Giải bài tập Lịch sử lớp 10 Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
I. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba
Câu hỏi trang 72 Lịch sử 10: Nêu bối cảnh lịch sử của Cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I-1 trang 71 SGK.
B2: Các từ khóa: kế thừa, phát minh, cạn kiệt, biến đổi khí hậu.
Trả lời:
Bối cảnh lịch sử của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3:
– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã kế thừa hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại.
– Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều phát minh, thành tựu khoa học mới.
– Một loạt các vấn đề toàn cầu đã đặt ra cho nhân loại từ nửa sau thế kỉ XX: tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, biến đổi khí hậu,…
– Sự cần thiết phải có những công nghệ mới, an toàn và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.
– Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 khởi đầu từ nước Mỹ, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất nên được gọi là cuộc cách mạng số.
Câu hỏi 1 trang 73 Lịch sử 10: Trình bày những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I-2 trang 72 SGK.
B2: Các từ khóa: phát minh công cụ sản xuất mới, vật liệu mới, giao thông vận tải, công nghệ thông tin.
Trả lời:
– Trong khoa học cơ bản đạt được các thành tựu lớn trong lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,…
– Phát minh ra các công cụ sản xuất mới như hệ thống máy tự động, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin,…để tự động hóa sản xuất dựa vào máy tính.
– Những vật liệu mới và những nguồn năng lượng mới cũng được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất.
– Giao thông vận tải, thông tin liên lạc và chinh phục vũ trụ có những tiến bộ thần kì.
– Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp đã giải quyết nạn đói kinh niên ở nhiều quốc gia.
– Công nghệ thông tin phát triển mạnh, hình thành mạng máy tính toàn cầu kết nối các khu vực trên thế giới.
Câu hỏi 2 trang 73 Lịch sử 10: Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thành tựu nào có vai trò then chốt? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc mục I-2 trang 72 SGK.
Trả lời:
Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thành tựu có vai trò then chốt đó là mạng In-tơ-nét.
– Ứng dụng máy tính điện tử trong nền kinh tế quốc dân, tạo động lực để hoàn thiện quá trình tự động hóa có tính hệ thống và đưa tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.
– Biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu.
– Các lĩnh vực hoạt động của con người từ sản xuất, nghiên cứu, dịch vụ,…đều được liên kết với internet.
II. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Câu hỏi trang 73 Lịch sử 10: Trình bày những nét chính về bối cảnh lịch sử của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục II-1 trang 73 SGK.
B2: Các từ khóa: động lực, toàn cầu hóa, các vấn đề toàn cầu, vấn đề an ninh phi truyền thống.
Trả lời:
– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có động lực từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
– Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các quốc gia.
– Đồng thời, những vấn đề toàn cầu đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải cùng hợp tác với nhau để giải quyết: ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh,…
– Các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.
Câu hỏi trang 74 Lịch sử 10: Trong các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, em ấn tượng với thành tựu nào. Vì sao?
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục II-2 trang 73, 74 SGK.
B2: Lựa chọn ra thành tựu mà em ấn tượng. Lí giải lí do em chọn:
– Mục đích của phát triển AI
– Vai trò của AI trong cuộc sống
Trả lời:
Trong các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành tựu mà em ấn tượng nhất đó chính là trí tuệ nhân tạo (AI) vì:
– Hỗ trợ và thay thế con người trong các công việc khó khăn, thậm chí trong các môi trường làm việc nguy hiểm. Trí tuệ nhân tạo có thể dự kiến có thể làm việc chính xác và hiệu quả hơn con người.
– Phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao.
– Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như người…
Công nghệ AI đã mang lại thành công lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Câu hỏi 1 trang 76 Lịch sử 10: Em hãy cho biết, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, máy móc có thể hoàn toàn thay thế con người hay không. Vì sao?
Phương pháp giải:
B1: Xem lại câu trả lời ở mục II-2
B2: Dựa vào những yếu tố của con người có mà khả năng máy móc không có để trả lời: cảm xúc, tưu duy, thái độ,…
Trả lời:
Trí tuệ nhân tạo, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn. Vì:
– AI giúp đỡ cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người được dễ dàng hơn và chỉ phục vụ cho cuộc sống của con người.
– AI hoàn toàn không có tư duy, do đó không có mục đích riêng của chúng và nó chỉ có một mục đích duy nhất do người tạo ra nó ban cho mà thôi.
– AI hoàn toàn dựa vào những tính toán kĩ thuật do vậy xét ở mức độ nào đó AI vẫn thua kém trình độ nhận thức của con người.
– Chừng nào con người còn hơn máy móc ở khả năng nhận thức thì chừng ấy, AI vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực.
Câu hỏi 2 trang 76 Lịch sử 10: Hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kỳ hiện đại tác động như thế nào đến sự phát triển của kinh tế và xã hội thế giới?
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục III trang 75 SGK.
B2: Các từ khóa: kinh tế, bước nhảy vọt chưa từng có, lao động trí tuệ, xã hội, văn hóa.
Trả lời:
Kinh tế |
Xã hội |
Văn hóa |
-Tạo ra bước nhảy vọt chưa từng có của lực lượng sản xuất và năng suất lao động. – Làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất, các vùng kinh tế, xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới. – Hình thành một thế giới kết nối, các mối quan hệ công tác, hình thức hợp tác mới. – Lao động trí tuệ trở thành yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất. – Các loại công cụ thông minh, mạng internet đang tác động rất lớn đến đời sống con người. |
– Làm cho phân công lao động và chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc. – Làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong xã hội. – Tình trạng thất nghiệp – Các ngành nghề ngày càng yêu cầu người lao động có trình độ chuyên môn cao. |
– Kết nối toàn cầu, giúp các quốc gia, dân tộc sát lại gần nhau, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa. |
Luyện tập và Vận dụng (trang 76)
Luyện tập 1 trang 76 Lịch sử 10: Theo em động lực chính của các cuộc cách mạng công nghiệp là gì?
Phương pháp giải:
B1: Xem lại câu hỏi 1 phần luyện tập bài 11 trang 70.
B2: Đọc lại mục I-1 trang 71 và mục II-1 trang 73 bài 12 SGK.
Trả lời:
Động lực chính của các cuộc cách mạng công nghiệp là
– Bắt nguồn từ chính những nhu cầu của con người trong đời sống và sản xuất.
– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứu tư diễn ra trên cơ sở kế thừa các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
– Sự suy giảm năng lượng hóa thạch, ô nhiễm môi trường, và sự ra đời nhiều phát minh, thành tựu khoa học kĩ thuật đã thúc đẩy những nghiên cứu cho công nghệ mới.
Luyện tập 2 trang 76 Lịch sử 10: Em hãy lựa chọn và kể tên một số thành tựu cách mạng công nghiệp thời kỳ hiện đại có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn minh thế giới. Giải thích lí do lựa chọn của em.
Phương pháp giải:
Đọc mục I-2 trang 72 và mục II-2 trang 73, 74 SGK.
Trả lời:
– Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR) phát triển dựa trên cơ sở cả ba cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật trước đó, trước hết là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
– Những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đặc biệt là công nghệ mạng In-tơ-nét, đã làm biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu, tạo cơ sở cho sự phát triển FIR vào giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI trong đó không chỉ máy tính điện tử kết nối thành mạng mà gần như tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người các dây chuyền sản xuất; nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí…đều được liên kết thành “mạng thông minh” mở ra kỷ nguyên mạng In-tơ-nét kết nối vạn vật.
Vận dụng 1 trang 76 Lịch sử 10: Những thành tựu của hai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư tác động như thế nào đến cuộc sống và học tập của em? Hãy nêu ví dụ cụ thể để chứng minh.
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục I-2 trang 72 và mục II-2 trang 73, 74 SGK.
B2: Lựa chọn một thành tựu để chứng minh
Trả lời:
Mạng internet là một thành tựu nổi bật nhất trong hai cuộc cách mạng công nghệ hiện đại.
– Nhờ mạng internet mà việc học tập của em được diễn ra dễ dàng hơn với việc có thể tìm kiếm thông tin, bài tập vận dụng trên internet sau mỗi giờ học trên lớp.
– Khi giãn cách xã hội, việc học tập vẫn không bị gián đoạn do nhà trường, các ban ngành đoàn thể, Bộ Giáo dục đã nhanh chóng chuyển sang hình thức học tập trực tuyến. Hình thức học tập này giúp em làm phòng chống được dịch bệnh vừa đảm bảo vẫn tiếp thu đầy đủ những nội dung kiến thức trên lớp.
Vận dụng 2 trang 76 Lịch sử 10: Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), người máy với trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong nhiều hoạt động sẽ tác động như thế nào đến việc lựa chọn nghề nghiệp của em trong tương lai?
Phương pháp giải:
Xem lại câu hỏi 1 mục III trang 76.
Trả lời:
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc chọn nghề nghiệp của em:
+ Em thấy nghề giáo viên và bác sĩ là 2 nghề mà AI rất khó có thể thay thế hoàn toàn con người.
+ Nghề giáo bên cạnh việc truyền đạt, hỗ trợ học sinh lĩnh hội và chiếm lĩnh tri thức thì còn có một nhiệm vụ khác đó là giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh mà chức năng này máy móc hiện tại không thể đáp ứng được.
+ Bác sĩ có những công đoạn vẫn cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay con người. Mặt khác việc động viên tinh thần cho bệnh nhân cũng rất được quan tâm vì người bệnh họ chữa cả những bệnh sinh học và chữa cả “tâm bệnh”.
– Đây có thể là 2 lĩnh vực cơ hội việc làm vẫn còn rất lớn, tuy nhiên ở bất cứ ngành nghề nào vẫn cần những cá nhân có trình độ chuyên môn, đạo đức.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 11: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại
Bài 13: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á cổ – trung đại
Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ – trung đại
Bài 15: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc