Trắc nghiệm Lịch sử 11 Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Phần 1. 30 câu trắc nghiệm Lịch sử 11 Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Câu 1. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống (năm 981) là do
A. có sự lãnh đạo của các tướng lĩnh tài ba như: Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi.
B. quân dân Tiền Lê vận dụng thành công kế sách “Tiên phát chế nhân” của nhà Lý.
C. quân dân Tiền Lê có tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm.
D. quân Tống liên tiếp thất bại nên chủ động giảng hòa với nhà Tiền Lê.
Hướng dẫn giải
Chọn C
– Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống (năm 981) là do quân dân Tiền Lê có tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm.
– Nội dung các đáp án A, B, D không phù hợp, vì:
+ Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi,.. tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh
+ Nhà Lý ra đời sau nhà Tiền Lê => không thể nói quân dân Tiền Lê vận dụng thành công kế sách “Tiên phát chế nhân” của nhà Lý
+ Nhà Tống không chủ động giảng hòa với nhà Tiền Lê.
Câu 2. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê?
A. Buộc nhà Tống thần phục và thực hiện triều cống đối với Đại Cồ Việt.
B. Thể hiện ý chí quyết tâm chống ngoại xâm của quân dân Đại Cồ Việt.
C. Quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, củng cố vững chắc nền độc lập.
D. Thể hiện khả năng bảo vệ độc lập của quân dân Đại Cồ Việt.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê:
+ Thể hiện ý chí quyết tâm chống ngoại xâm của quân dân Đại Cồ Việt.
+ Quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, củng cố vững chắc nền độc lập.
+ Thể hiện khả năng bảo vệ độc lập của quân dân Đại Cồ Việt.
Câu 3. Đầu năm 1076, hàng chục vạn quân Tống chia làm hai đạo tiến vào Đại Việt. Trên đường tiến quân về Thăng Long, quân Tống đã bị chặn lại ở
A. thành Đa Bang.
B. cửa sông Bạch Đằng.
C. thành Tây Đô.
D. bờ bắc sông Như Nguyệt.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Đầu năm 1076, hàng chục vạn quân Tống chia làm hai đạo tiến vào Đại Việt. Trên đường tiến quân về Thăng Long, quân Tống đã bị chặn lại ở bờ bắc sông Như Nguyệt.
Câu 4. Năm 1075, Lý Thường Kiệt lãnh đạo quân dân nhà Lý tiến đánh sang đất Tống nhằm mục đích gì?
A. Xâm chiếm đất đai để mở rộng lãnh thổ Đại Việt.
B. Đòi lại phần đất mà trước kia nhà Tống chiếm giữ.
C. Buộc nhà Tống phải thần phục và cống nạp cho Đại Việt.
D. Đánh vào nơi tập trung lương thực và vũ khí của nhà Tống.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho quân tiến đánh sang đất Tống nhằm mục đích: đánh vào nơi tập trung lương thực và vũ khí của nhà Tống.
Câu 5. Nội dung nào không phản ánh đúng nguyên nhân xâm lược Đại Việt của nhà Tống vào năm 1076?
A. Đòi lại những vùng đất mà trước kia đã bị Đại Việt chiếm giữ.
B. Thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống phía Nam.
C. Tăng vị thế của nhà Tống, khiến hai nước Liê, Hạ phải kiêng nể.
D. Đánh Đại Việt để góp phần dẹp yên mâu thuẫn trong nội bộ nước Tống.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Nguyên nhân xâm lược Đại Việt của nhà Tống:
+ Thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống phía Nam.
+ Tăng vị thế của nhà Tống, khiến hai nước Liê, Hạ phải kiêng nể.
+ Đánh Đại Việt để góp phần dẹp yên mâu thuẫn trong nội bộ nước Tống.
Câu 6. Trong nhiều thế kỉ, lãnh thổ Việt Nam thường xuyên là đối tượng nhòm ngó, can thiệp hoặc xâm lược của các thế lực bên ngoài do Việt Nam có
A. vị trí địa lí chiến lược.
B. trình độ dân trí thấp.
C. nền văn hóa lạc hậu.
D. nền kinh tế lạc hậu.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Trong nhiều thế kỉ, lãnh thổ Việt Nam thường xuyên là đối tượng nhòm ngó, can thiệp hoặc xâm lược của các thế lực bên ngoài do Việt Nam có vị trí địa lí chiến lược quan trọng.
Câu 7. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vị trí địa lí chiến lược của Việt Nam?
A. Là cầu nối giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á.
B. Nằm trên các trục đường giao thông quốc tế huyết mạch.
C. Là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo.
D. Kiểm soát tuyến đường thương mại giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.
Hướng dẫn giải
Chọn D
– Vị trí địa lí chiến lược của Việt Nam:
+ Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á – khu vực nằm trên trục đường giao thông quan trọng kết nối châu Á và châu Đại Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
+ Việt Nam cũng là cầu nối giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á; giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo,…
+ Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân cư đông đúc,…
Câu 8. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam?
A. Góp phần hình thành những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
B. Để lại nhiều kinh nghiệm cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
C. Góp phần khơi dậy và củng cổ tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
D. Quyết định con đường phát triển đất nước theo hướng tư bản chủ nghĩa.
Hướng dẫn giải
Chọn D
– Ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam:
+ Góp phần hình thành những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
+ Để lại nhiều kinh nghiệm cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
+ Góp phần khơi dậy và củng cổ tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
Câu 9. Ngô Quyền đã lựa chọn địa điểm nào làm trận địa chống quân Nam Hán xâm lược (năm 938)?
A. Cửa sông Tô Lịch.
B. Cửa sông Bạch Đằng.
C. Hoan Châu (Nghệ An).
D. Đường Lâm (Hà Nội).
Hướng dẫn giải
Chọn B
Ngô Quyền đã lựa chọn vùng cửa sông Bạch Đằng làm trận địa chống quân Nam Hán xâm lược (năm 938).
Câu 10. Đọc tư liệu sau đây và trả lời câu hỏi:
Tư liệu. “Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mệt mỏi, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mệt mỏi, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao” (Ngô Sỹ Liên và các sử thần thời Lê, Đại Việt sử kí toàn thư (bản dịch), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.203)
Câu hỏi: Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng những khó khăn của nhà Nam Hán khi tiến quân xâm lược Việt Nam (938)?
A. Kiều Công Tiễn đã bị giết, quân Nam Hán mất đi lực lượng nội ứng.
B. Chủ tướng Hoằng Tháo tuổi nhỏ, chưa dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
C. Chiến thuyền nhỏ; lực lượng quân Nam Hán ít, khí thế chiến đấu kém cỏi.
D. Quân lính đi đường xa, mệt mỏi lại không quen với khí hậu, thủy thổ Việt Nam.
Hướng dẫn giải
Chọn C
– Một số khó khăn của quân Nam Hán khi xâm lược Việt Nam được phản ánh qua đoạn tư liệu:
+ Kiều Công Tiễn đã bị giết, quân Nam Hán mất đi lực lượng nội ứng.
+ Chủ tướng Hoằng Tháo tuổi nhỏ, chưa dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
+ Quân lính đi đường xa, mệt mỏi lại không quen với khí hậu, thủy thổ Việt Nam.
Câu 11. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của quân dân nhà Lý giành thắng lợi là do
A. nhà Tống bị hao tổn binh lực nên chủ động rút quân.
B. nhà Tống nhận thấy việc xâm lược Đại Việt là phi nghĩa.
C. tinh thần yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
D. có sự chỉ huy của các tướng lĩnh tài ba như: Lê Hoàn, Tôn Đản.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của quân dân nhà Lý giành thắng lợi là do tinh thần yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Câu 12. Nội dung nào không phản ánh đúng kế sách đánh giặc của nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược?
A. Chủ động tiến công trước để chặn thế mạnh của giặc.
B. Tích cực, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Rút lui chiến lược; chớp thời cơ để phản công.
D. Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Kế sách đánh giặc của nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược:
+ Tích cực, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
+ Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.
+ Rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng; chớp thời cơ địch suy yếu để tiến hành phản công.
Câu 13. Năm 1257, khi Mông Cổ cho quân áp sát biên giới Đại Việt và cử sứ giả đến Thăng Long dụ hàng, vua Trần Thái Tông đã có thái độ như thế nào?
A. Yêu cầu sứ giả chuyển lại thư đầu hàng cho vua Mông Cổ.
B. Lo ngại sức mạnh của quân địch nên vội vàng xin giảng hòa.
Cho bắt giam sứ giả, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến.
D. Đuổi sứ giả về nước, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Năm 1257, Mông Cổ đã cho quân áp sát biên giới Đại Việt rồi ba lần cử sứ giả đến Thăng Long dụ hàng. Vua Trần Thái Tông cho bắt giam sứ giả, đồng thời ra lệnh cả nước ra sức tập luyện, chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng đánh giặc
Câu 14. Năm 1279, nhà Nguyên đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và ráo riết chuẩn bị lực lượng để xâm lược Đại Việt. Trước tình hình đó, nhà Trần đã
A. triệu tập hội nghị Bình Than và Diên Hồng để bàn kế sách đánh giặc.
B. chủ động xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt để chặn giặc.
C. cho quân tấn công sang đất nhà Nguyên để chặn trước thế mạnh của giặc.
D. xây dựng nhiều thành lũy kiên cố, như: thành Đa Bang, thành Tây Đô,…
Hướng dẫn giải
Chọn A
Năm 1279, nhà Nguyên đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và ráo riết chuẩn bị lực lượng để xâm lược Đại Việt. Trước tình hình đó, nhà Trần đã triệu tập hội nghị Bình Than (Bắc Ninh) năm 1282 và hội nghị Diên Hồng (Thăng Long) năm 1285 để bàn kế sách đánh giặc.
Câu 15. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng nguyên nhân thắng lợi trong 3 lần kháng chiến chống Mông – Nguyên (thế kỉ XIII)?
A. Nhà Trần có kế sách đánh giặc đúng đắn, sáng tạo.
B. Tài năng thao lược của các vua Trần cùng nhiều danh tướng.
C. Quân Mông – Nguyên số lượng ít, kí thế chiến đấu kém cỏi.
D. Lòng yêu nước, đoàn kết toàn dân trong chống giặc ngoại xâm.
Hướng dẫn giải
Chọn C
– Nguyên nhân thắng lợi:
+ Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước, đoàn kết toàn dân trong chống giặc
+ Nhà Trần có kế sách đánh giặc đúng đắn, sáng tạo.
+ Tài năng thao lược của các vua nhà Trần cùng các danh tướng như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo,…
Câu 16. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng ý nghĩa lịch sử của 3 lần kháng chiến chống Mông – Nguyên (thế kỉ XIII)?
A. Buộc nhà Nguyên phải kiêng nể, thần phục đối với Đại Việt.
B. Đập tan tham vọng xâm lược của quân Mông – Nguyên.
C. Góp phần ngăn chặn cuộc xâm lược của quân Nguyên với Nhật Bản.
D. Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Ý nghĩa lịch sử:
+ Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược của Mông – Nguyên, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
+ Góp phần quyết định chặn đứng làn sóng xâm lược của quân Mông – Nguyên đối với Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.
+ Khẳng định tinh thần quật cường, khí phách của dân tộc không chịu khuất phục kẻ thù.
+ Để lại bài học lịch sử quý giá: sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
Câu 17. Yếu tố tự nhiên nào đã được Trần Quốc Tuấn khai thác triệt để trong trận quyết chiến với quân Nguyên tại cửa biển Bạch Đằng (năm 1288)?
A. Sự lên xuống của con nước thủy triều.
B. Mưa nhiều, mực nước sông dâng cao.
C. Khí hậu khô, nắng nóng gay gắt.
D. Gió phơn Tây Nam khô nóng.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Sự lên, xuống của con nước thủy triều là yếu tố tự nhiên được Trần Quốc Tuấn khai thác triệt để trong trận Bạch Đằng năm 1288. Ông đã dựa vào yếu tố này để xây dựng trận địa cọc ngầm, dụ địch vào trận địa để tiêu diệt.
Câu 18. Trận Rạch Gầm – Xoài Mút của quân Tây Sơn đã
A. giành thắng lợi, đánh tan cuộc tấn công xâm lược của quân Xiêm.
B. giành thắng lợi, đánh tan cuộc tấn công xâm lược của quân Thanh.
C. thất bại nặng nề, Đại Việt rơi vào ách thống trị, đô hộ của nhà Xiêm.
D. thất bại nặng nề, Đại Việt rơi vào ách thống trị, đô hộ của nhà Thanh.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút của quân Tây Sơn đã giành thắng lợi, đánh tan cuộc tấn công xâm lược của quân Xiêm.
Câu 19. Trong cuộc chiến đấu với quân Xiêm (1785), cách đánh của quân Tây Sơn có điểm gì độc đáo?
A. Tấn công trước để chặn thế mạnh của địch.
B. Thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”.
C. Triệt để thực hiện kế sách “công tâm”.
D. Nghi binh, lừa địch vào trận địa mai phục.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút diễn ra ngày 19/1/1785. Nghĩa quân Tây Sơn chọn cách đánh nghi binh, lừa quân Xiêm vào trận địa mai phục sau đó bất ngờ chặn đánh, kết hợp dùng thuyền, bè lửa đốt cháy thuyền giặc, khiến quân Xiêm bị tiêu diệt gần hết.
Câu 20. Nhà Thanh dựa vào duyên cớ vào để tiến quân xâm lược Đại Việt vào năm 1788?
A. Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh để chống lại quân Tây Sơn.
B. Quân Tây Sơn quấy nhiễu, xâm phạm lãnh thổ của Mãn Thanh.
C. Nguyễn Ánh cầu cứu nhà Thanh để chống lại quân Tây Sơn.
D. Chính quyền Lê – Trịnh lấn chiếm lãnh thổ của nhà Thanh.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh. Nhân cơ hội đó, cuối năm 1788, vua Càn Long đã cử Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân ồ ạt tràn vào xâm lược Đại Việt.
Câu 21. Câu đố dân gian dưới đây đề cập đến anh hùng dân tộc nào?
“Được tin cấp báo, hỏi ai
Đưa quân ra Bắc diệt loài xâm lăng
Ngọc Hồi khí thế thêm hăng
Mùa xuân chiến thắng dựng bằng uy danh
Bạt hồn tướng tá Mãn Thanh
Nghìn năm văn hiến, sử xanh còn truyền?”
A. Nguyễn Huệ.
B. Trần Bình Trọng.
C. Bùi Thị Xuân.
D. Trần Quốc Toản.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Câu đố dân gian trên đề cập đến Nguyễn Huệ.
Câu 22. Nguyên nhân chủ quan nào dẫn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam?
A. Quân giặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm lược.
B. Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mang tính phi nghĩa.
C. Quân giặc không quen địa hình và điều kiện tự nhiên nhiên của Đại Việt.
D. Kế sách đánh giặc đúng đắn, linh hoạt, nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo.
Hướng dẫn giải
Chọn D
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí bất khuất của người Việt.
+ Các cuộc bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam mang tính chính nghĩa.
+ Kế sách đánh giặc đúng đắn, linh hoạt, nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo.
+ Có sự lãnh đạo của các tướng lĩnh mưu lược, tài giỏi.
– Nguyên nhân khách quan:
+ Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mang tính phi nghĩa.
+ Quân giặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm lược, như: đường hành quân xa, thiếu lương thực, không quen địa hình và điều kiện tự nhiên nhiên của Đại Việt,…
Câu 23. Nguyên nhân khách quan nào dẫn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam?
A. Các cuộc bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam mang tính chính nghĩa.
B. Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí bất khuất của người Việt.
C. Quân giặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm lược.
D. Sự lãnh đạo của các tướng lĩnh mưu lược, tài giỏi.
Hướng dẫn giải
Chọn C
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí bất khuất của người Việt.
+ Các cuộc bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam mang tính chính nghĩa.
+ Kế sách đánh giặc đúng đắn, linh hoạt, nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo.
+ Có sự lãnh đạo của các tướng lĩnh mưu lược, tài giỏi.
– Nguyên nhân khách quan:
+ Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mang tính phi nghĩa.
+ Quân giặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm lược, như: đường hành quân xa, thiếu lương thực, không quen địa hình và điều kiện tự nhiên nhiên của Đại Việt,…
Câu 24. Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Âu Lạc đã
A. thắng lợi, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.
B. thất bại, Âu Lạc rơi vào ách thống trị của Nam Việt.
C. thắng lợi, đập tan dã tâm xâm lược của quân Nam Việt.
D. thất bại, Âu Lạc tuy độc lập nhưng lệ thuộc vào Nam Việt.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Âu Lạc đã thất bại, Âu Lạc rơi vào ách thống trị của Nam Việt.
Câu 25. Nhà Minh lấy cớ gì để đem quân sang xâm lược Đại Ngu?
A. Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần.
B. Nhà Hồ cho quân xâm lấn lãnh thổ nhà Minh.
C. Nhà Hồ không sử sứ giả sang xin sắc phong.
D. Nhà Hồ không thần phục, cống nạp nhà Minh.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Tháng 11/1406, lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh huy động 20 vạn quân cùng hàng chục vạn dân phu do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy tràn vào biên giới Đại Ngu.
Câu 26. Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam tại mặt trận Đà Nẵng (tháng 9/1858 – tháng 2/1859) đã
A. buộc Pháp phải chuyển sang thực hiện “chinh phục từng gói nhỏ”.
B. khiến Pháp thiệt hại nặng nề và từ bỏ tham vọng xâm lược Việt Nam.
C. bước đầu làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.
D. làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam tại mặt trận Đà Nẵng (tháng 9/1858 – tháng 2/1859) đã bước đầu làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.
Câu 27. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng nguyên nhân thất bại của phong trào kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam (1858 – 1884)?
A. Nhà Nguyễn thiếu quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp.
B. Pháp có ưu thế hơn về vũ khí, kĩ thuật, phương tiện chiến tranh.
C. Nhân dân Việt Nam lo sợ, không kiên quyết đấu tranh chống Pháp.
D. Các phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra lẻ tẻ, thiếu sự liên kết.
Hướng dẫn giải
Chọn C
– Nội dung đáp án C không phải là nguyên nhân khiến cho phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược ở của nhân dân Việt Nam từ năm 1858 – 1884 thất bại. Vì:
+ Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng quan quân triều đình kháng chiến (thể hiện rõ nét ở chiến trường Đà Nẵng,…).
+ Ngay cả khi triều đình nhà Nguyễn dao động, hạ lệnh bãi binh, thiếu quyết tâm chiến đâu… nhân dân vẫn anh dũng đứng lên chống Pháp với tinh thần chủ động, không lệ thuộc vào triều đình.
+ Mặt khác, mục tiêu đấu tranh của nhân dân Việt Nam còn từng bước chuyển từ: đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược sang đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến đầu hàng.
Câu 28. Nhận xét nào dưới đây không đúng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884)?
A. Góp phần làm chậm quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
B. Lan rộng từ Bắc vào Nam, dần quy tụ thành các trung tâm kháng chiến lớn.
C. Chuyển từ chống ngoại xâm sang chống ngoại xâm và phong kiến đầu hàng.
D. Đấu tranh quyết liệt, song còn lẻ tẻ, chưa tạo thành một phong trào thống nhất.
Hướng dẫn giải
Chọn D
– Nhận xét B không đúng. Vì:
+ Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam lan rộng từ Nam ra Bắc – theo tiến trình xâm lược của thực dân Pháp.
+ Tuy các phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi nổi, nhưng thiếu sự thống nhất, chưa tạo thành các trung tâm kháng chiến lớn hay phong trào đấu tranh chung trong cả nước.
Câu 29. Nguyên nhân nào dưới đây dẫn đến sự thất bại của một số cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam?
A. Những sai lầm trong đường lối kháng chiến.
B. Không có tướng lĩnh tài giỏi, quân đội mạnh.
C. Không có vũ khí hiện đại, thành lũy kiên cố.
D. Nhân dân bị khuất phục trước sức mạnh của giặc.
Hướng dẫn giải
Chọn A
– Nguyên nhân thất bại của một số cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam:
+ Không tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, không xây dựng được khối đoàn kết toàn dân.
+ Sai lầm trong đường lối kháng chiến của các triều đình phong kiến.
+ Tương quan lực lượng chênh lệch không có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Câu 30. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1858 – 1884) có đặc điểm gì?
A. Kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và ngoại giao.
B. Từ chống ngoại xâm đến kết hợp chống ngoại xâm và phong kiến đầu hàng.
C. Hình thành một mặt trận thống nhất do các văn thân, sĩ phu tiến bộ lãnh đạo.
D. Lan rộng từ Bắc vào Nam theo sự mở rộng địa bàn xâm lược của thực dân Pháp.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Điểm đặc biệt trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1858 – 1884) là: từ chống ngoại xâm đến kết hợp chống ngoại xâm và phong kiến đầu hàng.
Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
I. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
1. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam
– Việt Nam nằm ở Đông Nam Á – khu vực được coi là ngã tư giữa lục địa Á – Âu và châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trên tuyến đường giao thông, giao thương lâu đời và quan trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
– Liền kề Trung Quốc, án ngữ Biển Đông, lại nằm ở vị trí cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo nên Việt Nam là địa bàn “tiền tiêu” của Đông Nam Á từ phía bắc, là “cửa ngõ” để tiến vào bán đảo Trung – Ấn từ phía đông và Trung Quốc từ phía nam.
=> Với vị trí chiến lược nổi bật, trong nhiều thế kỉ, lãnh thổ Việt Nam thường xuyên là đối tượng nhòm ngó, can thiệp hoặc xâm lược của các thế lực bên ngoài. Trong suốt tiến trình lịch sử, Việt Nam là địa bàn cạnh tranh địa chính trị, xác lập và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.
2. Vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
– Vai trò:
+ Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có vai trò đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quyết định sự tồn vong của quốc gia, dân tộc trước các cuộc chiến tranh xâm lược và can thiệp từ bên ngoài.
+ Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có tác động lớn đến quá trình hình thành quốc gia, dân tộc; đến tiến trình lịch sử dân tộc và chính sách quản lí đất nước. Kết quả của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng ảnh hưởng đến tính chất xã hội và công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa.
– Ý nghĩa:
+ Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
+ Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng góp phần khơi dậy và củng cổ tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
II. Một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu
1. Kháng chiến chống quân Nam Hán (938)
– Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến của quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển Đông Bắc.
– Trước đó, Ngô Quyền đã cho người đóng cọc gỗ đã được vót nhọn ở vùng cửa sông Bạch Đằng, tạo thành bãi cọc ngầm.
– Trận địa phục kích của quân Ngô Quyền đã khiến quân Nam Hán bị bất ngờ và thất bại nhanh chóng.
2. Kháng chiến chống quân Tống (981)
– Đầu năm 981, quân Tống dưới sự chỉ huy của tướng Hầu Nhân Bảo tiến hành xâm lược Đại Cồ Việt.
– Lê Hoàn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhiều phòng tuyến được xây dựng ở những dòng sông lớn.
– Khi tiến vào lãnh thổ Đại Cồ Việt, quân Tống liên tục bị chặn đánh ở nhiều nơi.
3. Kháng chiến chống quân Tống (1075 – 1077)
– Tháng 10/1075, trước những hành động chuẩn bị xâm lược Đại Việt của nhà Tống, nhà Lý thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” (tấn công trước để chế ngự đối phương), bất ngờ tấn công vào châu Ung (Quảng Tây) và châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông).
– Sau khi rút quân về nước, nhà Lý khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, xây dựng phòng tuyến quy mô lớn ở bờ nam sông Cầu, phía bắc kinh thành Thăng Long.
– Đầu năm 1076, hàng chục vạn quân Tống chia làm hai đạo tiến vào Đại Việt và bị chặn lại ở phòng tuyến bên bờ sông Như Nguyệt (Bắc Ninh ngày nay). Quân Tống nhiều lần tổ chức vượt sông đánh sang phòng tuyến của quân nhà Lý nhưng thất bại.
– Cuối mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt bất ngờ cho quân vượt sông, tấn công vào doanh trại địch. Quân Tống thiệt hại nặng, “mười phần chết đến năm, sáu”.
4. Ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên (1258 – 1288)
* Kháng chiến chống quân Mông Cổ (1258)
– Đầu năm 1258, thực hiện ý đồ đánh chiếm Nam Tống từ phía nam, 3 vạn quân Mông Cổ tràn vào Đại Việt.
– Nhà Trần chặn đánh địch tại Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) nhưng không thành công.
– Để bảo toàn lực lượng, triều đình nhà Trần rời Thăng Long, nhân dân thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà trống). Quân Mông Cổ rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc.
– Cuối tháng 1/1258, nhà Trần tổ chức phản công và giành thắng lợi lớn ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội), buộc quân Mông Cổ phải tháo chạy về nước.
* Kháng chiến chống quân Nguyên (1285)
– Đầu năm 1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy từ phía bắc tràn vào lãnh thổ Đại Việt, ở phía nam, Toa Đô dẫn 10 vạn quân từ Chămpa, Thanh Hoá đánh ra.
– Trước thế giặc mạnh, quân nhà Trần buộc phải rời Thăng Long. Dưới sự lãnh đạo của triều đình, nhân dân tiếp tục thực hiện kế “thanh dã”, tiến hành chiến tranh du kích. Quân Nguyên từng bước rơi vào khó khăn.
– Giữa năm 1285, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, quân nhà Trần tổ chức phản công, giành thắng lợi lớn ở: Tây Kết, Hàm Tử (Hưng Yên); Chương Dương, Thăng Long (Hà Nội), Vạn Kiếp (Hải Dương),… Quân Nguyên thiệt hại nặng nề, Thoát Hoan trốn chạy về nước.
* Kháng chiến chống quân Nguyên (1287 – 1288)
– Sau thất bại ở Đại Việt, vua Nguyên tức giận, ra lệnh tạm hoãn xâm lược Nhật Bản để dồn binh lực quyết đánh Đại Việt lần nữa.
– Cuối năm 1287, hơn 30 vạn quân Nguyên chia làm 3 cánh, tràn vào Đại Việt theo hai đường thuỷ, bộ.
– Tháng 1/1288, cánh quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy chiếm đóng Vạn kiếp, tiến đánh Thăng Long.
– Tháng 2/1288, quân dân nhà Trần giành thắng lợi trong trận Vân Đồn, tiêu diệt được đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hồ chỉ huy.
– Tháng 3/1288, Thoát Hoan dẫn quân lui về Vạn Kiếp rồi tháo chạy về nước.
– Tháng 4/1288, quân dân nhà Trần giành thắng lợi trong trận Bạch Đằng, tiêu diệt được cánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy.
5. Kháng chiến chống quân Xiêm (1785)
– Giữa năm 1784, 5 vạn quân Xiêm kéo vào Gia Định (Nam Bộ ngày nay) với danh nghĩa giúp Nguyễn Ánh chống lại quân Tây Sơn.
– Đầu năm 1785, lực lượng Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào đặt đại bản doanh tại Mỹ Tho.
– Ngày 19/1/1785, trên sông Tiền (đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút) đã diễn ra trận đánh quyết định giữa quân Tây Sơn và quân Xiêm.
– Kết quả: quân Xiêm đại bại, buộc phải rút chạy về nước.
6. Kháng chiến chống quân Thanh (1789)
– Cuối năm 1788, theo cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân tiến vào Đại Việt.
– Được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân (tháng 12/1788), lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc.
– Từ đêm 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn lần lượt tiêu diệt các đồn luỹ của quân Thanh đóng ở phía nam Thăng Long. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết, cánh quân do Quang Trung chỉ huy tiến đánh và hạ đồn Ngọc Hồi. Cùng thời gian này, đạo quân của Đô đốc Long tấn công và hạ dồn Đống Đa.
– Kết quả: Quân Thanh nhanh chóng tan vỡ. Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng tháo chạy về nước.
7. Nguyên nhân thắng lợi
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam trước hết bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của người Việt. Lòng yêu nước và tư tưởng không chấp nhận mất nước, không cam chịu làm nô lệ là cội nguồn sức mạnh to lớn của quốc gia, dân tộc khi đối diện với các cuộc chiến tranh xâm lược, can thiệp từ bên ngoài.
+ Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam đều mang tính chính nghĩa, nhằm mục đích bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, chống lại hành động xâm lược và ý đồ nô dịch của các thế lực ngoại bang. Tính chính nghĩa là cơ sở để tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, đưa đến thắng lợi trước những kẻ thù hùng mạnh hơn từ bên ngoài.
+ Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm còn gắn liền với tinh thần đoàn kết dân tộc, từ đoàn kết trong nội bộ vương triều, giữa tướng lĩnh và binh sĩ đến đoàn kết giữa triều đình với nhân dân, giữa các tầng lớp nhân dân và các dân tộc.
+ Đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, hiệu quả cùng nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo và sự chỉ huy tài tình của các tướng lĩnh cũng là những yếu tố quan trọng, góp phần đưa đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
– Nguyên nhân khách quan: trong quá trình xâm lược Việt Nam, các thế lực ngoại xâm phải đối diện với nhiều khó khăn: hành quân xa, sức lực hao tổn, không thông thuộc địa hình, không quen thuỷ thổ, không chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm,… Những yếu tố này khiến quân xâm lược không phát huy được sở trường, rơi vào thế bị động và từng bước suy yếu.
III. Một số cuộc kháng chiến không thành công
1. Kháng chiến chống quân Triệu (thế kỉ II TCN)
– Năm 207 TCN, Triệu Đà lập nước Nam Việt ở phía nam Trung Quốc, sau đó tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra bên ngoài.
– Đối với Âu Lạc, khi không khuất phục được về quân sự, Triệu Đà dùng kế li gián, gây mâu thuẫn nội bộ.
– Năm 179 TCN, Triệu Đà sai quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương thất bại nhanh chóng.
2. Kháng chiến chống quân Minh (đầu thế kỉ XV)
– Cuối năm 1406, với chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh huy động hàng chục vạn quân tiến đánh Đại Ngu.
– Khi quân Minh xâm lược, nhà Hồ tổ chức chặn đánh từ biên giới nhưng thất bại, phải rút về bờ nam sông Hồng rồi tập trung cố thủ ở thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội).
– Quân Minh đánh chiếm thành Đa Bang rồi tiến về Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ buộc phải rút về thành Tây Đô (Thanh Hoá).
– Tháng 5/1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô. Kháng cự thất bại, Hồ Quý Ly chạy vào trấn Lâm An (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
– Tháng 6/1407, Hồ Quý Ly và các con của ông bị bắt tại cửa biển Kỳ La (nay thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại.
3. Kháng chiến chống thực dân Pháp (nửa sau thế kỉ XIX)
– Sau nhiều lần gây sức ép, đưa thư yêu cầu nhưng không được triều Nguyễn đáp ứng, ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam.
– Từ tháng 9/1858 – tháng 2/1859: Liên quân Pháp – Tây Ban Nha công Đà Nẵng. Quân dân Nẵng chống trả quyết liệt, khiến kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu thất bại.
– Từ 1859 – 1862, Pháp tấn công thành Gia Định, đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kì. Triều đình nhà Nguyễn kháng cự không hiệu quả. Các cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Nam Kì diễn ra sôi nổi. Tháng 6/1862, triều đình kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất, thừa nhận quyền cai quản của Pháp ở Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn.
– Năm 1867, Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Kì. Triều đình Huế bất lực. Phong trào kháng chiến của nhân dân tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
– Năm 1873, Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất. Quân triều đình tổ chức kháng cự, nhưng không hiệu quả. Nhân dân Bắc Kì sôi nổi đấu tranh, giành được thắng lợi tiêu biểu tại Cầu Giấy.
– Năm 1874, nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận 6 tỉnh Nam Kì là đất thuộc Pháp.
– Năm 1882 – 1883, Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ hai. Quân triều đình chống cự quyết liệt nhưng không thành công. Nhân dân Bắc Kì sôi nổi đấu tranh, giành được thắng lợi tiêu biểu tại Cầu Giấy.
– Năm 1883 – 1884, Pháp tấn công Thuận An, triều đình Huế lần lượt kí với và Pháp các bản Hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt. Thực dân Pháp cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam. Tuy vậy, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân vẫn diễn ra sôi nổi trong cả nước.
4. Nguyên nhân không thành công
– Các cuộc kháng chiến chống quân Triệu (thế kỉ II TCN), chống quân Minh (đầu thế kỉ XV) và chống thực dân Pháp (nửa sau thế kỉ XIX) không thành công đều gắn liền với những nguyên nhân cụ thể:
+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Triệu, triều đình Âu Lạc đã mất cảnh giác, không có sự phòng bị, dẫn đến thất bại nhanh chóng.
+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhà Hồ thất bại do không có đường lối kháng chiến đúng đắn, chủ yếu dựa vào thành luỹ, nặng về phòng ngự bị động và rút lui cố thủ. Một số chính sách cải cách của Hồ Quý Ly và việc ông phế truất vua Trần để lên ngôi trước đó đã khiến cho quân dân nhà Hồ mất đoàn kết, suy giảm ý chí chiến đấu.
+ Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà Nguyễn không có đường lối kháng chiến đúng đắn, thiếu quyết đoán, thiên về chủ hòa, lại không đoàn kết, hợp lực với nhân dân. Bên cạnh đó, trang bị vũ khí và kĩ thuật tác chiến của quân đội nhà Nguyễn cũng yếu kém và lạc hậu hơn so với quân đội Pháp.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Lịch sử lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 6: Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á
Trắc nghiệm Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Trắc nghiệm Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỉ III TCN đến cuối thế kỉ XIX)
Trắc nghiệm Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)
Trắc nghiệm Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)