Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông
Mở đầu trang 73 Lịch Sử 11: Biển Đông là một trong những biển lớn và là đường vận chuyển huyết mạch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về Biển Đông. Theo em, Biển Đông có tầm quan trọng như thế nào đối với các nước trong khu vực?
Lời giải:
– Chia sẻ hiểu biến về Biển Đông:
+ Biển Đông là biển thuộc Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải dài khoảng 3000 km theo trục đông bắc – tây nam, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
+ Biển Đông được bao bọc bởi 9 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Malaixia, Brunây, Xingapo, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ Đài Loan.
+ Biển Đông là tên do người Việt Nam đặt từ xa xưa cho vùng biển nằm ở phía đông của đất nước. Tên tiếng Anh của Biển Đông là: South China Sea, do Tổ chức Thủy đạc Quốc tế đặt theo thông lệ quốc tế (dựa vào tên địa danh của một quốc gia ven biển có diện tích lãnh thổ đất liền lớn nhất) nhưng tên gọi này không có hàm ý về chủ quyền.
– Tầm quan trọng của Biển Đông với các nước:
+ Biển Đông là tuyến đường giao thông huyết mạch và là địa bàn chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
+ Biển Đông rất giàu tài nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển có thể phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên khoáng sản; du lịch biển, đảo; vận tải đường biển,…
Câu hỏi trang 75 Lịch Sử 11: Quan sát lược đồ Hình 2 (tr. 74) và dựa vào thông tin trong mục, xác định vị trí của Biển Đông. Kể tên các nước và vùng lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông.
Lời giải:
– Vị trí của Biển Đông:
+ Biển Đông là biển thuộc Thái Bình Dương, trải rộng từ khoảng 3°N đến 26°B và khoảng 100°Đ đến 121°Đ.
+ Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải dài khoảng 3000 km theo trục đông bắc – tây nam, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
+ Đây là biển tương đối kín vì các đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều có đảo, quần đảo bao bọc.
– Các nước và vùng lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông:
+ Các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Philíppin, Inđônêxia, Brunây, Malayxia, Xingapo, Thái Lan, Campuchia.
+ Vùng lãnh thổ: Đài Loan.
Câu hỏi trang 75 Lịch Sử 11: Giải thích vai trò quan trọng chiến lược của Biển Đông trong giao thông hàng hải quốc tế.
Lời giải:
– Biển Đông có vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải quốc tế, tập trung các tuyến đường biển huyết mạch kết nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – Đông Á.
+ Có 5 trong số 10 tuyến đường vận tải biển trọng yếu của thế giới liên quan đến Biển Đông.
+ Giao thông đường biển qua Biển Đông nhộn nhịp vào tháng thứ 2 thế giới, với nhiều tài có trọng tải trên 5000 tấn.
– Khu vực Biển Đông có nhiều eo biển quan trọng như: eo Đài Loan, Basi, Gaxpa, Kalimantan và đặc biệt là Malắcca.
Câu hỏi trang 79 Lịch Sử 11: Giải thích tầm quan trọng chiến lược của các đảo, quần đảo ở Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Lời giải:
– Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng, giúp kiểm soát và bảo đảm an ninh cho các tuyến đường giao thông trên biển, trên không trong khu vực Biển Đông.
– Với nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản và du lịch đa dạng, các đảo, quần đảo trên Biển Đông là không gian hoạt động kinh tế có tầm quan trọng chiến lược. Một số ngành kinh tế biển có thể phát triển bền vững như du lịch, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, khai thác dược liệu biển và khoáng sản,…
+ Nằm trải rộng trên một vùng biển lớn, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tạo nên ngư trường đánh bắt hải sản khổng lồ với nhiều loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, hải sâm, đối mồi, vích, ốc tai voi, rau câu,…
+ Nguồn tài nguyên khoáng sản ở các đảo và vùng biển xung quanh gồm: dầu mỏ, khí đốt, phốt phát, bùn đa kim, cát, vỏ sò,… có thể khai thác với trữ lượng lớn. Đặc biệt, khu vực biển của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chứa đựng tài nguyên băng cháy rất lớn, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai.
+ Kinh tế du lịch biển cũng có thể đẩy mạnh nhờ hệ sinh vật đa dạng dưới đáy biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp ven biển và trên nhiều hòn đảo.
+ Tại các đảo cũng có thể xây dựng các khu bảo tồn biển, các trung tâm nghiên cứu để duy trì và phát triển các loài sinh vật hoang dã, các loài quý hiếm.
Luyện tập 1 trang 79 Lịch Sử 11: Lập sơ đồ tư duy thể hiện vai trò quan trọng của Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Lời giải:
(*) Tham khảo:
– Sơ đồ 1: Vai trò quan trọng của Biển Đông
– Sơ đồ 2: Vai trò quan trọng của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
Luyện tập 2 trang 79 Lịch Sử 11: Vì sao các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm tới Biển Đông và các đảo, quần đảo trên Biển Đông?
Lời giải:
– Các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm tới Biển Đông và các đảo, quần đảo trên Biển Đông, vì:
+ Biển Đông có vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải quốc tế, tập trung các tuyến đường biển huyết mạch kết nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – Đông Á.
+ Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về quốc phòng – an ninh, giao thông vận tải và các hoạt động kinh tế khác.
+ Biển Đông là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, bao gồm: tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản (ti-tan, thiếc, chì, băng cháy, dầu mỏ, khí tự nhiên,…). Bên cạnh đó, Biển Đông cũng có địa hình bờ biển đa dạng, có nhiều bãi cát đẹp, nhiều vũng, vịnh biển… Tất cả các yếu tố trên, đã tạo điều kiện để các quốc gia và vùng lãnh thổ ven Biển Đông có thể phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản, du lịch biển, vận tải đường biển,…
Vận dụng trang 79 Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo, internet, nếu đề xuất của em về các biện pháp để khai thác hiệu quả, bền vững vị trí và tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông.
Lời giải:
(*) Tham khảo:
– Một số biện pháp để khai thác hiệu quả, bền vững vị trí và tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông:
+ Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lí tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
+ Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
+ Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc: đấu tranh bảo vệ chủ quyền; khai thác hợp lí, bền vững và bảo vệ môi trường biển, đảo.
+ Chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong việc: quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo!
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 9: Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly và Triều Hồ (đầu thế kỉ XV)
Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)
Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)
Bài 13: Việt Nam và Biển Đông