Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa
Phần 1: Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa
Câu 1. Tỉ trọng dân cư của châu lục nào có xu hướng giảm?
A. Châu Á.
B. Châu Âu.
C. Châu Mĩ.
D. Châu Đại Dương.
Đáp án: B
Giải thích: Sự biến động về tỉ trọng dân cư ở các châu lục: Tỉ trọng dân cư ở châu Mĩ, châu Á, châu Đại Dương tăng; Tỉ trọng dân cư ở châu Âu, châu Phi giảm => Tỉ trọng dân cư của châu Âu có xu hướng giảm.
Câu 2. Quá trình đô thị hóa trên thế giới có đặc điểm nào sau đây?
A. Thất nghiệp ở đô thị và nông thôn ngày càng tăng.
B. Phổ biến các hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư.
C. Dân cư tập trung vào các thành phố lớn, cực lớn.
D. Tỉ lệ người sống ở vùng nông thôn ngày càng tăng.
Đáp án: C
Giải thích: Đặc điểm của đô thị hóa trên thế giới là: sự gia tăng nhanh chóng tỉ lệ người sống trong các đô thị (trong khi tỉ lệ người sống ở nông thôn có xu hướng giảm), dân cư tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và cực lớn hình thành nên các siêu đô thị (Bắc Kinh, Tô-ki-ô, Luân Đôn,…).
Câu 3. Đô thị hóa tự phát không gây ra hậu quả nào sau đây?
A. Ô nhiễm môi trường: nước, không khí.
B. Gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị.
C. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
D. Ách tắc giao thông đô thị, nhiều bụi.
Đáp án: C
Giải thích: Đô thị hóa tự phát không có sự quản lí của nhà nước đã gây ra nhiều vấn đề xấu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội như: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông đô thị do dân số quá đông, nhu cầu việc làm của người lao động lớn trong điều kiện kinh tế chậm phát triển cũng gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị. Đây là những hậu quả của đô thị hóa tự phát.
Câu 4. Đô thị hoá tác động những mặt tích cực nào?
A. Tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phân bố dân cư.
B. Chuyển dịch chức năng kinh tế, thay đổi phân bố dân cư, phổ biến lối sống thành thị.
C. Xuất hiện các đô thị lớn, tăng thêm chức năng kinh tế, phổ biến lối sống thành thị.
D. Thay đổi kiến trúc đô thị, xoá bỏ lối sống nông thôn, chuyển dịch chức năng kinh tế.
Đáp án: A
Giải thích: Đô thị hoá không những góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động mà còn làm thay đổi phân bố dân cư, lao động, quá trình sinh tử và hôn nhân đô thị,…
Câu 5. Chức năng hoạt động kinh tế ở thành thị
A. công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
B. công nghiệp, thủ công nghiệp.
C. dịch vụ, xây dựng, thủ công nghiệp.
D. dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.
Đáp án: D
Giải thích: Chức năng hoạt động kinh tế ở thành thị là dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.
Câu 6. Số lượng các siêu đô thị tăng nhanh nhất ở nhóm nước nào sau đây?
A. Đang phát triển.
B. Kém phát triển.
C. Phát triển.
D. Xuất khẩu dầu mỏ.
Đáp án: A
Giải thích: Số lượng các siêu đô thị tăng nhanh nhất ở nhóm các nước đang phát triển chủ yếu do tăng dân số từ các luồng nhập cư từ nông thông và đô thị tìm kiếm việc làm, làm việc,…
Câu 7. Đô thị hoá là quá trình kinh tế – xã hội được biểu hiện là
A. tăng số lượng thành phố, thay đổi kinh tế, thu hút dân cư lao động.
B. tăng số lượng thành phố, tăng tỷ lệ thị dân, thu hút dân cư lao động.
C. tăng lượng thành phố, tăng tỷ lệ thị dân, phổ biến lối sống thành thị.
D. tăng tỷ lệ thị dân, thay đổi nền kinh tế, phổ biến lối sống thành thị.
Đáp án: C
Giải thích: Đô thị hóa là một quá trình kinh tế – xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các đặc điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.
Câu 8. Chức năng hoạt động kinh tế ở đô thị chủ yếu là
A. dịch vụ, xây dựng, thủ công nghiệp.
B. nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
C. dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.
D. công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đáp án: C
Giải thích: Chức năng hoạt động kinh tế chủ yếu ở các đô thị là dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.
Câu 9. Hoạt động kinh tế chủ yếu ở đô thị là sản xuất
A. ngư nghiệp.
B. ngư nghiệp.
C. công nghiệp.
D. nông nghiệp.
Đáp án: C
Giải thích: Ở các đô thị hình thức tổ chức sinh sống chú yếu dựa vào hoạt động kinh tế sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Câu 10. Những khu vực có dân cư tập trung đông đúc trên thế giới là
A. Bắc Phi, Nam Cực, Đông Á.
B. Tây Âu, Bắc Mĩ, Tây Á.
C. Đông Nam Á, Bắc Mĩ, Nam Mĩ.
D. Tây Âu, Đông Á, Ca ri bê.
Đáp án: D
Giải thích: Phân bố dân cư không đều trong không gian, dân cư tập trung đông đúc ở các khu vực (người/km2): Tây Âu (169), Nam Âu (115), Ca ri bê (166), Đông Á (131), Đông Nam Á (124),…
Câu 11. Châu lục nào sau đây có tỉ trọng nhỏ nhất trong dân cư toàn thế giới?
A. Phi.
B. Mĩ.
C. Đại dương.
D. Âu.
Đáp án: C
Giải thích: Châu lục có tỉ trọng lớn nhất trong dân cư toàn thế giới là châu Á và châu lục có tỉ trọng nhỏ nhất trong dân cư toàn thế giới là châu Đại Dương.
Câu 12. Sự phát triển nhanh chóng các siêu đô thị ở các nước đang phát triển gắn liền với
A. sự phát triển mạnh mẽ nền sản xuất công nghiệp và hạ tầng các đô thị.
B. chính sách phân bố lại dân cư, lao động của các nước, thu hút nhân tài.
C. gia tăng dân số tự nhiên, sự phân bố các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
D. gia tăng dân số nhanh và tình trạng di cư ồ ạt từ nông thôn đến đô thị.
Đáp án: D
Giải thích: Các siêu đô thị ở nhóm nước đang phát triển gắn liền với quá trình gia tăng dân số và tình trạng di cư ồ ạt từ nông thôn đến thành thị tìm việc làm, định cư.
Câu 13. Nhân tố nào sau đây tác động trực tiếp đến sự mở rộng phạm vi phân bố của dân cư trên Trái Đất?
A. Tiến bộ khoa học kĩ thuật.
B. Tài nguyên thiên nhiên.
C. Chính sách phân bố dân cư.
D. Gia tăng dân số quá mức.
Đáp án: A
Giải thích: Ngày nay, con người đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật phục vụ đời sống, phát triển kinh tế. Chính những tiến bộ khoa học, kĩ thuật đã mở rộng phạm vi phân bố dân cư trên Trái Đất. Ví dụ: Ngày trước ở các vùng sa mạc rất ít người sinh sống như hiện nay nhờ kĩ thuật khoan sâu, có thể lấy được nước ở độ sâu lớn nên bắt đầu có người sinh sống,…
Câu 14. Sự phân bố dân cư được định nghĩa là
A. sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ, không phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu xã hội.
B. sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ không cố định, phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu xã hội.
C. sự sắp xếp dân số do chính quyền chỉ đạo trên một lãnh thổ nhất định, phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu xã hội.
D. sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ nhất định, phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu xã hội.
Đáp án: D
Giải thích: Phân bố dân cư là sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ nhất định, phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu của xã hội.
Câu 15. Hoạt động có tác động trực tiếp đến việc phát triển đô thị hóa là
A. công nghiệp.
B. giao thông vận tải.
C. du lịch.
D. thương mại.
Đáp án: A
Giải thích: Hoạt động có tác động trực tiếp đến việc phát triển đô thị hóa là các hoạt động của ngành công nghiệp.
Phần 2: Lý thuyết Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa
I. PHÂN BỐ DÂN CƯ
1. Tình hình phân bố dân cư trên thế giới
– Sự phân bố dân cư trên thế giới không đều trong không gian và biến động theo thời gian.
– Mật độ dân số trung bình thế giới là 60 người/km2 (năm 2020), mật độ dân số đông dân nhất là Mô-na-cô (26338 người/km2), thưa dân nhất là đảo Grơn-len (<1 người/km2).
– Trong một lục địa, một khu vực, một quốc gia, một vùng lãnh thổ của từng quốc gia, phân bố dân cư cũng không đều.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư trên thế giới
– Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật, chịu tác động tổng hợp của nhiều nhân tố, bao gồm:
a. Các nhân tố kinh tế – xã hội
– Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất của nền kinh tế: có vai trò quyết định trong sự phân bố dân cư.
– Lịch sử khai thác lãnh thổ và chuyển cư
– Việc chuyển cư với quy mô lớn có tác động nhiều tới sự phân bố dân cư trên thế giới.
b. Các nhân tố tự nhiên
– Vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên (khí hậu, nước, địa hình, đất đai,…) tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn đến đời sống con người qua đó tác động đến sự phân bố dân cư.
II. ĐÔ THỊ HOÁ
1. Khái niệm
– Là quá trình kinh tế – xã hội, biểu hiện là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.
– Tỉ lệ dân thành thị là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ đô thị hoá của các quốc gia, khu vực. Tỉ lệ dân thành thị thế giới ngày càng tăng, các nước phát triển có tỉ lệ dân thành thị cao hơn các nước đang phát triển nhưng tốc độ tăng tỉ lệ dân thành thị các nước đang phát triển lại nhanh hơn các nước phát triển.
2. Các nhân tố tác động đến đô thị hoá
a. Nhân tố kinh tế – xã hội
– Trình độ phát triển kinh tế tác động mạnh đến quá trình đô thị hoá, mang tính chất quyết định trong quá trình đô thị hoá.
– Quá trình công nghiệp hoá trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sẽ hình thành các đô thị ở nông thôn và các vùng ven biển.
– Đường lối và hệ thống chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị là cơ sở pháp lí tạo điều kiện thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển mạng lưới đô thị.
– Lối sống nông thôn ngày càng tiếp cận với lối sống đô thị nên quá trình đô thị hoá phát triển mạnh ở nông thôn.
b. Nhân tố tự nhiên
– Vị trí địa lí có ảnh hưởng đến lịch sử hình thành và phát triển đô thị, tính chất đô thị và lối sống đô thị.
– Những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ thu hút dân cư, do đó quá trình đô thị hoá diễn ra sớm hơn, quy mô lớn hơn.
3. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường
a. Tác động tích cực
– Đối với kinh tế – xã hội: góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư,…
– Đối với môi trường: mở rộng không gian đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường đô thị hiện đại, giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi và ứng xử văn minh, thực hiện quy định về vệ sinh môi trường tại đô thị,…
b. Tác động tiêu cực
– Đối với kinh tế – xã hội: đô thị hoá tự phát không gắn với công nghiệp hoá sẽ đẩy nhanh quá trình tập trung dân cư tại các đô thị, gây quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng và tạo sức ép lên vấn đề giải quyết việc làm, quản lí hành chính và trật tự an ninh đô thị. Trong khi đó, ở nông thôn sẽ thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương.
– Đối với môi trường: đô thị hoá làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi địa hình bề mặt, mực nước ngầm,… Môi trường bị ô nhiễm từ các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt ở các đô thị.
Ô nhiễm môi trường tại đô thị
Xem thêm các bài trắc nghiệm Địa lí 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Ôn tập chương 8: Địa lí dân cư
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 23: Các nguồn lực phát triển kinh tế
Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 24: Cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước và tổng thu nhập quốc gia