Giải bài tập Chuyên đề Ngữ văn 10 Soạn bài Tập nghiên cứu
I. Xác định đề tài, vấn đề, mục tiêu, nội dung và lập kế hoạch nghiên cứu.
1. Xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu.
– Đề tài, vấn đề nghiên cứu được chọn để triển khai cần gắn với một nội dung học tập trong chương trình, có thể tiếp tục mở rộng và khơi sâu.
– Một số nội dung nghiên cứu về văn học dân gian có thể tham khảo để nghiên cứu:
+ Nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian.
+ Nghiên cứu một hình tượng, chi tiết trong các văn bản văn học dân gian.
+ Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian với đời sống văn hóa dân tộc và văn học nghệ thuật hiện nay.
– Chọn đề tài phù hợp với điểm mạnh, hứng thú của cá nhân/ nhóm, thể hiện ở các phương diện: nguồn tư liệu, thông tin, có chuyên gia hỏi ý kiến…
– Khi xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu cần nêu rõ lí do chọn đề tài:
+ Lí do khách quan: tầm quan trọng và tính cấp thiết của đề tài/ vấn đề nghiên cứu, những điều cần tiếp tục mở rộng, đào tạo sâu…
+ Lí do chủ quan: nêu được ý nghĩa của đề tài, vấn đề đối với việc học tập và cuộc sống của cá nhân; nhu cầu, mong muốn được tìm hiểu về đề tài; điều kiện thuận lợi mà bạn có được khi triển khai đề tài, vấn đề…
– Tham khảo một số thông tin sau để lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu cho cá nhân:
+ Giá trị, sức hấp dẫn hay nét đặc sắc của một truyện cổ hay một nhóm truyện cổ, một bài ca dao hay một chùm ca dao.
+ Hình tượng người anh hùng (hoặc dũng sĩ, mồ côi,…) trong truyện cổ dân gian Việt Nam.
+ Hình tượng con cò (hoặc con thuyền, dòng sông…) trong ca dao, dân ca Việt Nam.
+ Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc.
Câu hỏi (trang 9 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Kết nối): Bạn sẽ chọn đề tài, vấn đề nào được gợi ý ở trên? Hoặc bạn có thể đề xuất đề tài, vấn đề nào khác?
Trả lời:
– Trong các đề tài, vấn đề được gợi ý trên, em chọn đề tài: Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc.
→ Vì:
+ Đề tài này gần gũi với đời sống tự nhiên.
+ Dễ dàng tìm kiếm nguồn thông tin và tư liệu từ cuộc sống
+ Dễ dàng nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia/ những người dân về các lễ hội truyền thống của dân tộc
+…
– Tôi xin đề xuất một số đề tài, vấn đề khác như sau:
+ Sức ảnh hưởng của hình tượng người anh hùng trong truyện cổ dân gian Việt Nam đối với đời sống xã hội hiện nay.
+ Giá trị đặc sắc của hình tượng dân gian (con cò, dòng sông…) trong ca dao, dân ca Việt Nam.
+…
Câu hỏi (trang 9 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Kết nối): Để xác định vấn đề nghiên cứu, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
– Vấn đề bạn lựa chọn có điểm gì hấp dẫn?
– Vấn đề bạn lựa chọn có ý nghĩa gì đối với việc học tập của bạn?
– Bạn có điều kiện thực tế để tìm hiểu vấn đề không?
– Vấn đề bạn lựa chọn có phát huy sở trường học tập của bạn không?
Trả lời:
Ví dụ đề tài/ vấn đề tôi chọn là: Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc.
– Vấn đề tôi chọn: gần gũi với thực tế đời sống hiện nay.
– Khi tìm hiểu thông tin về vấn đề này, nó giúp tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các văn bản dân gian và giúp tôi hình dung dễ dàng hơn khi tìm hiểu các giá trị văn hóa được truyền tải thông qua các văn bản văn học dân gian.
– Đa số ở mỗi vùng miền/ địa phương sẽ có các lễ hội truyền thống khác nhau, nên việc tìm hiểu vấn đề sẽ không gây quá nhiều khó khăn; tôi/ chúng tôi có thể tìm hiểu các lễ hội truyền thống tại địa phương để giúp tuyên truyền và quảng bá vẻ đẹp truyền thống này.
– Việc tìm hiểu vấn đề này giúp chúng tôi được mở rộng vốn kiến thức của mình, phát huy các điểm mạnh cá nhân như: chọn lọc thông tin, giao tiếp xã hội, thuyết trình và lí giải về các vấn đề đã tìm hiểu và lựa chọn…
2. Xác định mục tiêu, nội dung nghiên cứu.
– Một đề tài, vấn đề nghiên cứu bao giờ cũng hướng đến những mục tiêu cụ thể và mục tiêu đó sẽ định hướng những tri thức và kĩ năng mà người thực hiện huy động.
– Ví dụ:
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài, vấn đề: Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc.
+ Nhằm phát triển năng lực nghiên cứu một đề tài/ vấn đề văn học dân gian qua trải nghiệm thực tiễn, qua đó mở rộng hiểu biết về sức sống và giá trị của văn học dân gian trong đời sống hiện nay.
+ Bồi dưỡng tình yêu đối với các giá trị của văn hóa dân tộc.
Cùng với việc xác định mục tiêu, chúng ta có thể dự kiến các nội dung trong tập của vấn đề như:
+ Những đặc điểm nổi bật của lễ hội.
+ Dấu ấn của tác phẩm văn học dân gian thể hiện qua các hoạt động của lễ hội.
+ Ý nghĩa, giá trị của lễ hội và tác phẩm văn học dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Câu hỏi (trang 10 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Kết nối): Để xác định mục tiêu, nội dung của đề tài, vấn đề nghiên cứu, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
– Bạn muốn được rèn luyện điều gì về tư duy và các kĩ năng tìm hiểu, nghiên cứu một vấn đề?
– Việc tìm hiểu đề tài, vấn đề nghiên cứu giúp gì cho bạn trong việc mở rộng, nâng cao hiểu biết về văn học dân gian?
– Bạn dự kiến những nội dung trọng tâm của đề tài, vấn đề cần tìm hiểu là gì?
Trả lời:
– Về tư duy và các kĩ năng tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, tôi mong muốn bản thân rèn luyện tốt kĩ năng chọn lọc và tìm kiếm thông tin; xác định và phát triển tốt các kĩ năng thuyết trình và biện luận cho vấn đề đã lựa chọn…
– Việc tìm hiểu đề tài, vấn đề nghiên cứu giúp tôi mở rộng hơn những hiểu biết về văn học dân gian như:
+ Nguồn gốc và sự khởi đầu của các hình tượng văn học dân gian.
+ Các giá trị về tư tưởng, tinh thần mà các văn bản dân gian để lại ví dụ như các lễ hội văn hóa truyền thống, các bài học về nhận thức, hành động từ các văn bản văn học dân gian truyền tải …
+…
– Khi tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài/ vấn đề tôi dự kiến các nội dung trọng tâm như:
+ Những đặc điểm nổi bật của vấn đề.
+ Ý nghĩa và giá trị về tinh thần mà vấn đề/ đề tài truyền tải.
+ Những ảnh hưởng của đề tài/ vấn đề đối với đời sống hiện tại.
+…
3. Lập kế hoạch nghiên cứu.
– Lập kế hoạch là bước quan trọng trong việc thực hiện một nhiệm vụ, qua đó bạn có thể hình dung và sắp xếp các bước cần tiến hành theo một trình tự thời gian hợp lí để hoàn thiện nhiệm vụ.
– Kế hoạch thường được trình bày dưới dạng bảng, thể hiện nội dung của từng công việc, cách thức tiến hành, thời gian dự kiến và người thực hiện.
– Để lập được kế hoạch nghiên cứu, cần chia nhiệm vụ nghiên cứu thành nhiều hoạt động nhỏ, xác định nội dung chi tiết của từng hoạt động và dự kiến kết quả, sản phẩm đạt được của mỗi hoạt động.
– Ví dụ với đề tài, vấn đề: “Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc” ta có thể lập bảng kế hoạch như sau:
Câu hỏi (trang 11 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Kết nối): Để lập kế hoạch nghiên cứu cho đề tài, vấn đề đã lựa chọn, bạn có thể dựa vào các câu hỏi gợi ý sau:
– Việc triển khai đề tài, vấn đề bao gồm những hoạt động nào?
– Hoạt động được thực hiện ở đâu?
– Kết quả, sản phẩm của từng hoạt động và kết quả, sản phẩm cuối cùng là gì?
– Khi nào cần hoàn thành từng hoạt động?
– Ai được phân công thực hiện và cần phối hợp với ai?
Trả lời:
– Việc triển khai đề tài, vấn đề bao gồm những hoạt động sau:
+ Tìm hiểu về lễ hội dân gian qua các tài liệu (sách báo, internet…)
+ Tham khảo ý kiến chuyên gia.
+ Tham gia lễ hội.
+ Xây dựng hồ sơ tài liệu nghiên cứu về tác phẩm văn học dân gian và lễ hội văn hóa.
– Hoạt động được thực hiện ở: nhà, trường, lớp, địa phương – nơi diễn ra lễ hội truyền thống…
– Kết quả, sản phẩm của từng hoạt động:
+ Tìm hiểu về lễ hội dân gian qua tài liệu → Kết quả: Sưu tầm được các tài liệu liên quan đến lễ hội.
+ Tham khảo ý kiến chuyên gia → Kết quả: Bản ghi chép ý kiến chuyên gia về lễ hội và tác phẩm văn học liên quan đến lễ hội.
+ Tham gia lễ hội → Kết quả: Bản ghi chép về không khí, diễn biến của lễ hội.
+ Xây dựng hồ sơ tài liệu nghiên cứu → Kết quả: Danh mục tài liệu tham khảo.
→ Sản phẩm cuối cùng là: Bộ hồ sơ tài liệu về lễ hội dân gian mà nhóm/ cá nhân lựa chọn.
– Tất cả các thành viên trong nhóm đều được phân công các công việc phù hợp với điểm mạnh của bản thân, phối hợp với nhau để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
II. Thu thập thông tin
Để triển khai đề tài, vấn đề nghiên cứu và thực tiễn các hoạt động theo kế hoạch đã dự kiến, bên cạnh các kiến thức, kĩ năng đã được học trong chương trình, việc thu thập thêm các thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm hiểu sâu rộng đề tài, vấn đề nghiên cứu.
Có thể thu thập thông tin về đề tài, vấn đề đã lựa chọn theo một số hình thức sau:
1. Sưu tầm tài liệu
– Tác phẩm văn học dân gian xưa được lưu truyền bằng con đường truyền miệng, nhưng hiện nay hầu hết đã được ghi chép lại trong các cuốn sách, tài liệu; đồng thời có rất nhiều công trình nghiên cứu về chúng. Do vậy việc sưu tầm tài liệu là một trong những phương pháp thường dùng khi triển khai nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian, qua đó phát triển kĩ năng đọc, tìm kiếm thông tin nghiên cứu.
– Việc sưu tầm tài liệu sẽ giúp bạn tìm được nhiều thông tin cần thiết để trả lời các câu hỏi:
+ Vấn đề nghiên cứu liên quan đến những tác phẩm nào?
+ Vấn đề này đã từng được nghiên cứu chưa?
+ Dữ liệu, thông tin nào cần sử dụng để làm sáng tỏ các nội dung liên quan vấn đề.
– Có thể tìm đọc, sưu tầm tài liệu từ các nguồn sau:
+ Sách báo: Tìm đọc những tư liệu liên quan đến đề tài, vấn đề cần nghiên cứu.
+ Thông tin trên internet: Truy cập tìm kiếm thông tin bằng các từ khóa liên quan đến đề tài, vấn đề; Tra cứu các thông tin khác có liên quan…
2. Phỏng vấn, tham khảo ý kiến chuyên gia.
– Nhiều đề tài, vấn đề nghiên cứu đòi hỏi những tri thức sâu rộng, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn của người đi trước, do vậy sự phối hợp với bạn bè cùng nhóm, việc thực hiện các nhiệm vụ cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia.
– Khi phỏng vấn, cần chuẩn bị trước các câu hỏi, đánh dấu những vấn đề muốn được chỉ dẫn cụ thể nhằm khai thác thông tin có chiều sâu từ góc nhìn chuyên gia về ý tưởng bạn muốn đề xuất để xác nhận sự hợp lí hay chưa hợp lí của ý tưởng.
– Phòng vấn có thể thực hiện qua gặp gỡ trực tiếp hoặc qua điện thoại, mạng Internet.
– Ví dụ, với đề tài: “Sức sống của văn học dân gian trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc”, khi phỏng vấn có thể xin ý kiến của một nhà nghiên cứu văn hóa ở địa phương về một số nội dung sau:
Câu hỏi (trang 13 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Kết nối): Để chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn chuyên gia, có thể khảo các câu hỏi gợi ý sau:
– Mục đích của cuộc phỏng vấn là gì?
– Đối tượng được phỏng vấn là ai?
– Những câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc phỏng vấn?
– Cuộc phỏng vấn được thực hiện theo cách thức nào (gặp trực tiếp, qua điện thoại, email…)?
Trả lời:
– Mục đích của việc phỏng vấn là: tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn những thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của những người đi trước – những người đã chứng kiến hoặc đã từng tìm hiểu về những vấn đề có liên quan với vấn đề, đề tài này.
– Đối tượng được phỏng vấn là: những người đã tìm hiểu hoặc có nguồn thông tin liên quan đến vấn đề/ đề tài nghiên cứu.
– Những câu hỏi có thể đặt ra trong cuộc phỏng vấn là:
+ Nguồn gốc và những vấn đề chính liên quan/ xoay quanh vấn đề/ đề tài đang nghiên cứu.
+ Nội dung và ý nghĩa của văn bản văn học dân gian liên quan đến vấn đề cần tìm hiểu/ nghiên cứu.
+ Mối quan hệ giữa văn bản văn học dân gian với vấn đề cần tìm hiểu, nghiên cứu.
– Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng những cách thức như: gặp trực tiếp, qua điện thoại, emai…
* Phân tích bài viết tham khảo:
Phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ về hò khoan Lệ Thủy
– Mục đích của cuộc phỏng vấn là: Nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ về hò khoan Lệ Thủy.
– Đối tượng được phỏng vấn là: nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ
– Câu hỏi được đặt ra trong cuộc phỏng vấn là:
+ Những nét đẹp của hò khoan Lệ Thủy là gì, thưa ông?
+ Theo ông, vì sao hò khoan Lệ Thủy được bảo tồn và phát triển cho đến hôm nay?
+ Cuộc phỏng vấn được thực hiện theo cách thức: gặp trực tiếp.
3. Tìm hiểu, trải nghiệm thực tiễn.
– Văn học dân gian gắn liền với đời sống lao động của nhân dân và được lưu truyền trong dân gian với nhiều dị bản. Vì thế, các hoạt động trải nghiệm thực tiễn rất quan trọng đối với việc nghiên cứu.
– Khi tìm hiểu, nghiên cứu, chúng ta có thể xem ở các chương trình sân khấu hóa tác phẩm, các lễ hội văn hóa…
– Để trải nghiệm và quan sát hiệu quả, bạn có thể xây dựng một phiếu trải nghiệm như sau:
* Phân tích bài viết tham khảo:
Hội Gióng ở đền Phù Đổng
(Trải nghiệm lễ hội văn hóa thể hiện qua một ghi chép cụ thể)
– Mục đích:
+ Nhắc gợi về truyền thuyết gắn liền với lễ hội mà người viết có tham gia.
+ Ghi lại thông tin cơ bản về thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức và diễn biến của lễ hội.
– Nội dung cần trải nghiệm:
+ Biết được truyền thuyết liên quan đến lễ hội.
+ Nắm được những thông tin cơ bản về thời gian, địa điểm và cách thức tổ chức.
– Địa điểm: ở làng Phù Đổng, thời gian 9/4 hàng năm.
– Cách thức ghi chép và thu thập tư liệu: bằng giấy tờ và máy tính.
– Kết quả dự kiến: Nắm bắt và hiểu được những thông tin cơ bản về lễ hội
III. Xử lí, tổng hợp thông tin
1. Ghi chú bên lề tài liệu.
– Là cách ghi lại những thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung của đề tài, vấn đề bạn đang tìm hiểu.
– Để việc ghi chú được rõ ràng, dễ tra cứu, bạn có thể sử dụng các băng giấy với những màu sắc khác nhau dán bên lề trang tài liệu bạn đang đọc.
2. Sử dụng sơ đồ tư duy.
– Là cách xử lí thông tin theo hình thức sơ đồ, thể hiện được tương quan giữa các đối tượng, sự vật, qua đó bạn có thể nắm bắt được vấn đề một cách bao quát và hệ thống.
3. Sử dụng phương pháp ghi chú của Co-neo (Cornell)
Là cách xử lí thông tin theo hình thức chia trang giấy thành ba phần:
– Cột bên trái: ghi lại các câu hỏi, ghi chú, gợi ý hoặc nội dung cần nhấn mạnh.
– Cột bên phải: ghi lại thông tin, kiến thức cụ thể.
– Hàng cuối của trang: ghi nội dung tổng kết về kiến thức, kĩ năng.
4. Lập hồ sơ tài liệu
– Là việc tổng hợp và sắp xếp văn bản, liệu có được trong quá trình tìm hiểu đề tài, vấn đề thành hồ sơ theo những nguyên tắc, phương pháp nhất định và mục tiêu nghiên cứu đã xác định.
– Hồ sơ có thể là kết quả của hoạt động cá nhân hoặc nhóm.
– Sau khi tập hợp các tài liệu, cần lập được hồ sơ về các tài liệu tham khảo.
Ví dụ: Một cuốn sách cần các thông tin như: tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản,…