Giải bài tập Lịch sử lớp 8 Bài 10: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác
Mở đầu trang 42 Bài 10 Lịch Sử 8: Vậy giai cấp công nhân đã hình thành như thế nào? Chủ nghĩa xã hội khoa học đã ra đời ra sao? Sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX có gì nổi bật?
Trả lời:
– Sau các cuộc phát kiến địa lí, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành và ngày càng phát triển ở các nước Tây Âu. Giai cấp công nhân ra đời từ bối cảnh đó.
– Tháng 2/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố ở Luân Đôn, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.
– Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, giai cấp công nhân ngày càng đông đảo, trưởng thành về nhận thức và tiến hành đấu tranh chống lại giai cấp tư sản dưới nhiều hình thức.
I. Sự ra đời của giai cấp công nhân
Câu hỏi trang 43 Lịch Sử 8: Đọc thông tin và tư liệu, nêu sự ra đời của giai cấp công nhân.
Trả lời:
– Sự ra đời của giai cấp công nhân:
+ Sau các cuộc phát kiến địa lí, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành và ngày càng phát triển ở các nước Tây Âu. Giai cấp công nhân ra đời từ bối cảnh đó.
+ Giai cấp công nhân có nguồn gốc từ nông dân, thợ thủ công, nông nô, nô lệ,… do bị mất ruộng đất, bị bắt,…. nên trở thành người làm thuê trong các công xưởng, nhà máy.
II. Những hoạt động của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học
Giải Lịch sử 8 trang 44
Câu hỏi trang 44 Lịch Sử 8: Dựa vào thông tin trong mục II, trình bày một số hoạt động chính của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Lời giải:
– Một số hoạt động chính của C. Mác và Ph. Ăng-ghen:
+ Năm 1842, Ph. Ăng-ghen sang Anh, tìm hiểu thực tế phong trào công nhân ở đây và biên soạn nhiều tài liệu, trong đó có cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh.
+ Năm 1843, sau khi bị trục xuất khỏi Đức, C. Mác sang Pa-ri (Pháp) và tham gia phong trào cách mạng ở Pháp.
+ Năm 1844, Ph. Ăng-ghen từ Anh sang Pháp và gặp C. Mác. Hai ông đã thành lập Đồng minh những người cộng sản – chính đảng độc lập đầu tiên của vô sản quốc tế.
+ Đầu năm 1848, C. Mác và Ph. Ăng-ghen soạn thảo và công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Cương lĩnh của Đồng minh những người cộng sản.
+ Năm 1864, Quốc tế thứ nhất được thành lập, C. Mác tham gia Ban lãnh đạo và trở thành linh hồn của tổ chức này.
+ Năm 1889,Quốc tế thứ hai ra đời ở Pa-ri gắn với vai trò quan trọng của Ph. Ăng-ghen.
– Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học:
+ Những năm 30 – 40 của thế kỉ XIX, giai cấp công nhân ngày càng đông đảo, trưởng thành về nhận thức, tiến hành đấu tranh chống lại giai cấp tư sản dưới nhiều hình thức, điển hình như: cuộc đấu tranh của công nhân dệt Li-ông ở Pháp (1831); phong trào Hiến chương Anh (1836 – 1847),… => sự phát triển nhanh chóng của phong trào công nhân đòi hỏi một hệ thống lý luận soi đường.
+ Tháng 2/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo) được công bố ở Luân Đôn. Tuyên ngôn đã phân tích về quá trình phát sinh, phát triển của chủ nghĩa tư bản và nhấn mạnh sứ mệnh của giai cấp công nhân.
=> Việc công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.
III. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX
Câu hỏi trang 44 Lịch Sử 8: Trình bày những nét chính về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ năm 1848 đến năm 1870. Nêu sự ra đời và hoạt động của Quốc tế thứ nhất.
Lời giải:
♦ Phong trào cộng sản và công nhân từ năm 1848 đến năm 1870
– Từ giữa thế kỉ XIX, phong trào công nhân đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản diễn ra ở nhiều nước.
+ Tháng 6/1848, công nhân và nhân dân lao động Pa-ri đứng lên khởi nghĩa.
+ Năm 1848 – 1849, công nhân và thợ thủ công Đức cũng nhiều lần nổi dậy chống lại giới chủ.
+ Tháng 9/1864, công nhân Anh tham gia mít tinh tại Luân Đôn,…
♦ Sự ra đời và hoạt động của Quốc tế thứ nhất
– Sự ra đời:Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách trong phong trào công nhân quốc tế, ngày 28/9/1864, tại Luân Đôn (Anh), Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế thứ nhất) được thành lập.
– Hoạt động:
+ Ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng lãnh đạo cho phong trào công nhân và truyền bá học thuyết Mác, Quốc tế thứ nhất đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phong trào công nhân quốc tế phát triển.
+ Trong quá trình tồn tại, Quốc tế thứ nhất có sự phân hoá về tư tưởng và đường lối hoạt động. Năm 1876, Quốc tế thứ nhất tuyên bố giải tán.
Câu hỏi trang 46 Lịch Sử 8: Trình bày những nét chính về Công xã Pa-ri và nêu ý nghĩa lịch sử của việc thành lập nhà nước kiểu mới.
Trả lời:
– Sự ra đời của Công xã Pa-ri
+ Năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra và kết thúc với sự thất bại của Pháp. Quân Phổ bắt được Na-pô-lê-ông III, rồi tiến sâu vào nước Pháp. Trước tình hình đó, nhân dân Pa-ri nổi dậy khởi nghĩa, lật đổ Đế chế II, yêu cầu lập nền Cộng hòa và bảo vệ Tổ quốc được đặt ra cấp thiết.
+ Tháng 9/1870, Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản được thành lập, mang tên “Chính phủ vệ quốc” nhưng sau đó lại đầu hàng quân Phổ. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với giai cấp tư sản rất gay gắt => để bảo vệ đất nước, nhân dân Pa-ri đã tổ chức các đơn vị Quốc dân quân, tự vũ trang, đứng lên làm cách mạng.
+ Ngày 18/3/1871, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quốc dân quân, quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, “Chính phủ vệ quốc” do Chi-e đứng đầu phải tháo chạy khỏi Pa-ri. Cách mạng thắng lợi, Uỷ ban Trung ương Quốc dân quân đảm nhận chức năng của chính quyền mới – Chính phủ lâm thời.
+ Ngày 26/3/1871, nhân dân Pa-ri tiến hành bầu Hội đồng Công xã theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. 86 đại biểu đã trúng cử, hầu hết là công nhân và trí thức, đại diện cho nhân dân lao động Pa-ri.
– Tổ chức bộ máy nhà nước của Công xã Pa-ri:
+ Hội đồng Công xã là cơ quan nhà nước cao nhất, tập trung trong tay quyền lập pháp và hành pháp, đảm nhận chức năng chính quyền của giai cấp vô sản.
+ Hội đồng Công xã lập ra nhiều uỷ ban (Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Lương thực, Uỷ ban Giáo dục,…). Đứng đầu mỗi uỷ ban là một uỷ viên Công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn.
– Các chính sách của Công xã Pa-ri:
+ Giải tán quân đội và bộ máy cảnh sát của chế độ cũ, thành lập lực lượng vũ trang của nhân dân;
+ Tách nhà thờ ra khỏi hoạt động của Nhà nước;
+ Quy định mức tiền lương tối thiểu, cấm cúp phạt và đánh đập công nhân;
+ Thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc, miễn học phí;
+ Giao cho công nhân quản lí những nhà máy của giới chủ trốn khỏi Pa-ri…
– Sự thất bại của Công xã Pa-ri:
+ Do Công xã Pa-ri không đánh bại hoàn toàn quân của Chính phủ tư sản, chỉ tập trung xây dựng chính quyền, nên Chi-e đã tập hợp lại lực lượng và kết hợp với quân Phổ để tổ chức phản công.
+ Được sự hậu thuẫn của Phổ, ngày 2/4/1871, quân đội của “Chính phủ Vệ quốc” bắt đầu tấn công vào Pa-ri. Cuộc chiến đấu giữa nhân dân Pa-ri với “Chính phủ Vệ quốc” diễn ra ác liệt, đến ngày 28/5/1871, chiến luỹ cuối cùng của Công xã Pa-ri bị phá vỡ.
– Ý nghĩa lịch sử:
+ Giáng một đòn nặng nề vào chủ nghĩa tư bản, mở ra thời kì đấu tranh mới của giai cấp vô sản thế giới.
+ Sự ra đời của Công xã Pa-ri cùng những chính sách tiến bộ được thi hành cho thấy đây là hình ảnh nhà nước kiểu mới.
+ Công xã Pa-ri còn thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm; cổ vũ nhân dân lao động thế giới đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp; để lại nhiều bài học quý báu cho phong trào cách mạng thế giới.
Giải Lịch sử 8 trang 47
Câu hỏi trang 47 Lịch Sử 8: Trình bày những nét chính về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ 1871 đến đầu thế kỉ XX. Nêu sự ra đời và hoạt động của Quốc tế thứ hai.
Lời giải:
♦ Nét chính về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ 1871 đến đầu thế kỉ XX
– Trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, phong trào công nhân tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở các nước Âu – Mỹ. Tiêu biểu như:
+ Ngày 1/5/1886, khoảng 400.000 công nhân thành phố Chi-ca-gô (Mỹ) đình công, biểu tình, đòi giới chủ phải thực hiện yêu sách mỗi ngày làm việc không quá 8 giờ.
+ Năm 1889, công nhân khuân vác ở bến tàu Luân Đôn (Anh) bãi công với quy mô lớn.
+ Năm 1893, đại biểu công nhân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội,…
– Đầu thế kỉ XX, V.I. Lênin đã kế tục sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Ông chỉ ra những sai lầm của chủ nghĩa xét lại, vạch rõ tác hại của nó đối với giai cấp công nhân. Với những cống hiến của V.I. Lê nin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin.
♦ Sự ra đời và hoạt động của Quốc tế thứ hai:
– Sự ra đời: ngày 14/7/1889, tại Pa-ri (Pháp), Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế thứ hai) được thành lập.
– Hoạt động:
+ Từ năm 1889 đến năm 1895, dưới sự lãnh đạo của Ph. Ăng-ghen, Quốc tế thứ hai có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển phong trào công nhân quốc tế.
+ Sau khi Ph. Ăng-ghen qua đời (1895), các đảng trong Quốc tế thứ hai xa rời đường lối đấu tranh cách mạng, thỏa hiệp với giai cấp tư sản,…
+ Năm 1914, Quốc tế thứ hai phân hoá và tan rã.
Luyện tập & Vận dụng
Luyện tập 1 trang 47 Lịch Sử 8: Trình bày nguyên nhân dẫn đến các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản.
Lời giải:
– Do bị giới chủ áp bức bóc lột và phải làm việc cực nhọc, giai cấp công nhân đã đứng lên đấu tranh chống lại giai cấp tư sản dưới nhiều hình thức khác nhau, như: đập phá máy móc, đốt công xưởng; bãi công; mít ting; biểu tình,…
Luyện tập 2 trang 47 Lịch Sử 8: Lập bảng tóm tắt một số hoạt động tiêu biểu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Lời giải:
(*) Bảng tóm tắt: Một số sự kiện tiêu biểu trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX
Thời gian |
Sự kiện |
Tháng 9/1864 |
Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế thứ nhất) được thành lập. |
1871 |
Công xã Pa-ri ra đời ở Pháp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Công xã đã thất bại sau 72 ngày tồn tại. |
1875 |
Đảng xã hội Đức được thành lập |
1879 |
Đảng Công nhân Pháp được thành lập |
1883 |
Nhóm Giải phóng lao động Nga được thành lập. |
1/5/1886 |
Cuộc tổng bãi công của hơn 40 vạn công nhân thành phố Chicagô |
14/7/1889 |
Quốc tế thứ hai ra đời, thay thế cho Quốc tế thứ nhất. |
1893 |
Đại biểu công nhân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội. |
Đầu thế kỉ XX |
Chủ nghĩa Mác phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin. |
Vận dụng 3 trang 47 Lịch Sử 8: Sưu tầm một số mẩu chuyện về hoạt động của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lênin. Giới thiệu những mẩu chuyện đó với thầy cô và bạn học.
Lời giải:
(*) Tham khảo: câu chuyện về tình bạn vĩ đại của C. Mác và Ph. Ăng-ghen
Cuối tháng 11/1842, Ăng-ghen gặp C. Mác. Từ đó họ trao đổi thư từ với nhau, tình bạn giữa hai nhà lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản được bắt đầu và ngày càng thắm thiết. Sợi dây thắt chặt tình bạn của họ là cùng chung mục đích, lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng con người. Họ đã sát cánh bên nhau viết nên những công trình khoa học và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Tháng 8/1844, ở Pari, đánh dấu cho lần hợp tác lý luận đầu tiên giữa C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Cuộc gặp gỡ ở Pari không những đã xây dựng tình bạn của hai ông, mà bằng công việc của mình, các ông đã hỗ trợ nhau rất nhiều khiến thiên tài và trí tuệ của mỗi người bổ sung cho nhau một cách rất kỳ diệu.
Vì giành hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng, nên gia đình C. Mác gặp rất nhiều khó khăn túng thiếu trong cuộc sống. Những lúc ấy, Ăng-ghen luôn là người tận tình giúp đỡ Mác. Ngày 03/02/1845, Mác bị trục xuất khỏi Pari giữa lúc nguồn tài chính của gia đình cạn kiệt. Được tin, Ăng-ghen đã tất bật tìm cách quyên tiền từ các bạn bè, đồng chí để giúp gia đình C.Mác vượt qua hoạn nạn. Ông cũng đã cố tìm cách khéo léo để khỏi chạm tới lòng tự ái của C.Mác, thuyết phục ông nhận sự giúp đỡ nhỏ nhoi ấy. Từ đó trên con đường nghiên cứu khoa học và hoạt động đấu tranh cho sự ra đời và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản khoa học của C. Mác, Ăng-ghen luôn là người bạn, người đồng chí chung thủy, sắt son bên cạnh chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với Mác, bảo vệ và tôn trọng ông ngay cả khi C. Mác đã qua đời. Những năm tiếp theo, tiến sỹ Mác – nhà lý luận kinh tế lỗi lạc vẫn luôn ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hàng ngày. Để bạn hoàn thành sự nghiệp, Ăng-ghen đã cam chịu làm thư ký trong hãng buôn của cha mình (một công việc mà ông chán ghét) suốt 20 năm để lấy tiền giúp Mác.
Trong thời gian viết bộ Tư bản, trong tình cảnh rất khó khăn, Mác còn phải viết bài cho các báo để có tiền chi tiêu. Rất nhiều đêm, Ăng-ghen thức đến tận 2 giờ sáng viết bài thay Mác để đăng kịp các số báo mà Mác cộng tác. Những bài báo đó của Ăng-ghen luôn có nội dung khoa học sâu sắc, hấp dẫn đọc giả và đều mang tên C. Mác. Cũng vì để Mác có thời gian viết bộ Tư bản, nên tất cả gánh nặng của cuộc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác đều trút lên vai Ăng-ghen. Tiêu biểu là cuộc luận chiến chống Đuyrinh, trong các bài viết, Ăng-ghen đã phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và xã hội. Với nội dung khoa học sâu sắc, lý lẽ sắc bén, Ăng-ghen đã đập tan sự xuyên tạc, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác.
Năm 1883, những người cộng sản và công nhân thế giới phải chịu một tổn thất lớn lao, C.Mác – lãnh tụ thiên tài của họ đã từ trần. Bộ Tư bản – công trình khoa học đồ sộ nhất của Mác mới xuất bản được cuốn I, còn cuốn II và cuốn III đang ở dưới dạng bản thảo, khi Mác ra đi. Ăng-ghen vô cùng lo lắng trước số phận của cuốn sách. Ông đã dừng những công trình khoa học của mình để giành thời gian hiệu đính hai bản thảo bộ Tư bản cho Mác. Phải mất 10 năm Ăng-ghen lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già và bệnh tật, bộ Tư bản của Mác đã được xuất bản trọn vẹn. Trong công trình đồ sộ ấy, Ăng-ghen không chỉ hiệu đính, sửa chữa mà một số chương sau cùng là do ông viết.
Sau những cống hiến miệt mài, ngày 05/8/1895, trái tim lãnh tụ vô sản Ph.Ăng-ghen đã ngừng đập để tìm đến người bạn, người đồng chí tri kỉ của mình. Những lớp hậu thế trên khắp thế giới đã dựng tượng đài hai ông ở khắp nơi để tỏ lòng ngưỡng mộ về tình bạn và sự nghiệp cao quý của C. Mác và Ph.Ăng-ghen.
Xem thêm lời giải bài tập SGK Lịch sử lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 9: Các nước Âu – Mỹ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX
Bài 10: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác
Bài 11: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và cách mạng tháng mười Nga năm 1917
Bài 12: Sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX
Bài 13: Trung Quốc và Nhật Bản