phải là cần trúc. Chữ cần là nét cong mềm mại thật hợp điệu thu. Chữ lơ phơ tả vẻ đẹp lưa thưa mà lay động. Chữ hắt hiu thật là cái hồn của gió thu. Cả lơ phơ và hắt hiu như phụ họa với nhau để thâu tóm cái hồn của gió thu: “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Thi sĩ đã dùng cái “động” gần để gợi cái “tĩnh” xa trong bao la của thinh không. Đó là những gợn gió thật mỏng manh, nếu không có một mĩ cảm tinh tế thì khó mà nhận biết. Đó chính là những gợn gió thanh từng làm xao động thân cô trúc của Nguyễn Khuyến đấy chăng? (Chu Văn Sơn)
d) Tại sao chúng ta cư xử thô lỗ? Bởi vì chúng ta bị xao nhãng, đầu óc ta đang mải mơ màng những việc khác? Đôi khi, lí do này đúng. Nhưng sự thô lỗ thường là dấu hiệu của cảm giác bất an. Đó là cách chúng ta tránh né người khác để họ không nhận thấy cảm giác thật của mình. Làm như vậy có thể hiệu quả nhưng nó chẳng giúp ích cho ai cả. Nó khiến mọi người xa rời nhau thay vì đoàn kết vì một mục đích chung. Chúng ta không bao giờ tìm thấy sự bình yên nếu cứ khăng khăng bảo vệ cải ốc đảo cô đơn của mình. Cố gắng theo đuổi mối liên kết chung với mọi người là con đường bằng phẳng nhất đưa chúng ta đến hoà bình. (Ca-ren Ca-xay)
Trả lời:
a.
– Chủ đề của đoạn văn: Lúc này, với tình hình như vậy, phải ra sức đổi mới và sáng tạo.
– Nhận xét về tính liên kết trong đoạn văn:
+ Các câu văn đã phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.
+ Đoạn văn có liên kết về hình thức chặt chẽ: sử dụng phép thế “đó”, phép nối, phép liên tưởng.
– Nhận xét về tính mạch lạc của đoạn văn: Các câu trong đoạn đều hướng về một chủ đề chung thống nhất: Phải ra sức đổi mới và sáng tạo; cách đổi mới và sáng tạo hiệu quả nhất.
b.
– Chủ đề của đoạn văn: Thế hệ người lớn hôm nay cần để lại cho lớp trẻ sự trưởng thành của chính họ.
– Nhận xét về tính liên kết trong đoạn văn:
+ Các câu văn đã phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.
+ Đoạn văn có liên kết về hình thức chặt chẽ: sử dụng phép thế “đó”, phép nối, phép lặp.
– Nhận xét về tính mạch lạc của đoạn văn: Các câu trong đoạn đều hướng về một chủ đề chung thống nhất: Thế hệ người lớn hôm nay cần để lại cho lớp trẻ sự trưởng thành của chính họ.
c.
– Chủ đề của đoạn văn: Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu.
– Nhận xét về tính liên kết trong đoạn văn:
+ Các câu văn đã phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.
+ Sử dụng từ ngữ liên kết “và”.
– Nhận xét về tính mạch lạc của đoạn văn: Các câu trong đoạn đều hướng về một chủ đề chung thống nhất: Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu; Phân tích theo trình tự các câu thơ.
d.
– Chủ đề của đoạn văn: Tại sao chúng ta cư xử thô lỗ?
– Nhận xét về tính liên kết trong đoạn văn:
+ Các câu văn đã phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.
+ Đoạn văn có liên kết về hình thức chặt chẽ: sử dụng phép thế, nối, lặp.
– Nhận xét về tính mạch lạc của đoạn văn: Các câu trong đoạn đều hướng về một chủ đề chung thống nhất: Tại sao chúng ta cư xử thô lỗ?
Câu 2 trang 105 SGK Ngữ Văn 10 tập 2: Trong các đoạn văn sau đây, tác giả đã sử dụng những từ ngữ nào để liên kết các câu trong đoạn?
a) Lớp trẻ được bình đẳng đối thoại với người lớn, kể cả những người có chức vụ cao, kể cả cha anh và thầy giáo. Người lớn phải khai hóa văn minh, không làm cho lớp trẻ thụ động, phải tôn trọng lớp trẻ, dân chủ và bình đẳng với người trẻ. Người lớn không độc quyền chân lí mà làm người bạn đồng hành với lớp trẻ trong quá trình đi tìm chân lí của cuộc sống. Không áp đặt một chiều các tư tưởng giáo điều cũ kĩ cho lớp trẻ, luôn tìm cách tạo tự tin cho các em, khuyến khích lớp trẻ có chính kiến riêng, dám “cãi lại”, tôn trọng cá tính của các em. Người lớn cần hiểu lớp trẻ không phải là cái bóng sau mình, chỉ biết gọi dạ bảo vâng, làm theo, phục tùng và cúc cung tận tụy; phải trung thành với mọi điều người lớn nghĩ, người lớn nói, người lớn đã viết. Suy nghĩ như vậy là lạc hậu, không sáng suốt. Nếu người lớn để lại một lớp sau giống mình, y như mình, bản sao chép của mình, thì đó cũng là dấu hiệu của một đất nước, một dân tộc không phát triển. (Vũ Ngọc Hoàng).
b) Nếu muốn thay đổi tính chất của các mối quan hệ với mọi người xung quanh, bạn phải ý thức rõ tác động của những gì mình nói ra. Có lẽ, chúng ta không cố tình gây tổn thương người khác bằng nhận xét của mình. Thật ra, chúng ta cứ nghĩ mình đang cư xử lịch thiệp hay thậm chí là ân cần, những biểu hiện trên gương mặt của người đối diện mới nói lên sự thật. (Ca-ren Ca-xây)
c) Sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật gần giống với sự sáng tạo ra sự sống: “Dùng hình tượng là để lấy sự sống tác động vào sự sống, lấy sự sống sinh ra sự sống”. Nhưng đây là một sự sống đặc biệt, một sự sống bất diệt. Hình tượng văn học có giá trị, một khi ra đời, tham gia vào sinh hoạt xã hội như một con người thực. Người ta tâm sự với Kiều, thương Kiều, khóc Kiều và mê Kiều. Từ những nét mực, trang giấy bỗng hiện lên cả một thế giới đã lùi sâu vào dĩ vãng. Chính cái “phép mầu” kì diệu ấy đã khiến Go-rơ-ki (Gorki) ngôi đọc truyện ngắn “Trái tim bình dị” của Phlô-be (Flaubert), cảm thấy như trong quyển sách có một thứ ảo thuật gì khó hiểu; và Go-rơ-ki đã mấy lần giơ tờ giấy ra trước ánh sáng, nhìn qua các dòng chữ để tìm xem có cái bí mật gì ở trong ấy không. (Nguyễn Duy Bình)
Trả lời:
a.
Những từ ngữ được tác giả sử dụng để liên kết các câu trong đoạn là: như vậy; nếu…thì.
b.
Những từ ngữ được tác giả sử dụng để liên kết các câu trong đoạn là: nếu, có lẽ, thật ra.
c.
Những từ ngữ được tác giả sử dụng để liên kết các câu trong đoạn là: nhưng, phép thế (Từ những nét mực; chính cái phep màu kì diệu ấy).
Câu 3 trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2: Phát hiện và sửa lỗi trong các đoạn văn sau:
a) Cảnh vật trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến thật là vắng vẻ. Ngõ trúc quanh co, sóng nước gợn tí, lá vàng đưa vèo, chiếc thuyền bé tẻo teo. Cảnh vật dường như ngưng đọng, im lìm. Bởi vậy, nét bút của Nguyễn Khuyến đã tạo dựng được rất thành công cảnh sắc im ắng ấy. (Dẫn theo Bùi Minh Toán, Nguyễn Quang Ninh)
b) Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn tất cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau sinh sống. Những người nông dân yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng, đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu trong bài ca dao thật nồng nhiệt, đằm thắm. (Dẫn theo Bùi Minh Toản, Nguyễn Quang Ninh)
c) Cắm đi một mình trong đêm. Trận địa đại hội 2 ở phía bãi bồi bên một dòng sông. Hai bố con cùng viết đơn xin ra mặt trận, Mùa thu hoạch lạc đã vào chặng cuối. (Dẫn theo Trần Ngọc Thêm)
Trả lời:
a.
– Lỗi sai: Từ “Bởi vậy”
– Sửa lỗi: Thay “Bởi vậy” thành từ “Quả thật”
– Câu hoàn chỉnh: Cảnh vật trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến thật là vắng vẻ. Ngõ trúc quanh co, sóng nước gợn tí, lá vàng đưa vèo, chiếc thuyền bé tẻo teo. Cảnh vật dường như ngưng đọng, im lìm. Quả thật, nét bút của Nguyễn Khuyến đã tạo dựng được rất thành công cảnh sắc im ắng ấy.
b.
– Lỗi sai: Ý câu đầu và câu sau không thống nhất (câu đầu nói về tình yêu đôi lứa, câu sau nói về những tình cảm khác)
– Sửa lại:
Trong ca dao Việt Nam, những bài nói về tình yêu nam nữ nhiều nhất nhưng số bài thể hiện tình cảm khác cũng đa dạng. Những con người trong ca dao yêu gia đình, yêu tổ ấm, cùng nhau sinh sống, yêu nơi chôn rau cắt rốn. Họ yêu làng, yêu nước, yêu từ cảnh đồng ruộng đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm, sâu sắc.
c.
– Lỗi sai: Theo sự diễn đạt này, các câu vi phạm liên kết nội dung: không cùng chung một chủ đề.
– Sửa lại:
Cắm bơi một mình trong đêm. Trận địa đại đội 2 của anh ở phía bãi bồi bên một dòng sông. Anh chợt nhớ hồi đầu mùa lạc hai bố con anh cùng viết đơn xin ra mặt trận. Bây giờ thì mùa thu hoạch lạc đã vào chặng cuối.
Câu 4 trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2: Viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) triển khai ý từ câu chủ đề sau đây: Tác phẩm văn học hấp dẫn người đọc bằng những nhân vật do trí tưởng tượng của nhà văn sáng tạo ra.
Trả lời:
Tác phẩm văn học hấp dẫn người đọc bằng những nhân vật do trí tưởng tượng của nhà văn sáng tạo ra. Thật vậy, nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thể hiện nội dung, tư tưởng, quan điểm của tác phẩm. “Trí tưởng tượng là cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật, là vầng thái dương vĩnh cửu và là chúa trời của nó” (thơ La tinh). Câu nói ấy đã nhấn mạnh vai trò của năng lực tưởng tượng trong sáng tạo Văn học. Chúng ta bắt gặp hình ảnh một Chí Phèo với hình dáng bặm trợn, mặt đầy vết sẹo, khiến người khác nhìn vào mới thấy sợ hãi làm sao. Tuy nhiên, hình tượng nhân vật Chí Phèo ấy là do Nam Cao sáng tạo ra nhằm chỉ những Chí Phèo” ngoài đời thật. Nhờ có tưởng tượng mà nhà thơ, nhà văn đã khắc hoạ nên hình tượng nhân vật, hình ảnh thơ đầy cảm xúc chạm đến nội tâm người đọc, khiến họ xúc động, hồi hộp, hạnh phúc.
Xem thêm các bài giải Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Soạn bài Đừng gây tổn thương
Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 10 trang 105, 106 tập 2
Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học
Soạn bài Giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm văn học
Soạn bài Tự đánh giá lớp 10 trang 113, 114, 115 tập 2