Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 28 tập 2 hay nhất
Câu 1 (trang 28 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Hãy giới thiệu vị trí, nội dung và đặc điểm nghệ thuật của một đoạn trích trong Truyện Kiều do bạn tự chọn.
Trả lời:
Đoạn trích: Kiều ở lầu Ngưng Bích
Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc. Sau khi bị Mã Giam Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều nhất quyết không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, phẫn uất, nàng định tự vẫn, Tú Bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải đưa nàng ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích với lời hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế nhưng thực chất là giam lỏng nàng để thực hiện âm mưu mới đê tiện và tàn bạo hơn
Nội dung: Đoạn trích đã miêu tả chân thực cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi, đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo vị tha của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích
Nghệ thuật: Đoạn trích thành công ở nghệ thuật miêu tả nội tâm đặc sắc với bút pháp tả cảnh ngụ tình được coi là đặc sắc nhất trong Truyện Kiều, phép điệp cấu trúc.
Câu 2 (trang 28 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Trong Kim Vân Kiều truyện, sự kiện Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân được Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả ở Hồi thứ tư. Hãy tìm đọc hồi truyện này và chỉ ra một số điểm khác biệt giữa Nguyễn Du với Thanh Tâm Tài Nhân trong cách miêu tả sự kiện trao duyên.
Trả lời:
Nguyễn Du chỉ dùng hơn 20 câu thơ để miêu tả diễn biến tâm trạng trao duyên của Thúy Kiều cho Thúy Vân hết sức đặc sắc. Thanh Tâm Tài Nhân sử dụng riêng 1 hồi để miêu tả lại cảnh ấy.
Câu 3. (trang 28 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Các văn bản đọc ở Bài 6 (Tác gia Nguyễn Du, Trao duyên – trích Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh kí) đã giúp bạn hiểu gì về những giá trị đặc sắc trong sáng tác của Nguyễn Du?
Trả lời:
Những giá trị nghệ thuật trong di sản văn học của Nguyễn Du, đặc biệt là tác phẩm Đoạn trường tân thanh (mà chúng ta quen gọi là Truyện Kiều) của ông là kết quả tài năng xuất chúng của cá nhân Đại thi hào, nhưng cũng là kết tinh của tiến trình mấy nghìn năm phát triển của văn hóa, văn học dân tộc kết hợp với những thành tựu của văn hóa khu vực Đông Á và Đông – Nam Á…
Đặc biệt, Truyện Kiều bất hủ thể hiện một cách sinh động cao cả, lòng thương yêu con người tha thiết, ca ngợi vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, khát vọng giải phóng họ khỏi sự áp bức, bất công, vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc.
Khát vọng tự do, công lý, khát vọng chính nghĩa đều là những chủ đề lớn của văn học thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX được thể hiện một cách mãnh liệt trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, đặc biệt qua hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều. Những khát vọng đó cũng là khát vọng của bao đời, được thể hiện một cách mãnh liệt trong văn học dân gian và trong văn học viết dân tộc, được thể hiện một cách tài hoa trong tác phẩm của Đại thi hào.
Câu 4. (trang 28 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Truyện Kiều đã nhiều lần miêu tả cảnh Thúy Kiều đánh đàn. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả.
Trả lời:
Tiếng đàn là một ngôn ngữ đặc biệt biểu hiện trực tiếp tâm trạng nạn nhân của Kiều.Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ. Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy. Tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Tiếng đàn không hề có chức năng che dấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng, nó có một phép mầu nhiệm khiến cho ngay cả khi nó cất lên tiếng “ca vui đầm ấm dung hòa” mà một kẻ như Hồ Tôn Hiến cũng thấu hiểu được tâm trạng đó là “muôn oán nghìn sầu”, buồn thấm thía. Khi nó xuất hiện trước Kim Trọng, tính chất nạn nhân của nó bộc lộ theo một kiểu khác, không phải để nguyền rủa để tố cáo, để lên án, nên cái anh chàng Kim Trọng mới có lúc bị lừa:
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Anh ta bị Nguyễn Du “tiêm” thứ thuốc mê lý tưởng hóa vào để lừa đấy thôi, lúc ấy mà anh ta còn nghe thấy tiếng nói nạn nhân nữa thì đoạn đoàn viên như thế là hỏng bét! Và có lẽ sự lạc quan của Kim Trọng cũng là một cách “chiêu tuyết” cho Kiều chăng? Ngày xưa, anh ta là tri âm của Kiều, chính Kiều cũng công nhận (“Đã cam tệ với tri âm bấy chầy”), nhưng bây giờ đoàn viên thì anh ta không còn là tri âm nữa. Bởi vì đôi tai của con người kiểu Kim Trọng vốn là như thế, nó quá tinh đến nỗi nghe được những âm vang từ một cõi siêu hình mà tai trần không nghe thấy được, nhưng nó lại cố điếc đến nỗi không nghe thấy những âm vang từ cuộc đời “quằn quại vũng lầy” mà ai cũng thấy văng vẳng bên tai. Vì vậy, khi con người nạn nhân của Kiều đã nhiễm những kinh nghiệm thực tiễn thì nó mất đi một tri âm tự nguyện là Kim Trọng và thêm vào những kẻ tri âm bất đắc dĩ là Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến.
Câu 5. (trang 28 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Viết bài văn ngắn giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Sử dụng bài viết để lập dàn ý cho bài nói (Giới thiệu một bài thơ chữ Hán theo lựa chọn cá nhân).
Trả lời:
Tác giả Nguyễn Du có một loạt những bài thơ chữ Hán viết về các nhân vật lịch sử mà qua đó nhà thơ gửi gắm rất nhiều nỗi niềm tâm sự. “Độc Tiểu Thanh kí” (Đọc Tiểu Thanh kí) là một bài thơ như thế. Bài thơ là tiếng nói tri âm sâu sắc của tác giả với người con gái sống cách mình trước đó 300 năm, Nguyễn Du đã mang những tâm sự về con người và cuộc đời trong bối cảnh vượt 300 năm để tìm tri âm.
Tiểu Thanh là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh, của nàng ngắn ngủi và đầy những trái ngang. Di cảo của nàng còn sót lại với những vẫn thơ bị đốt dở là một bằng chứng cho số phận oan nghiệt ấy. Một người đa cảm như Nguyễn Du đã không thể cầm lòng khi đọc nó, nỗi thổn thức ấy đã khiến cho thi nhân viết nên những dòng tuyệt tác trong “Độc Tiểu Thanh kí”. Bài thơ như là tiếng lòng nhân đạo cao cả và sâu sắc của Nguyễn Du, cảm thương cho một cuộc đời qua những vần thơ cháy dang dở.
Hai câu mở đầu tác giả đã giới thiệu về cảnh đẹp của vườn hoa bên Tây Hồ, nơi mà nàng Tiểu Thanh đã từng sống:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa. Cái “hữu” đã thành cái không, cái “đẹp” đã bị thay bởi cái “tàn tạ” hủy diệt. Từ “tẫn” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối; đã thay đổi hết không còn một dấu vết gì nữa. Đứng ở hiện tại Nguyễn Du bâng khuâng nuối tiếc cái đẹp trong quá khứ. Câu thơ vừa là lời cảm khái trước vẻ đẹp của Tây Hồ bị hủy hoại nhưng cũng là những chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc đời.
Cảnh đẹp Tây Hồ cũng đã gợi nhắc đến nàng Tiểu Thanh một người tài hoa đã sống những năm cuối đời ở đây và gửi thân mãi mãi nơi này. Nhà thơ đã ngồi một mình bên cửa sổ, lặng lẽ cảm thương cho số phận của Tiểu Thanh. Câu thơ đã khắc vào lòng người một cảnh ngộ đơn độc không có người sẻ chia phải tìm về quá khứ. Chính nỗi đau và sự cô đơn đã trở thành sợi dây kết nối hai con người xa lạ, vượt thời gian không gian để tri âm với nhau. Hình ảnh “ mảnh giấy tàn” là hình ảnh khơi gợi cảm hứng của Nguyễn Du đến số phận cuộc đời Tiểu Thanh:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.
Son, phấn là những vật dụng trang điểm gắn liền với người phụ nữ, hình ảnh ẩn dụ cho nhan sắc, vẻ đẹp của Tiểu Thanh. Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Hai câu thơ đã cho thấy nàng Tiểu Thanh vừa tuyệt sắc, tuyệt tài, số phận ngang trái đồng thời tác giả cũng lên án xã hội bất nhân đã không tạo cho một môi trường thực sự nhân văn tiến bộ. Điều quan trọng là Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thơ bị đem đốt và bản thân nàng yểu mệnh chết sớm. Thương cảm với nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ là Nguyễn Du trân trọng người nghệ sĩ, thấy ý nghĩa xã hội trong sự cống hiến của người nghệ sĩ.
Từ câu chuyện nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ 200 năm trước sang hai câu luận nó đã tỏa sáng cuộc đời chung của những khách văn chương:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư”.
Từ nỗi oan của Tiểu Thanh đã thành nỗi oan nỗi hận của những người tài hoa. Hận là người có sắc, có tài đều không gặp may mắn, đều đoản mệnh hoặc bị dập vùi. Nỗi hận ấy là hóa giải thành ra câu hỏi muôn đời không có lời đáp “ thiên nan vấn”. Nguyễn Du cũng tự nhận thấy mình là người có tài mà cuộc đời long đong tự nhận là thể hiện ý thức cá nhân sâu sắc ý thức cả về tài năng và nỗi đau. Từ nỗi xót đau trong quá khứ đến hiện tại, trước nỗi đau của những người tài hoa trong đó có mình, tác giả đã không thể kìm nén những tâm sự của riêng mình, bật ra dưới hình thức câu hỏi tu từ, hướng về hậu thế.
Đến hai câu kết, là nỗi khát mong của người nghệ sĩ muôn đời mong được tri âm, đồng cảm:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Ba trăm năm là khoảng thời gian xác định nhưng rất dài. Nó là khoảng thời gian đủ để mọi việc lui vào quá khứ cái còn cái mất. Cả câu thơ là hơn ba trăm năm sau liệu trên thế gian này có người nào khóc Tố Như. Ông khắc khoải mong chờ một sự cảm thông của hậu thế. Vậy là từ số phận của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du liên tưởng tới số phận mình. Chiếc gạch nối xuyên thời gian, không gian ấy có ý nghĩa như một yêu cầu phổ quát đặt ra cho mọi dân tộc, mọi thời đại về thái độ nhân hậu, trước hết là sự cảm thông đối với cái đẹp, sự hoàn thiện hoàn mĩ thể chất và tâm hồn con người. Nguyễn Du là con người bị bế tắc, mong được giải thoát mà vẫn không tìm thấy đường ra. “ Khấp” là đến tận cùng của sự đau thương. Khấp là khóc cho Nguyễn Du cũng như bao người tài hoa như ông.
Bài thơ là lời ký thác tâm sự của Nguyễn Du, con người đầy tài năng, hoài bão lớn mà luôn gặp hoạn nạn, trắc trở trên con đường đời gập ghềnh giữa đêm đen xã hội phong kiến. Con người ấy giàu lòng yêu thương nhân hậu, luôn khao khát sự cảm thông của người đời. Thời gian có thể xóa nhòa và làm biến mất đi nhiều thứ nhưng những bài thơ, vần thơ được chắt ra từ máu và nước mắt như “Độc Tiểu Thanh kí” lại thêm được luyện bởi thiên tài văn học Nguyễn Du thì chắc chắn thời gian cũng không thể làm lung lay vị trí của thi phẩm trong lòng người đọc.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Giới thiệu về một tác phẩm văn học
Củng cố, mở rộng trang 28
Thực hành đọc: Chí khí anh hùng
Thực hành đọc: Mộng đắc thái liên
Tri thức ngữ văn trang 33