Lịch sử lớp 10 Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
A.Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 12:Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
I. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba
1. Bối cảnh lịch sử
– Kế thừa hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại.
– Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy sự ra đời nhiều phát minh, thành tựu khoa học mới.
– Từ nửa sau thế kỉ XX, những nguồn năng lượng, vật liệu có sẵn trong tự nhiên đang dần cạn kiệt; vấn đề biến đổi khí hậu khiến nhân loại phải đối mặt với sự thay đổi về nhiệt độ, phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái, đe doạ sự sinh tồn của con người. Sự cần thiết phải có những công nghệ mới, an toàn và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.
– Khởi đầu từ nước Mỹ, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất nên còn được gọi là cuộc cách mạng số.
– Khoa học và kĩ thuật kết hợp chặt chẽ thành một thể thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy cách mạng công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, quy mô lớn và hiệu quả cao.
2. Thành tựu tiêu biểu
– Trong khoa học cơ bản: nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực Toán học, Vật lí, Hoá học, Sinh học,…. như sinh sản vô tính, giải mã ADN, thuyết tương đối, tia laze,…
Cừu Đô-li ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính
– Nhiều phát minh về công cụ sản xuất mới (hệ thống máy tự động, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, in-tơ-nét,…) nhằm tự động hoá sản xuất dựa vào máy tính.
– Những vật liệu mới, những nguồn năng lượng mới phong phú, vô tận được sử dụng rộng rãi.
– Giao thông vận tải, thông tin liên lạc và chinh phục vũ trụ có những tiến bộ thần kì: máy bay siêu âm, tàu hoả siêu tốc, phương tiện thông tin liên lạc, phát sóng vô tuyến qua vệ tinh, khám phá Mặt Trăng, sao Hoả,…
– Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp có những tiến bộ nhảy vọt trong phương pháp lai tạo giống, chống sâu bệnh,…
– Công nghệ thông tin phát triển mạnh, hình thành mạng máy tính toàn cầu, góp phần
kết nối các khu vực trên thế giới, đưa nhân loại chuyển sang thời kì “văn minh thông tin”.
II. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
1. Bối cảnh lịch sử
– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có động lực từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
– Bước vào thế kỉ XXI, quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới, góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
– Thế giới phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh,… cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.
Bùng nổ dân số
– Trước những thay đổi của thế giới, nhu cầu tiến hành một cuộc cách mạng mới được đặt ra trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI.
2. Thành tựu tiêu biểu
– Dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh với các yếu tố cốt lõi là: trí tuệ nhân tạo (Al), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
– Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) được áp dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hoá học và vật liệu.
– Trong lĩnh vực y tế, cỗ máy IBM Oát-xơn có biệt danh “Bác sĩ biết tuốt” hỗ trợ tích cực cho quá trình khám và chữa bệnh.
Nhà khoa học Thomas Watson
– Trong lĩnh vực vật lí, các người máy thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano góp phần thay đổi sâu sắc cuộc sống của con người.
– Tự động hoá sử dụng hệ thống điều khiển các thiết bị máy móc, năng lượng tái tạo, máy in 3D, xe tự hành, chuyển mạch trong mạng điện thoại, quản lí hành trình và điều chỉnh cân bằng tạo ổn định cho tàu bè, máy bay,… giảm sự can thiệp của con người đến mức tối thiểu.
III. Ý nghĩa và tác động của cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
a. Kinh tế
– Tạo ra bước nhảy vọt chưa từng có của lực lượng sản xuất và năng suất lao động, làm thay đổi vị trí, cơ cấu các ngành sản xuất và các vùng kinh tế, làm xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới.
– Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một thế giới kết nối, hình thành các mối quan hệ cộng tác, các hình thức hợp tác mới.
+ Lao động trí tuệ trở thành yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất, là động lực chủ yếu tạo nên sự phát triển.
+ In-tơ-nét, điện thoại thông minh và hàng ngàn ứng dụng trí tuệ nhân tạo có mặt ở hầu hết mọi nơi, từ những phương tiện giao thông không người lái đến trợ lí ảo và phần mềm dịch thuật,… đã và đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của nhân loại.
b. Xã hội
– Làm cho sự phân công lao động và chuyên môn hoá ngày càng sâu sắc. Các ngành sản xuất phi vật chất ngày càng được nâng cao, với nội dung, tính chất và hình thức lao động hoàn toàn khác biệt đã làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong xã hội.
– Sự tự động hoá ngày càng cao làm cho tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu gia tăng, từ đó dẫn đến những nguy cơ bất ổn về chính trị và xã hội.
c. Văn hoá
– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy sự đã dạng văn hoá trên cơ sở kết nối toàn cầu, giúp các quốc gia, các dân tộc sát lại gần nhau, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hoá.
Mô phỏng sự kết nối toàn cầu
– Những thành tựu cũng góp phần thay đổi lối sống, gắn nhiều hơn với “không gian mạng”, “thế giới ảo”,…
– Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống: sự xuất hiện những yếu tố văn hoá ngoại lai; sự phụ thuộc vào“thế giới mạng”,…
B.Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 12:Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
Câu 1. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã đưa nhân loại chuyển sang thời kì
A. văn minh nông nghiệp.
B. văn minh nông thôn.
C. văn minh thông tin.
D. văn minh công nghiệp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đặc biệt là sự hình thành của mạng máy tính toàn cầu, đã góp phần kết nối các khu vực trên thế giới, đưa nhân loại chuyển sang thời kì “văn minh thông tin”. (SGK – Trang 72)
Câu 2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh nào sau đây?
A. Quá trình khu vực hóa xuất hiện.
B. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.
C. Chủ nghĩa xã hội trên thế giới sụp đổ hoàn toàn.
D. Chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có động lực từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Bước vào thế kỉ XXI, quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới, góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, thế giới phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh,… cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. Trước những thay đổi của thế giới, nhu cầu tiến hành một cuộc cách mạng mới được đặt ra trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. (SGK – Trang 73)
Câu 3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng nào sau đây?
A. Cơ khí hóa.
B. Điện khí hóa.
C. Công nghệ số.
D. Kĩ thuật số.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng công nghệ số. (SGK – Trang 73)
Câu 4. Những yếu tố cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là
A. trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và rô-bốt.
B. máy tính điện tử, internet và dữ liệu lớn.
C. trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn.
D. máy tính điện tử, máy tự động và trí tuệ nhân tạo.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh với các yếu tố cốt lõi là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). (SGK – Trang 73)
Câu 5. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đem lại ý nghĩa nào sau đây?
A. Giúp con người tiết kiệm sức lao động.
B. Thay thế con người nghiên cứu khoa học.
C. Đẩy nhanh quá trình điện khí hóa sản xuất.
D. Không tiêu tốn chi phí sản xuất công nghiệp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đã giúp con người tiết kiệm sức lao động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa và số hóa nền kinh tế với chi phí rẻ hơn so với những cách thức truyền thống.
Câu 6. Quốc gia khởi đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là
A. Pháp.
B. Anh.
C. Đức.
D. Mỹ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba khởi đầu ở nước Mỹ. (SGK – Trang 71)
Câu 7. Nội dung nào sau đây là một trong những bối cảnh lịch sử diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?
A. Nhu cầu phục vụ chiến tranh và chạy đua vũ trang.
B. Sự bùng nổ mạnh mẽ của các cuộc cách mạng tư sản.
C. Chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn tự do cạnh tranh.
D. Chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống duy nhất trên thế giới.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra trên cơ sở kế thừa hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy sự ra đời nhiều phát minh, thành tựu khoa học mới.
Từ nửa sau thế kỉ XX, những nguồn năng lượng, vật liệu có sẵn trong tự nhiên đang dần cạn kiệt; vấn đề biến đổi khí hậu khiến nhân loại phải đối mặt với sự thay đổi về nhiệt độ, phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái, đe dọa sự sinh tồn của con người. Sự cần thiết phải có những công nghệ mới, an toàn và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. (SGK – Trang 71)
Câu 8. Một trong những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là sự xuất hiện của
A. ô tô.
B. máy tính.
C. máy hơi nước.
D. máy bay.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba tạo ra nhiều công cụ sản xuất mới như máy tính, hệ thống máy tự động, thiết bị điện tử,… (SGK – Trang 72)
Câu 9. Vật liệu nào sau đây mới ra đời trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?
A. Sắt.
B. Đá.
C. Thép.
D. Pô-li-me.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã dẫn tới sự ra đời của nhiều loại vật liệu mới, trong đó có pô-li-me. Đây là một loại nhựa có tính dẻo, tính đàn hồi, dai, bền, có tính cách điện và có thể kéo thành sợi. Hiện nay, pô-li-me được sử dụng nhiều trong sản xuất công nghiệp.
Câu 10. Nguồn năng lượng nào sau đây mới xuất hiện trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?
A. Năng lượng gió.
B. Năng lượng nước.
C. Năng lượng điện.
D. Năng lượng than đá.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba dẫn tới sự ra đời của nhiều nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, năng lượng thủy triều,…
Các nguồn năng lượng còn lại đã được sử dụng trong các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại.
Câu 11. Việc áp dụng vạn vật kết nối (IoT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đem lại ý nghĩa nào sau đây?
A. Tạo ra nhiều loại vật liệu mới.
B. Đem lại sự tiện nghi cho con người.
C. Tự động hóa quá trình sản xuất.
D. Rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Việc áp dụng rộng rãi vạn vật kết nối (IoT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như quản lí đô thị, giao thông, xây dựng, thời trang, chăm sóc sức khỏe,… không những mang lại sự hiệu quả, kinh tế, tiện nghi cho con người, mà thông qua các thiết bị được kết nối, nhiều dữ liệu được thu thập, giúp hoàn thiện dữ liệu lớn (Big Data).
Câu 12. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là
A. sự bùng nổ của Chiến tranh lạnh.
B. những tiến bộ khoa học – công nghệ.
C. nhu cầu ngày càng cao của con người.
D. tác động của các cuộc chiến tranh thế giới.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
– Nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người.
– Tác động của xu thế toàn cầu hóa. => Buộc các quốc gia phải phát triển khoa học – công nghệ.
– Các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố,… đặt ra yêu cầu mới đối với nhân loại.
Câu 13. Một trong những ý nghĩa của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đối với sự phát triển kinh tế là
A. tạo ra bước nhảy vọt của lực lượng sản xuất.
B. kéo dài quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa.
C. giải phóng hoàn toàn sức lao động của con người.
D. nới rộng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đã tạo ra bước nhảy vọt chưa từng có của lực lượng sản xuất và năng suất lao động, làm thay đổi vị trí, cơ cấu các ngành sản xuất và các vùng kinh tế, làm xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới. (SGK – Trang 75)
Câu 14. Một trong những tác động về xã hội của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại là
A. làm cho sự phân công lao động ngày càng sâu sắc.
B. thúc đẩy sự kết nối giữa các quốc gia trên thế giới.
C. làm thay đổi vị trí và cơ cấu của các ngành sản xuất.
D. tạo ra bước nhảy vọt vượt bậc của năng suất lao động.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư làm cho sự phân công lao động và chuyên môn hoá ngày càng sâu sắc. Các ngành sản xuất phi vật chất (giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng,…) ngày càng được nâng cao, với nội dung, tính chất và hình thức lao động hoàn toàn khác biệt đã làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong xã hội.
Tuy nhiên, sự tự động hóa ngày càng cao làm cho tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu gia tăng, từ đó dẫn đến những nguy cơ bất ổn về chính trị và xã hội. (SGK – Trang 75)
Câu 15. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại tác động tích cực nào sau đây về mặt văn hóa?
A. Dẫn tới sự phụ thuộc vào “thế giới mạng” của con người.
B. Làm phát sinh các vấn đề liên quan đến bảo mật cá nhân.
C. Làm xuất hiện nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
D. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với văn hóa:
– Tích cực: góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hoá trên cơ sở kết nối toàn cầu, giúp các quốc gia, các dân tộc sát lại gần nhau, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn ho, góp phần thay đổi lối sống, gắn nhiều hơn với “không gian mạng “thế giới ảo”,…
– Tiêu cực: ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống: sự xuất hiện những yếu tố văn hoá ngoại lai; sự phụ thuộc vào “thế giới mạng”…
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
LT Lịch sử 10 Bài 11: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại
LT Lịch sử 10 Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
LT Lịch sử 10 Bài 13: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á cổ – trung đại
LT Lịch sử 10 Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ – trung đại
LT Lịch sử 10 Bài 15: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc