Giải Chuyên đề Sinh học 11 Bài 8: Các biện pháp phòng chống bệnh dịch phổ biến ở người
Mở đầu trang 46 Chuyên đề Sinh học 11: Người ta thường nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Em có đồng ý với điều đó không? Vì sao?
Lời giải:
– Đồng ý với quan điểm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
– Giải thích: Việc phòng bệnh sẽ giúp con người hạn chế được nguy cơ mắc bệnh, từ đó tránh được những tổn hại về sức khoẻ, tinh thần và vật chất khi phải chữa bệnh. Ngoài ra, việc phòng bệnh cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế hoặc ngăn chặn sự lây lan, bùng phát bệnh thành dịch hoặc đại dịch, từ đó bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và các nguồn lực xã hội.
I. Biện pháp phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp
Hình thành kiến thức mới 1 trang 46 Chuyên đề Sinh học 11: Tại sao chúng ta cần dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi?
Lời giải:
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh tác nhân gây bệnh từ cơ thể phát tán ra môi trường thông qua các sol khí, nhờ đó, hạn chế sự lây nhiễm mầm bệnh từ người sang người và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hình thành kiến thức mới 2 trang 46 Chuyên đề Sinh học 11: Việc tiêm các mũi vaccine đầy đủ theo khuyến cáo có ý nghĩa gì trong việc phòng chống bệnh dịch?
Lời giải:
Việc tiêm các mũi vaccine đầy đủ theo khuyến cáo là biện pháp tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống bệnh dịch:
– Chủ động tiêm chủng có nhiều vai trò quan trọng như: giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ thể (đặc biệt là trẻ em), bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tiết kiệm chi phí điều trị bệnh, phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho xã hội,…
– Tiêm chủng trên diện rộng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh, dịch. Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi có khoảng 70 – 80 % dân số được tiêm chủng thì bệnh sẽ không xảy ra trên quy mô rộng, nghĩa là không bùng phát thành dịch.
II. Biện pháp phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hoá
Hình thành kiến thức mới 3 trang 47 Chuyên đề Sinh học 11: Tại sao ở các cơ sở chế biến, bếp ăn trường học, bếp ăn nhà hàng,… phải lưu trữ mẫu tất cả các món ăn của mỗi bữa ăn?
Lời giải:
Lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với tất cả các món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên. Mẫu thức ăn được lưu trữ để phục vụ cho việc thực hiện kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống tại cơ sở khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm để tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc. Thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn.
III. Biện pháp phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường máu
Luyện tập trang 48 Chuyên đề Sinh học 11: Giải thích vì sao nhóm biện pháp kiểm soát con đường lây nhiễm thường cho hiệu quả cao trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm ở người?
Lời giải:
Điều kiện đầu tiên để một tác nhân gây bệnh có thể gây bệnh là phải xâm nhập được vào bên trong cơ thể. Mà mỗi tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể người bằng một hoặc một số con đường nhất định. Việc kiểm soát được các con đường lây nhiễm này có vai trò ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào cơ thể → mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm ở người.
IV. Biện pháp phòng chống một số bệnh dịch thường gặp
Hình thành kiến thức mới 4 trang 48 Chuyên đề Sinh học 11: Tại sao các bệnh viện, trường học cần được tiến hành phun thuốc khử khuẩn định kì?
Lời giải:
Bệnh viện, trường học là những nơi tập trung đông người nên có sự xuất hiện của rất nhiều mầm bệnh khác nhau, tăng nguy cơ lây lan và mắc các loại bệnh dịch. Việc phun khử khuẩn định kì có tác dụng tiêu diệt và hạn chế sự phát tán của mầm bệnh → phòng chống các bệnh dịch ở người.
Hình thành kiến thức mới 5 trang 49 Chuyên đề Sinh học 11: Hãy xác định tên các biện pháp tương ứng trong Hình 8.4. Cho biết ý nghĩa của những biện pháp này.
Lời giải:
– Tên các biện pháp tương ứng trong Hình 8.4:
(a) Đậy kín tất cả các vật dụng có chứa nước.
(b) Sử dụng các chất diệt muỗi.
(c) Dọn vệ sinh môi trường.
(d), (e) Không để các chum, vại, vật dụng chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước tồn đọng lâu ngày.
(g) Thả các loại cá nhỏ, cá bảy màu.
– Ý nghĩa: Các biện pháp trên có tác dụng diệt lăng quăng (bọ gậy), tránh muỗi vào đẻ trứng hoặc trú ẩn → tiêu diệt muỗi → tránh muỗi đốt để phòng sốt xuất huyết, sốt rét.
Luyện tập trang 49 Chuyên đề Sinh học 11: Bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức người dân có ý nghĩa như thế nào đối với phòng chống bệnh dịch?
Lời giải:
– Ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đối với phòng chống bệnh dịch: Môi trường ô nhiễm là điều kiện lí tưởng cho các tác nhân gây bệnh phát sinh, phát triển và lây lan thành bệnh dịch. Do đó, việc bảo vệ môi trường sẽ giúp môi trường được sạch sẽ, hạn chế sự phát sinh, phát triển và lây lan bệnh dịch.
– Ý nghĩa của việc nâng cao ý thức người dân đối với phòng chống bệnh dịch: Việc nâng cao ý thức người dân đối với phòng chống bệnh dịch sẽ giúp việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh được hiệu quả, từ đó hạn chế được sự phát sinh, phát triển và lây lan của bệnh dịch.
Hình thành kiến thức mới 6 trang 49 Chuyên đề Sinh học 11: Để phòng chống AIDS một cách hiệu quả, người thuộc lứa tuổi vị thành niên cần tránh làm những việc gì để không bị nhiễm HIV? Giải thích.
Lời giải:
– Để phòng chống AIDS một cách hiệu quả, người thuộc lứa tuổi vị thành niên cần tránh làm những việc làm sau:
+ Tiêm chích ma tuý.
+ Tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.
+ Quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành, quan hệ tình dục với nhiều người.
+ Dùng chung các đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,… với người khác.
– Giải thích: Sở dĩ, cần tránh làm những việc trên để ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV vào cơ thể, nhờ đó, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cho người khác.
Vận dụng trang 50 Chuyên đề Sinh học 11: Hãy cho biết các biện pháp phòng chống bệnh Covid-19 đã được triển khai thực hiện bằng cách hoàn thành bảng sau. Trong đó, em đã thực hiện được những biện pháp nào để phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng?
Lời giải:
Bảng 8.1: Một số nhóm biện pháp phòng chống bệnh Covid-19
Nhóm biện pháp |
Nội dung cụ thể |
Biện pháp chung cho cộng đồng |
– Không đến các vùng có dịch bệnh. – Hạn chế đến những nơi tập trung đông người; trường hợp đến những nơi đông người cần phải thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn. – Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; giữ khoảng cách an toàn (ít nhất 2 m) và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. – Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần đeo khẩu trang, không ra khỏi nhà và thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. – Vệ sinh cá nhân thường xuyên như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối. – Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. – Giữ ẩm cho cơ thể, thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lí để tăng cường sức khoẻ. |
Biện pháp cho các cơ quan, đơn vị, gia đình |
– Thực hiện đầy đủ các biện pháp chung cho cộng đồng. – Thường xuyên vệ sinh (lau sàn, tay nắm cửa, các bề mặt,…); đảm bảo nhà ở, nơi làm việc được thông thoáng. |- Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người (lễ hội, hội thảo,…); đảm bảo số lượng người tham gia các cuộc họp đúng quy định. – Tuỳ từng trường hợp, có thể đóng cửa trường học, công sở, nhà máy, xí nghiệp để hạn chế lây lan dịch bệnh. – Tăng cường học tập, làm việc theo hình thức trực tuyến; hạn chế số lượng người đến cơ quan, đơn vị theo quy định. |
Các biện pháp cách li |
– Cách li nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. – Cách li tập trung tại các cơ sở cách li của địa phương hoặc tại nơi lưu trú đối với người nhập cảnh. – Đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu cách li. – Tuỳ tình hình dịch bệnh, có thể thực hiện cách li xã hội. |
Biện pháp khử khuẩn |
– Thường xuyên khử khuẩn nơi ở, trường học, cơ quan,… bằng các dung dịch khử trùng. Số lần khử khuẩn sẽ được căn cứ vào tình trạng thực tế. – Thường xuyên khử khuẩn các phương tiện chuyên chở bệnh nhân. – Phun khử khuẩn những nơi có ca nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, các khu vực có mức nhiễm cao. |
Tiêm chủng |
– Thực hiện tiêm vaccine phòng chống Covid-19 theo quy định. |
– Trong các biện pháp trên, những biện pháp em đã thực hiện được để phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng là: biện pháp chung cho cộng đồng, biện pháp cách li, biện pháp khử khuẩn (thường xuyên khử khuẩn nơi ở), biện pháp tiêm chủng.
Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Sinh học lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 7: Nguyên nhân lây nhiễm bệnh dịch ở người
Bài 8: Các biện pháp phòng chống bệnh dịch phổ biến ở người
Bài 9: Dự án: Điều tra một số dịch bệnh phổ biến ở người và tuyên truyền phòng chống
Ôn tập chuyên đề 2
Bài 10: Vệ sinh an toàn thực phẩm