Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, ôn luyện trắc nghiệm từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung Bài 15: Tiêu hóa ở động vật Sinh học lớp 11.
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Lý thuyết, trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật
SINH HỌC 11 BÀI 15: TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT
Bài giảng Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật
Phần 1: Lý thuyết Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật
Động vật là sinh vật dị dưỡng chỉ có thể tồn tại và phát triển nhờ lấy các chất dinh dưỡng (có trong thức ăn) từ môi trường ngoài. Các chất dinh dưỡng hữu cơ như prôtêin, lipit và cacbohidrat thường có cấu trúc phức tạp. Các chất này phải trải qua quá trình biến đổi trong hệ tiêu hóa của động vật tạo thành các chất dinh dưỡng đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
I. Tiêu hóa là gì ?
– Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
– Ở động vật đơn bào, thức ăn được tiêu hóa trong không bào tiêu hóa. Ở các nhóm động vật khác, thức ăn được tiêu hóa ở bên ngoài tế bào, trong túi tiêu hóa hoặc trong ống tiêu hóa.
II. Tiêu hóa ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa
– Động vật chưa có cơ quan tiêu hóa là động vật đơn bào. Tiêu hóa thức ăn ở động vật đơn bào là tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong tế bào)
Các giai đoạn của quá trình tiêu hóa thức ăn ở trùng giày:
– Màng tế bào lõm dần vào, hình thành không bào tiêu hóa chứa thức ăn bên trong
– Lizôxôm gắn vào không bào tiêu hóa. Các enzim của lizôxôm vào không bào tiêu hóa và thủy phân các chất dinh dưỡng phức tạp thành các chất dinh dưỡng đơn giản
– Các chất dinh dưỡng đơn giản được hấp thụ từ không bào tiêu hóa vào tế bào chất. Riêng phần thức ăn không được tiêu hóa trong không bào được thải ra khỏi tế bào theo kiểu xuất bào.
III. Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa
– Các loài ruột khoang và giun dẹp tiêu hóa bằng túi tiêu hóa
– Túi tiêu hóa có hình túi được tạo thành từ nhiều tế bào. Túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất ra bên ngoài. Lỗ thông vừa làm chức năng của miệng, vừa làm chức năng của hậu môn, nghĩa là thức ăn đi qua lỗ thông để vào túi tiêu hóa, đồng thời các chất thải cũng đi quan lỗ thông đó ra ngoài.
– Trên thành túi có nhiều tế bào tuyến. Các tế bào này tiết enzim tiêu hóa vào lòng túi tiêu hóa
– Ở động vật có túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào (tiêu hóa trong lòng túi tiêu hóa, bên ngoài tế bào) và tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong các tế bào trên thành túi tiêu hóa)
IV. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa
– Động vật có xương sống và nhiều loài động vật không xương sống có ống tiêu hóa. Ống tiêu hóa được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau.
– Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học của ống tiêu hóa và nhờ tác dụng của dịch tiêu hóa.
– Ở động vật có ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào. Thức ăn đi qua ống tiêu hóa được biến đổi cơ học và hóa học trở thành những chất dinh dưỡng đơn giản và được hấp thụ vào máu. Các chất không được tiêu hóa trong ống tiêu hóa sẽ tạo thành phân và được thải ra ngoài
Phần 2: 25 Câu hỏi trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật
Câu 1: Tiêu hoá là:
A. Quá trình tạo ra các chất dinh dưỡng từ thức ăn cho cơ thể.
B. Quá trình tạo ra các chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
C. Quá trình tạo ra các chất chất dinh dưỡng cho cơ thể
D. Quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thu được.
Lời giải:
Quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thu được.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 2: Tiêu hóa là gì:
A. Tiêu hóa là quá trình biến đổi thức ăn thành các chất hữu cơ
B. Tiêu hóa là quá trình tạo ra các chất dinh dưỡng và năng lượng, hình thành phân thải ra ngoài cơ thể.
C. Tiêu hóa là quá trình biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng và tạo ra năng lượng.
D. Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
Lời giải:
Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Lượng prôtêin được bổ sung thường xuyên cho cơ thể động vật ăn thực vật có nguồn từ:
A. Vi sinh vật sống cộng sinh trong hệ tiêu hóa của động vật.
B. Cơ thể động vật ăn thực vật có phản xạ tự tạo prôtêin cho chúng khi thiếu.
C. Thức ăn thực vật, chứa đựng prôtêin khá cao, đủ cung cấp cho cơ thể động vật.
D. Sự thủy phân xenlulôzơ tạo thành
Lời giải:
Các động vật ăn thực vật có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh trong bộ máy tiêu hóa của mình, lượng prôtêin được hấp thụ từ hoạt động và cơ thể của các vi sinh vật này.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 4: Cơ thể động vật ăn thực vật có thể tiêu hóa được thực vật:
A. Động vật ăn thực vật chỉ tiêu hóa prôtêin trong thực vật chúng ăn.
B. Cơ thể động vật ăn thực vật có enzim phân hủy tế bào thực vật.
C. Nhờ vi sinh vật sống cộng sinh trong hệ tiêu hóa của động vật.
D. Cả A, B và C
Lời giải:
Các động vật ăn thực vật có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh trong bộ máy tiêu hóa của mình, lượng prôtêin được hấp thụ từ hoạt động và cơ thể của các vi sinh vật này.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 5: Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá, thức ăn được tiêu hoá như thế nào?
A. Tiêu hóa ngoại bào.
B. Tiêu hoá nội bào.
C. Tiêu hóa ngoại bào và tiêu hoá nội bào.
D. Một số tiêu hoá nội bào, còn lại tiêu hoá ngoại bào.
Lời giải:
Động vật chưa có cơ quan tiêu hoá → tiêu hoá nội bào.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 6: Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá, sự biến đổi thức ăn trong tế bào được gọi là :
A. Tiêu hóa nội bào
B. Đồng hóa
C. Chuyển hóa nội bào
D. Dị hóa
Lời giải:
Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá, sự biến đổi thức ăn trong tế bào là tiêu hóa nội bào.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 7: Quá trình tiêu hoá ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá chủ yếu diễn ra như thế nào?
A. Các enzim từ ribôxôm vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
B. Các enzim từ lizôxôm vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được
C. Các enzim từ perôxixôm vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
D. Các enzim từ bộ máy gôn gi vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
Lời giải:
Các enzim từ lizôxôm vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được
Đáp án cần chọn là: B
Câu 8: Nội dung nào dưới đây về hoạt động tiêu hóa của động vật chưa có cơ quan tiêu hóa là không đúng :
A. Thức ăn được tiếp nhận vào trong cơ thể qua hiện tượng thực bào.
B. Thức ăn được tiêu hóa nhờ các enzyme thủy phân của bộ máy Golgi
C. Chủ yếu là tiêu hóa nội bào
D. Trùng biến hình, trùng roi, trùng giày là những động vật chưa có cơ quan tiêu hóa.
Lời giải:
Động vật chưa có cơ quan tiêu hóa là các động vật đơn bào.
Phát biểu sai là B vì hoạt động tiêu hóa của chúng do không bào tiêu hóa đảm nhận, vậy nên enzyme tiêu hóa là của lizoxom.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 9: Quá trình tiêu hoá ở động vật có túi tiêu hoá chủ yếu diễn ra như thế nào?
A. Thức ăn được tiêu hoá nội bào nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
B. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ sự co bóp của khoang túi mà chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản.
C. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào (nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp trong khoang túi) và nội bào.
D. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp trong khoang túi.
Lời giải:
Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào (nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp trong khoang túi) và nội bào.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 10: Sinh vật tiết enzyme phân giải các chất hữu cơ trong môi trường rồi hấp thụ các chất dinh dưỡng đơn giản , đó là hình thức :
A. Tiêu hóa nội bào
B. Tiêu hóa ngoại bào
C. Vừa tiêu hóa nội bào vừa tiêu hóa ngoại bào
D. Không thuộc các kiểu trên
Lời giải:
Sinh vật tiết enzyme phân giải các chất hữu cơ trong môi trường rồi hấp thụ các chất dinh dưỡng đơn giản, đó là hình thức tiêu hóa ngoại bào.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 11: Động vật nào sau đây chỉ có hình thức tiêu hoá nội bào?
A. Ruột khoang
B. Cá
C. Trùng giày
D. Ruột khoang , cá và trùng giày
Lời giải:
Trùng giày chỉ có tiêu hóa nội bào do chúng chưa có cơ quan tiêu hóa
Đáp án cần chọn là: C
Câu 12: Nhóm nào sau đây chỉ có hình thức tiêu hóa nội bào
A. Động vật không xương sống
B. Động vật có xương sống
C. Động vật đơn bào
D. Động vật đa bào
Lời giải:
Các động vật đơn bào chỉ có hình thức tiêu hóa nội bào vì chúng không có cơ quan tiêu hóa.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 13: Động vật nào sau đây tiêu hoá nội bào ?
A. Chim
B. Giun đất
C. Lợn
D. Trùng roi
Lời giải:
Sinh vật đơn bào sẽ tiêu hoá nội bào
Đáp án cần chọn là: D
Câu 14: Động vật nào sau đây chưa có cơ quan tiêu hóa?
A. Cá chép.
B. Gà.
C. Trùng biến hình.
D. Giun đất.
Lời giải:
Trùng biến hình tiêu hoá nội bào, chưa có cơ quan tiêu hoá, chỉ có bào quan tiêu hoá.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 15: Động vật nào sau đây có hình thức tiêu hoá ngoại bào đến nội bào?
A. Ruột khoang
B. Cá
C. Trùng giày
D. Ruột khoang, cá và trùng giày
Lời giải:
Ruột khoang có hình thức tiêu hoá ngoại bào đến nội bào do chúng có túi tiêu hóa
Đáp án cần chọn là: A
Câu 16: Hình thức tiêu hóa ở ruột khoang l
A. Tiêu hóa nội bào
B. Tiêu hóa cơ học và hóa học trong túi tiêu hóa
C. Tiêu hóa trong ống tiêu hóa
D. Tiêu hóa nội bào và ngoại bào trong túi tiêu hóa
Lời giải:
Ruột khoang có hình thức tiêu hoá nội bào và ngoại bào trong túi tiêu hóa
Đáp án cần chọn là: D
Câu 17: Động vật nào sau đây có cơ quan tiêu hóa dạng túi?
A. Giun đất
B. Cừu.
C. Trùng giày
D. Thủy tức.
Lời giải:
Thủy tức có cơ quan tiêu hóa dạng túi
Đáp án cần chọn là: D
Câu 18: Ở thủy tức, thức ăn đuợc tiêu hóa bằng hình thức
A. Tiêu hóa ngoại bào
B. Một số tiêu hóa nội bào, còn lại tiêu hóa ngoại bào
C. Tiêu hóa nội bào và ngoại bào
D. Tiêu hóa nội bào
Lời giải:
Thuỷ tức có cơ quan tiêu hoá dạng túi, 1 phần thức ăn được tiêu hoá ngoại bào, sau đó được tiêu hoá ngoại bào.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 19: Tiêu hóa trong túi tiêu hóa ưu việt hơn tiêu hóa nội bào vì
A. Có thể lấy thức ăn có kích thước lớn
B. Sự biến đổi thức ăn nhanh hơn
C. Thức ăn bị biến đổi nhờ enzyme do các tế bào của túi tiêu hóa tiết ra
D. Enzyme tiêu hóa không bị hòa loãng với nước
Lời giải:
Ưu điểm của tiêu hóa trong túi tiêu hóa so với tiêu hóa nội bào là thức ăn có kích thước lớn hơn rất nhiều.
VD: Con thủy tức có thể tiêu hóa con rận nước (động vật đa bào) trong khi đó trùng đế giày chỉ có thể tiêu hóa thức ăn đơn giản, có kích thước nhỏ.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 20: Ưu điểm của tiêu hoá thức ăn ở động yật có túi tiêu hoá so với động vật chưa có cơ quan tiêu hóa tiêu hoá?
A. Tiêu hoá được thức ăn có kích thước lớn hơn
B. Tiêu hóa ngoại bào nhờ enzim
C. Tiêu hóa nội bào trên thành túi tiêu hóa
D. Tiếp tục tiêu hóa nội bào
Lời giải:
Ưu điểm của tiêu hoá thức ăn ở động yật có túi tiêu hoá so với động vật chưa có cơ quan tiêu hóa tiêu hoá là tiêu hoá được thức ăn có kích thước lớn hơn.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 21: Sự bắt và tiêu hóa côn trùng ở cây nắp ấm giống với quá trình
A. tiêu hóa ở trùng đế giày
B. tiêu hóa của thuỷ tức
C. tiêu hóa ở động vật ăn thực vật
D. tiêu hóa ở động vật ăn thịt
Lời giải:
Sự bắt và tiêu hóa côn trùng ở cây nắp ấm giống vài quá trình tiêu hoá của thuỷ tức.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 22: Sự tiêu hóa côn trùng ở cây nắp ấm giống sự tiêu hóa ở
A. Ống tiêu hóa
B. Cơ thể chưa có cơ quan tiêu hóa
C. Túi tiêu hóa
D. Tiêu hóa nội bào
Lời giải:
Sự bắt và tiêu hóa côn trùng ở cây nắp ấm giống quá trình tiêu hoá trong túi tiêu hóa
Đáp án cần chọn là: C
Câu 23: Ở động vật đơn bào, thức ăn được tiêu hóa bằng hình thức:
A. tiêu hóa nội bào
B. tiêu hóa ngoại bào
C. tiêu hóa ngoại bào và nội bào
D. túi tiêu hóa
Đáp án cần chọn là: A
Câu 24: Ở tiêu hóa nội bào, thức ăn được tiêu hóa trong
A. không bào tiêu hóa
B. túi tiêu hóa.
C. ống tiêu hóa.
D. không bao tiêu hóa sau đó đến túi tiêu hóa.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 25: Trong ống tiêu hóa của người, các cơ quan tiêu hóa được sắp theo thứ tự
A. miệng → ruột non→ dạ dày→ hầu → ruột già→ hậu môn
B. miệng → thực quản → dạ dày → ruột non → ruột già → hậu môn
C. miệng → ruột non→ thực quản → dạ dày → ruột già → hậu môn
D. miệng → dạ dày → ruột non → thực quản → ruột già → hậu môn
Đáp án cần chọn là: B