Sinh học lớp 11 Bài 23: Cơ thể là một thể thống nhất
A. Lý thuyết Sinh học 11 Bài 23: Cơ thể là một thể thống nhất
I. Mối quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể
– Mỗi cơ quan, hệ cơ quan tuy thực hiện các chức năng cụ thể của cơ thể nhưng các cơ quan, hệ cơ quan có sự phối hợp hoạt động với nhau, nhờ đó cơ thể tạo thành một thể thống nhất.
1. Mối quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể thực vật
– Tương tự như ở động vật, các cơ quan, các quá trình sinh lí trong cơ thể thực vật cũng gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Tương quan giữa các hormone thực vật điều tiết mối liên hệ giữa các quá trình sinh lí cũng như các hoạt động sinh trưởng, phát triển của các cơ quan, cơ thể.
– Quá trình thoát hơi nước ở lá cây tạo động lực cho sự hấp thụ nước và chất khoảng ở rễ cũng như cho phép CO2 xâm nhập vào lá cung cấp cho quang hợp. Quá trình quang hợp cung cấp các hợp chất hữu cơ, từ đó tổng hợp nên vật chất trong cơ thể hoặc được sử dụng trong quá trình hô hấp để tạo năng lượng cho cơ thể. Thực vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản được là kết quả của các quá trình trao đổi chất trên.
– Khi một quá trình sinh lí tại một cơ quan nào đó bị rối loạn cũng sẽ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lí khác, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể.
2. Mối quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể động vật
– Các cơ quan, hệ cơ quan, quá trình sinh lí trong cơ thể động vật có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau, quá trình sinh lí của cơ quan, hệ cơ quan này sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh lí của cơ quan, hệ cơ quan khác và đều chịu sự điều khiển, điều hoà, phối hợp hoạt động bởi hệ thần kinh và hệ nội tiết.
– Khi một cơ quan nào đó bị rối loạn hoạt động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, hệ cơ quan khác, từ đó ảnh hưởng đến các quá trình sinh lí, sự sinh trưởng, phát triển của toàn bộ cơ thể.
II. Cơ thể là một hệ thống mở, tự điều chỉnh
– Sinh vật tồn tại trong môi trường và có sự liên hệ mật thiết với môi trường. Dưới tác động của môi trường, các quá trình sinh lí trong cơ thể sinh vật có thể bị thay đổi, tuy nhiên, cơ thể sinh vật có khả năng tự điều chỉnh để duy trì sự tồn tại và phát triển.
1. Cơ thể là một hệ thống mở
– Hệ thống mở là hệ thống có sự trao đổi năng lượng, vật chất và thông tin với môi trường xung quanh. Cơ thể sinh vật là một hệ thống mở vì giữa cơ thể và môi trường sống luôn có sự trao đổi, tác động qua lại thông qua quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Thực vật thu nhận nước, chất khoáng. CO2, và ánh sáng từ môi trường, tạo chất hữu cơ và thải O2 ra môi trưởng. Động vật lấy O2 qua hệ hô hấp, chất dinh dưỡng qua hệ tiêu hoá và thai ra ngoài môi trường CO2 chất thải, chất thừa, chất không cần thiết qua hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ bài tiết.
2. Cơ thể sinh vật là một hệ thống tự điều chỉnh
– Hệ thống tự điều chỉnh là hệ thống có khả năng duy trì sự cân bằng động các chỉ số của hệ thống. Cơ thể sinh vật có khả năng tự điều chỉnh thông qua cơ chế điều hoà.
– Ở động vật, sự tự điều chỉnh được thực hiện thông qua quá trình điều hoà của hệ thần kinh và hệ nội tiết theo cơ chế liên hệ ngược. Tức là, hệ thần kinh và hệ nội tiết điều khiển, điều hoà, phối hợp hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể và hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể lại ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và hệ nội tiết. Mối quan hệ này giúp cơ thể hoạt động như một thể thống nhất, thích nghi với môi trường.
– Ở thực vật, sự tự điều chỉnh được thực hiện thông qua điều hoà tương quan hormone thực vật dưới sự kiểm soát của đặc điểm di truyền và các yếu tố môi trường. Tự điều chỉnh được thực hiện nhờ cơ chế liên hệ ngược. Ở thực vật C3, quá trình quang hợp diễn ra mạnh khi cường độ ánh sáng mạnh. Nhưng khi hàm lượng CO2 trong mỗi trường quá thấp, enzyme rubisco thể hiện hoạt tính decarboxylase, quang hợp ngừng lại trong khi quang hô hấp diễn ra.
B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 23: Cơ thể là một thể thống nhất
Đang cập nhật …