Giải bài tập Sinh học lớp 11 Bài 28. Điện thế nghỉ
Bài giảng Sinh học 11 Bài 28: Điện thế nghỉ
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi 1 trang 114 SGK Sinh học 11: Quan sát hình 28.1 và cho biết cách đo điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh mực ống.
Phương pháp giải:
Điện thế nghỉ được đo bằng một máy đo điện thế
Trả lời:
Sử dụng một máy đo điện thế cực nhạy để đo điện thế nghỉ của tế bào thần kinh. Đặt điện cực thứ nhất của máy đo điện thế lên mặt ngoài của màng tế bào, còn điện cực thứ hai thì đâm xuyên qua màng tế bào, đến tiếp xúc với tế bào chất (hình 28.1)
Trả lời câu hỏi 2 trang 115 SGK Sinh học 11: Nghiên cứu bảng 28 và hình 28.2, sau đó trả lời các câu hỏi sau:
– Ở bên trong tế bào, loại ion dương nào có nồng độ cao hơn và loại ion dương nào có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào?
– Loại ion dương nào đi qua màng tế bào và nằm sát lại mặt ngoài màng tế bào làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm?
Phương pháp giải:
So sánh nồng độ ion K+ và Na+ bên trong và bên ngoài màng tế bào
Trả lời:
– Ở bên trong tế bào, ion K+ có nồng độ cao hơn và ion Na+ có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào.
– Mặt ngoài màng tế bào tích điện dương là do: K+ khi đi qua màng ra ngoài, mang theo điện tích dương ra theo dẫn đến phía mặt trong màng trở nên âm. K+ đi ra bị lực hút trái dấu ở phía mặt Trong màng giữ lại nên không đi xa mà nằm lại sát ngay phía mặt ngoài màng làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm.
Câu hỏi và bài tập (trang 116 SGK Sinh học 11)
Bài 1 trang 116 SGK Sinh học 11: Điện thế nghỉ là gì ? Điện thế nghỉ được hình thành như thế nào?
Trả lời:
– Điện thế nghỉ là sự chênh lệch về điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía bên trong màng mang điện âm so với phía ngoài màng mang điện dương.
– Sự hình thành điện thế nghỉ:
+ Trên màng tế bào: cổng K+ mở, cổng Na+ đóng, ion K+ ở mặt trong màng di chuyển ra bên ngoài màng và nằm sát màng tế bào làm cho mặt ngoài màng tế bào tích điện dương, mặt trong màng tế bào tích điện âm.
+ Bơm Na – K vận chuyển K+ từ bên ngoài màng vào bên trong màng, giúp duy trì nồng độ K+ bên trong màng cao hơn bên ngoài màng.
Bài 2 trang 116 SGK Sinh học 11: Đánh dấu × vào ô ▭ cho ý trả lời đúng về điện thế nghỉ.
Mặt ngoài của màng tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi (không hưng phấn) tích điện:
▭ A – dương.
▭ B – âm.
▭ C – trung tính.
▭ D – hoạt động.
Trả lời:
Đáp án A .
Mặt ngoài của màng tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi (không hưng phấn) tích điện dương.
Lý thuyết Bài 28. Điện thế nghỉ
I. ĐIỆN THẾ NGHỈ
1. Khái niệm
Điện sinh học là khả năng tích điện của tế bào, cơ thể.
Điện sinh học bao gồm điện thế nghỉ (điện tĩnh) và điện thế hoạt động.
Điện thế nghỉ đo được khi tế bào ở trạng thái nghỉ ngơi (tế bào không bị kích thích)
2. Thí nghiệm xác định điện thế nghỉ
Cách tiến hành: Để xác định thí nghiệm xác định điện thể nghỉ của tế bào ta tiến hành 3 thí nghiệm sau
Thí nghiêm 1: Chọc 2 vi điện cực đặt trên bề mặt của sợi thần kinh.
Thí nghiệm 2: Chọc 1 vi điện cực qua màng vào sâu trong tế bào, còn 1 vi điện cực đặt trên bề mặt sợi thần kinh thì giữa hai đầu điện cực.
Thí nghiệm 3: Chọc 2 vi điện cực chọc xuyên qua màng.
Kết quả thí nghiệm: Thí nghiệm 1,3 không có sự chênh lệch về điện thế. Thí nghiệm 2 xuất hiện một hiệu điện thế.
→ Bên trong tế bào và bên ngoài màng tế bào luôn tồn tại một hiệu điện thế.
Hình 1: Đo điện thế nghỉ ở tế bào thần kinh mực ống
Kết luận: Điện thế nghỉ là sự chênh lệch về điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía trong màng tế bào tích điện âm so với phía ngoài màng tích điện dương.
Ví dụ: Điện thể nghỉ của tế bào thần kinh mực ống -70 mV
Hình 2. Cơ chế hình thành điện thế nghỉ
Nguyên nhân có điện thế nghỉ chủ yếu là do:
+ Nồng độ ion kali bên trong cao hơn bên ngoài tế bào.
+ Các cổng kali mở (tính thấm chọn lọc đối với K+) nên các K+ ở sát màng tế bào đồng loạt đi từ trong ra ngoài tế bào và tập trung ngay sát mặt ngoài màng tế bào, làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm.
+ Bơm Na – K vận chuyển K+ từ phía bên ngoài trả vào phía bên trong màng tế bảo giúp duy trì nồng độ K+ bên trong tế bào cao hơn bên ngoài tế bào.