Địa lí lớp 7 Bài 9: Thiên nhiên Châu Phi
Video giải Địa lí 7 Bài 9: Thiên nhiên châu Phi – Chân trời sáng tạo
A. Lý thuyết Địa lí 7 Bài 9: Thiên nhiên Châu Phi
1. Vị trí địa lý, hình dạng và kích thước châu Phi
Bản đồ tự nhiên của châu Phi
– Phần lớn lãnh thổ châu Phi thuộc môi trường đới nóng,
– Châu Phi có dạng hình khối, đường bờ biển châu Phi ít bị cắt xẻ, ít các vịnh biển, bán đảo và đảo.
– Diện tích châu Phi khoảng 30 triệu km2 (đứng thứ 3 trên thế giới)
– Giới hạn:
+ Phía Bắc giáp với biển Địa Trung Hải
+ Phía Tây giáp với Đại Tây Dương
+ Phía Nam giáp với Ấn Độ Dương
+ Phía Đông Bắc giáp với Biển Đỏ và bán đảo Xinai
– Kênh đào Xuy-ê nối liền Biển Đỏ và Địa Trung Hải
2. Đặc điểm tự nhiên
a. Địa hình và khoáng sản
– Chủ yếu là núi và cao nguyên (cao trung bình 750 m), có các bồn địa xen kẽ các sơn nguyên.
– Địa hình châu Phi thấp dần từ Đông Nam lên Tây Bắc.
– Đồng bằng thấp ở ven biển, ít núi cao.
– Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, kim cương, sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên, u-ra-ni-um, mangan…Nhiều khoáng sản quý và có trữ lượng lớn hàng đầu thế giới. Khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở một số quốc gia châu Phi.
b. Khí hậu
– Châu Phi là châu lục có nhiệt độ trung bình cao nhất thế giới, phần lớn lãnh thổ nằm trong các đới nóng:
+ Đới khí hậu xích đạo: nhiệt độ trung bình năm cao, khoảng 250C, mưa quanh năm, lượng mưa lớn
+ Đới khi hậu cận xích đạo: nhiệt độ trung bình năm trên 200C, lượng mưa khá lớn, càng về hai chí tuyến lượng mưa càng giảm và thời gian khô hạn càng tăng
+ Đới khí hậu nhiệt đới: mang tích chật lục địa rất nóng, khô thay đổi theo mùa trong năm. Nhiều nơi ở các hoang mạc, nhiệt độ trung bình mùa hè trên 400C, lượng mưa dưới 25mm/năm, có nơi không có mưa.
+ Đới khí hậu cận nhiệt: nhiệt độ chênh lệch giữa mùa đông và mùa hạ khá lớn, lượng mưa trung bình khoảng 500mm/năm, số ngày mưa ít.
c. Sông và hồ
– Châu Phi có mạng lưới sông ngòi phân bố không đều. Nguồn nước cung cấp chủ yếu là nước mưa nên chế độ nước phụ thuộc vào chế độ mưa. Ở các hoang mạc sông chỉ có dòng chảy vào mùa mưa. Ở bồn địa Công-gô và phía bắc vịnh Ghi-nê mưa nhiều nên mạng lưới sông ngòi dày đặc, lượng mưa lớn.
– Các sông lớn: Công-gô, Nin, Dăm-be-di, Ni-giê…Các sông lớn ở châu Phi phần lớn đổ nước vào các biển và vịnh biển thuộc Đai Tây Dương.
– Các hồ lớn của châu Phi phân bố chủ yếu ở Đông Phi. Hồ Vic-to-ri-a, Tan-ga-ni-ca, Ma-la-uy là những hồ có diện tích lớn trên thế giới.
Hồ Victoria – Viên ngọc của châu Phi
d. Các môi trường tự nhiên
– Ngoài môi trường cận nhiệt đới thuộc đới ôn hòa, phần lớn thiên nhiên châu Phi thuộc đới nóng.
+ Môi trường xích đạo: gồm bồn địa Công-gô và phía bắc vịnh Ghi-nê. Giới sinh vật phong phú đặc trưng là rừng thường xanh. Sông ngòi dày đặc nhiều nước quanh năm. Đất đai màu mỡ.
+ Môi trường nhiệt đới: phân bố 2 bên môi trường xích đạo. Càng về chí tuyến thảm thực vật chuyển từ rừng sang đồng cỏ cao và cây bụi gai. Nước sông thay đổi theo mùa. Đất đỏ vàng là chủ yếu.
+ Môi trường hoang mạc: chiếm diện tích lớn nhất, phân bố chủ yếu ở chí tuyến. Thảm thực vật, sông ngòi kém phát triển.
+ Môi trường cận nhiệt: chiếm 1 phần nhỏ ở phía bắc và phía nam Phi. Thực vật là rừng lá cứng để hạn chế thoát hơi nước. Mạng lưới sông ít phát triển.
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 7 Bài 9: Thiên nhiên Châu Phi
Câu 1. Hoang mạc Xa-ha-ra phân bố ở?
A. Nam Phi.
B. Bắc Phi.
C. Trung Phi.
D. Tây Nam Châu Phi.
Đáp án: B
Giải thích:
Hoang mạc Xa-ha-ra nằm ở Bắc Phi (lược đồ hình 9.1 Bản đồ tự nhiên châu Phi- SGK trang 128).
Câu 2. Phía đông Châu Phi tiếp giáp với đại dương nào?
A. Ấn Độ Dương.
B. Thái Bình Dương.
C. Đại Tây Dương.
D. Bắc Băng Dương.
Đáp án: A
Giải thích:
Châu Phi được bao bọc bởi Ấn Độ Dương ở phía đông… (SGK – trang 129).
Câu 3. Nhận định nào sau đây không đúng với tài nguyên khoáng sản của châu Phi?
A. Khoáng sản rất phong phú và đa dạng.
B. Khoáng sản rất ít.
C. Nhiều loại có trữ lượng lớn.
D. Phân bố chủ yếu ở phía bắc và phía nam lục địa.
Đáp án: B
Giải thích:
Khoáng sản: châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản nên nói “khoáng sản rất ít” là không đúng (SGK – trang 129).
Câu 4. Đặc điểm khí hậu Châu Phi?
A. Mát mẻ, chia làm bốn mùa rõ rệt.
B. Nóng, ẩm, mưa nhiều.
C. Khô và lạnh.
D. Khô, nóng bậc nhất thế giới.
Đáp án: D
Giải thích:
Châu Phi là châu lục có nhiệt độ trung bình cao nhất thế giới, phần lớn lãnh thổ nằm trong các đới nóng. (SGK – trang 130).
Câu 5. Nhiệt độ trung bình năm cao, khoảng 250C, mưa quanh năm, lượng mưa lớn, có nơi đạt 3000mm/năm … là đặc điểm của đới khí hậu nào của châu Phi?
A. Cận nhiệt.
B. Cận xích đạo.
C. Xích đạo.
D. Nhiệt đới.
Đáp án: C
Giải thích:
Khí hậu xích đạo: nhiệt độ trung bình năm cao, khoảng 250C, mưa quanh năm, lượng mưa lớn, có nơi đạt 3000mm/năm… (SGK-trang 130).
Câu 6. Châu lục nào có vị trí địa lí nằm ở cả bán cầu Bắc và bán cầu nam, bán cầu Đông và bán cầu Tây?
A. Châu Phi.
B. Châu Âu.
C. Châu Á.
D. Châu Mỹ.
Đáp án: A
Giải thích:
Châu Phi nằm ở cả bán cầu Bắc và bán cầu nam, bán cầu Đông và bán cầu Tây(SGK – trang 129).
Câu 7. Phần lớn lãnh thổ châu Phi nằm giữa?
A. Xích đạo.
B. Chí tuyến bắc và chí tuyến nam.
C. Vòng cực Bắc.
D. Vòng cực Nam.
Đáp án: B
Giải thích:
Phần lớn lãnh thổ nằm giữa chí tuyến bắc và chí tuyến nam (SGK – trang 129).
Câu 8. Kênh đào Xuy-ê nối những biển nào?
A. Biển Đỏ với bán đảo Xi-nai.
B. Biển Đỏ với biển Địa Trung Hải.
C. Địa Trung Hải với biển Ban-tich.
D. Địa Trung Hải với vịnh Ghi-nê.
Đáp án: B
Giải thích:
… người ta đã đào một kênh nối biển Đỏ với biển Địa Trung Hải, đó là kênh Xuy-ê (SGK – trang 129).
Câu 9. Địa hình bề mặt châu Phi có đặc điểm là?
A. Cắt xẻ mạnh.
B. Có nhiều núi cao, sông sâu.
C. Chủ yếu là núi cao.
D. Địa hình bề mặt khá bằng phẳng.
Đáp án: D
Giải thích:
Châu Phi có địa hình bề mặt khá bằng phẳng (SGK – trang 129).
Câu 10. Châu lục nào có những hoang mạc rộng lớn và rất khô hạn như Xa-ha-ra, Na-mip…?
A. Châu Phi.
B. Châu Âu.
C. Châu Á.
D. Châu Mỹ.
Đáp án: A
Giải thích:
Châu Phi có những hoang mạc rộng lớn và rất khô hạn như Xa-ha-ra, Na-mip… (SGK – trang 129).
Câu 11. Các loại khoáng sản kim loại quý như vàng, kim cương phân bố ở khu vực nào của châu Phi?
A. Bắc Phi.
B. Đông Phi.
C. Nam Phi.
D. Tây Phi.
Đáp án: C
Giải thích:
Các loại khoáng sản kim loại quý như vàng, kim cương phân bố chủ yếu ở Nam Phi (SGK-trang 129).
Câu 12. Khí hậu nhiệt đới ở châu Phi có đặc điểm?
A. Rất khô và nóng.
B. Rất khô và lạnh.
C. Rất nóng và ẩm.
D. Rất lạnh và ẩm.
Đáp án: A
Giải thích:
Khí hậu nhiệt đới ở châu Phi mang tính chất lục địa, rất nóng, khô… (SGK – trang 130).
Câu 13. Các môi trường tự nhiên châu Phi nằm đối xứng qua xích đạo là do?
A. Khí hậu nóng, thời tiết ổn định.
B. Cấu trúc địa hình tương đối đơn giản.
C. Biển và địa đương bao bọc xung quanh.
D. Đường xích đạo đi qua gần chính giữa lãnh thổ châu lục.
Đáp án: D
Giải thích:
Xích đạo chạy qua gần chính giữa chia lục địa Phi thành hai phần khá cân xứng (Hình 9.2. Bản đồ tự nhiên châu Phi – SGK – trang 130).
Câu 14. Sông nào sau đây là con sông nổi tiếng ở châu Phi?
A. Sông Von-ga.
B. Sông Nin.
C. Sông Mê-công.
D. Sông Ô-bi.
Đáp án: B
Giải thích:
Châu Phi có một số hệ thống sông lớn: Công-gô, Nin… (SGK – trang 131).
Câu 15. Chiếm diện tích lớn nhất, phân bố chủ yếu ở khu vực chí tuyến. Thảm thực vật, sông ngòi kém phát triển là đặc điểm của môi trường tự nhiên nào ở châu Phi?
A. Xích đạo.
B. Nhiệt đới.
C. Hoang mạc.
D. Cận nhiệt.
Đáp án: C
Giải thích:
Môi trường hoang mạc chiếm diện tích lớn nhất, phân bố chủ yếu ở khu vực chí tuyến. Thảm thực vật, sông ngòi kém phát triển. (SGK – trang 131).
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Địa lí 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 7: Bản đồ chính trị của châu Á. Các khu vực của châu Á
Bài 10: Dân cư, xã hội Châu Phi
Bài 11: Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Phi
Bài 13: Phát kiến ra châu Mỹ, vị trí địa lí và phạm vi châu Mỹ