Giải bài tập Địa Lí 11 Bài 10 Tiết 2: Kinh tế – Trung Quốc
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 92 SGK Địa lí 11: Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim và sản xuất hàng tiêu dùng?
Trả lời:
– Nhờ có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, kim loại màu..).
– Tài nguyên rừng giàu có.
– Nguồn lao động dồi dào, năng động.Thị trường tiêu thụ lớn.
– Áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất.
– Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp của nhà nước.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 93 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng 10.1. nhận xét sự tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc.
Trả lời:
Sự tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp Trung Quốc:
Trong giai đoạn 1985 – 2004 các sản phẩm đều có sản lượng tăng lên liên tục với tốc độ khác nhau.
– Sản lượng xi măng tăng nhanh nhất, tăng gấp 6,64 lần.
– Tiếp đến là sản lượng thép, tăng gấp 5,8 lần và sản lượng điện, tăng gấp 5,6 lần.
– Sản lượng phân đạm tăng 2,15 lần; tăng chậm nhất là than (gấp 1,7 lần).
Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 94 SGK Địa lí 11: Dựa vào hình 10.8, nhận xét sự phân bố một số ngành công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội tác động đến sự phân bố này.
Trả lời:
* Sự phân bố một số ngành công nghiệp của Trung Quốc:
– Luyện kim đen: khu vực Đông Bắc, Nam Kinh, Vũ Hán, Trùng Khánh.
– Luyện kim màu: Thẩm Dương, Qúy Dương, Lan Châu.
– Cơ khí: Hầu hết các trung tâm công nghiệp ở phía Đông.
– Điện tử, viễn thông: Quảng Châu, Hồng Công, Thẩm Dương,Trùng Khánh.
– Chế tạo máy bay: Thẩm Dương, Thượng Hải, Trùng Khánh.
– Sản xuất ô tô: Trùng Khánh, Bắc Kinh, Nam Kinh.
– Đóng tàu biển: ven biển như Thượng Hải, Quảng Châu, Phúc Châu.
– Hóa chất: Bắc Kinh, Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân.
– Hóa dầu: các trung tâm ở ven biển như Thiên Tân, Quảng Châu.
– Dệt may: nhiều trung tâm công nghiệp phía Đông.
* Nguyên nhân:
Sự phân bố các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoặc thị trường tiêu thụ, nguồn lao động của từng ngành.
– Các ngành luyện kim đen, luyện kim màu, hóa chất phân bố ở những nơi có nguồn khoáng sản: sắt, đồng, chì,…
– Ngành dệt may phân bố ở những nơi có nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn.
– Ngành điện tử, viễn thông phân bố ở những nơi có nguồn lao động với trình độ cao.
– Ngành đóng tàu, chế tạo máy bay phân bố dựa vào điều kiện sản xuất đặc thù.
Ngoài ra, sự phân bố các ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào trình độ phát triển khoa học kĩ thuật, chính sách của nhà nước hay cơ sở hạ tầng.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 95 SGK Địa lí 11: Dựa vào hình 10.9 và kiến thức đã học, nhận xét sự phân bố cây lương thực, cây công nghiệp và một số gia súc của Trung Quốc. Vì sao có sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp giữa miền Đông và miền Tây?
Trả lời:
* Nhận xét:
– Cây lương thực (lúa, ngô), cây công nghiệp (củ cải đường, đỗ tương, chè, bông, thuốc lá) và một số gia súc (bò, lợn) phân bố tập trung ở khu vực miền Đông Trung Quốc.
– Miền Tây hầu như không phát triển cây lương thực,cây công nghiệp, và gia súc trâu bò. Chủ yếu là nơi phân bố các đàn cừu và ngựa.
* Nguyên nhân:
– Miền đông có điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp:
+ Tự nhiên: địa hình đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu cận nhiệt và ôn đới gió mùa..
⟹ Thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày (lúa gạo, lúa mì, ngô, khoai tây, củ cải đường, đỗ tương, mía, bông, thuốc lá), cây chè… ; chăn nuôi lợn, bò; vùng biển phía Đông phát triển đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
+ Kinh tế-xã hội: dân cư đông đúc, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thị trường tiêu thụ rộng lớn, công nghiệp chế biến phát triển, cơ sở vật chất kĩ thuật-cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật (về giống, phân bón, nông cụ, phương thức canh tác…).
⟹ Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
– Miền Tây địa hình đồi núi sơn nguyên cao, khí hậu lục đia khô hạn với các hoang mạc và bán hoang mạc, chỉ phù hợp với giới hạn sinh thái của cừu và ngựa; không thuận lợi cho canh tác cây lương thực, lợn bò…
Câu hỏi và bài tập (trang 95 SGK Địa Lí lớp 11)
Câu 1 trang 95 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng số liệu trong bài, chứng minh kết quả hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những nguyên nhân đưa đến kết quả đó.
Trả lời:
Kết quả hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp của Trung Quốc:
* Ngành nông nghiệp:
– Kết quả:
+Sản xuất được nhiều loại nông phẩm với năng suất cao.
+ Một số loại có sản lượng đứng đầu thế giới như lương thực, bông, thịt lợn.
+Ngành nông nghiệp phát triển trù phú ở các đồng bằng phía Đông: Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam.
– Nguyên nhân: áp dụng nhiều chính sách cải cách trong nông nghiệp
+ Giao quyền sử dụng đất cho người nông dân.
+ Cải tạo, xây dựng mới đường giao thông, hệ thống thủy lợi.
+ Đưa kĩ thuật mới vào sản xuất, phổ biến giống mới.
+ Miễn thuế nông nghiệp cho người dâ
* Công nghiệp :
– Kết quả:
+ Phát triển các ngành công nghiệp kĩ thuật cao như điện tử, cơ khí chính xác, máy móc tự động.
+ Nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, nhiều mặt hàng đứng đầu thế giới về sản lượng như: than, thép, xi măng, phân đạm.
+ Phát triển công nghiệp địa phương, sản xuất được nhiều mặt hàng tiêu dùng, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồ gốm, sứ, dệt may…Các ngành này đã thu hút trên 100 triệu lao động và cung cấp trên 20% giá trị hàng hóa ở nông thôn.
+ Nhiều trung tâm công nghiệp có quy mô lớn và rất lớn phân bố chủ yếu ở phía Đông: Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán.
– Nguyên nhân :
+ Chuyển đổi nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường.
+ Thực hiện chính sách mở cửa, xây dựng các đặc khu kinh tế, khu chế xuất.
+ Thu hút vốn đầu tư lớn, năm 2004 thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất thế giới (60%).
+ Chủ động đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp.
Câu 2 trang 95 SGK Địa lí 11: Dựa vào hình 10,8, nhận xét và giải thích sự phân bố công nghiệp của Trung Quốc?
Trả lời:
* Sự phân bố công nghiệp Trung Quốc:
– Công nghiệp của Trung Quốc phân bố chủ yếu ở miền Đông lãnh thổ, khu vực ven các con sông lớn và ven biển.
– Công nghiệp kém phát triển ở phía Tây dù khu vực này có nhiều khooáng sản và tiềm năng thủy điện lớn.
* Nguyên nhân:
Miền Đông có nhiều điều kiện thuận lợi:
– Vị trí địa lí:
+ Tiếp giáp vùng biển rộng lớn phía Đông, thuận lợi cho giao lưu trao đổi hàng hóa, nguyên liệu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
+ Nằm gần các trung tâm kinh tế năng động và phát triển nhất thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á…
– Điều kiện tự nhiên:
+ Địa hình đồng bằng, khí hậu gió mùa ấm áp, nguồn nước dồi dào…thuận lợi để phát triển xây dựng các nhà máy, xi nghiệp công nghiệp…
+ Tài nguyên khoáng sản phía đông giàu có, nhiều mỏ có trữ lượng lớn (than đá, dầu mỏ, quặng sắt..).
⟹ thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp.
– Kinh tế- xã hội:
+ Miền Đông tập trung dân cư đông đúc, lao động dồi dào, có trình độ cao.
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, cơ sở vật chất kĩ thuật hoàn thiện, tập trung nhiều đô thị thành phố lớn, các trung tâm đào tạo giáo dục lớn của cả nước.
+ Chính sách của Nhà nước ưu tiên phát triển.
+ Được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại trong sản xuất.
Ngược lại, miền Tây địa hình chủ yếu là núi cao , sơn nguyên, hoang mạc gây khó khăn cho việc khai thác khoáng sản, phát triển giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng.
Câu 3 trang 95 SGK Địa lí 11: Vì sao sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông?
Trả lời:
* Nguyên nhân:
Miền đông có điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp:
+ Tự nhiên: địa hình đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu cận nhiệt và ôn đới gió mùa..
⟹ Thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày (lúa gạo, lúa mì, ngô, khoai tây, củ cải đường, đỗ tương, mía, bông, thuốc lá), cây chè… ; chăn nuôi lợn, bò; đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi; vùng biển phía Đông phát triển đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
+ Kinh tế-xã hội: dân cư đông đúc, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thị trường tiêu thụ rộng lớn, công nghiệp chế biến phát triển, cơ sở vật chất kĩ thuật-cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật (về giống, phân bón, nông cụ, phương thức canh tác…).
⟹ Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Lý thuyết Bài 9 Tiết 2: Kinh tế – Trung Quốc
I. Khái quát
– Công cụôc hiện đại hóa mang lại những thay đổi lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.
– Việc giữ ổn định xã hội và mở rộng giao lưu buôn bán với nước ngoài đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, đời sống người dân hiện được cải thiện rất nhiều.
II. Các ngành kinh tế
1. Công nghiệp
– Chuyển từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, các nhà máy, xí nghiệp được chủ động trong sản xuất và tiêu thụ.
– TQ thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường trao đổi hàng hóa với thị trường thế giới.
– Cho phép các công ty, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, quản lí sản xuất công nghiệp tại các đặc khu, khu chế xuất.
– Chủ động đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao.
– Trung Quốc thực hiện chính sách công nghiệp mới, tập trung chủ yếu vào 5 ngành: chế tạo máy, điện tử, hóa dầu, sản xuất ô tô và xây dựng.
– Chế tạo thành công tàu vũ trụ và đưa người bay vào vũ trụ.
– Các trung tâm công nghiệp lớn đều tập trung ở miền Đông.
– Sử dụng lực lượng lao động dồi dào và nguyên vật liệu sẵn có ở địa bàn nông thôn để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồ gốm, dệt may… hàng tiêu dùng; thu hút hàng trăm triệu lao động và cung cấp hàng hóa ở nông thôn.
2. Nông nghiệp
– Diện tích đất canh tác chỉ chiếm 7% thế giới nhưng phải nuôi 20% dân số thế giới.
– Áp dụng nhiều biện pháp, chính sách cải cách nông nghiệp (giao quyền sử dụng đất cho nông dân, cải tạo, xây dựng mới đường giao thông…).
– Đã sản xuất được nhiều loại nông sản với năng suất cao, đứng đầu thế giới.
– Ngành trồng trọt chiếm ưu thế, trong đó quan trọng là cây lương thực nhưng bình quân lương thực/người thấp.
– Đồng bằng châu thổ là các vùng nông nghiệp trù phú.
+ Hoa Bắc, Đông Bắc: lúa mì, ngô, củ cải đường.
+ Hoa Trung, Hoa Nam: lúa gạo, mía, chè.
III. Quan hệ Trung – Việt
– Trung – Việt có mối quan hệ lâu đời và ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nền tảng là tình hữu nghị và ổn định lâu dài.
– Từ năm 1999, quan hệ hợp tác theo phương châm: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
– Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh, mặt hàng ngày càng đa dạng.