Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Phần 1. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Câu 1. Tại sao cứ gần đến tết người ta lại thường thắp đèn vào những ruộng hoa cúc?
A. Vì hoa cúc là loài cây ra hoa trong điều kiện ánh sáng mạnh, ngày dài. Do vậy, người ta thắp đèn để kích thích quá trình nở hoa sớm; giúp tích trữ năng lượng để cây ra hoa đúng dịp tết, đảm bảo chất lượng hoa to và đẹp.
B. Vì hoa cúc là loài cây ra hoa trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày ngắn. Do vậy, người ta thắp đèn để ức chế quá trình nở hoa sớm; giúp tích trữ năng lượng để cây ra hoa đúng dịp tết, đảm bảo chất lượng hoa to và đẹp.
C. Vì hoa cúc là loài cây ra hoa trong điều kiện ánh sáng mạnh, ngày ngắn. Do vậy, người ta thắp đèn để ức chế quá trình nở hoa sớm; giúp tích trữ năng lượng để cây ra hoa đúng dịp tết, đảm bảo chất lượng hoa to và đẹp.
D. Vì hoa cúc là loài cây ra hoa trong điều kiện ánh sáng mạnh, ngày dài. Do vậy, người ta thắp đèn để ức chế quá trình nở hoa sớm; giúp tích trữ năng lượng để cây ra hoa đúng dịp tết, đảm bảo chất lượng hoa to và đẹp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Vì hoa cúc là loài cây ra hoa trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày ngắn. Do vậy, người ta thắp đèn để ức chế quá trình nở hoa sớm; giúp tích trữ năng lượng để cây ra hoa đúng dịp tết, đảm bảo chất lượng hoa to và đẹp.
Câu 2. Tại sao vào mùa đông, cây trồng lại ít bị sâu ăn lá hơn so với các mùa khác trong năm?
A. Vì các loài sâu ăn lá ngưng sinh sản vào mùa đông do thời gian chiếu sáng nhiều.
B. Vì các loài sâu ăn lá ngưng sinh sản vào mùa đông do nhiệt độ lạnh.
C. Vì các loài sâu ăn lá ngưng sinh sản vào mùa đông do độ ẩm thấp.
D. Vì các loài sâu ăn lá ngưng sinh sản vào mùa đông do thời gian chiếu sáng ít.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: D
Vì các loài sâu ăn lá ngưng sinh sản vào mùa đông do thời gian chiếu sáng ít nên vào mùa đông, cây trồng lại ít bị sâu ăn lá hơn so với các mùa khác trong năm.
Câu 3. Trong quá trình nuôi gà, để điều chỉnh quá trình sinh sản của gà làm tăng số lượng trứng. Người ta đã dùng biện pháp nào sau đây?
A. Tăng thời gian chiếu sáng.
B. Giảm thời gian chiếu sáng.
C. Tăng nhiệt độ.
D. Giảm nhiệt độ
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Trong quá trình nuôi gà, để điều chỉnh quá trình sinh sản của gà, tăng số lượng trứng bằng cách tăng thời gian chiếu sáng.
Câu 4. Cho ví dụ sau: Ở thực vật, cà chua phải đủ 14 lá mới ra hoa, cây chuối thì một năm mới bắt đầu ra hoa; có những loài ra hoa, kết quả liên tục như cây đậu cô ve, đu đủ,…
Ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố nào đến sinh sản ở thực vật.
A. Ánh sáng.
B. Nhiệt độ.
C. Độ tuổi sinh sản.
D. Hormone sinh dục.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: C
Ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố độ tuổi sinh sản đến sinh sản ở thực vật. Mỗi loài sẽ thực hiện quá trình sinh sản ở một độ tuổi sinh sản nhất định.
Câu 5. Mục đích thắp đèn vào ban đêm cho cây thanh long là
A. để thanh long ra nhiều hoa và tạo quả trái vụ.
B. để tăng khả năng sinh trưởng của cây thanh long.
C. để tăng khả năng chống chịu của cây thanh long.
D. để kéo dài thời gian sinh sản của cây thanh long.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Cây thanh long ra hoa kết quả trong điều kiện ánh sáng mạnh và thời gian chiếu sáng dài. Do đó, người ta thường thắp đèn vào ban đêm cho cây thanh long để cho thanh long ra nhiều hoa và tạo quả trái vụ.
Câu 6. Cho các dữ liệu sau:
Cột A |
Cột B |
1. Yếu tố bên ngoài |
a. Ánh sáng |
b. Đặc điểm của loài |
|
c. Nhiệt độ |
|
2. Yếu tố bên trong |
d. Hormone sinh sản |
e. Chất dinh dưỡng |
|
f. Nước |
Hãy ghép cột A với cột B sao cho hợp lý nhất.
A. 1-b,d và 2-a,c,e,f.
B. 1-a,c,e,f và 2-b,d.
C. 1-b,d,e và 2-a,c,f.
D. 1-a,c,e và 2-b,d,f.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Nhân tố bên trong gồm: Đặc điểm của loài và hormone sinh sản.
Nhân tố bên ngoài gồm: Ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng và nước.
Câu 7. Cho các thông tin sau: Các yếu tố môi trường bao gồm: ……………………. ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật như: ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả,… ở thực vật; mức sinh sản, tỉ lệ giới tính con sinh ra,… ở động vật.
Các yếu tố môi trường ở đây bao gồm
A. nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nước và chất dinh dưỡng.
B. nhiệt độ, ánh sáng, tuổi của loài, nước, độ ẩm.
C. nhiệt độ, ánh sáng, giới tính, nước, độ ẩm.
D. nhiệt độ, ánh sáng, giới tính, nước và chất dinh dưỡng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Các yếu tố môi trường bao gồm: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nước và chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật như: ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả,… ở thực vật; mức sinh sản, tỉ lệ giới tính con sinh ra,… ở động vật.
Tuổi của loài, giới tính là những yếu tố bên trong.
Câu 8. Khi nói đến ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sinh sản ở thực vật, hiện tượng gì thường sẽ xảy ra đối với cây lúa khi nhiệt độ quá thấp?
A. Cây lúa sẽ không sinh sản.
B. Cây lúa sinh sản nhưng hạt lúa bị lép.
C. Cây lúa sinh sản nhưng số lượng hạt ít.
D. Cây lúa sẽ sinh sản muộn hơn.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Khi nói đến ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sinh sản ở thực vật, hiện tượng xảy ra đối với cây lúa khi nhiệt độ quá thấp là cây lúa sinh sản nhưng hạt lúa bị lép.
Câu 9. Cho một số ví dụ sau:
Ví dụ 1: Cây hoa cúc không ra hoa khi nhiệt độ lớn hơn 30oC hoặc ra hoa chậm khi nhiệt độ dưới 12oC.
Ví dụ 2: Một số loài rùa ấp trứng có tỉ lệ con đực và con cái gần bằng nhau ở nhiệt độ 28,5oC, đa số là con đực nếu thấp hơn 25oC, đa số là con cái nếu trên 30oC.
Các ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố nào đến sinh sản ở sinh vật?
A. Ánh sáng.
B. Nhiệt độ.
C. Độ ẩm.
D. Chất dinh dưỡng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Ở ví dụ 1, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự ra hoa của hoa cúc. Ở ví dụ 2, nhiệt độ ảnh hưởng đến tỉ lệ đực/cái ở rùa. Như vậy, các ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố nhiệt độ đến sinh sản ở sinh vật.
Câu 10. Một số loài thực vật chỉ ra hoa sau khi trải qua nhiệt độ thấp của mùa đông. Nhóm thực vật nào dưới đây gồm những loài thực vật có đặc điểm trên?
A. Lúa mì, bắp cải, lúa mạch, rau cải.
B. Lúa mì, ngô, khoai, sắn, rau cải.
C. Ngô, khoai, sắn, rau cải, lúa mạch.
D. Ngô, khoai, sắn, rau cải, bắp cải.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Lúa mì, bắp cải, lúa mạch, rau cải là một số loài thực vật chỉ ra hoa sau khi trải qua nhiệt độ thấp của mùa đông.
Phần 2. Lý thuyết KHTN 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
I. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH SẢN Ở SINH VẬT
Yếu tố bên ngoài (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,…) và yếu tố bên trong (đặc điểm loài, hormone sinh sản) có ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
1. Các yếu tố môi trường
a. Nhiệt độ
– Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả,… ở thực vật và tỉ lệ giới tính, mức sinh sản ở động vật.
– Ví dụ:
+ Nhiệt độ ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cây hoa cúc: hoa cúc không ra hoa khi nhiệt độ lớn hơn 30oC hoặc ra hoa chậm khi nhiệt độ dưới 12oC.
+ Nhiệt độ ảnh hưởng đến tỉ lệ giới tính của rùa con: Ở nhiệt độ 28,5oC thì tỉ lệ con đực và cái xấp xỉ nhau; dưới 25oC thì đa số là con đực; trên 30oC thì đa số là con cái.
b. Ánh sáng
– Cường độ, thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến sự sinh sản ở sinh vật.
+ Ở thực vật có loài ra hoa ở điều kiện ánh sáng mạnh (thanh long, nhãn,..), có loài ra hoa ở điều kiện ánh sáng yếu (hoa cúc, hoa đào,…).
Cây nhãn ra hoa trong điều kiện ánh sáng mạnh
+ Ở động vật nếu tăng thời gian chiếu sáng thì gà có thể đẻ hai quả trứng một ngày.
Điều khiển thời gian chiếu sáng để tăng năng suất trứng của gà
c. Nước
– Nước, độ ẩm trong không khí ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
– Ví dụ:
+ Thiếu nước làm cho cây ra ít nụ, ít hoa hoặc không ra hoa như măng cụt, cà chua. Có loại cây lại ra hoa nhiều trong điều kiện khô cằn như hoa giấy,…
Hoa giấy ra hoa trong điều kiện khô cằn
+ Nước trong môi trường ảnh hưởng đến sự phát tán quả, hạt, bào tử của nhiều loài cây như rêu, dương xỉ, đước,…
Cây đước phát tán quả nhờ nước
+ Ở sâu non ăn lá lúa, cùng mức nhiệt độ là 25oC thì nếu độ ẩm cao (90%) thì tỉ lệ đẻ trứng là 100%. Và độ ẩm càng xuống thấp thì tỉ lệ đẻ trứng càng giảm.
Sâu non ăn lá lúa đẻ trứng khi độ ẩm cao
d. Chất dinh dưỡng
– Chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự sinh sản ở sinh vật.
+ Ở thực vật, chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự ra hoa, tỉ lệ hoa thụ phấn. Ví dụ: thiếu lân cây ra hoa muộn (xoài, táo, cúc,…), thiếu đạm thì hoa nhỏ (hoa cúc, hoa hồng,…), bón nhiều đạm cây chậm ra hoa, hạt lép (lúa,…),…
Lúa lép khi thiếu đạm
+ Ở động vật, thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình mang thai ở chó, lợn, trâu, bò,…; thiếu vitamin A, E,… giảm năng suất đẻ trứng ở gà,…
Thiếu Ca khiến vỏ trứng mỏng
2. Yếu tố bên trong
– Đặc điểm của loài ảnh hưởng đến độ tuổi sinh sản, số lần sinh sản ở sinh vật. Ví dụ:
+ Cà chua phải có đủ 14 lá mới ra hoa, cây chuối thì 1 năm mới bắt đầu ra hoa,…
Cây cà chua ra hoa khi có đủ 14 lá
+ Lợn đẻ lần đầu khi 10 – 12 tháng tuổi, đẻ 1 – 2 lứa/ năm, 5 – 6 con 1 lứa.
+ Mèo đẻ lần đầu khi 5 – 9 tháng tuổi, đẻ 3 – 4 lứa/năm, khoảng 3 con/lứa.
– Vai trò của hormone: Hormone là yếu tố tham gia điều hoà sinh sản ở sinh vật. Hormone điều hoà sự ra hoa, đậu quả ở thực vật. Ở động vật hormone sinh dục tác động lên quá trình hình thành tinh trùng, trứng và các đặc điểm giới tính của động vật.
II. ĐIỀU KHIỂN SINH SẢN Ở SINH VẬT
1. Điều chỉnh yếu tố môi trường
– Có thể điều chỉnh các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, chất dinh dưỡng để điều khiển sự sinh sản ở sinh vật.
– Ví dụ:
+ Ở thực vật, điều khiển thời gian ra hoa, số lượng hoa, khả năng đậu quả, sự chín của quả,…
Thắp đèn vào ban đêm ở vườn thanh long cho ra hoa trái vụ
+ Ở động vật, điều khiển số con, giới tính, tỉ lệ nở trứng,…
Bổ sung chất khoáng (từ vỏ trứng, ốc, hến,…) để vịt tăng tỉ lệ trứng đẻ
2. Sử dụng hormone nhân tạo
– Vai trò của hormone nhân tạo trong điều khiển sinh sản ở sinh vật:
+ Ở thực vật sử dụng các loại hormone khác nhau điều khiển sinh sản như: làm cho cây ra rễ nhanh khi giâm cành, chiết cành, làm cây ra hoa sớm, ra nhiều hoa (cây vải, nhãn,…) điều khiển tỉ lệ hoa đực, hoa cái (cây bầu, cây bí,..), làm tăng số quả, khối lượng quả (cây táo, lê, hồng,..), điều khiển ra hoa trái vụ, làm cây tạo quả không hạt,…
Sử dụng thuốc kích thích ra rễ để cây trồng phát triển toàn diện
+ Ở động vật thì sử dụng các loại hormone điều khiển số lượng trứng, số con (kích thích sinh sản ở cá ba sa, ếch…), ở một số loài tiêm hormone để kích thích sự chín và rụng trứng để đẻ được nhiều con trong một lứa đẻ.
Tiêm hormone kích trứng chín hàng loạt ở cá rô phi
– Lưu ý khi sử dụng hormone nhân tạo: Khi sử dụng các chất kích thích điều khiển sinh sản ở cây trồng, vật nuôi cần đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài tập Chủ đề 9, 10, 11, 12