Giải bài tập Địa Lí lớp 10 Bài 40: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
Video giải Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh – Kết nối tri thức
1. Phát triển bền vững
Giải Địa lí 10 trang 111
Câu hỏi trang 111 Địa Lí 10: Đọc thông tin mục a, hãy nêu khái niệm phát triển bền vững.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 1a (khái niệm).
Trả lời:
Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của thế hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Giải Địa lí 10 trang 112
Câu hỏi trang 112 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin mục b, hãy trình bày sự cần thiết phải phát triển bền vững.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 1b (Sự cần thiết phải phát triển bền vững).
Trả lời:
Những thách thức đan xen về môi trường, kinh tế, chính trị và xã hội mà nhân loại đang phải đối mặt đòi hỏi chúng ta phải thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể:
– Về kinh tế: Các quốc gia theo đuổi mục tiêu tăng trưởng nhanh GDP đã tiến hành khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức, lượng chất thải thải ra ngoài môi trường quá cao làm cho môi trường suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn tài nguyên đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
– Về xã hội: Tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa quá nhanh, phân chia giàu nghèo bất bình đẳng các hội, vấn đề sức khỏe, thất nghiệp và việc làm, phân biệt chủng tộc, sự xung đột và chiến tranh,…Những vấn đề này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sự an toàn và thịnh vượng của một quốc gia và trở thành mối quan tâm cấp bách.
– Về môi trường: Ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), biến đổi khí hậu, lượng chất thải quá lớn chưa qua xử lí đổ ra môi trường, mất đa dạng sinh học, nạn phá rừng, suy giảm lớp ôdôn, mưa axit,… làm chúng ta rơi vào thời kì khủng hoảng về môi trường.
=> Việc nâng cao nhận thức về các vấn đề trên và hành động để giải quyết các vấn đề đó đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
2. Tăng trưởng xanh
Câu hỏi trang 112 Địa Lí 10: Đọc thông tin mục a, hãy nêu khái niệm tăng trưởng xanh.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 2a (khái niệm).
Trả lời:
Tăng trưởng xanh là sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường cho cuộc sống trong con người trong tương lai.
Câu hỏi trang 112 Địa Lí 10: Đọc thông tin mục b, hãy trình bày biểu hiện của tăng trưởng xanh.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 2b (biểu hiện).
Trả lời:
– Tăng trưởng xanh lấy chính các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
– Tăng trưởng xanh hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên có hạn một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động và giảm tác động đến môi trường.
– Tăng trưởng xanh cũng thể hiện ở việc giảm sự bất bình đẳng thông qua tiêu dùng xanh, đổi mới sản xuất và kinh doanh.
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập trang 112 Địa Lí 10: Lấy các ví dụ cụ thể về biểu hiện của tăng trưởng xanh.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về biểu hiện của tăng trưởng xanh để lấy ví dụ.
Trả lời:
Các ví dụ cụ thể về biểu hiện của tăng trưởng xanh:
– Do sản xuất điện than có mức phát thải khí CO2 lớn nên nhiều nước trên thế giới có xu hướng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và giảm tỉ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng.
– Tăng cường các hoạt động chăm sóc và cải tạo đất, nghiên cứu các giống cây cho năng xuất cao và áp dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp đem lại khối lượng nông sản lớn và giá trị cao.
– Tăng trưởng xanh hướng tới cung cấp các dịch vụ và tiện ích cơ bản để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo. Mô hình mạng lưới điện mini sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt,… nhằm giảm sự chênh lệch trong tiếp cận mạng lưới điện giữa thành thị và nông thôn.
Vận dụng trang 112 Địa Lí 10: Sưu tầm thông tin, tìm hiểu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở nước ta.
Phương pháp giải:
Đọc mục “Em có biết?” trang 112 SGK và tìm kiếm thêm thông tin internet.
Trả lời:
– Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó khẳng định: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững…
– Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược:
+ Thứ nhất, xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.
+ Thứ hai, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
– Tiếp đó, đến ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Bài giảng Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài giải SGK Địa lí lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 36: Địa lí ngành du lịch
Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng
Bài 38: Thực hành: Viết báo cáo tìm hiểu về một ngành dịch vụ
Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên