Địa lí lớp 7 Bài 11: Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Phi
Video giải Địa lí 7 Bài 11: Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Phi – Chân trời sáng tạo
A. Lý thuyết Địa lí 7 Bài 11: Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Phi
1. Khai thác và sử dụng thiên nhiên
a. Hoạt động khai thác thiên nhiên ở môi trường xích đạo
– Điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người đã sử dụng đất trồng cây công nghiệp quy mô lớn như cọ dầu, ca cao, cao su và cây lương thực như lúa nước, ngô.
– Các quốc gia cũng khai thác khoáng sản như dầu mỏ, bô-xít.
– Các thách thức lớn do diện tích rừng suy giảm đang ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác thiên nhiên.
b. Hoạt động khai thác thiên nhiên ở môi trường nhiệt đới
– Môi trường nhiệt đới có hệ động vật và thực vật đặc trưng do đó nhiều quốc gia đã thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ đa dạng sinh học và thu hút khách du lịch. Một số mỏ khoáng sản có giá trị như vàng, đồng…đang được khai thác.
– Khu vực Đông Nam châu Phi với lượng ẩm tương đối lớn đang được khai thác để trồng cây công nghiệp (cà phê, chè) cây ăn quả xuất khẩu.
Trồng Cà phê ở Đông Phi
– Ở vùng ven sa mạc, người dân tham gia các dự án trồng rừng ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa.
– Khu vực xavan Nam Xahara, các loại cây trồng như lạc, bông và vật nuôi dê, cừu…được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên.
– Những khó khăn ở môi trường này là thái hóa đất và nguồn nước hạn chế.
c. Hoạt động khai thác thiên nhiên ở môi trường hoang mạc
– Hoạt động khai thác thiên nhiên ở đây diễn ra không thuận lợi.
– Các quốc gia ứng dụng công nghệ để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để khai thác dầu mỏ, khí tự nhiên, thành lập các trang trại ở các ốc đảo, xây dựng các nhà máy điện mặt trời, các hoạt động du lịch, thể thao…
Khai thác dầu mở ở sa mạc
d. Hoạt động khai thác thiên nhiên ở môi trường cận nhiệt
– Ven Địa Trung Hải có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển các loại cây trồng cận nhiệt như lúa mì, nho, oliu…và chăn nuôi cừu.
– Các hoạt động du lịch cũng được phát triển mạnh.
– Khai thác khoáng sản cũng diễn ra khá mạnh với khai thác dầu khí ở phía Bắc và vàng, kim cương ở phía Nam.
– Trong bối cảnh biến đổi khí hậu môi trường này dang bị đe dọa bởi hiện tượng hoang mạc hóa.
2. Vấn đề môi trường trong sử dụng thiên nhiên ở châu Phi
– Châu Phi nổi tiếng với các loài động vật hoang dã. Nạn săn trộn và mua bán bất hợp lý các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác…làm cho số lượng các loài động vật hoang dã suy giảm. Đây chính là vấn đề nan giải của châu Phi trong việc bảo vệ thiên nhiên.
– Các quốc gia châu Phi đã và đang thực thi nhiều chính sách bảo vệ động vật hoang dã như:
+ Thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển để bảo vệ các loài động vật quý hiếm.
+ Săn bắn động vật trong danh mục cấp phép với số lượng giới hạn, có quy định rất nghiêm trong việc mua bán, săn bắn động vật hoang dã.
Vườn quốc gia ở Kê-ni-a
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 7 Bài 11: Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Phi
Câu 1. Khoáng sản có giá trị đang được khai thác ở môi trường nhiệt đới là?
A. Dầu mỏ, sắt.
B. Vàng, khí tự nhiên.
C. Vàng, đồng.
D. Đồng, than đá.
Đáp án: C
Giải thích:
Một số mỏ khoáng sản có giá trị như vàng, đồng… đang được khai thác. (SGK – trang 136).
Câu 2. Khu vực Đông Nam châu Phi được khai thác để?
A. Trồng cây ăn quả.
B. Trồng cây công nghiệp quy mô lớn.
C. Trồng cây thực phẩm.
D. Trồng cây công nghiệp, cây ăn quả xuất khẩu.
Đáp án: D
Giải thích:
Khu vực Đông Nam châu Phi với lượng ẩm tương đối lớn, đang đuộc khai thác để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả xuất khẩu… (SGK – trang 136).
Câu 3. Các dự án trồng rừng ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa được thực hiện ở?
A. Vùng ven biển.
B. Vùng trung tâm.
C. Vùng ven sa mạc.
D. Vùng cao nguyên.
Đáp án: C
Giải thích:
Ở các vùng ven sa mạc, các dự án trồng rừng ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa. (SGK – trang 136).
Câu 4. Công nghệ tưới và công nghệ nhà kính được dùng để?
A. Khai thác và xuất khẩu khoáng sản.
B. Chế biến thực phẩm.
C. Luyện kim.
D. Thành lập các trang trại ở ốc đảo.
Đáp án: D
Giải thích:
Công nghệ tưới và công nghệ nhà kính được dùng để thành lập các trang trại ở ốc đảo (SGK – trang 137).
Câu 5. Những khó khăn đáng kể của người dân sinh sống ở môi trường nhiệt đới là?
A. Ô nhiễm không khí.
B. Thoái hóa đất và nguồn nước hạn chế.
C. Ô nhiễm nguồn nước.
D. Hạn hán.
Đáp án: B
Giải thích:
Thoái hóa đất và nguồn nước hạn chế là những khó khăn đáng kể cho người dân sinh sống ở môi trường nhiệt đới… (SGK-trang 136).
Câu 6. Đất trồng ở môi trường xích đạo được sử dụng để?
A. Trồng cây ăn quả.
B. Trồng cây công nghiệp quy mô lớn.
C. Trồng cây thực phẩm.
D. Trồng rau.
Đáp án: B
Giải thích:
Con người sử dụng đất để trồng cây công nghiệp quy mô lớn… (SGK trang 136).
Câu 7. Khoáng sản nào được khai thác ở môi trường xích đạo?
A. Dầu mỏ, sắt.
B. Dầu mỏ, khí tự nhiên.
C. Dầu mỏ, bô-xit.
D. Dầu mỏ, than đá.
Đáp án: C
Giải thích:
Khai thác khoáng sản như dầu mỏ, bô-xit… (SGK trang 136).
Câu 8. Những thách thức mà con người phải đối mặt ở môi trường xích đạo là?
A. Diện tích rừng bị suy giảm, xói mòn đất.
B. Ô nhiễm không khí.
C. Ô nhiễm nguồn nước.
D. Sạt lở đất.
Đáp án: A
Giải thích:
Người dân nơi đây đang phải đối mặt với những thách thức do diện tích rừng bị suy giảm, đất đai xói mòn… (SGK – trang 136).
Câu 9. Các khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập ở môi trường?
A. Xích đạo.
B. Nhiệt đới.
C. Cận nhiệt.
D. Cận xích đạo.
Đáp án: B
Giải thích:
Môi trường nhiệt đới có hệ động thực vật đặc trưng, do đó nhiều quốc gia đã tận dụng ưu thế này để thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên… (SGK – trang 136).
Câu 10. Các khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập nhằm mục đích?
A. Bảo vệ đa dạng sinh học, thu hút khách du lịch.
B. Bảo vệ rừng.
C. Làm nương rẫy.
D. Trồng cây ăn quả.
Đáp án: A
Giải thích:
Các khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, thu hút khách du lịch. (SGK – trang 136).
Câu 11. Lúa mì, nho, ô liu được trồng ở môi trường tự nhiên nào?
A. Xích đạo.
B. Nhiệt đới.
C. Cận nhiệt.
D. Cận xích đạo.
Đáp án: C
Giải thích:
Ở khu vực ven Địa Trung Hải…phát triển các cây trồng cận nhiệt như: lúa mì, nho, ô liu… (SGK-trang 137).
Câu 12. Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng được phát triển mạnh với các trung tâm du lịch nổi tiếng ở môi trường cận nhiệt như?
A. Cai-rô.
B. Cai-rô, Xa-ha-ra
C. Cai-rô, Kêp-tao.
D. Cai-rô, La-ha-ba-na.
Đáp án: C
Giải thích:
Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng được phát triển mạnh với các trung tâm du lịch nổi tiếng như Cai-rô, Kêp-tao… (SGK – trang 137).
Câu 13. Các giải thể thao như đua xe trên hoang mạc, tổ chức các hoạt động du lịch khám phá là hoạt động kinh tế ở môi trường?
A. Xích đạo.
B. Nhiệt đới.
C. Cận nhiệt.
D. Hoang mạc.
Đáp án: D
Giải thích:
Với hoang mạc … các giải thể thao như đua xe trên hoang mạc, tổ chức các hoạt động du lịch khám phá,… (SGK – trang 137).
Câu 14. Nguyên nhân làm cho số lượng các loài động vật hoang dã ở châu Phi suy giảm đáng kể?
A. Biến đổi khí hậu.
B. Nạn săn trộm.
C. Trái đất nóng lên.
D. Rừng bị tàn phá.
Đáp án: B
Giải thích:
Nạn săn trộm và … làm cho số lượng các loài động vật hoang dã ở châu Phi suy giảm đáng kể. (SGK – trang 138).
Câu 15. Tính đến năm 2020, châu Phi có bao nhiêu vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên?
A. 220.
B. 219.
C. 218.
D. 217.
Đáp án: C
Giải thích:
Tính đến năm 2020, châu Phi có 218 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên (SGK – trang 138).
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Địa lí 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 10: Dân cư, xã hội Châu Phi
Bài 13: Phát kiến ra châu Mỹ, vị trí địa lí và phạm vi châu Mỹ
Bài 14: Thiên nhiên và dân cư, xã hội Bắc Mỹ
Bài 15: Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững, một số trung tâm kinh tế của Bắc Mỹ