Soạn bài Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật hay nhất
* Yêu cầu
– Nêu được thông tin khái quát về tác phẩm nghệ thuật sẽ bàn tới trong bài viết.
– Xác định rõ nội dung và hệ thống luận điểm sẽ triển khai, miêu tả chung về tác phẩm bằng ngôn ngữ phù hợp với loại hình nghệ thuật của nó; phân tích tác phẩm trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật; đánh giá tổng quát; gợi ý về cách tiếp cận phù hợp với tác phẩm;…
– Phối hợp linh hoạt giữa việc trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng cụ thể.
– Thể hiện được sự rung động trước tác phẩm và sự đồng cảm đối với tác giả.
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản: Về bức tranh Mưa thu. Pu-skin của họa sĩ V.E.Páp-cốp (V.E. Popkov)
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
V.E. Páp-cốp là họa sĩ Nga nổi tiếng sau thế kỉ XX, từng tạo ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ cùng thế hệ ở trong nước. Trong tranh ông vẻ đẹp tâm hồn Nga thuần phác đã được diễn tả bằng một bút pháp độc đáo, thoạt nhìn có vẻ khắc khổ nhưng đầy tính biểu cảm và triết lí.
Mùa thu. Pushkin là bức tranh họa sĩ chưa kịp hoàn thành trước lúc đột ngột ra đi vì một tai nạn bi thảm.
2. Nêu một số thông tin cần thiết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Ý tưởng về bức tranh này là lúc ông đến thăm MIkhailovsky – trang viên mà ngày xưa A.X. Pushkin từng về sống trong thời gian nhà thơ bị chính phủ chuyên chế của Nga hoàng thù ghét, trục xuất khỏi Pê-téc-bua vô thời hạn. Khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp nơi đây như còn phảng phất bóng dáng của Pushkin, khơi gợi trong lòng họa sĩ bao suy tư về cuộc sống, về sự cô đơn và nghệ thuật.
3. Triển khai phân tích, bình luận về những điểm đặc sắc của tác phẩm
Đây là bức tranh sơn dầu vẽ trên toan khổ 169×172 cm
Để phá vỡ sự khô cứng và nặng nề thì họa sĩ đã dùng ánh sáng “đầy” cột bên phải lùi ra phía ngoài thêm một chút. Mấy chiếc lá vàng rơi trên sàn cũng góp phần tạo nên ấn tượng:
+ không gian
+ vòm lá
+ những dải đồi gò xám xanh
+ bóng con ngựa trắng
Gương mặt của Pu-skin nhìn nghiêng, sáng và nổi bật những nét đặc thù trên nền vàng nhạt – xám xanh.
4. Miêu tả đặc điểm tác phẩm kèm theo những phân tích, đánh giá.
Sàn gỗ dưới chân nhà thơ như có mấy vệt sáng phản chiếu ánh trời. Chính điều đó làm hình khối như được giảm nhẹ trọng lượng, đưa đến cảm giác nhân vật đang tồn tại trong trạng thái lơ lửng, phiêu diêu. Một bên vai mảnh tựa cột, nhưng đó chỉ là tựa hờ…. Nhìn chung, người và cảnh hòa hợp với nhau lạ lùng.
5. Gợi ý một cách “đọc” đối với nét độc đáo của tác phẩm.
Khi hình dung bố cục bức tranh, tác giả đặt trọng tâm vào việc vẽ người hay vẽ cảnh? Chính tên tranh đã tiết lộ rằng có lẽ họa sĩ không nghiêng bên nào. không chỉ Pu-skin, mùa thu cũng là một “nhân vật” quan trọng.
6. Bày tỏ sự đồng cảm đối với tác giả, tác phẩm.
Dường như có một sự cộng hưởng kì lạ của những số phận ở bức tranh này. Pu-skin kết thúc sinh mệnh sau một cuộc đấu súng oái oăm, lúc mới ba mươi tám tuổi. Họa sĩ Páp-cốp cũng ngừng cuộc phiêu du trên trần gian do một sự cố phi lí khi tuổi đời mới chỉ bốn mươi hai.
7. Kết luận và gợi mở những suy ngẫm mới về nghệ thuật.
Đối với một tác phẩm nghệ thuật, có lẽ điều quan trọng hơn cả là khơi lên được ở người tiếp nhận những cách cảm thụ mới mẻ, những suy tư không dứt, bằng các phương tiện và vật liệu mang tính vật chất hữu hạn của mình.
Trả lời câu hỏi
Câu 1 (trang 115 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Những đặc điểm nào cho thấy bài viết là một văn bản nghị luận chứ không phải văn bản thông tin về một tác phẩm nghệ thuật.
Trả lời:
Bài viết là một văn bản nghị luận chứ không phải văn bản thông tin về một tác phẩm nghệ thuật bởi nó có quan điểm riêng, góc nhìn riêng của người viết về tác phẩm. Dĩ nhiên, bài viết cũng cung cấp một số thông tin khách quan về tác phẩm, nhưng những thông tin này được sử dụng như là phương tiện, giúp người viết triển khai một cách hợp lí những phân tích, nhận xét, đánh giá về giá trị của đối tượng được đề cập đến.
Câu 2 (trang 115 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nêu tính đặc thù của những bằng chứng được sử dụng trong bài viết.
Trả lời:
Tính đặc thù đó gắn với sự “miêu tả” của người viết về các phương diện khách quan của tác phẩm (bố cục, màu sắc, hình khối, đường nét,…) khác với việc trích dẫn các câu văn, câu thơ khi ta viết một bài nghị luận văn học.
Câu 3 (trang 115 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Để viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, người viết phải đảm bảo được những điều kiện gì?
Trả lời:
Để viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, người viết phải đảm bảo được:
– Có hiểu biết cơ bản về loại hình nghệ thuật mà tác phẩm đó thuộc về.
– Có hứng thú với tác phẩm trên cơ sở từng xem, nghe, thưởng lãm theo điều kiện thực tế cho phép.
– Có một quan điểm đánh giá rõ ràng về tác phẩm với việc triển khai những lí lẽ xác đáng.
* Thực hành viết
1. Chuẩn bị viết
– Chọn một tác phẩm thuộc các loại hình sáng tác như: điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, nghệ thuật,…
– Một số tác phẩm có thể được lựa chọn làm đề tài viết:
+ Các bộ phim được giải Oscar, giải Bông sen vàng, giải Cánh diều vàng…
+ Tác phẩm âm nhạc, ca khúc, video clip được yêu chuộng của giới trẻ.
+ Tác phẩm nghệ thuật tạo hình: một số tượng đài hay pa-no-ra-ma được đặt, thực hiện ở các khu di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng,…
2. Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
Đề bài: Viết một văn bản nghị luận về bộ phim “Father And Daughter Oscar 2000 (Cha và con gái) ”.
Khi tìm ý cần đặc biệt quan tâm tới các vấn đề sau:
– Bộ phim của ai, tên là gì, được hoàn thành trong bối cảnh và thời điểm nào, đạo diễn, tên tác giả cùng kịch bản, ê-kíp làm phim, diễn viên chính, phụ,…
– Bộ phim được giới chuyên môn và công chúng nghệ thuật đánh giá, đón nhận như thế nào?
– Nội dung đề cập đến vấn đề gì, cần tóm tắt được cốt truyện theo kịch bản.
– Có thể nói về thành công và hạn chế nào của tác phẩm, về các mặt nội dung và nghệ thuật thể hiện.
– Bộ phim đã ghi dấu ấn gì trong đời sống?
Lập dàn ý
Mở bài |
Nêu được các thông tin cơ bản về tác phẩm. |
Thân bài |
– Nhìn nhận khái quát về tác phẩm. – Phân tích từng khía cạnh nổi bật của tác phẩm với lí lẽ, bằng chứng rõ ràng, đầy đủ. – Nêu những điều mà người xem, người nghe cần chuẩn bị để có thể thưởng thức trọn vẹn, nhiều hứng thú đối với tác phẩm. |
Kết bài |
Đánh giá chung về tác phẩm. |
Dàn ý cho đề bài: Viết một văn bản nghị luận về bộ phim “Father And Daughter Oscar 2000 (Cha và con gái) ”.
a. Mở bài
– Giới thiệu về tên phim đó “Father And Daughter Oscar 2000 (Cha và con gái) ” )
b. Thân bài
– Dung lượng: Ngắn gói gọn trong 8 phút 30 giây
– Đạo diễn người Hà Lan Mai -cơn Đu-đốc đơ Guýt (Michael Dudok DE Wit)
– Giải thưởng: Giành giải Ô-xca (Oscar) cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2001
– Nội dung khái quát: Bộ phim là câu chuyện sâu sắc, cảm động về tình cha cha con.
– Tóm tắt những sự kiện chính:
– Mở đầu bằng hình ảnh hai cha con cùng đạp xe trên con đường đồi. Người cha tạm biệt người con gái bé bỏng rồi bước xuống thuyền chèo đi.
– Ngày ngày cô bé vẫn kiên trì trở lại nơi bến cũ, mòn mỏi đợi cha.
– Mùa nọ nối tiếp mùa, cô bé xưa nay đã lập gia đình nhưng vẫn bất chấp thời gian đạp xe đến nơi bến cũ đợi chờ hình bóng năm xưa.
– Cái bến nhỏ giờ đã trở thành vùng lau lách um tùm.
– Bà lão đã nhìn thấy con thuyền năm xưa, bà nhẹ nhàng nằm xuống như muốn tìm lại hơi ấm của người cha.
– Người cha bỗng hiện ra như thuở nào và bà cũng trở thành cô thiếu nữ, hai cha con dang rộng vòng tay ôm lấy nhau trong ấm áp, yêu thương…
– Có thể miêu tả về cha,con và những cảnh trong bộ phim
– Ý nghĩa nhân văn cao đẹp của bộ phim: tình con cha vĩ đại và thiêng liêng không bao giờ bị phai mờ bởi thời gian
– Các giải thưởng: bộ phim này từng đoạt giải Oscar năm 2000 cho phim ngắn xuất sắc nhất.
c. Kết bài
– Khẳng định giá trị nghệ thuật và nhân văn của bộ phim, đồng thời ca ngợi đạo diễn và các nhà sản xuất đã sáng tạo ts một bô phim đẹp đẽ tình người như vậy.
– Suy nghĩ và cảm xúc của em khi xem bộ phim đó như thế nào?
3. Viết
Dựa vào dàn ý đã lập để viết. Cần triển khai các luận điểm thành các đoạn văn đảm bảo được yêu cầu về mạch lạc và liên kết. Chú ý dùng giọng văn có tính biểu cảm, thể hiện được niềm hứng thú và xúc động của người viết đối với tác phẩm.
Bài viết tham khảo:
Hiện nay, trên truyền hình có rất nhiều phim hoạt hình hay mà cả người lớn và trẻ em đều có thể xem được. Hầu hết phim hoạt hình chỉ mang tính chất giải trí, mang lại sự thư giãn và tiếng cười cho trẻ em. Nhưng cũng có rất nhiều bộ phim mang tính giáo dục cao và ý nghĩa, một trong số đó là bộ phim Người cha và con gái (Father and Daughter).
Người cha và con gái (Father and Daughter) là một bộ phim hoạt hình ngắn không lời của đạo diễn người Hà Lan Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt (Michael Dudok de Wit) thực hiện năm 2000. Bộ phim chỉ gói gọn trong thời lượng 8 phút 30 giây nhưng đã giành giải Ô-xca) (Oscar) cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2001 cùng rất nhiều giải thưởng khác. Bộ phim là câu chuyện sâu sắc, cảm động về tỉnh cha con.
Phim bắt đầu bằng hình ảnh hai cha con cùng đạp xe trên con đường đồi. Họ dừng lại bên hai gốc cây to đổ bóng, người cha chia tay cô con gái bé nhỏ trong lưu luyến rồi bước xuống con thuyền đậu sẵn dưới bến và chèo đi. Cô con gái đứng mãi trên bờ dốc nhìn theo hút bóng chiếc thuyền. Khi phía trước chỉ còn là mặt nước mênh mông, cô bé lặng lẽ đạp xe ngược trở lại con đường.
Ngày ngày, cô bé vẫn kiên trì đạp xe một mình trở lại nơi bển cũ, mòn mỏi chờ đợi người cha Con đường ngược dốc, ngược gió. Những vòng xe quay đều, quay đều như năm tháng trôi đi.
Mùa nọ nối mùa kia, cô bé xưa nay đã trở thành thiếu nữ, cô lập gia đình, rồi có con… Vẫn con đường ra bến sông, vẫn những vòng xe quay đều, bất chấp thời gian và thời tiết, cô đều đặn đạp xe cùng bạn bè, cùng người yêu, rồi cùng chồng, con,… trở lại tìm cha. Cô vẫn đến hai gốc cây ấy, bờ dốc và bến sông ấy, lại trông ngóng, đợi chờ, rồi lặng lẽ trở về.
Cô gái đã thành bà cụ già. Ngọn đồi nhỏ, con đường dài, hai hàng cây qua bao mùa thay lá, không còn đủ sức để đạp xe, bà lão dắt chiếc xe đạp cũ vượt dốc đổi.
Cái bến nhỏ ngày nào giờ đã lùi xa trở thành một vùng lau lách um tùm. Bà lão loay hoay dựng mãi chiếc xe đạp rồi men theo bờ dốc, bước xuống lòng bến cạn. Ở đó, bà đã nhìn thấy con thuyền của người cha năm xưa. Chiếc thuyền cũ kĩ, nằm im trong cát. Bà lão nhẹ nhàng nằm xuống lòng thuyền như muốn tìm lại hơi ấm của người cha.
Và người cha bỗng hiện ra như thuở nào. Bà lão chạy về phía trước để đón cha. Thời gian bỗng như quay ngược trở lại. Bà lão trở thành cô thiếu nữ. Hai cha con dang rộng vòng tay, ôm chặt lấy nhau trong ấm áp, yêu thương, xúc động…
Bộ phim hoạt hình sử dụng hai tông màu chủ đạo là trắng và đen. Đó là màu của thời gian nghiệt ngã, màu của quên lãng. Cảnh vẽ trong phim đơn giản, gợi khung cảnh thời thơ ấu ở một vùng quê của Hà Lan, quê hương của đạo diễn Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt. Bộ phim có những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ: con đường, bến sông, bánh xe đạp đều đặn quay tròn,… Phim không sử dụng lời thoại, chỉ thông qua động tác, cử chỉ, âm nhạc nền, hình ảnh để biểu đạt thông điệp. Bản nhạc Sóng sông Đa-nuýp (Danube) của nhà soạn nhạc người Ru-ma-ni (Roumanie) I-ô-xíp I-va-nô-vích (Iosif Ivanovici) được chọn làm nhạc nền của phim. Âm nhạc cùng với hình ảnh đã thay lời thoại, biểu đạt thành công tâm trạng của nhân vật cảm xúc lưu luyến khi chia tay của hai cha con, tâm trạng phơi phới của cô con gái ngày ngày ngược gió đạp xe đi đón cha, bà lão đạp xe trong mệt mỏi với những hi vọng, dợi chờ không tắt, khoảng lặng chùng xuống khi người con nhìn thấy chiếc thuyền xưa… Và bản nhạc Sóng sông Đa-mộp trào lên với giai điệu tươi vui, rộn ràng như sống lại tuổi thơ khi người con gái được gặp lại cha mình trong tưởng tượng.
Chỉ trong hơn 8 phút ngắn ngủi, người xem như được sống lại những kỉ niệm thời thơ ấu, được quấn quýt bên cha và được cha bế ẵm. Kí ức giản đơn nhưng cũng đủ cho một đời khao khát chờ đợi….
Dù trong phim hay trong đời thực, người cha vẫn luôn là tượng đài vĩnh cửu, là bến bờ yêu thương của mọi đứa con. Qua bộ phim, chúng ta càng thêm thấm thía sự quý giá vô cùng của tỉnh phụ tử. Hãy trân trọng người cha, người mẹ đang bên bạn, bởi vì có họ ở bên là một niềm hạnh phúc vô giá!
Tôi đã xem phim rất nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán. Tôi suy nghĩ và cảm nhận được nhiều cảm xúc sâu sắc qua bộ phim này. Đó là một bộ phim ngắn thực sự hay, ý nghĩa.
4. Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Gạch bỏ những từ, những câu văn trùng lặp, thiếu thông tin hoặc thông tin chung chung.
– Kiểm tra sự liền mạch giữa các ý, các đoạn. Bổ sung các phương tiện liên kết hợp lí nếu thấy cần thiết.
– Đính chính các thông tin chưa chính xác (nếu có).
– Sửa lại các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (nếu có).
Xem thêm các bài soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Thực hành tiếng Việt trang 110
Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật (tiếp theo)
Củng cố, mở rộng trang 119
Thực hành đọc: “Làm việc” cũng là “làm người”