Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 21: Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam trong những năm cuối thế kỉ XIX
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 125 SGK Lịch sử 11: Phong trào Cần Vương bùng nổ trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
Hoàn cảnh bùng nổ Phong trào Cần Vương:
– Sau hai Hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt, Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam, thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì.
– Phái chủ chiến trong triều đình Huế, đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động, phế bỏ những ông vua thân Pháp, đưa Hàm Nghi lên ngôi, bí mật xây dựng sơn phòng, tích trữ lương thảo và vũ khí để chuẩn bị chiến đấu.
– Đêm ngày 4 rạng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công Pháp tại đồn Mang Cá, toà Khâm sứ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Pháp phản công, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị).
– Ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết mượn danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến.
⟹ Phong trào Cần Vương bùng nổ.
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 128 SGK Lịch sử 11: Tóm lược diễn biến 2 giai đoạn của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX và rút ra đặc điểm của mỗi giai đoạn.
Trả lời:
Nội dung |
Giai đoạn thứ nhất (1885 – 1888) |
Giai đoạn thứ hai (1888 – 1896) |
Lãnh đạo |
Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, văn thân, sĩ phu yêu nước. |
Văn thân, sĩ phu yêu nước. |
Lực lượng |
Đông đảo nhân dân, có cả dân tộc thiểu số. |
Đông đảo nhân dân, có cả dân tộc thiểu số. |
Địa bàn |
– Rộng lớn, khắp Bắc và Trung Kì. – Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, đề đốc Tạ Hiện (Thái Bình), Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên),…
|
– Thu hẹp, quy tụ dần thành các trung tâm lớn, chuyển trọng tâm hoạt động lên vùng trung du và miền núi. – Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Cao Điển và Tống Duy Tân lãnh đạo, khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo,… |
Kết quả |
Cuối năm 1888, do sự phản bội của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc và chịu án lưu đày sang An-giê-ri (Bắc Phi). |
Năm 1896, phong trào Cần Vương chấm dứt. |
Đặc điểm |
– Phong trào diễn ra dưới danh nghĩa “Cần vương”. – Phát huy cao độ lòng yêu nước, huy động sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. – Nổ ra lẻ tẻ, rời rạc, chưa tạo thành sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa. |
– Mặc dù nhà vua đã bị bắt, phong trào vẫn diễn ra sôi nổi. – Phát huy cao độ lòng yêu nước, huy động sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. – Nổ ra lẻ tẻ, rời rạc, chưa tạo thành sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa. |
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 129 SGK Lịch sử 11: Trình bày diễn biến của khởi nghĩa Bãi Sậy.
Trả lời:
Diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy:
– Trong những năm 1883 – 1885, địa bàn hoạt động của nghĩa quân chỉ hạn chế trong vùng Bãi Sậy.
– Từ năm 1885 đến cuối năm 1887, nghĩa quân đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của Pháp ở vùng Văn Giang, Khoái Châu và vùng căn cứ Hai Sông. Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Yên.
– Từ năm 1888, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Quân Pháp tiến hành đàn áp dã man, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng lực lượng ngày càng giảm sút và rơi dần vào thế bị bao vây, cô lập.
– Tháng 7-1889, Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Trung Quốc. Phong trào tiếp tục một thời gian rồi tan rã vào năm 1892.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 131 SGK Lịch sử 11: Mô tả cấu trúc của căn cứ Ba Đình.
Trả lời:
* Cấu trúc của căn cứ Ba Đình:
– Cứ điểm Ba Đình được xây dựng ở ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê (thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), do Phạm Bành và Đinh Công Tráng chỉ huy.
– Nghĩa quân đã xây dựng một căn cứ vững chắc. Bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, rồi đến lớp thành đất cao đến 3 mét, chân thành rộng từ 8 mét đến 10 mét, trên thành có các lỗ châu mai. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào dùng để vận động và tiếp tế khi chiến đấu.
– Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các ngôi đình của ba làng được biến thành các chốt đóng quân, nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào, có thể hỗ trợ nhau.
⟹ Nhận xét:
– Điểm mạnh:
+ Ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê tạo thành thế chân kiềng, có thể phối hợp hỗ trợ nhau trong chiến đấu.
+ Hệ thống giao thông thuận lợi, dễ dàng đi lại.
+ Địa thế thuận lợi để xây dựng một chiến tuyến phòng thủ kiên cố: phía ngoài là ruộng lúa, lũy tre dày, vùng ngập nước, bên trong là làng xóm, công sự.
+ Là cứ điểm được xây dựng công phu, có khả năng phòng thủ tốt, đảm bảo cho nghĩa quân có thể tác chiến linh hoạt và hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất có thể xảy ra.
– Điểm yếu: căn cứ Ba Đình dễ bị cô lập, khó ứng cứu, không thể sử dụng cách đánh du kích, chỉ có thể đánh công kiên.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 131 SGK Lịch sử 11: Trình bày diễn biến của khởi nghĩa Ba Đình.
Trả lời:
Diễn biến khởi nghĩa Ba Đình:
– Năm 1886, cứ điểm Ba Đình được xây dựng, do Phạm Bành và Đinh Công Tráng chỉ huy.
– Nghĩa quân chặn đánh các đoàn vận tải của địch, và tập kích các toán lính trên đường hành quân.
– Tháng 12-1886, 500 quân Pháp tấn công vào căn cứ Ba Đình, nhưng thất bại.
– Ngày 6-1-1887, Pháp huy động 2 500 quân, có pháo binh yểm trợ, bao vây căn cứ. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt.
– Đêm 20-1-1887, nghĩa quân rút lên Mã Cao. Sáng 21-1, quân Pháp chiếm được căn cứ.
– Nghĩa quân cầm cự được một thời gian. Đến giữa năm 1887, khởi nghĩa Ba Đình hoàn toàn tan rã.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 133 SGK Lịch sử 11: Tóm lược các giai đoạn phát triển của khởi nghĩa Hương Khê.
Trả lời:
Diễn biễn cuộc khởi nghĩa được chia làm 2 giai đoạn:
* Từ năm 1885 – 1888: giai đoạn chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở chiến đấu của nghĩa quân.
– Được Phan Đình Phùng giao nhiệm vụ, Cao Thắng đã tích cực chiêu tập binh sĩ, trang bị, huấn luyện và xây dựng căn cứ thuộc rừng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
* Từ năm 1888 – 1896: giai đoạn chiến đấu quyết liệt.
– Dựa vào vùng rừng núi hiểm trở, có sự chỉ huy thống nhất và phối hợp tương đối chặt chẽ, nghĩa quân đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.
– Để đối phó Pháp tập trung binh lực và xây dựng một hệ thống đồn, bốt nhằm bao vây, cô lập nghĩa quân. Đồng thời chúng mở nhiều cuộc tấn công quy mô vào căn cứ chính Ngàn Trươi.
– Nghĩa quân phải chiến đấu trong điều kiện ngày càng gian khổ hơn, lực lượng suy yếu dần.
– Sau khi Phan Đình Phùng hi sinh (28-12-1895), cuộc khởi nghĩa được duy trì thêm một thời gian dài rồi tan rã.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 133 SGK Lịch sử 11: Tại sao khởi nghĩa Hương Khê được coi là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương?
Trả lời:
Nói khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương, vì:
– Quy mô, địa bàn hoạt động: rộng lớn, gồm 4 tỉnh Bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
– Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.
– Thời gian tồn tại: dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương (12 năm từ năm 1885 đến năm 1896).
– Phương thức tác chiến: tiến hành chiến tranh du kích nhưng hình thức phong phú, linh hoạt. Nghĩa quân đã tự chế tạo được súng trường.
– Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần vương.
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 135 SGK Lịch sử 11: Tóm lược các giai đoạn phát triển của cuộc khởi nghĩa Yên Thế từ năm 1884 đến năm 1913.
Trả lời:
Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế chia làm 4 giai đoạn:
* Giai đoạn thứ nhất, từ 1884 – 1892:
– Tại vùng Yên Thế có hàng chục toán quân chống Pháp hoạt động riêng lẻ, đặt dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh khác nhau, thủ lĩnh có uy tín nhất lúc đó là Đề Nắm.
– Năm 1891, nghĩa quân của Đề Nắm làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương (vùng thành phố Bắc Giang ngày nay).
– Tháng 3-1892, Pháp huy động quân, ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng.
* Giai đoạn thứ hai, từ 1893 – 1897:
– Sau khi Đề Nắm hi sinh, Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) tập hợp những toán quân binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động.
– Trong bối cảnh khó khăn, Đề Thám phải giảng hòa với Pháp để có thời gian củng cố lực lượng.
– Tháng 10-1894, theo thỏa thuận giữa hai bên, quân Pháp rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản bốn tổng: Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng. Nhưng sau đó Pháp bội ước, tổ chức tấn công lại (11-1895). Nghĩa quân phải chia nhỏ thành từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.
– Nhằm bảo toàn lực lượng, Đề Thám xin giảng hòa lần thứ hai (12-1897). Bề ngoài, Đề Thám tỏ ra phục tùng, nhưng bên trong thì ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng chống Pháp.
* Giai đoạn thứ ba từ 1898 – 1908:
– Tranh thủ thời gian hòa hoãn, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự chuẩn bị chiến đấu.
– Căn cứ Yên Thế trở thành nơi tụ hội của những nghĩa sĩ yêu nước từ khắp nơi kéo về (từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương…)
* Giai đoạn thứ tư từ 1909 – 1913:
– Nội năm 1908, thực dân Pháp mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt bằng được phong trào nông dân Yên Thế.
– Tháng 2-1913, khi Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã.
Câu hỏi và bài tập (trang 136 sgk Lịch Sử 11)
Bài 1 trang 136 SGK Lịch sử 11: Cách tổ chức và chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy có những điểm gì khác với nghĩa quân Ba Đình?
Trả lời:
Nội dung |
Nghĩa quân Bãi Sậy |
Nghĩa quân Ba Đình |
Cách tổ chức |
– Địa bàn rộng hơn và không cố thủ ở một nơi. – Đóng quân ở Bãi Sậy (Hưng Yên) và Hai Sông (Hải Dương) nhưng không tập trung quân ở đây mà chia thành những toán nhỏ cơ động linh hoạt, trà trộn với dân và hoạt động trên khắp các tuyến giao thông thuỷ bộ ở đồng bằng Bắc Kì. |
– Địa bàn hẹp hơn và cố thủ trong căn cứ. – Nghĩa quân có khoảng 300 người chiến đấu tập trung trong căn cứ Ba Đình được xây dựng kiên cố, vững chắc. |
Cách chiến đấu |
– Sử dụng lối đánh du kích với yếu tố bất ngờ, tấn công quân địch khi chúng đang trên đường hành quân. – Ngoài đánh địch còn tiến hành binh vận, chống càn, đánh đồn,… |
– Sử dụng lối đánh công kiên, tấn công trực diện với quân giặc. – Ban đầu chặn đánh các đoàn xe vận tải của địch, nhưng về sau chủ yếu là chiến đấu tập trung dựa vào hệ thống công sự của căn cứ Ba Đình. |
Bài 2 trang 136 SGK Lịch sử 11: Lập bảng hệ thống kiến thức về các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương
Trả lời:
* Bảng hệ thống kiến thức về các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần Vương
STT |
Tên cuộc khởi nghĩa, thời gian, người lãnh đạo |
Hoạt động nổi bật |
Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm |
1 |
Khởi nghĩa Ba Đình(1886 – 1887). – Phạm Bành, Đinh Công Tráng lãnh đạo. |
– Xây dựng công sự kiên cố, có cấu trúc độc đáo. – Trận đánh nổi tiếng nhất diễn ra vào tháng 1 – 1887
|
– Tiêu hao sinh lực địch, làm chậm quá trình bình định vùng Bắc Trung Kì của thực dân Pháp. – Để lại bài học kinh nghiệm về tổ chức nghĩa quân và xây dựng căn cứ địa kháng chiến. |
2 |
Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885- 1892). – Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. |
– Xây dựng căn cứ Bãi Sậy (Hưng Yên) và Hai Sông (Hải Dương) – Nghĩa quân được phiên chế thành những phân đội nhỏ (20 người), chặn đánh địch theo lối đánh du kích trên các tuyến giao thông thuỷ, bộ ở đồng bằng Bắc Kì. |
– Là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân ta ở vùng đồng bằng cuối thế kỉ XIX. – Để lại bài học kinh nghiệm về tổ chức hoạt động và bài học về chiến tranh du kích.
|
3 |
Khởi nghĩa Hương Khê (1885- 1896). – Phan Đình Phùng, Cao Thắng lãnh đạo.
|
– 1885 – 1888: chuẩn bi lực lượng, xây dựng căn cứ, chế tạo vũ khí, tích trữ lương thực,… – Từ năm 1889, liên tục tập kích đẩy lùi các cuộc hành quân càn quét cùa địch, chủ động tấn công và thắng nhiều trận lớn nổi tiếng. |
– Là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương. – Để lại nhiều bài học kinh nghiệm vể tổ chức hoạt động, tác chiến.
|
Bài 3 trang 136 SGK Lịch sử 11: Khởi nghĩa Yên Thế có những đặc điểm nào khác so với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương chống Pháp?
Trả lời:
* Bảng so sánh phong trào Cần Vương và khởi nghĩa nông dân Yên Thế
Nội dung |
Khởi nghĩa Yên Thế |
Các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương |
Mục đích |
Chống lại chính sách bình định của Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình. |
Đánh Pháp giành lại độc lập, khôi phục lại chế độ phong kiến. |
Thời gian tồn tại |
Diễn ra trong 30 năm (1884 – 1913), trong cả thời kì Pháp bình định và tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất. |
Diễn ra trong 10 năm (1885 – 1896), trong thời kì Pháp bình định Việt Nam. |
Lãnh đạo |
Nông dân. |
Văn thân, sĩ phu. |
Địa bàn hoạt động |
Chủ yếu ở Yên Thế (Bắc Giang) và một số tỉnh Bắc Kì. |
Các tỉnh Trung và Bắc Kì. |
Lực lượng tham gia |
Nông dân. |
Đông đảo văn thân, sĩ phu, nông dân. |
Phương thức đấu tranh |
Khởi nghĩa vũ trang nhưng có giai đoạn hòa hoãn, có giai đoạn tác chiến. |
Khởi nghĩa vũ trang. |
Tính chất |
Phong trào mang tính chất tự vệ, tự phát |
Phong trào yêu nước chống Pháp theo ý thức hệ phong kiến và thể hiện tình thần dân tộc sâu sắc. |
Lý thuyết Bài 21: Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam trong những năm cuối thế kỉ XIX
I. Phong trào Cần Vương bùng nổ
1. Cuộc phản công quân Pháp của phái chủ hiến tại Kinh thành Huế và sự bùng nổ phong trào Cần Vương
a) Nguyên nhân
– Sau hai Hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884), Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam, thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì.
– Dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân, phái chủ chiến trong triều đình Huế mà đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động, phế bỏ những ông vua thân Pháp, đưa Hàm Nghi còn nhỏ tuổi lên ngôi, bí mật xây dựng sơn phòng, tích trữ lương thảo và vũ khí để chuẩn bị chiến đấu.
– Pháp tìm mọi cách loại trừ phái chủ chiến vì thế Tôn Thất Thuyết và lực lượng chủ chiến đã ra tay trước.
b) Diễn biến
– Đêm ngày 4 rạng ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công Pháp tại đồn Mang Cá, toà Khâm sứ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, song do chuẩn bị thiếu chu đáo, sức chiến đấu của ta nhanh chóng giảm sút.
– Sáng ngày 5/7, Pháp phản công. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi và tam cung chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị).
– Ngày 13/7/1885, Tôn Thất Thuyết mượn danh Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, nhân dân cả nước đứng lên, vì vua mà kháng chiến.
=> Phong trào Cần Vương bùng nổ. Chiếu Cần vương đã thổi bùng phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi, liên tục kéo dài 12 năm, đến cuối thế kỷ XIX mới chấm dứt.
2. Các giai đoạn phát triển của phong trào Cần Vương
Phong trào Cần Vương phát triển qua 2 giai đoạn: 1885 – 1888 và 1888 – 1896:
Bảng các giai đoạn phát triển của phong trào Cần Vương
Lược đồ những địa điểm diễn ra các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương
*Tính chất: phong trào Cần Vương là phong trào yêu nước chống thực dân Pháp mang ý thức hệ phong kiến, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.
II. Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần Vương và phong trào đấu tranh tự vệ cuối thế kỉ XIX
1. Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần Vương
a) Khởi nghĩa Bãi Sậy – Khởi nghĩa Hương Khê:
Lược đồ địa bàn chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy
Lược đồ khởi nghĩa Hương Khê
b) Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887)
– Người lãnh đạo: Phạm Bành và Đinh Công Tráng.
– Địa bàn chiến đấu: căn cứ địa Ba Đình (xây dựng ở ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê – thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa).
=> Đánh giá:
+ Điểm mạnh: Là một căn cứ kiên cố với các công sự vững chắc; được tổ chức chặt chẽ với sự liên kết và yểm trợ lẫn nhau.
+ Điểm yếu: dễ dàng bị thực dân Pháp tập trung lực lượng để bao vây, cô lập. Khi bị kẻ địch cô lập, nghĩa quân không có con đường rút lui an toàn.
– Diễn biến chính:
+ Tháng 12/1866, thực dân Pháp tập trung 500 quân, mở cuộc tấn công vào căn cứ Ba Đình, nhưng thất bại.
+ Đầu năm 1887, Pháp lại huy động 2500 quân bao vây căn cứ Ba Đình.
+ Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu anh dũng chống trả kẻ thù trong suốt 34 ngày đêm. Đến 20/1/1887, nghĩa quân buộc phải mở đường máu, rút chạy lên Mã Cao.
Lược đồ căn cứ Ba Đình
– Kết quả: thực dân Pháp sau khi chiếm được căn cứ, đã triệt hạ và xóa tên ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê ra khỏi bản đồ hành chính.
2. Phong trào đấu tranh tự vệ cuối thế kỉ XIX – Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913)
a) Nguyên nhân:
– Kinh tế nông nghiệp sa sút đời sống nhân dân khó khăn, một bộ phận dân chúng phiêu tán lên vùng núi Yên Thế để sinh sống => Hộ sẵn sàng đấu tranh chống Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình.
– Pháp thi hành chính sách bình định, cuộc sống bị xâm phạm => nhân dân Yên thế nổi dậy đấu tranh.
b) Lãnh đạo: Lương Văn Nắm (Đề Nắm), Hoàng Hoa Thám (Đề Thám).
c) Căn cứ: Yên Thế (Bắc Giang)
d) Hoạt động chủ yếu:
– Từ 1884 – 1892: do Đề Nắm lãnh đạo, nghĩa quân xây dựng hệ thống phòng thủ ở Bắc Yên Thế.
– Từ 1893 – 1897: do Đề Thám lãnh đạo, giảng hòa với Pháp hai lần, nghĩa quân làm chủ bốn tổng ở Bắc Giang.
– Từ 1898 – 1908: Căn cứ trở thành nơi hội tụ của nghĩa sĩ yêu nước.
– Từ 1909 – 1913: Pháp tấn công, nghĩa quân phải di chuyển liên tục.
Lược đồ khởi nghĩa Yên Thế
e) Kết quả, ý nghĩa:
– Kết quả: Ngày 10/02/1913, Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã.
– Ý nghĩa:
+ Tiêu hao sinh lực địch, làm chậm quá trình bình định của thực dân Pháp.
+ Thể hiện ý chí, sức mạnh to lớn của nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm về phương thức hoạt động, tác chiến, xây dựng căn cứ….
+ Đóng vai trò là vị trí chuyển tiếp, bản lề từ một cặp phạm trù cũ (phong kiến) sang một phạm trù mới (tư sản), khẳng định truyền thống yêu nước của dân tộc.
f) Nguyên nhân thất bại:
– Tương quan lực lượng quá chênh lệch, không có lợi cho nghĩa quân.
– Mang tính tự phát, chưa liên kết, tập hợp được lực lượng để phong trào thành phong trào đấu tranh trong cả nước.