Giải SBT Sinh học 10 Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào
Bài 6.1 trang 26 SBT Sinh học 10: Phát biểu nào sau đây là đúng về hiện tượng khuếch tán?
A. Khuếch tán đòi hỏi tế bào tiêu tốn năng lượng.
B. Khuếch tán là một quá trình thụ động, trong đó các phân tử di chuyển từ vùng có nồng độ cao hơn đến một vùng có nồng độ thấp hơn.
C. Khuếch tán là một quá trình tích cực, trong đó các phân tử di chuyển từ vùng có nồng độ thấp hơn đến một vùng có nồng độ cao hơn.
D. Khuếch tán là quá trình thụ động, trong đó các phân tử nước di chuyển từ vùng có nồng độ chất tan thấp hơn đến vùng có nồng độ chất tan cao hơn qua màng bán thấm.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Khuếch tán là một quá trình thụ động, trong đó các phân tử di chuyển theo chiều gradient nồng độ từ vùng có nồng độ cao hơn đến một vùng có nồng độ thấp hơn. Đây là hình thức vận chuyển không tiêu tốn năng lượng.
Bài 6.2 trang 26 SBT Sinh học 10: Phân tử nào sau đây có thể di chuyển qua lớp lipid kép của màng sinh chất nhanh nhất?
A. CO2.
B. Amino acid.
C. Glucose.
D. H2O.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Những phân tử như các chất khí, các phân tử kị nước (hormone steroid, vitamin tan trong lipid,…) có thể trực tiếp đi qua lớp lipid kép → Trong các chất trên, CO2 có thể di chuyển qua lớp lipid kép của màng sinh chất nhanh nhất.
Bài 6.3 trang 26 SBT Sinh học 10: Phát biểu nào sau đây chỉ ra điểm đặc trưng của một protein vận chuyển trong màng sinh chất?
A. Protein vận chuyển trong màng sinh chất là một protein rìa màng.
B. Protein vận chuyển trong màng sinh chất thường vận chuyển một loại phân tử nhất định.
C. Protein vận chuyển trong màng sinh chất đòi hỏi tiêu tốn năng lượng để hoạt động.
D. Protein vận chuyển trong màng sinh chất hoạt động chống lại sự khuếch tán.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
A. Sai. Protein vận chuyển trong màng sinh chất là protein xuyên màng.
B. Đúng. Mỗi protein vận chuyển trong màng sinh chất thường vận chuyển một loại phân tử nhất định có cấu trúc phù hợp.
C. Sai. Protein vận chuyển trong màng sinh chất không đòi hỏi tiêu tốn năng lượng trong hình thức khuếch tán tăng cường.
D. Sai. Protein vận chuyển trong màng sinh chất không chống lại sự khuếch tán đối với những chất cần thiết cho tế bào.
Bài 6.4 trang 26 SBT Sinh học 10: Phân tử có đặc điểm nào sau đây đi qua màng sinh chất dễ dàng nhất?
A. Lớn và kị nước.
B. Lớn và ưa nước.
C. Nhỏ và kị nước.
D. Tích điện.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
– Lớp lipid kép của màng sinh chất có tính kị nước nên những phân tử nhỏ, có tính kị nước như các chất khí, các hormone steroid, vitamin tan trong lipid,… sẽ có thể dễ dàng đi qua màng sinh chất.
– Những phân tử ưa nước như đường, amino acid,… đi qua lớp lipid với tốc độ rất thấp, còn ion thì hầu như không đi qua được nên cần có protein vận chuyển.
Bài 6.5 trang 26 SBT Sinh học 10: Khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh, có loài vi khuẩn sẽ bơm kháng sinh ra khỏi tế bào. Loài vi khuẩn đó có thể thực hiện cơ chế nào sau đây?
A. Khuếch tán đơn giản.
B. Khuếch tán tăng cường.
C. Thẩm thấu.
D. Vận chuyển chủ động.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Khi uống kháng sinh, nồng độ kháng sinh trong môi trường trong cơ thể sẽ cao hơn trong tế bào vi khuẩn mà vi khuẩn vẫn bơm kháng sinh ra khỏi tế bào → Kháng sinh đã được vận chuyển ngược chiều gradient nồng độ → Đây là hình thức vận chuyển chủ động.
Bài 6.6 trang 26 SBT Sinh học 10: Một con trùng biến hình ăn một con trùng giày. Con trùng biến hình sử dụng hình thức nào sau đây để đưa trùng giày vào bên trong tế bào của nó?
A. Khuếch tán tăng cường.
B. Nhập bào.
C. Vận chuyển chủ động bằng bơm.
D. Xuất bào.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Con trùng biến hình sử dụng hình thức nhập bào để đưa trùng giày vào bên trong tế bào của nó: Khi chân giả của trùng biến hình tiếp cận với con mồi (trùng giày), trùng biến hình lập tức hình thành chân giả thứ hai vây lấy con mồi. Hai chân giả kéo dài, màng sinh chất biến đổi nuốt con mồi vào sâu trong chất nguyên sinh. Không bào tiêu hóa tại thành bao vây lấy con mồi, tiêu hóa nhờ dịch bào.
Bài 6.7 trang 27 SBT Sinh học 10: Các dung dịch trong hai nhánh của ống chữ U này được ngăn cách bởi một lớp màng bán thấm, có tính thấm nước nhưng không thấm glucose. Nhánh a của ống chứa dung dịch glucose 5%. Nhánh b của ống chứa dung dịch glucose 10%. Ban đầu, mức dung dịch ở cả hai bên ngang bằng như nhau. Sau khi hệ thống đạt đến trạng thái cân bằng, sự thay đổi nào dưới đây có thể quan sát được?
A. Nồng độ của dung dịch glucose ở nhánh a cao hơn so với nhánh b.
B. Mức dung dịch ở bên nhánh a cao hơn so với bên nhánh b.
C. Mức dung dịch ở hai nhánh không thay đổi.
D. Mức dung dịch ở bên nhánh b cao hơn so với bên nhánh a.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Hai nhánh của ống chữ U này được ngăn cách bởi một lớp màng bán thấm, có tính thấm nước nhưng không thấm glucose. Đồng thời, nhánh b của ống có nồng độ chất tan cao hơn ở nhánh a. Như vậy, nước sẽ di chuyển từ nhánh a (nơi có nồng độ chất tan thấp) sang nhánh b (nơi có nồng độ chất tan cao). Do đó, sau khi hệ thống đạt đến trạng thái cân bằng, mức dung dịch ở bên nhánh b cao hơn so với bên nhánh a.
Bài 6.8 trang 27 SBT Sinh học 10: Các đoạn thân cây cần tây được ngâm trong nước cất khoảng vài giờ thì trở nên cứng và chắc. Những đoạn thân cây tương tự được ngâm trong dung dịch muối trở nên cong và mềm hơn. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằng dịch tế bào của thân cây cần tây
A. nhược trương đối với cả nước cất và dung dịch muối.
B. đẳng trương với nước cất nhưng nhược trương đối với dung dịch muối.
C. ưu trương đối với nước cất nhưng nhược trương đối với dung dịch muối.
D. nhược trương đối với nước cất nhưng ưu trương đối với dung dịch muối.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
– Các đoạn thân cây cần tây được ngâm trong nước cất khoảng vài giờ thì trở nên cứng và chắc. Điều này chứng tỏ nước đã di chuyển từ môi trường vào trong tế bào → Dịch tế bào của cây cần tây ưu trường đối với nước cất.
– Những đoạn thân cây tương tự được ngâm trong dung dịch muối trở nên cong và mềm hơn. Điều này chứng tỏ nước đã di chuyển từ tế bào ra môi trường → Dịch tế bào của cây cần tây nhược trương đối với dung dịch muối.
Bài 6.9 trang 27 SBT Sinh học 10: Phát biểu nào sau đây mô tả một cách chính xác các điều kiện trương bình thường của tế bào thực vật và tế bào động vật?
A. Các tế bào động vật ở trong dung dịch đẳng trương và các tế bào thực vật ở trong dung dịch nhược trương.
B. Các tế bào động vật ở trong dung dịch đẳng trương và các tế bào thực vật ở trong dung dịch ưu trương.
C. Các tế bào động vật ở trong dung dịch ưu trương và các tế bào thực vật ở trong dung dịch đẳng trương.
D. Các tế bào động vật ở trong dung dịch nhược trương và các tế bào thực vật ở trong dung dịch đẳng trương.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong các điều kiện trương bình thường, các tế bào động vật ở trong dung dịch đẳng trương và các tế bào thực vật ở trong dung dịch nhược trương.
Bài 6.10 trang 27 SBT Sinh học 10: Khi một tế bào hồng cầu người được đặt trong một môi trường nhược trương, nó sẽ
A. trải qua quá trình phá vỡ tế bào.
B. trải qua quá trình co nguyên sinh.
C. ở trạng thái cân bằng.
D. giảm kích thước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Khi một tế bào hồng cầu người được đặt trong một môi trường nhược trương, nước sẽ đi từ môi trường vào trong tế bào làm tế bào trương lên. Mà tế bào hồng cầu không có thành tế bào chống lại sức trương nước nên tế bào hồng cầu có thể bị tan bào (tế bào bị phá vỡ).
Bài 6.11 trang 28 SBT Sinh học 10: Một tế bào có thành tế bào sẽ gặp khó khăn nhất khi thực hiện quá trình
A. khuếch tán.
B. thẩm thấu.
C. nhập bào.
D. vận chuyển chủ động.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Một tế bào có thành tế bào sẽ gặp khó khăn nhất khi thực hiện quá trình nhập bào vì: Nếu tế bào có thành tế bào tiến hành quá trình nhập bào, cần có sự biến dạng của màng sinh chất và thành tế bào mà thành tế bào được cấu tạo từ xenlulose rất cứng chắc, khó biến dạng.
Bài 6.12 trang 28 SBT Sinh học 10: Một tế bào động vật và một tế bào thực vật được đặt trong nước cất. Tế bào động vật trương lên rồi vỡ còn tế bào thực vật trương lên nhưng không vỡ. Sự khác nhau này là do
A. tế bào động vật không có không bào trung tâm.
B. tế bào động vật không có thành tế bào.
C. tế bào thực vật có màng bán thấm.
D. thành tế bào thực vật có tính thấm hoàn toàn.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Nước cất là môi trường nhược trương đối với cả tế bào động vật và tế bào thực vật → Trong môi trường nước cất, nước sẽ đi từ ngoài môi trường vào trong tế bào:
– Tế bào thực vật có thành tế bào vững chắc nên khi nhiều phân tử nước đi bào trong tế bào sẽ làm tế bào trương lên và gây ra áp lực nên thành tế bào dẫn đến ngăn cản các phân tử nước khác đi bào → Tế bào thực vật bị trương lên nhưng không vỡ.
– Tế bào động vật không có thành tế bào nên quá nhiều phân tử nước ồ ạt đi vào tế bào sẽ gây hiện tượng tan bào (tế bào bị phá vỡ).
Bài 6.13 trang 28 SBT Sinh học 10: Hoạt động nào sau đây yêu cầu năng lượng từ ATP?
A. Sự di chuyển của khí O2 ra khỏi lá.
B. Sự di chuyển của ion khoáng vào tế bào lông hút rễ cây.
C. Sự di chuyển của hormone steroid vào trong tế bào.
D. Sự di chuyển của nước vào tế bào trùng giày.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
A. Sai. Sự di chuyển của khí O2 ra khỏi lá là sự vận chuyển thụ động không tiêu tốn ATP.
B. Đúng. Vì tế bào lông hút có nồng độ ion khoáng cao hơn môi trường nên sự di chuyển của ion khoáng vào tế bào lông hút rễ cây là sự vận chuyển chủ động cần tiêu tốn ATP.
C. Sai. Sự di chuyển của hormone steroid vào trong tế bào theo cơ chế khuếch tán đơn giản không tiêu tốn ATP.
D. Sai. Sự di chuyển của nước vào tế bào trùng giày là sự thẩm thấu không tiêu tốn ATP.
Bài 6.14 trang 28 SBT Sinh học 10: Protein tham gia khuếch tán tăng cường và protein tham gia vận chuyển chủ động
A. vận chuyển các chất theo chiều gradient nồng độ của chúng.
B. cần năng lượng cho hoạt động của chúng.
C. vận chuyển các chất ngược chiều gradient nồng độ của chúng.
D. vận chuyển các chất ưa nước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Protein tham gia khuếch tán tăng cường và protein tham gia vận chuyển chủ động vận chuyển các chất ưa nước như đường, amino acid, các ion,…
Bài 6.15 trang 28 SBT Sinh học 10: Sự khác biệt giữa xuất bào và nhập bào là
A. xuất bào làm tăng diện tích bề mặt của màng sinh chất còn nhập bào làm giảm diện tích bề mặt màng sinh chất.
B. xuất bào không có tính chọn lọc đối với các phân tử được chuyển ra ngoài tế bào, còn nhập bào chọn lọc hơn.
C. nhập bào chỉ vận chuyển nước vào trong tế bào, xuất bào còn vận chuyển nhiều loại phân tử khác.
D. nhập bào đòi hỏi cung cấp năng lượng tế bào nhưng xuất bào thì không.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
A. Đúng. Khi xuất bào, túi vận chuyển liên kết với màng sinh chất làm tăng diện tích bề mặt của màng sinh chất còn khi nhập bào, màng sinh chất sẽ lõm xuống làm giảm diện tích bề mặt màng sinh chất.
B. Sai. Xuất bào và nhập bào đều có tính chọn lọc đối với phân tử được vận chuyển.
C. Sai. Xuất bào và nhập bào là hình thức tế bào vận chuyển những phân tử lớn như protein, polysaccharide,… nhờ sự biến dạng của màng.
D. Sai. Xuất bào và nhập bào đều là hình thức vận chuyển chủ động và tiêu tốn năng lượng.
Bài 6.16 trang 29 SBT Sinh học 10: Ẩm bào liên quan đến việc vận chuyển
A. các phân tử lớn ra khỏi tế bào.
B. một tế bào vào trong một tế bào khác.
C. chất lỏng vào trong tế bào.
D. các phân tử kị nước vào trong tế bào.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Ẩm bảo là hình thức tế bào lấy các chất tan từ môi trường trong các túi (bóng) được hình thành từ sự biến dạng của màng.
Bài 6.17 trang 29 SBT Sinh học 10: Sự xuất bào là
A. hình thức vận chuyển thụ động.
B. cơ chế mà tế bào ăn các tế bào khác.
C. quá trình vận chuyển trong đó các túi được hình thành từ màng sinh chất.
D. hình thức tế bào giải phóng các phân tử lớn như protein.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Sự xuất bào là hình thức tế bào giải phóng các phân tử lớn như protein, đây là một hình thức vận chuyển chủ động và tiêu tốn năng lượng. Trong hình thức xuất bào, các chất có kích thước lớn cần đưa ra khỏi tế bào được bao bọc trong túi vận chuyển, sau đó túi này liên kết với màng tế bào giải phóng các chất ra bên ngoài.
Bài 6.18 trang 29 SBT Sinh học 10: Chọn câu đúng.
A. Nước di chuyển từ vùng có nồng độ chất tan cao đến vùng có nồng độ chất tan thấp.
B. Sự khuếch tán đơn giản không yêu cầu sự tham gia của các protein vận chuyển.
C. Nước di chuyển vào và ra khỏi tế bào bằng hình thức vận chuyển chủ động.
D. Sự di chuyển của các ion như Na+ và Cl– không bị chặn bởi lớp lipid kép.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
A. Sai. Nước di chuyển từ vùng có nồng độ chất tan thấp (thế năng nước cao) đến vùng có nồng độ chất tan cao (thế năng nước thấp).
B. Đúng. Sự khuếch tán đơn giản là sự vận chuyển đi qua lớp lipid kép, không yêu cầu sự tham gia của các protein vận chuyển.
C. Sai. Nước di chuyển vào và ra khỏi tế bào bằng hình thức vận chuyển thụ động (thẩm thấu).
D. Sai. Các ion như Na+ và Cl– hầu như không trực tiếp đi qua lớp lipid kép mà cần có protein vận chuyển đặc hiệu.
Bài 6.19 trang 29 SBT Sinh học 10: Tế bào chỉ tồn tại khi thực hiện hoạt động nào sau đây?
(1) Thu nhận và xử lí năng lượng.
(2) Chuyển đổi thông tin di truyền thành protein.
(3) Giữ một số phản ứng hóa sinh cách biệt với nhau.
A. (1), (2).
B. (2), (3).
C. (1), (3).
D. (1), (2), (3).
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong 3 hoạt động trên, tế bào chỉ tồn tại khi thực hiện hoạt động là:
(1) Thu nhận và xử lí năng lượng.
(2) Chuyển đổi thông tin di truyền thành protein.
Bài 6.20 trang 29 SBT Sinh học 10: Dạng năng lượng phổ biến trong tế bào là
A. năng lượng ánh sáng.
B. năng lượng hóa học.
C. năng lượng nhiệt.
D. năng lượng cơ học.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Năng lượng trong tế bào tồn tại dưới nhiều dạng như năng lượng hóa học, năng lượng cơ học, năng lượng điện, năng lượng nhiệt,… Trong đó, năng lượng hóa học – năng lượng dự trữ trong các liên kết hóa học là dạng năng lượng phổ biến nhất.
Bài 6.21 trang 29 SBT Sinh học 10: Một số loại thuốc kháng sinh tác động đến sự tổng hợp ATP ở vi khuẩn. Vi khuẩn chịu tác động của thuốc kháng sinh sẽ thiếu
A. nucleic acid.
B. ti thể.
C. năng lượng.
D. lipid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
ATP là năng lượng hóa học được sử dụng trực tiếp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể → Thuốc kháng sinh tác động đến sự tổng hợp ATP thì vi khuẩn chịu tác động của thuốc kháng sinh sẽ thiếu năng lượng cho các hoạt động sống và sẽ chết.
Bài 6.22 trang 29 SBT Sinh học 10: Điều nào sau đây khi nói về ATP là đúng?
(1) Là hợp chất dự trữ năng lượng ngắn hạn.
(2) Được tổng hợp trong ti thể.
(3) Là phân tử mà tất cả các tế bào sống dựa vào để thực hiện hoạt động.
A. (1), (2).
B. (2), (3).
C. (1), (3).
D. (1), (2), (3).
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
– ATP là hợp chất dự trữ năng lượng ngắn hạn. Khi liên kết giữa hai gốc phosphate của ATP bị phá vỡ, năng lượng được chuyển hóa trực tiếp cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào.
– ATP được tổng hợp trong ti thể nhờ quá trình hô hấp tế bào.
– ATP là phân tử mà tất cả các tế bào sống dựa vào để thực hiện hoạt động vì hầu như mọi hoạt động sống của tế bào đều cần năng lượng.
Bài 6.23 trang 30 SBT Sinh học 10: Thành phần cấu tạo của ATP gồm có
A. adenine và 3 nhóm phosphate.
B. adenine, ribose và 3 nhóm phosphate.
C. adenine và ribose.
D. các thành phần khác không bao gồm adenine, ribose và 3 nhóm phosphate.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Mỗi phân tử ATP có cấu tạo gồm ba thành phần cơ bản là: phân tử adenine, phân tử đường ribose và 3 nhóm phosphate. Trong đó, các nhóm phosphate chứa liên kết cao năng. Khi các liên kết cao năng bị bẻ gãy sẽ giải phóng năng lượng cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào.
Bài 6.24 trang 30 SBT Sinh học 10: ATP giải phóng năng lượng khi
A. nó trải qua một phản ứng ngưng tụ.
B. một nhóm carboxyl được thêm vào cấu trúc của nó.
C. một nhóm phosphate được loại bỏ khỏi cấu trúc của nó.
D. một nhóm phosphate được thêm vào cấu trúc của nó.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trong cấu tạo của phân tử ATP, các nhóm phosphate chứa liên kết cao năng. Khi các liên kết cao năng bị bẻ gãy sẽ giải phóng năng lượng cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào. Do đó, ATP giải phóng năng lượng khi một nhóm phosphate được loại bỏ khỏi cấu trúc của nó.
Bài 6.25 trang 30 SBT Sinh học 10: Năng lượng tự do tích trữ trong phân tử ATP có thể được dùng cho
A. các phản ứng sinh tổng hợp.
B. sự vận chuyển chủ động các chất qua màng.
C. sự di chuyển của các túi vận chuyển trong tế bào.
D. các phản ứng sinh tổng hợp, sự vận chuyển chủ động các chất qua màng và sự di chuyển của các túi vận chuyển trong tế bào.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Năng lượng tự do tích trữ trong phân tử ATP có thể được dùng cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào như: các phản ứng sinh tổng hợp, sự vận chuyển chủ động các chất qua màng và sự di chuyển của các túi vận chuyển trong tế bào.
Bài 6.26 trang 30 SBT Sinh học 10: Tại sao ATP là một phân tử quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất?
A. ATP cung cấp năng lượng kết hợp giữa phản ứng cần năng lượng và phản ứng giải phóng năng lượng.
B. Sự thủy phân ATP cung cấp năng lượng tự do cho các phản ứng giải phóng năng lượng.
C. Nhóm phosphate tận cùng của ATP chứa một liên kết cộng hóa trị mạnh mà khi thủy phân giải phóng năng lượng tự do.
D. Liên kết giữa các phosphate cuối cùng của ATP có mức năng lượng cao hơn hai liên kết còn lại.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
ATP là một phân tử quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất vì ATP cung cấp năng lượng kết hợp giữa phản ứng cần năng lượng và phản ứng giải phóng năng lượng.
Bài 6.27 trang 30 SBT Sinh học 10: Một con trùng biến hình sống trong hồ ăn một con trùng giày. Con trùng biến hình sử dụng phân tử nào sau đây để nhanh chóng phân hủy các phân tử hữu cơ trong trùng giày?
A. Enzyme.
B. Glucose.
C. Nước.
D. Chất độc.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Con trùng biến hình sử dụng hình thức nhập bào để đưa trùng giày vào bên trong tế bào của nó và phân hủy các phân tử hữu cơ trong trùng giày nhờ enzyme tiêu hóa: Khi chân giả của trùng biến hình tiếp cận với con mồi (trùng giày), trùng biến hình lập tức hình thành chân giả thứ hai vây lấy con mồi. Hai chân giả kéo dài, màng sinh chất biến đổi nuốt con mồi vào sâu trong chất nguyên sinh. Sau đó, không bào tiêu hóa bao vây lấy con mồi, tiêu hóa nhờ enzyme tiêu hóa.
Bài 6.28 trang 30 SBT Sinh học 10: Enzyme có những đặc điểm nào sau đây?
(1) Chủ yếu được cấu tạo bởi chuỗi polipeptide.
(2) Có thể gắn với ion kim loại hoặc chất hữu cơ.
(3) Liên kết với cơ chất tại trung tâm hoạt động.
A. (1), (2).
B. (2), (3).
C. (1), (3).
D. (1), (2), (3).
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
(1) Đúng. Enzyme có bản chất là protein nên enzyme chủ yếu được cấu tạo bởi chuỗi polipeptide.
(2) Đúng. Ở một số enzyme, ngoài thành phần là protein, còn có thể gắn với cofactor là ion kim loại hoặc chất hữu cơ.
(3) Đúng. Enzyme có một vùng nhỏ có cấu trúc không gian tương ứng với cơ chất gọi là trung tâm hoạt động, liên kết đặc hiệu với cơ chất.
Bài 6.29 trang 31 SBT Sinh học 10: Hầu hết các enzyme
A. bị thay đổi bởi các phản ứng mà chúng xúc tác.
B. phân giải các cơ chất.
C. tăng cường các liên kết hóa học trong cơ chất của chúng.
D. nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ hoặc độ pH.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
A. Sai. Enzyme không bị thay đổi bởi các phản ứng mà chúng xúc tác mà chỉ có cơ chất bị biến đổi.
B. Sai. Enzyme chỉ xúc tác tạo điều kiện cho sự biến đổi cơ chất một cách nhanh chóng chứ không trực tiếp phân giải cơ chất.
C. Sai. Enzyme có thể xúc tác cho phản ứng tổng hợp hoặc phân giải nên không phải enzyme nào cũng tăng cường các liên kết hóa học trong cơ chất của chúng.
D. Đúng. Enzyme có bản chất là protein nên nhạy cảm với những yếu tố làm biến tính protein như sự thay đổi của nhiệt độ hoặc độ pH.
Bài 6.30 trang 31 SBT Sinh học 10: Câu nào sau đây là không đúng khi nói về phản ứng do enzyme xúc tác?
A. Enzyme tạo thành phức hợp với cơ chất của chúng.
B. Enzyme làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học.
C. Enzyme không thay đổi hình dạng khi liên kết với cơ chất.
D. Phản ứng xảy ra tại trung tâm hoạt động của enzyme, nơi mà sự định hướng không gian của các amino acid là đặc điểm quan trọng của quá trình xúc tác.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
A. Đúng. Khi tiến hành xúc tác, enzyme liên kết với cơ chất tại trung tâm hoạt động tạo thành phức hợp enzyme – cơ chất.
B. Đúng. Enzyme có thể làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học lên hàng trăm nghìn đến hàng triệu tỉ lần so với phản ứng không có chất xúc tác.
C. Sai. Khi liên kết với cơ chất, trung tâm hoạt động của enzyme thay đổi hình dạng để khớp với cơ chất.
D. Đúng. Phản ứng xảy ra tại trung tâm hoạt động của enzyme, nơi mà sự định hướng không gian của các amino acid là đặc điểm quan trọng của quá trình xúc tác.
Bài 6.31 trang 31 SBT Sinh học 10: Đặc điểm nào sau đây của enzyme không được thể hiện trong hình đã cho?
A. Phản ứng do enzyme xúc tác có tính đặc hiệu cơ chất.
B. Cấu trúc của enzyme không thay đổi ở cuối phản ứng.
C. Enzyme có thể được tái sử dụng để chuyển hóa cơ chất khác (có cấu trúc tương tự).
D. Hoạt động của enzyme chịu tác động của nồng độ cơ chất.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
– Trong hình mô tả cơ chế xúc tác phản ứng tạo thành sản phẩm từ cơ chất của enzyme: Đầu tiên, enzyme liên kết đặc hiệu với cơ chất tại trung tâm phản ứng tạo thành phức hợp enzyme – cơ chất. Khi cơ chất liên kết vào, trung tâm hoạt động của enzyme thay đổi hình dạng để khớp với cơ chất. Sau đó, enzyme xúc tác cho phản ứng biến đổi cơ chất thành sản phẩm. Sau khi phản ứng hoàn thành, sản phẩm rời khỏi enzyme, enzyme trở về trạng thái ban đầu và có thể được sử dụng lại cho cơ chất khác.
– Trong hình trên, không thể hiện nội dung “hoạt động của enzyme chịu tác động của nồng độ cơ chất”.
Bài 6.32 trang 31 SBT Sinh học 10: Trung tâm hoạt động của một enzyme là vùng
A. liên kết với các chất điều hòa.
B. liên kết với các sản phẩm của phản ứng.
C. tham gia trực tiếp vào phản ứng xúc tác của enzyme.
D. bị ức chế bởi coenzyme hoặc ion kim loại.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trung tâm hoạt động là vùng nhỏ có cấu trúc không gian tương ứng với cơ chất, đây là vị trí liên kết trực tiếp và làm biến đổi cơ chất của enzyme → Trung tâm hoạt động của một enzyme là vùng tham gia trực tiếp vào phản ứng xúc tác của enzyme.
Bài 6.33 trang 31 SBT Sinh học 10: Điều nào sau đây có thể xảy ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ở người bị sốt cao?
A. Sự phá hủy cấu trúc bậc 1 của các enzyme.
B. Sự thay đổi cấu trúc không gian ba chiều của các enzyme.
C. Các amino acid bị loại khỏi trung tâm hoạt động.
D. Enzyme liên kết với chất không phải là cơ chất.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Khi bị sốt cao, nhiệt độ của cơ thể tăng vượt ngưỡng bình thường. Nhiệt độ cao có thể làm biến tính (mất cấu trúc không gian ba chiều) của một số loại protein trong cơ thể trong đó có enzyme. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt tính sinh học của các enzyme, gây rối loạn các phản ứng sinh hóa trong cơ thể khiến cơ thể có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Bài 6.34 trang 32 SBT Sinh học 10: Cho đồ thị thể hiện tốc độ của phản ứng có sự xúc tác của enzyme pepsin và trypsin theo pH như sau:
Từ đồ thị cho thấy:
A. Đa số enzyme hoạt động ở pH khoảng 6 – 10.
B. pH tối ưu của pepsin vào khoảng 2,0.
C. pH tối ưu của trypsin vào khoảng 7,0.
D. Nếu tăng pH từ 1,0 đến 3,0 tốc độ phản ứng do pepsin xúc tác tăng lên.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
A. Sai. Mỗi enzyme hoạt động ở một dải pH nhất định không nhất thiết là pH khoảng 6 – 10, như pH tối ưu của pepsin vào khoảng 2,0.
B. Đúng. pH tối ưu của pepsin vào khoảng 2,0.
C. Sai. pH tối ưu của trypsin vào khoảng 8,0.
D. Sai. Nếu tăng pH từ 1,0 đến gần 2,0 tốc độ phản ứng do pepsin xúc tác tăng lên, pH từ 2,0 đến 3,0 tốc độ phản ứng do pepsin xúc tác giảm xuống.
Bài 6.35 trang 32 SBT Sinh học 10: Phân tử nào trong tế bào thực vật là phân tử thu nhận năng lượng bức xạ từ ánh sáng mặt trời?
A. Glucose.
B. CO2.
C. Diệp lục.
D. H2O.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trong tế bào thực vật, các phân tử sắc tố (diệp lục, carotenoid) nằm trên màng thylakoid của lục lạp có vai trò thu nhận năng lượng bức xạ từ ánh sáng mặt trời.
Bài 6.36 trang 32 SBT Sinh học 10: Các sản phẩm cuối cùng của quá trình quang hợp bao gồm
A. carbon dioxide và nước.
B. carbon dioxide và oxygen.
C. carbohydrate.
D. oxygen và nước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trong quá trình quang hợp, tế bào sử dụng năng lượng ánh sáng để tổng hợp nên chất hữu cơ (carbohydrate) từ các chất vô cơ và giải phóng oxygen vào khí quyển. Trong đó, oxygen được tạo ra trong pha sáng còn carbohydrate là sản phẩm cuối cùng được tạo ra ở pha không phụ thuộc ánh sáng của quang hợp.
Bài 6.37 trang 32 SBT Sinh học 10: Trong điều kiện có ánh sáng, khi ngâm lá rong đuôi chồn trong ống nghiệm chứa nước, có hiện tượng bọt khí nổi lên vì
A. Lá tạo ra oxygen qua quá trình quang hợp.
B. Khí nitrogen trong khoang chứa khí của lá bay ra.
C. Khí hòa tan trong nước được giải phóng.
D. Lá tạo ra oxygen qua quá trình hô hấp.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong điều kiện có ánh sáng, khi ngâm lá rong đuôi chồn trong ống nghiệm chứa nước, lá sẽ tiến hành quá trình quang hợp giải phóng ra khí oxygen. Khí oxygen được tạo ra ít tan trong nước và nhẹ hơn nước nên sẽ được đẩy lên trên làm xuất hiện hiện tượng bọt khí nổi lên.
Bài 6.38 trang 32 SBT Sinh học 10: Phát biểu nào dưới đây về quang hợp là không đúng?
A. Thực vật không phải là sinh vật duy nhất có khả năng quang hợp.
B. Pha phụ thuộc ánh sáng và pha không phụ thuộc ánh sáng có thể xảy ra cùng thời gian.
C. Pha không phụ thuộc ánh sáng chỉ xảy ra vào ban đêm.
D. Quang hợp là một quá trình trao đổi chất có nhiều bước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
A. Đúng. Thực vật không phải là sinh vật duy nhất có khả năng quang hợp, ngoài thực vật còn có tảo và một số vi khuẩn cũng có khả năng quang hợp.
B. Đúng. Các giai đoạn của quang hợp diễn ra liên tục, pha phụ thuộc ánh sáng và pha không phụ thuộc ánh sáng có thể xảy ra cùng thời gian.
C. Sai. Pha không phụ thuộc ánh sáng có thể diễn ra vào ban ngày, cụm từ “không phụ thuộc ánh sáng” để chỉ pha này không có sự tham gia trực tiếp của ánh sáng chứ không phải để chỉ pha này chỉ có thể diễn ra khi không có ánh sáng (ban đêm).
D. Đúng. Quang hợp là một quá trình trao đổi chất có nhiều bước gồm hàng loạt các phản ứng sinh hóa.
Bài 6.39 trang 33 SBT Sinh học 10: Quang hệ và chuỗi truyền electron nằm trong
A. màng ngoài của lục lạp.
B. màng trong của lục lạp.
C. stroma.
D. màng thylakoid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Quang hệ (hệ sắc tố quang hợp) và chuỗi truyền electron nằm trên màng thylakoid. Trong đó, các sắc tố quang hợp thu nhận năng lượng ánh sáng và chuyển cho trung tâm phản ứng (chứa chất diệp lục), trung tâm phản ứng tiếp nhận năng lượng trở thành dạng kích động và truyền electron cho các chất trong chuỗi truyền electron. Nhờ hoạt động của chuỗi truyền electron quang hợp mà ATP và NADPH được tổng hợp.
Bài 6.40 trang 33 SBT Sinh học 10: Quang hệ I và quang hệ II
A. nhận electron từ quang hệ khác.
B. truyền các electron cho một chuỗi truyền tạo ra NADPH.
C. truyền proton cho nhau.
D. chứa các phân tử diệp lục.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Quang hệ I và quang hệ II đều chứa phân tử diệp lục. Trong đó, quang hệ I có chứa nhiều sắc tố diệp lục a hơn diệp lục b còn quang hệ II có chứa nhiều sắc tố diệp lục b hơn diệp lục a.
Bài 6.41 trang 33 SBT Sinh học 10: Nước tham gia trực tiếp vào pha sáng của quang hợp bằng cách
A. truyền electron cho quang hệ II.
B. truyền electron cho NADPH.
C. nhận electron từ chuỗi truyền electron.
D. nhận electron từ quang hệ I.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong pha sáng, đồng thời với chuỗi truyền electron, quá trình quang phân li nước cũng diễn ra giải phóng O2 và electron bù lại cho trung tâm phản ứng → Nước tham gia trực tiếp vào pha sáng của quang hợp bằng cách truyền electron cho quang hệ II.
Bài 6.42 trang 33 SBT Sinh học 10: Năng lượng được sử dụng để tổng hợp ATP ở lục lạp là từ
A. quang hệ I.
B. sự tổng hợp NADPH.
C. sự di chuyển của các electron trong chuỗi truyền electron từ quang hệ II.
D. sự phân li nước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Năng lượng được sử dụng để tổng hợp ATP ở lục lạp là từ sự di chuyển của các electron trong chuỗi truyền electron từ quang hệ II: Các sắc tố quang hợp thu nhận năng lượng ánh sáng và chuyển cho trung tâm phản ứng (chứa chất diệp lục), trung tâm phản ứng tiếp nhận năng lượng trở thành dạng kích động và truyền electron cho các chất trong chuỗi truyền electron. Nhờ hoạt động của chuỗi truyền electron quang hợp mà ATP và NADPH được tổng hợp.
Bài 6.43 trang 33 SBT Sinh học 10: Chu trình Calvin bắt đầu khi CO2 kết hợp với một carbohydrate gồm năm carbon được gọi là
A. 3 – phosphoglycerate.
B. ribulose bisphosphate.
C. glyceraldehyde 3 – phosphate.
D. fructose.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Khi bắt đầu chu trình Calvin, chất kết hợp với CO2 đầu tiên là ribulose bisphosphate (RuBP) và tạo ra 3 – phosphoglycerate (3PG).
Bài 6.44 trang 33 SBT Sinh học 10: Cứ 3 phân tử CO2 đi vào chu trình Calvin thì chu trình tạo ra sáu phân tử
A. ribulose bisphosphate.
B. glyceraldehyde 3 – phosphate.
C. fructose.
D. glucose.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Khi bắt đầu chu trình Calvin, chất kết hợp với CO2 đầu tiên là ribulose bisphosphate (RuBP) và tạo ra 3 – phosphoglycerate (3PG). Tiếp theo, 3PG được khử thành glyceraldehyde – 3 – phosphate (G3P) với sự tham gia của ATP và NADPH được tạo ra từ pha sáng. Cứ 3 phân tử CO2 đi vào chu trình Calvin thì chu trình tạo ra sáu phân tử G3P. Một phần G3P sẽ được sử dụng cho tái tạo RuBP, phần G3P còn lại sẽ được sử dụng trong tổng hợp glucose.
Bài 6.45 trang 33 SBT Sinh học 10: Các hợp chất hữu cơ có thể được tạo ra từ các sản phẩm của chu trình Calvin bao gồm
A. chỉ có carbohydrate.
B. chỉ có amino acid.
C. chỉ có lipid.
D. carbohydrate, amino acid và lipid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Chu trình Calvin, ATP và NADPH cung cấp năng lượng và điện tử tham gia khử phân tử CO2 thành C6H12O6. C6H12O6 được tạo ra trong quang hợp sẽ cung cấp mạch “xương sống” carbon trong tổng hợp nhiều chất hữu cơ khác cho tế bào như carbohydrate, amino acid và lipid.
Bài 6.46 trang 34 SBT Sinh học 10: Trong các tế bào, quá trình phân giải glucose bắt đầu bằng
A. quá trình đường phân.
B. quá trình lên men.
C. quá trình oxy hóa pyruvate.
D. chu trình Krebs.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong các tế bào, quá trình phân giải glucose bắt đầu bằng quá trình đường phân: Trong tế bào, tế bào phân giải glucose và giải phóng năng lượng theo hai con đường hô hấp và lên men, cả hai con đường này đều bắt đầu bằng giai đoạn đường phân. Đường phân là giai đoạn biến đổi phân tử glucose xảy ra trong bào tương, kết quả là từ 1 phân tử glucose sẽ tạo ra 2 phân tử pyruvic acid, 2 ATP và 2 NADH.
Bài 6.47 trang 34 SBT Sinh học 10: Đường phân là
A. quá trình phân giải glycogen thành CO2 và H2O.
B. quá trình phân giải glucose thành CO2 và H2O.
C. quá trình phân giải fructose thành hai phân tử chứa ba carbon.
D. quá trình phân giải glucose thành hai phân tử chứa ba carbon.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Đường phân là giai đoạn biến đổi phân tử glucose xảy ra trong bào tương, kết quả là từ 1 phân tử glucose sẽ tạo ra 2 phân tử pyruvic acid (3C), 2 ATP và 2 NADH.
Bài 6.48 trang 34 SBT Sinh học 10: Quá trình đường phân diễn ra
A. ở bào tương.
B. ở ti thể.
C. chỉ khi có O2.
D. chỉ khi không có O2.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Đường phân là giai đoạn biến đổi phân tử glucose xảy ra trong bào tương, kết quả là từ 1 phân tử glucose sẽ tạo ra 2 phân tử pyruvic acid (3C), 2 ATP và 2 NADH.
Bài 6.49 trang 34 SBT Sinh học 10: Trong quá trình đường phân, glucose
A. được tổng hợp từ hai phân tử pyruvic acid.
B. được biến đổi thành hai phân tử ATP.
C. bị phân giải một phần và một phần năng lượng dự trữ trong phân tử được giải phóng.
D. bị phân giải một phần và năng lượng dự trữ trong phân tử được tăng lên.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Đường phân là giai đoạn biến đổi phân tử glucose xảy ra trong bào tương, kết quả là từ 1 phân tử glucose sẽ tạo ra 2 phân tử pyruvic acid (3C), 2 ATP và 2 NADH. Như vậy, trong quá trình đường phân, glucose bị phân giải một phần (ATP, NADH) và một phần năng lượng dự trữ trong phân tử pyruvic acid được giải phóng.
Bài 6.50 trang 34 SBT Sinh học 10: Sản phẩm của quá trình đường phân được vận chuyển vào chất nền ti thể để tiếp tục phân giải là
A. acetyl CoA.
B. pyruvic acid.
C. lactic acid.
D. citric acid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Pyruvic acid là sản phẩm của quá trình đường phân sẽ được chuyển qua lớp màng kép vào chất nền của ti thể. Tại đây, 2 phân tử pyruvic acid sẽ được chuyển hóa thành 2 phân tử acetyl – CoA, đồng thời giải phóng 2 phân tử CO2 và 2 NADH.
Bài 6.51 trang 34 SBT Sinh học 10: Chu trình Krebs
A. tạo ra hai phân tử CO2.
B. tạo ra NAD+ từ NADH và H+.
C. tạo ra một phân tử sáu carbon từ sáu phân tử CO2.
D. tạo ra hầu hết ATP được tổng hợp trong hô hấp hiếu khí.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Trong chu trình Krebs, phân tử acetyl – CoA bị oxi hóa hoàn toàn. Kết quả là từ 1 phân tử acetyl – CoA sẽ tạo ra 2 phân tử CO2, 1 ATP, 1 FADH2 và 3 NADH.
Bài 6.52 trang 34 SBT Sinh học 10: Chuỗi truyền electron của hô hấp hiếu khí
A. tạo ra O2 từ H2O.
B. tạo ra NADPH.
C. bơm các electron vào chất nền ti thể.
D. cung cấp năng lượng cho sự tổng hợp ATP.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Trong chuỗi truyền electron của hô hấp hiếu khí, electron từ các phân tử NADH và FADH2 sẽ được truyền cho các chất nhận electron nằm ở màng trong ti thể và đến chất nhận cuối cùng là O2. Năng lượng giải phóng từ chuỗi truyền electron hô hấp sẽ được sử dụng cho sự tổng hợp ATP.
Bài 6.53 trang 35 SBT Sinh học 10: Chất nhận electron cuối cùng trong chuỗi truyền electron ở ti thể là
A. NADH.
B. O2.
C. CO2.
D. H2O.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Chất nhận electron cuối cùng trong chuỗi truyền electron ở ti thể là O2: Trong chuỗi truyền electron của hô hấp hiếu khí, electron từ các phân tử NADH và FADH2 sẽ được truyền cho các chất nhận electron nằm ở màng trong ti thể và đến chất nhận cuối cùng là O2. Năng lượng giải phóng từ chuỗi truyền electron hô hấp sẽ được sử dụng cho sự tổng hợp ATP.
Bài 6.54 trang 35 SBT Sinh học 10: Trong điều kiện hiếu khí, một phân tử glucose phân giải hoàn toàn thành CO2 và H2O cung cấp
A. 12 ATP.
B. 28 ATP.
C. 32 ATP.
D. 38 ATP.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trong điều kiện hiếu khí, một phân tử glucose phân giải hoàn toàn thành CO2 và H2O cung cấp 32 ATP. Trong đó, giai đoạn đường phân tạo ra 2 ATP, giai đoạn oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs tạo ra 2 ATP, giai đoạn chuỗi truyền electron hô hấp tạo ra 28 ATP.
Bài 6.55 trang 35 SBT Sinh học 10: Quá trình nào sau đây trong các tế bào nhân chuẩn sẽ diễn ra bình thường cho dù có hay không có oxygen?
A. Chuỗi truyền electron.
B. Đường phân.
C. Chu trình Krebs.
D. Sự oxi hóa pyruvic acid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
– Trong tế bào, tế bào phân giải glucose và giải phóng năng lượng theo hai con đường hô hấp (khi có oxygen) và lên men (khi không có oxygen). Cả 2 con đường này đều xảy ra giai đoạn đường phân. Bởi vậy, đường phân là quá trình trong các tế bào nhân chuẩn sẽ diễn ra bình thường cho dù có hay không có oxygen.
– Chuỗi truyền electron, chu trình Krebs, sự oxi hóa pyruvic acid chỉ xảy ra trong hô hấp tế bào (khi có oxygen).
Bài 6.56 trang 35 SBT Sinh học 10: Quá trình lên men tạo ra
A. một phân tử ba carbon từ một phân tử sáu carbon.
B. CO2 từ pyruvic acid.
C. ATP từ ADP và phosphate.
D. phân tử hữu cơ từ pyruvic acid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Quá trình lên men tạo ra phân tử hữu cơ từ pyruvic acid: Khi không có O2, do không có chất nhận điện tử cuối cùng, pyruvic acid được giữ lại trong bào tương và được chuyển hóa thành lactic acid, ethanol hoặc chất hữu cơ khác theo con đường lên men.
Bài 6.57 trang 35 SBT Sinh học 10: Con đường phân giải kị khí cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng tất cả các nhu cầu năng lượng của
A. tất cả các sinh vật.
B. tất cả các sinh vật đơn bào và hầu hết sinh vật đa bào.
C. nhiều sinh vật đơn bào và một số sinh vật đa bào.
D. không một loại sinh vật nào.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Con đường phân giải kị khí không oxi hóa hoàn toàn hợp chất hữu cơ nên năng lượng tạo ra sẽ ít hơn rất nhiều so với hô hấp tế bào → Con đường phân giải kị khí cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng tất cả các nhu cầu năng lượng của nhiều sinh vật đơn bào và một số sinh vật đa bào.
Bài 6.58 trang 35 SBT Sinh học 10: Khi một người hoạt động mạnh và cơ xương thiếu oxygen, các tế bào cơ xương tiến hành
A. phân giải acetyl-CoA thành CO2 và H2O.
B. phân giải hoàn toàn pyruvic acid tạo ra lượng lớn ATP.
C. khử NAD+ thành NADH.
D. chuyển hóa pyruvic acid thành lactic acid.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Khi một người hoạt động mạnh và cơ xương thiếu oxygen, các tế bào cơ xương tiến hành quá trình lên men (chuyển hóa pyruvic acid thành lactic acid). Lactic acid tích lũy nhiều trong tế bào cơ, gây ra hiện tượng mỏi cơ.
Bài 6.59 trang 35 SBT Sinh học 10: Chọn câu đúng về quá trình quang hợp và hô hấp tế bào
A. Quang hợp tạo ra oxygen còn hô hấp tế bào sử dụng oxygen.
B. Quang hợp sử dụng glucose còn hô hấp tế bào tạo ra glucose.
C. Quang hợp chỉ xảy ra ở thực vật trong khi hô hấp tế bào chỉ xảy ra ở động vật.
D. Quang hợp chỉ xảy ra trong điều kiện có ánh sáng còn hô hấp tế bào chỉ xảy ra trong bóng tối.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
A. Đúng. Quang hợp tạo ra oxygen còn hô hấp tế bào sử dụng oxygen.
B. Sai. Quang hợp tạo ra glucose còn hô hấp tế bào sử dụng glucose.
C. Sai. Quang hợp xảy ra ở thực vật, tảo và một số vi khuẩn còn hô hấp tế bào xảy ra ở đa số các sinh vật.
D. Sai. Quang hợp chỉ xảy ra trong điều kiện có ánh sáng còn hô hấp tế bào xảy ra mọi lúc.
Bài 6.60 trang 36 SBT Sinh học 10: Mô tả đúng nhất mối quan hệ giữa pha sáng và chu trình Calvin là
A. pha sáng cung cấp ATP và NADPH cho bước cố định carbon của chu trình Calvin còn chu trình Calvin cung cấp nước và electron cho pha sáng.
B. pha sáng cung cấp CO2 cho chu trình Calvin để sản xuất ra đường và chu trình Calvin cung cấp các loại đường cho pha sáng để sản xuất ATP.
C. pha sáng cung cấp oxygen cho chu trình Calvin và chu trình Calvin cung cấp nước cho pha sáng.
D. pha sáng cung cấp ATP và NADPH còn chu trình Calvin trả ADP, Pi và NADP+ cho pha sáng.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
A. Sai. Chu trình Calvin không có vai trò cung cấp nước và electron cho pha sáng.
B. Sai. Pha sáng không cung cấp CO2 cho chu trình Calvin mà CO2 được lấy từ môi trường đồng thời chu trình Calvin cũng không cung cấp các loại đường cho pha sáng để sản xuất ATP, ATP trong pha sáng được sản xuất từ năng lượng ánh sáng.
C. Sai. Oxygen trong pha sáng được giải phóng ra ngoài đồng thời chu trình Calvin cũng không cung cấp nước cho pha sáng, nước cung cấp cho pha sáng được lấy từ môi trường.
D. Đúng. Pha sáng cung cấp ATP và NADPH còn chu trình Calvin trả ADP, Pi và NADP+ cho pha sáng.
Bài 6.61 trang 36 SBT Sinh học 10: Cho các chất: khí O2, glucose, Na+, protein. Hãy so sánh tốc độ di chuyển của mỗi loại chất này qua màng nhân tạo gồm 2 lớp lipid và màng sinh chất của tế bào sống. Giải thích.
Lời giải:
– Khí O2 đi qua màng nhân tạo và màng sinh chất với tốc độ như nhau vì khí O2 khuếch tán tự do qua lớp lipid kép.
– Glucose đi qua màng sinh chất với tốc độ cao hơn rất nhiều vì glucose có khả năng khuếch tán rất thấp qua lớp lipid kép; glucose là chất dinh dưỡng, được vận chuyển bằng protein qua màng sinh chất.
– Na+ và protein không đi qua được màng nhân tạo vì Na+ tích điện còn protein có kích thước rất lớn. Na+ được vận chuyển qua màng sinh chất bằng protein màng còn protein được vận chuyển bằng hình thức nhập bào hoặc xuất bào.
Bài 6.62 trang 36 SBT Sinh học 10: Giải thích các hiện tượng sau:
– Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian.
– Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian.
Lời giải:
– Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian: Dung dịch đường là ưu trương so với dịch tế bào trong quả mơ. Vì vậy, nước trong tế bào quả mơ đi ra ngoài kéo theo một số chất hòa tan.
– Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian: Nước là nhược trương so với dịch tế bào lá xà lách. Vì vậy, nước đi vào trong tế bào làm tế bào trương lên.
Bài 6.63 trang 36 SBT Sinh học 10: Trong một thí nghiệm, một loại tế bào không có thành tế bào cho glucose đi qua màng sinh chất nhưng không cho sucrose đi qua. Nêu hiện tượng xảy ra đối với các tế bào được ngâm trong từng dung dịch sau:
a) Dung dịch sucrose ưu trương.
b) Dung dịch glucose ưu trương.
c) Dung dịch sucrose nhược trương.
Lời giải:
Hiện tượng xảy ra đối với các tế bào được ngâm trong từng dung dịch:
a) Dung dịch sucrose ưu trương: Nước di chuyển từ bên trong ra bên ngoài tế bào → Tế bào co lại và chết.
b) Dung dịch glucose ưu trương: Glucose di chuyển vào bên trong tế bào, nước di chuyển ra bên ngoài tế bào cho đến khi nồng độ glucose ở bên trong và bên ngoài cân bằng.
c) Dung dịch sucrose nhược trương: Nước di chuyển vào bên trong tế bào → Tế bào trương lên và có thể bị vỡ.
Bài 6.64 trang 36 SBT Sinh học 10: Ở các tế bào động vật có vú, nồng độ Na+ ở bên ngoài cao hơn nhiều so với bên trong tế bào còn nồng độ K+ ở bên trong cao hơn nhiều so với bên ngoài tế bào. Khi các tế bào neuron truyền xung thần kinh, Na+ đi qua protein kênh vào bên trong còn K+ đi ra bên ngoài. Bằng cách nào tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu?
Lời giải:
Tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu bằng cách sử dụng bơm vận chuyển chủ động.
Bài 6.65 trang 36 SBT Sinh học 10: Đồ thị sau đây biểu diễn sự thay đổi tỉ lệ tinh bột bị phân giải bởi amylase theo thời gian ở nhiệt độ 30 oC.
a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là gì?
b) Có bao nhiêu phần trăm tinh bột được phân giải sau 5 phút?
c) Tại sao đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút?
d) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 20 oC? Giải thích.
e) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 37 oC? Giải thích.
Lời giải:
a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là glucose.
b) Có khoảng 65% tinh bột được phân giải sau 5 phút.
c) Đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút vì tinh bột đã bị phân giải hoàn toàn.
d) Đường biểu diễn sẽ ít dốc hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 20 oC vì nhiệt độ thấp làm giảm hoạt tính của enzyme.
e) Đường biểu diễn sẽ dốc nhiều hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 37 oC vì nhiệt độ này làm tăng hoạt tính của enzyme.
Bài 6.66 trang 37 SBT Sinh học 10: Hãy so sánh quá trình quang hợp với hô hấp tế bào ở tế bào nhân thực theo bảng sau:
Đặc điểm |
Quang hợp |
Hô hấp tế bào |
Nơi xảy ra |
|
|
Nguyên liệu |
|
|
Sản phẩm |
|
|
Các giai đoạn |
|
|
Phương trình tổng quát |
|
|
Ý nghĩa |
|
|
Lời giải:
So sánh quá trình quang hợp với hô hấp tế bào ở tế bào nhân thực:
Bài 6.67 trang 37 SBT Sinh học 10: Khi theo dõi quá trình phân giải glucose của hai loài vi khuẩn X và Y, người ta nhận thấy rằng loài X luôn tạo ra carbon dioxide và nước, còn loài Y luôn tạo ra carbon dioxide và ethanol.
Từ các kết quả này, hãy rút ra kết luận hợp lí về:
a) Hình thức phân giải glucose trong hai loài vi khuẩn.
b) Điều kiện môi trường sống của hai loài này.
Lời giải:
a) Hình thức phân giải glucose của loài vi khuẩn X là hô hấp tế bào (hô hấp hiếu khí), của loài vi khuẩn Y là lên men (lên men ethanol).
b) Điều kiện môi trường sống của loài vi khuẩn X là có oxygen còn của loài Y là không có oxygen.
Xem thêm các bài giải SBT Sinh học lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào
Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào
Chủ đề 7: Thông tin giữa các tế bào, chu kì tế bào và phân bào
Chủ đề 8: Công nghệ tế bào
Chủ đề 9: Sinh học vi sinh vật