Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
Bài 22.1 trang 58 SBT Khoa học tự nhiên 7: Chất nào sau đây là sản phẩm của quá trình hình trao đổi chất được động vật thải ra môi trường?
A. Oxygen.
B. Carbon dioxide.
C. Chất dinh dưỡng.
D. Vitamin.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
– Carbon dioxide là sản phẩm của quá trình hình trao đổi chất được động vật thải ra môi trường.
– Oxygen, chất dinh dưỡng, vitamin là những chất được động vật lấy vào trong quá trình trao đổi chất.
Bài 22.2 trang 58 SBT Khoa học tự nhiên 7: Trong quá trình quang hợp, cây xanh chuyển hóa năng lượng ánh sáng mặt trời thành dạng năng lượng nào sau đây?
A. Cơ năng.
B. Quang năng.
C. Hóa năng.
D. Nhiệt năng.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Quang hợp là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ nhờ năng lượng ánh sáng → Trong quá trình quang hợp, cây xanh chuyển hóa năng lượng ánh sáng mặt trời thành dạng năng lượng là hóa năng (năng lượng được tích lũy trong các hợp chất hữu cơ).
Bài 22.3 trang 58 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nguồn năng lượng cơ thể sinh vật giải phóng ra ngoài môi trường dưới dạng nào là chủ yếu?
A. Cơ năng.
B. Động năng.
C. Hóa năng.
D. Nhiệt năng.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Nguồn năng lượng cơ thể sinh vật giải phóng ra ngoài môi trường dưới dạng chủ yếu là nhiệt năng.
Bài 22.4 trang 58 SBT Khoa học tự nhiên 7: Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể?
A. Tạo ra nguồn nguyên liệu cấu tạo nên tế bào và cơ thể.
B. Sinh ra nhiệt để giải phóng ra ngoài môi trường.
C. Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào.
D. Tạo ra các sản phẩm tham gia hoạt động chức năng của tế bào.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
– Vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể là:
+ Tạo ra nguồn nguyên liệu cấu tạo nên tế bào và cơ thể. Ví dụ: Protein là thành phần cấu tạo nên màng sinh chất,…
+ Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào. Ví dụ: Quá trình phân giải đường glucose trong hô hấp tế bào tạo ra năng lượng được tích trữ trong ATP và cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.
+ Tạo ra các sản phẩm tham gia hoạt động chức năng của tế bào. Ví dụ: diệp lục tham gia quá trình quang hợp,…
– Sinh ra nhiệt để giải phóng ra ngoài môi trường không phải là vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Việc sinh ra nhiệt có tác dụng giúp duy trì thân nhiệt của cơ thể.
Bài 22.5 trang 58 SBT Khoa học tự nhiên 7: Có bao nhiêu phát biểu đúng khi nói về quá trình trao đổi chất ở sinh vật?
(1) Chuyển hóa các chất ở tế bào được thực hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất.
(2) Chuyển hóa các chất luôn đi kèm với giải phóng năng lượng.
(3) Trao đổi chất ở sinh vật gồm quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
(4) Tập hợp tất cả các phản ứng diễn ra trong và ngoài cơ thể được gọi là quá trình trao đổi chất.
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
(1) Đúng. Chuyển hóa các chất ở tế bào là tập hợp tất cả các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào, được thực hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất.
(2) Sai. Chuyển hóa các chất luôn đi kèm với chuyển hóa năng lượng (có thể là tích lũy hoặc giải phóng năng lượng).
(3) Đúng. Trao đổi chất ở sinh vật gồm quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
(4) Sai. Tập hợp tất cả các phản ứng diễn ra trong tế bào được gọi là quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào.
Bài 22.6 trang 59 SBT Khoa học tự nhiên 7: Chất nào sau đây không được dùng làm nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào?
A. Carbon dioxide.
B. Oxygen.
C. Nhiệt.
D. Tinh bột.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
– Nhiệt không được dùng làm nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào.
– Carbon dioxide, oxygen, tinh bột đều là những chất có thể được dùng làm nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào. Ví dụ, oxygen và tinh bột được sử dụng làm nguyên liệu trong quá trình hô hấp tế bào; carbon dioxide được sử dụng làm nguyên liệu trong quá trình quang hợp.
Bài 22.7 trang 59 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy hoàn thành chú thích trong hình bên về quá trình trao đổi chất ở thực vật.
Lời giải:
Hoàn thành chú thích trong hình trên về quá trình trao đổi chất ở thực vật:
(1) Carbon dioxide (hoặc oxygen)
(2) Oxygen (hoặc carbon dioxide), hơi nước
(3) Chuyển hóa vật chất và năng lượng
(4) Nước và muối khoáng
Bài 22.8 trang 59 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy nối vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng đối với cơ thể sinh vật ở cột A và ví dụ ở cột B sao cho phù hợp.
Lời giải:
1 – A, D; 2 – B, C
– Quá trình tổng hợp protein, quá trình tổng hợp diệp lục có vai trò cung cấp nguyên liệu cho cơ thể.
– Quá trình phân giải lipid, quang năng được chuyển thành hóa năng trong quang hợp có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể.
– Hóa năng được chuyển hóa thành nhiệt năng trong hô hấp tế bào có vai trò duy trì nhiệt độ của cơ thể.
Bài 22.9 trang 59 SBT Khoa học tự nhiên 7: Tại sao một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể?
Lời giải:
Một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể vì: Việc ăn kiêng sẽ làm giảm hàm lượng các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể → Cơ thể thiếu nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa các chất → Giảm tốc độ quá trình trao đổi chất.
Bài 22.10 trang 59 SBT Khoa học tự nhiên 7: Em hãy dự đoán những quá trình chuyển hóa năng lượng nào diễn ra khi một con báo đang chạy, biết trong tế bào tồn tại nhiều dạng năng lượng khác nhau như cơ năng, nhiệt năng, hóa năng. Giải thích.
Lời giải:
Dự đoán những quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra khi một con báo đang chạy:
– Hóa năng → Cơ năng: Do quá trình phân giải chất hữu cơ để cung cấp năng lượng cho sự co dãn của các cơ trong cơ thể báo, tạo ra sự vận động chạy của con báo.
– Hóa năng → Nhiệt năng: Quá trình trao đổi chất tăng làm lượng nhiệt giải phóng ra môi trường tăng.
Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 21: Nam châm điện
Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
Bài 23: Quang hợp ở thực vật
Bài 24: Thực hành chứng minh quang hợp ở cây xanh
Bài 25: Hô hấp tế bào