Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Bài 6: Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu
Đọc: Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu trang 62, 63
Câu hỏi 1 trang 62 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Chia sẻ với bạn những điều em biết về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của bản thân để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị mà cả an ninh – quốc phòng. Là cầu nối vươn ra biển cả, là điểm tựa khai thác các nguồn lợi biển, là những điểm tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc.
Bài đọc
Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu
Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu được thành lập năm 2014, là nơi kết nối những tấm lòng, những trái tim hướng về biển đảo.
Trong 8 năm qua, Câu lạc bộ đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ hải quân và ngư dân nghèo ven biển. Ngoài những hoạt động tuyên truyền và lan tỏa yêu tình yêu biển đảo, Câu lạc bộ còn vận động được hơn 181 tỉ đồng để thực hiện các dự án “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”,…Các hội viên đã trao hơn 14000 suất học bổng thường niên cho con em của lực lượng bảo vệ biên cương, hải đảo và ngư dân. Họ cũng xây tặng 57 căn nhà đồng đội và trao hàng chục nghìn phần quà cho con em quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên đảo.
Mỗi hội viên luôn sẵn lòng sẻ chia, gửi trao những tình cảm chân thành nhất đến nơi tiền tiêu của Tổ quốc thân yêu.
Duyên Anh
Câu hỏi 1 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Những con số dưới đây nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
8 năm: đánh dấu Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ hải quân và ngư dân nghèo ven biển.
181 tỉ đồng: Số tiền câu lạc bộ vận động để thực hiện các dự án ‘Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh hội viên”,…
14 000 suất học bổng thường niên: Các hội viên trong câu lạc bộ đã trao tặng học bổng cho con em của lực lượng bảo vệ biên cương, hải đảo và ngư dân.
57 căn nhà đồng đội: Câu lạc bộ đã xây tặng nhà đồng đội cho con em quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên đảo.
Hàng chục nghìn phần quà: câu lạc bộ đã trao tặng quà cho con em quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên đảo.
Câu hỏi 2 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Theo em, tên gọi của các dự án “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ” muốn nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc và trả lời.
Trả lời:
Tên gọi của các dự án “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ” muốn nói lên mục đích của câu lạc bộ nhằm giúp cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục ước mơ đến trường, nuôi dưỡng những mầm non tương lai của Tổ quốc để các em bước tiếp trên con đường học vấn.
Câu hỏi 3 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Vì sao nói câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu là nơi kết nối những tấm lòng, những trái tim?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu là nơi kết nối những tấm lòng, những trái tim là vì nơi đây mỗi hội viên luôn sẵn lòng sẻ chia, gửi trao những tình cảm chân thành nhất đến nơi tiền tiêu của Tổ quốc thân yêu.
Câu hỏi 4 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Em sẽ làm cách nào để chia sẻ thông tin và vận động người thân cùng tham gia câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu?
Phương pháp giải:
Em liên hệ bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Trả lời:
Để chia sẻ thông tin và vận động người thân cùng tham gia Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu, trước hết em sẽ tuyên truyền cho người thân biết và hiểu được vai trò quan trọng của việc hướng về Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu; kêu gọi mọi người ủng hộ và quyên góp vào các dự án khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ, ủng hộ các bạn vùng cao còn gặp nhiều khó khăn,…
Nói và nghe: Thảo luận về việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trang 63
Câu hỏi 1 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Cùng các bạn trong tổ hoặc nhóm thảo luận để tìm giải pháp hỗ trợ một học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường hoặc địa phương… dựa vào gợi ý:
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
1, Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình các bạn, lập danh sách những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, trường. Lên kế hoạch kêu gọi ủng hộ giúp đỡ.
2, Hình thức hỗ trợ
– Viết đơn xin nhà trường miễn, giảm học phí cho các bạn, giúp các bạn sách vở, tài liệu học tập.
– Kêu gọi ủng hộ quần áo ấm, đồ dùng sinh hoạt và mang đến tặng những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương;…
3, Giải pháp thực hiện
– Viết đơn xin nhà trường xem xét để giảm học phí cho các bạn
– Nhờ sự can thiệp của một số thầy cô để kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài của các mạnh thường quân
– Giờ sinh hoạt cuối tuần kêu gọi các bạn học sinh trong trường quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo còn sử dụng được để giúp đỡ các bạn. Thời gian ủng hộ kéo dài trong hai tuần, cử các bạn đại diện từng lớp nhận sự đóng góp của các bạn.
4, Tổng kết: Sau khi nhận được sự hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ từ mọi người, chúng em sẽ tổng kết lại tất cả những gì nhận được và có kế hoạch phân chia cụ thể cho các bạn.
Câu hỏi 2 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Ghi chép lại thông tin về bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nội dung phân công nhiệm vụ trong khi cùng các bạn thảo luận.
Phương pháp giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Học sinh ghi chép lại trong lúc cùng các bạn thảo luận.
Viết: Viết bài văn thuật lại một sự việc trang 64
Viết
Viết đoạn văn thuật lại một việc tốt mà em hoặc bạn bè, người thân,… đã làm.
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý để làm bài
Trả lời:
Thời gian vừa qua, miền Trung nước ta đã phải hứng chịu một trận lũ lịch sử, khiến cho người dân khốn đốn. Gây nhiều thiệt hại nặng nề. Đúng lúc này, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Và em cũng đã góp một phần sức nhỏ của mình vào đó.
Suốt mấy ngày nay, trên các kênh tivi, báo đài là những hình ảnh, những lời kêu cứu của người dân miền Trung tội nghiệp. Đối mặt với sự nổi giận của mẹ thiên nhiên, con người trở nên quá nhỏ bé. Nhưng sự kiên cường đã giúp họ chịu đựng, vượt qua trận lũ. Tuy nhiên, sau khi cơn lũ đi qua, thì điều gì còn ở lại? Đó là những trang sách vở, dụng cụ học tập nhuốm đầy bùn đất, những bộ trang phục rách, bẩn hết cả, những gia cụ, ngôi nhà, xe cộ hư hỏng nặng… Những người dân như rơi vào tay trắng, biết bao học sinh nghẹn ngào khi chẳng có sách vở, áo quần sạch sẽ để đến trường. Trước tình hình đó, người người nhà nhà chung tay góp sức ủng hộ miền Trung. Người có sức góp sức, người có của góp của. Nhìn thấy những hành động ấy, trong em bừng lên một cảm giác lạ lùng.
Tối hôm đó, em trở về nhà xin phép mẹ lấy những bộ trang phục không mặc nữa nhưng còn mới để tặng các bạn. Được mẹ đồng ý, em vui lắm, vội lấy áo quần ra giặt lại sạch sẽ, gấp gọn gàng để chuẩn bị gửi vào miền Trung. Xong xuôi, em vào tủ sách, lấy ra những cuốn sách của các năm học trước đóng vào hộp để gửi cùng. Suốt tối hôm đó, em mong sao cho ngày mai đến thật nhanh để được đem quà đến cho các bạn ở miền Trung. Nằm mãi không ngủ được, thế là em lại nghĩ vẩn vơ. Em nhớ đến hình ảnh những bạn nhỏ tội nghiệp không có đồ ăn trong nhiều ngày, áo quần, sách vở trôi hết theo dòng nước lũ. Thế là em liền bật dậy, tìm chú heo mà mình đã nuôi suốt hai năm nay. Số tiền đó, được em dành dụm để mua đàn guitar. Tuy rất tiếc, nhưng nghĩ đến nó sẽ có thể giúp cho các bạn học sinh ở vùng lũ thì em lại quyết tâm hơn. Đập vỡ heo, em ngồi vuốt phẳng từng tờ tiền lại, cất gọn gàng vào phong bì. Làm xong tất cả, em trở về giường trong niềm hạnh phúc.
Em biết, hành động của mình không quá lớn lao. Nhưng em vẫn vô cùng hạnh phúc và vui sướng khi góp chút sức mình giúp đỡ đồng bào trong khó khăn. Em sẽ cố gắng học tập hơn nữa, để tương lai, có thể giúp đỡ nhiều người hơn bằng chính sức của mình.
Vận dụng
Trao đổi về tên gọi và ý nghĩa của một phong trào thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái” do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phát động.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Phong trào kế hoạch nhỏ được thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Phong trào đã tập hợp các bạn thiếu nhi cùng tham gia làm kế hoạch nhỏ lấy tiền góp chung xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong đặt tại Hải Phòng. Ngày 2 tháng 12 năm 1958, Bác Tôn Đức Thắng đã viết thư hoan nghênh sáng kiến đó và cho phép mở rộng phong trào kế hoạch nhỏ trong thiếu nhi. Phong trào nhanh chóng thu hút các em thiếu nhi sôi nổi tổ chức chăn nuôi, sản xuất, tiết kiệm và thu nhặt phế liệu. Phong trào được phát triển rộng khắp trong hoạt động Đội với nhiều hình thức phong phú như: “Trồng một cây, nuôi một con”, thu nhặt giấy vụn, …
Ý nghĩa của phong trào: Phong trào vừa mang tính giáo dục cao, vừa đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, trong học tập và rèn luyện của thiếu nhi.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Một ly sữa
Bài 6: Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu
Bài 7: Gió vườn
Bài 8: Cây trái trong vườn Bác
Ôn tập giữa học kì 1