Giải SBT Ngữ văn lớp 7 Bài 8: Nét đẹp văn hóa Việt
Câu 1 trang 32 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nối thông tin (cột A) với thông tin tương ứng (cột B) để xác định cấu trúc của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.
A (Cụm từ) |
B (Nội dung giải thích) |
|
1. Phần 1 |
a. Trình bày các bước cần thực hiện: đối với trò chơi đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động. |
|
2. Phần 2 |
b. Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình). |
|
3. Phần 3 |
c. Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động. |
Trả lời:
Các em nối như sau: 1 – b, 2 – c, 3 – a
Câu 2 trang 32 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày một số đặc điểm về hình thức của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.
Trả lời:
Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần:
Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình).
Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động.
Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động.
Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện.
Về đặc điểm hình thức loại văn bản này thưởng sử dụng các con số (1,2,3,…), từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng, …) hoặc chỉ thứ tự (thứ nhất, thứ hai,…) để giới thiệu trình tự thực hiện, dùng từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan, sử dụng câu nhiều động từ để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ chỉ dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ xưng hô ngôi thứ hai (ví dụ bạn,…) để chỉ người đọc.
Câu 3 trang 32 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Trò chơi cướp cờ trong SGK Ngữ văn 7, tập hai, (tr.45 – 46) và trả lời các câu hỏi sau:
a. Cấu trúc của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động được thể hiện như thế nào trong văn bản?
b. Xác định đặc điểm hình thức của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động được thể hiện trong đoạn văn sau:
Tiếp theo, trọng tài điều khiển cuộc chơi đứng giữa sân, hô to số thứ tự nào thì người chơi có số thứ tự đó của mỗi đội cùng chạy thật nhanh lên vị trí cắm cây cờ ở giữa sân, lừa thế xô qua, đẩy lại để tìm cách giật cho được cây cờ. Người chơi nào cướp được cây cờ thì chạy nhanh về đội mình, còn người của đội kia sẽ tìm cách chặn để cướp lại cây cờ bằng cách đập (vỗ) vào người chạy cầm cờ. Người cầm cờ bị đập (vỗ) phải bỏ cờ xuống đất và người kia cướp cây cờ chạy về đội của mình. Cuộc rượt đuổi cứ thế tiếp tục, cho đến khi người chơi nào về đến đội của mình với cây cờ trên tay là thắng cuộc và được tính điểm.
Trả lời:
a. Cấu trúc của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động được thể hiện trong văn bản.
– Phần a: giới thiệu mục đích của trò chơi hay hoạt động.
– Phần b: trình bày những thứ cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động.
– Phần c: trình bày cách thức thực hiện trò chơi hay hoạt động.
b. Đặc điểm hình thức của văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động được thể hiện trong đoạn văn.
– Từ ngữ chỉ thời gian: tiếp theo.
– Từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động: chạy thật nhanh
– Thuật ngữ: trọng tài
– Câu chứa nhiều động từ:
Ví dụ: Người chơi nào cướp được cây cờ thì chạy thật nhanh về đội của mình, còn người của đội kia sẽ tìm cách chặn để cướp lại cây cơ bằng cách đập (vỗ) vào người chạy cầm cờ.
Câu 4 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Cách gọt của hoa thủy tiên trong SGK Ngữ văn 7, tập hai (tr. 47 – 51) và trả lời các câu hỏi sau:
a. Vì sao người chơi thủy tiên nên gọt tỉa củ hoa?
b. Em hiểu như thế nào về câu nói của nghệ nhân Nguyễn Phú Cường ở cuối văn bản: “cái đẹp nhất của thủy tiên, chính là cái đẹp khi người ta chăm hoa, để rồi rèn tâm tính của chính mình”?
c. Xác định tác dụng của (các) biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau:
Tầm dáng hoa cao hay thấp, phải tạo nên một bố cục tổng thể hài hòa mới đẹp. Và yêu cầu quan trọng là bông hoa không được ngửa lên. Giò hoa vươn lên, nhưng bông hoa phải hơi cúi xuống, như thiếu nữ dẫu đẹp kiêu sa, vẫn phải có nét e lệ. Đấy mới là cái đẹp Á Đông. Nếu bông hoa nghểnh mặt lên thì lại hóa ra kênh kiệu. Cái lí của người chơi hoa thủy tiên là thế.
d. Xác định các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn sau:
(1) Bát thủy tiên được coi là đẹp, nếu đạt được “ngũ phẩm”: đẹp hoa, đẹp lá, đẹp rễ, đẹp thân và tổng thể dáng thế hài hòa. (2) Vì vậy, gọt xong rồi, hằng ngày phải chỉnh lá, chỉnh hoa sao cho tạo nên bố cục đẹp. (3) Nếu muốn chỉnh lá, phải đợi thời điểm dễ “nắn” nhất là khoảng bảy, tám ngày sau khi gọt. (4) Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Cường, đấy là lúc chiếc lá “ngoan” nhất. Khi ấy lá đã xanh tốt, khỏe, dùng tay uốn thử thấy mềm mại, không giòn thì có thể tạo dáng lá uốn lượn theo ý đồ người chơi. Bộ rễ của bát thủy tiên phải trắng ngần. Dù bố cục thế nào, thì bộ rễ vẫn phải được phô ra vẻ đẹp.
Trả lời:
a. theo đà phát triển tự nhiên, là và hoa thủy tiên sẽ mọc thẳng, đặc biệt là lá sẽ mọc cao và che lấp hoa, vì vậy việc gọt tỉa sẽ tạo ra những chậu hoa có hình dáng đẹp, nghệ thuật và có thể điều chỉnh thời điểm ra hoa theo ý muốn.
b. HS có thể trình bày câu trả lời theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần căn cứ vào nội dung của văn bản. Có thể tham khảo câu trả lời gợi ý sau: Việc gọt tỉa từng củ thủy tiên thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn trọng, khéo léo và cả sự kiên nhẫn của người chơi. Vì vậy để có được một bát thủy tiên đẹp, người chơi cần thể hiện được tất cả các yếu tố ấy, nhờ vậy họ có thể rèn tâm tính của chính mình.
c. Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: nhân hóa (bông hoa phải hơi cúi xuống, nếu bông hoa nghểnh mặt lên thì lại hóa ra kênh kiệu), so sánh (Giò hoa vươn lên, nhưng bông hoa phải hơi cúi xuống, như thiếu nữ dẫu đẹp kiêu sa, vẫn phải có nét e lệ). Tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: giúp cho việc miêu tả trở nên sinh động, cụ thể, gợi tả và gợi cảm.
d. Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn:
– Phép nối: (1) Bát thủy tiên được coi là đẹp, nếu đạt được “ngũ phẩm”: đẹp hoa, đẹp lá, đẹp rễ, đẹp thân và tổng thể dáng thế hài hòa. (2) Vì vậy gọt xong rồi, hằng ngày phải chỉnh lá, chỉnh hoa sao cho tạo nên bố cục đẹp.
– Phép thế:
+ (1) Bát thủy tiên được coi là đẹp, nếu đạt được “ngũ phẩm”: đẹp hoa, đẹp lá, đẹp rễ, đẹp thân và tổng thể dáng thế hài hòa. (2) Vì vậy gọt xong rồi, hằng ngày phải chỉnh lá, chỉnh hoa sao cho tạo nên bố cục đẹp.
+ (3) Nếu muốn chỉnh lá, phải đợi thời điểm dễ “nắn” nhất là khoảng bảy, tám ngày sau khi gọt. (4) Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Cường, đấy là lúc chiếc lá “ngoan” nhất. Khi ấy lá đã xanh tốt, khỏe …
– Phép lặp: (2) Vì vậy, gọt xong rồi, hằng ngày phải chỉnh lá, chỉnh hoa sao cho tạo nên bố cục đẹp. (3) Nếu muốn chỉnh lá, phải đợi thời điểm dễ “nắn” nhất là khoảng bảy, tám ngày sau khi gọt.
+ Phép liên tưởng: hoa, lá, rễ.
Câu 5 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Hương khúc trong SGK Ngữ văn 7, tập hai (tr. 52 – 53) và thực hiện các yêu cầu:
a. Tóm tắt các bước làm bánh khúc theo mô tả của tác giả trong đoạn trích.
b. Em hình dung như thế nào về hình ảnh người bà trong hồi tưởng của tác giả?
Trả lời:
a. Các bước làm bánh khúc theo mô tả của tác giả:
+ Hái rau khúc, rửa sạch, để ráo nước.
+ Cho vào cối giã.
+ Trộn rau khúc đã giã với bột nếp và nhào cho thật nhuyễn.
+ Để cối bột đã nhào kĩ chừng hơn một tiếng mới bắt đầu nặn bánh.
+ Làm nhân bánh.
+ Đồ bánh.
b. Hình ảnh người bà trong hồi tưởng của tác giả là một người bà rất khéo léo, tinh tế trong việc chế biến từng chiếc bánh khúc và đầy tình yêu thương dành cho cháu, …
Câu 6 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi
Cách làm gỏi cuốn tôm thịt
Gỏi cuốn là món ăn được nhiều người ưa thích. Một miếng gỏi cuốn hòa phối trong nó vị dai của bánh tráng, vị béo của thịt lẫn với vị ngọt của tôm, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cải mát lạnh, thơm thơm của rau sống; tất cả làm dậy lên các cung bậc vị giác. Chẳng cần nhiều thời gian để thực hiện, nơi sang trọng để ăn hay đắn đo về giá cả, ai cũng có thể thưởng thức món ăn ngon, bổ, rẻ và hấp dẫn này.
Gỏi cuốn thường là món khai vị, món ăn chơi. Một trong những lí do khiến gỏi cuốn hấp dẫn thực khách chính là ở sự tươi ngon của món ăn. Bánh tráng, cái bao ngoài để gói các nguyên liệu, là thứ không thể thiếu của món ăn này. Nhân của cuốn có thể là cá, thịt, rau nhưng phổ biến hơn cả là thịt heo luộc, tôm luộc, bún tươi, miếng dưa leo thái mỏng, cọng hẹ, cà rốt ngâm giấm hoặc xoài xanh cắt sợi, rau thơm, xà lách, … Tất cả những thứ ấy được cuộn vào nhau, tạo nên những sắc màu đa dạng, hấp dẫn: màu trắng của tấm áo bánh tráng mỏng; màu xanh của lá hệ, dưa leo, rau sống; màu đỏ gạch của tôm, … Điểm đặc biệt của gỏi cuốn là các nguyên liệu đều không qua xử lí dầu mỡ và sử dụng rất nhiều rau xanh. Do đó, gỏi cuốn thật sự là một món ăn ngon, lành và tốt cho sức khỏe.
Sự thú vị của gỏi cuốn còn ở cách ăn. Người ăn có thể vừa cuốn vừa ăn, nhờ đó họ được tùy ý chọn loại nhân mình thích và gia giảm cho vừa với nhu cầu, khẩu vị riêng.
Vì thế đây là món ăn rất đáng trải nghiệm! Cách thực hiện cũng hết sức đơn giản.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– 500g tôm (chọn tôm tươi ngon)
– 700g thịt ba chỉ hoặc thịt đùi (chọn miếng thịt đỏ tươi, ít mỡ)
– 1 xấp bánh tráng
– 500g bún tươi
– Xà lách, rau sống, rau thơm, hẹ.
– 100g tương hột xay
– Đồ chua, lạc rang giã nhuyễn
– Đường cát trắng, giấm, tỏi băm, củ hành khô, dầu ăn.
Cách làm món gỏi cuốn tôm thịt
Bước thứ nhất: Sơ chế rau
Rửa sạch rau sống, rau thơm, hẹ, … ngâm qua với nước muối pha loãng và sau đó vớt lên để ráo nước.
Bước thứ hai: Chuẩn bị tôm
Tôm rửa sạch, ướp với nửa muỗng cà phê muối, nửa muỗng canh rượu, một muỗng cà phê đường để tôm đậm đà hơn và không bị hôi, tanh. Bắc nồi lên bếp, sau đó đậy nắp, luộc cho tôm chuyển sang màu đỏ và đừng quên đảo đều. Tiếp theo, vớt tôm ra rổ để ráo rồi lột vỏ, xẻ đôi tôm và bỏ chỉ lưng của tôm, xếp vào dĩa.
Bước thứ ba: Chuẩn bị thịt
Rửa sạch thịt, sau đó đun sôi nồi nước, thả vào nồi một củ hành đập dập và cho thịt vào luộc khoảng hai mươi phút. Khi thịt chín, vớt ra để vào một bát nước có vài viên đá lạnh để thịt trắng và giòn, ngon. Sau đó thái thịt thành lát mỏng cho vào đĩa.
Bước thứ tư: Chuẩn bị cuốn
Bày bánh tráng và các nguyên liệu ra bàn để chuẩn bị cuốn. Trước khi cuốn, cần làm ướt bánh tráng. Tiếp theo, lần lượt xếp xà lách, bún, thịt, tôm, cùng với cọng hẹ, rau thơn rồi cuộn cho chắc tay. Gỏi cuốn đẹp và ngon là miếng gỏi tròn, đều, rau, bún, tôm, thịt được cuộn chặt bên trong và nổi rõ qua lớp bánh tráng mỏng.
Bước thứ năm: làm nước chấm
Cái ngon của gỏi cuốn phụ thuộc nhiều vào nước chấ. Có nhiều loại nước chấm: nước tương đen, mắm nêm pha tỏi ớt, … Tuy nhiên nước chấm gỏi cuốn phổ biến nhất vẫn là tương hột xay nhuyễn pha tỏi, ớt, chút đường, muối, bột ngọt cho vừa ăn, thêm đậu phộng rang giã dập cho giòn, cho béo. Để làm loại nước chấm này, trước tiên, cần phi thơm mọt ít tỏi bằng dầu ăn, sau đó cho tương hột xay vào xào, cho đậu phộng rang nhuyễn, nêm một chút đường cho bớt mặn và vừa ăn. Đun hỗn hợp đến khi sánh lại thì cho một ít giấm (khoảng một đến nửa muỗng cà phê) vào đảo đều và tắt bếp.
Gỏi cuốn tôm thịt là món ngon có đầu đủ chất dinh dưỡng lại rất dễ ăn nên thích hợp với mọi lứa tuổi. Bạn hãy thử trải nghiệm một lần làm món gỏi cuốn tôm thịt cùng gia đình. Chậm rãi cuốn từng cái một, thể hiện sự khéo léo của đôi tay, khả năng thẩm mĩ để tạo ra những cái cuốn vừa ngon, vừa đẹp cùng những câu chuyện rôm rả bên bàn ăn, cảm nhận niềm hạnh phúc giản dị của cuộc sống. Chúc bạn thành công!
(Tổng hợp từ các trang: vietnamnet.vn, dantri.vn, vtr.org.vn)
a. Những dấu hiệu nào giúp e nhận biết văn bản trên là văn bản thông tin mô tả quy trình?
b. Xác định thông tin cơ bản và cách triển khai thông tin của đoạn văn “Gỏi cuốn thường là món khai vị, món ăn chơi, … Do đó, gỏi cuốn thật sự là một món ăn ngon, lành và tốt cho sức khỏe.”. Cách triển khai thông tin trong đoạn văn này có tác dụng như thế nào với mục đích của văn bản?
c. Mục đích của văn bản này là gì? Cách triển khai thông tin chính của văn bản có quan hệ như thế nào với mục đích của văn bản? Dựa vào đâu mà em xác định được như vậy?
d. Loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản này là gì? Chỉ ra tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung văn bản.
đ. Vẽ sơ đồ tóm tắt các bước làm món gỏi cuốn tôm thịt.
e. Qua việc đọc văn bản, đặc biệt là đoạn cuối, em hiểu thế nào là một món ăn ngon?
Trả lời:
a. Những dấu hiệu cho thấy văn bản Cách làm gỏi cuốn tôm thịt là văn bản mô tả quy trình:
+ (a) văn bản có cấu trúc gồm 3 phần: giới thiệu mục đích của quy trình, liệt kê những thứ cần chuẩn bị trước khi thực hiện, trình bày các bước thực hiện;
+ (b) sử dụng những từ ngữ chỉ trình tự thực hiện như bước thứ nhất, bước thứ hai, bước thứ ba, trước khi, sau đó, tiếp theo, …;
+ (c) sử dụng một số thuật ngữ liên quan đến nấu ăn như món khai vị, sơ chế nguyên liệu …, sử dụng câu chứa nhiều động từ, sử dụng từ xưng hô ngôi thứ hai (bạn) để chỉ người đọc;
+ (d) sử dụng hệ thống đề mục để tóm tắt những thông tin chính của văn bản;
+ (e) có sử dụng hình ảnh minh họa cách thức thực hiện.
b. Thông tin cơ bản của đoạn văn là ưu điểm của món gỏi cuốn, cách triển khai thông tin của đoạn văn này là triển khai theo mối quan hệ nhân quả. Việc triển khai thông tin theo cách ấy giúp cho người đọc hiểu hơn về ưu điểm vượt trội của món ăn và từ đó khuyến khích họ chủ động thực hiện món ăn theo sự hướng dẫn của văn bản.
c. Mục đích của văn bản là hướng dẫn cách làm món gỏi cuốn tôm thịt. Thông tin chính của văn bản được triển khai theo trật tự thời gian tức là trật tự thực hiện các thao tác của hoạt động làm gỏi cuốn tôm thịt. Cách triển khai thông tin này hỗ trợ cho việc thực hiện mục đích của văn bản vì với cách triển khai ấy, người đọc sẽ hình dung rõ ràng, cụ thể tuần tự từng bước cần thực hiện trong hoạt động, nhờ đó họ có thể làm tốt hoạt động ấy.
d. Loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản này là các hình ảnh minh họa. Những hình ảnh ấy đã tăng tính trực quan cho thông tin của văn bản, kết hợp với thông tin trong văn bản giúp người đọc hình dung rõ về các bước cần thực hiện trong hoạt động làm gỏi cuốn tôm thịt.
đ.
e. Món ăn ngon không chỉ là một món ăn giàu chất dinh dưỡng mà còn là một món ăn đẹp mắt, được bài trí như một tác phẩm nghệ thuật, nó thể hiện được sự khéo léo, gia công của người đầu bếp, đồng thời đó còn là món ăn tạo nên sự gắn kết, sẻ chia, nồng ấm giữa mọi người với nhau, …
Câu 7 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Cách làm lồng đèn tròn bằng giấy cho đêm trung thu
Thành luân tổng hợp
Trung thu đang đến gần, hãy bắt tay vào làm ngay những chiếc lồng đèn xinh xắn từ giấy bìa với nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Bên cạnh những mẫu lồng đèn ngôi sao, lòng đèn bươm bướm truyền thống bằng tre nứa hay lồng đèn bằng lon sữa bò, … thì cách làm lồng đèn giấy cũng được nhiều người ưa chuộn và thực hiện.
Vật liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản, sản phẩm cũng vô cùng đẹp mắt. Hơn nữa, với những chiếc lồng đèn bằng giaays này, bạn còn có thể dùng để trang trí phòng sao cho thật nổi bật và cá tính, hoặc có thể gấp gọn để dùng cho những mùa tết Trung thu năm sau. Đó đều là những ý tưởng tuyệt vời về cách dùng lồng đèn tròn giấy.
Vật liệu cần chuẩn bị
– Giấy màu loại mỏng
– 1 tờ giấy bìa cứng
– 2 cây bút màu
– Kim, chỉ, kéo, keo dán.
Cách làm lồng đèn giấy nhiều màu
Bước thứ nhất: Dùng bìa cứng cắt hình tròn có kích cỡ ứng với chiếc lồng đèn bạn mong muốn, cắt thành hai nửa bằng nhau. Sau đó, bạn cắt thêm 40 đến 50 lớp giaays ăn hình chữ nhật có kích cỡ lớn hơn một chút so với nửa miếng bìa tròn
Bước thứ hai: Dùng miếng giấy màu hình chữ nhật đặt lên tờ giấy trắng, rồi đánh dấu lên tờ giấy trắng năm đường thẳng xen kẽ bởi hai loại bút khác màu. Sau đó, bạn sử dụng keo dán phết dọc theo đường màu hồng (được đánh số 2) với lớp giấy ăn đầu tiên. Đặt lớp giấy ăn thứ hai lên trên và phết keo theo đường màu xanh (được đánh số 1)
Lặp lại bước trên với các lớp giấy chồng lên nhau. Đặc biệt, để lồng đèn có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt hơn, với khoảng năm miếng giấy thì bạn thay đổi xen lẽ lớp giấy màu khác.
Bước thứ ba: Sau khi đã hoàn thành thao tác dán các lớp giấy chồng lên nhau, bạn đặt nửa miếng bìa tròn lên rồi dùng bút màu đánh dấu xung quanh miếng bìa. Sau đó cắt miếng giấy thành hình bán nguyệt theo đường đã vẽ.
Tiếp tục dán miếng bìa vào một mặt của miếng giấy màu. Ở miếng bìa còn lại, khoét một phần ở giữa rồi dán vào mặt còn lại của miếng giấy màu.
Bạn sử dụng chỉ khâu hai đầu miếng giấy, buộc hơi lỏng và chừa một đoạn chỉ để treo đèn lồng.
Cuối cùng, bạn chỉ cần mở miếng giấy ra và nhận thành quả bất ngờ.
Với cách làm trên, bạn có thể khéo léo phối hợp nhiều màu sắc khác nhau để tạo ra những chiếc đèn lồng rực rỡ, mang cá tính riêng của mình.
(Theo vietnamnet.vn, truy cập ngày 29/12/2021)
a. Văn bản trên có phải là văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động không? Vì sao em có thể xác định được như vậy?
b. Những đề mục như “Bước 1, Bước 2, Bước 3” cung cấp thông tin gì cho người đọc?
c. Có thể bỏ những hình ảnh có trong văn bản này không? Vì sao?
d. Hãy tự làm một chiếc lồng đèn tròn bằng giấy theo hướng dẫn của văn bản và mang đến lớp để trưng bày cùng với sản phẩm của các bạn khác.
Trả lời:
a. Văn bản trên là văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi, hoạt động.
Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần:
Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình).
Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động.
Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động.
Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện.
Về đặc điểm hình thức loại văn bản này thưởng sử dụng các con số (1,2,3,…), từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng, …) hoặc chỉ thứ tự (thứ nhất, thứ hai,…) để giới thiệu trình tự thực hiện, dùng từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan, sử dụng câu nhiều động từ để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ chỉ dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ xưng hô ngôi thứ hai (ví dụ bạn,…) để chỉ người đọc.
b. Những đề mục ấy cung cấp thông tin về quy trình thực hiện các bước làm lồng đèn tròn bằng giấy. Hệ thống các đề mục ấy cung cấp thông tin chính của VB: cho biết quy trình làm lồng đèn tròn bằng giấy cần trải qua 3 bước.
c. Không thể xóa bỏ những hình ảnh có trong văn bản này vì chúng hỗ trợ minh họa cho thông tin hướng dẫn cách thức làm lồng đèn tròn bằng giấy. Nếu xóa bỏ những hình ảnh ấy, người đọc không thể hình dung và hiểu rõ những điều được mô tả, trình bày trong văn bản.
d. Các em tự thực hiện theo các bước với hình minh họa sản phẩm sau:
Câu 1 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hoàn thành những thông tin về số từ trong bảng sau:
Số từ |
Những thông tin cần lưu ý |
Vị trí trong câu |
|
Chức năng |
|
Lưu ý khi sử dụng trong giao tiếp |
Trả lời:
Số từ |
Những thông tin cần lưu ý |
Vị trí trong câu |
Có thể đi kèm trước hoặc sau danh từ |
Chức năng |
– Nếu đứng trước danh từ, số từ biểu thị số lượng chính xác hoặc ước chừng cho sự vật được nêu ra ở danh từ. – Nếu đứng sau danh từ, số từ biểu thị số thứ tự của danh từ. |
Lưu ý khi sử dụng trong giao tiếp |
– Khi nói và viết, có thể dùng số từ ở trước hoặc sau danh từ để bổ sung ý nghĩa về số lượng hoặc số thứ tự cho danh từ. Đó cũng là cách mở rộng thành phần câu, làm cho thông tin của câu trở nên rõ ràng, cụ thể và chi tiết. – Khi đọc và nghe, cần chú ý đến sự xuất hiện của các số từ ở trước hoặc sau danh từ để biết được số lượng hoặc số thứ tự của sự vật, đối tượng. |
Câu 2 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm số từ trong các câu sau và xác định chức năng của chúng:
a. Rửa sạch thịt, sau đó đun sôi nồi nước, thả vào nồi một củ hành đập dập và cho thịt vào luộc khoảng hai mươi phút.
(Cách làm gỏi cuốn tôm thịt)
b. Tôm rửa sạch, ướp với nửa muỗng cà phê muối, nửa muỗng canh rượu, một muỗng cà phê đường để tôm đậm đà hơn và không bị hôi, tanh.
(Cách làm gỏi cuốn tôm thịt)
c. Bước thứ nhất: Sơ chế nguyên liệu. Rửa sạch rau sống, rau thơm, hẹ, …, ngâm qua với nước muối pha loãng và sau đó vớt lên để ráo nước.
(Cách làm gỏi cuốn tôm thịt)
d. Nhưng có lẽ là tôi không thể nào bỏ đi cho dù là một hạt xôi nếp đẹp như một hạt ngọc và ngậy thơm làm vỏ dính trên chiếc bánh được.
(Nguyễn Quang Thiều, Tôi khóc những cánh đồng rau khúc)
đ. Đặt lớp giấy ăn thứ hai lên trên và phết keo theo đường màu xanh.
(Thành Luân, Cách làm lồng đèn tròn bằng giấy cho đêm trung thu)
e. Đặc biệt, để lồng đèn có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt hơn, với khoảng năm miếng giấy thì bạn thay đổi xen kẽ lớp giấy màu khác.
(Thành Luân, Cách làm lồng đèn tròn bằng giấy cho đêm trung thu)
Trả lời:
Câu |
Số từ |
Ý nghĩa bổ sung cho danh từ |
a |
Một Hai mươi |
Bổ sung ý nghĩ số lượng chính xác cho danh từ củ Bổ sung ý nghĩ số lượng chính xác cho danh từ phút |
b |
Một |
Bổ sung ý nghĩ số lượng chính xác cho danh từ muỗng |
c |
Nhất |
Bổ sung ý nghĩ số thứ tự cho danh từ thứ |
d |
Một |
Bổ sung ý nghĩ số lượng chính xác cho danh từ hạt |
đ |
hai |
Bổ sung ý nghĩ số thứ tự cho danh từ thứ |
e |
năm |
Bổ sung ý nghĩ số lượng chính xác cho danh từ miếng |
Câu 1 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi viết một bản tường trình, em cần lưu ý điều gì?
Trả lời:
Yêu cầu đối với văn bản:
a. Về bố cục, văn bản cần đảm bảo các phần sau
b. Về nội dung, văn bản cần đảm bảo những yêu cầu sau:
– Cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin về thời gian, địa điểm, sự việc, họ tên những người có liên quan, đề nghị của người viết.
– Nội dung sự việc được tường trình phải đảm bảo chính xác, đúng với thực tế diễn ra.
– Xác định trách nhiệm của người viết đối với sự việc đã xảy ra.
Câu 2 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Giả sử em và một số bạn chạy nhảy, đừa giỡn trên cầu thang trong giờ ra chơi và không may một bạn bị ngã. Em hãy viết bản tường trình về những việc đã xảy ra để gửi cho hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Trả lời:
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
– Xác định đề tài bằng cách trả lời những câu hỏi như: Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì? Kiểu bài nào?
– Thu thập tư liệu bằng cách xác định những thông tin cần tìm và tìm những thông tin ấy ở đâu.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý bằng cách xác định những thông tin sẽ triển khai trong bản tường trình.
– Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý theo trình tự bố cục của một bản tường trình gồm phần mở đầu, nội dung tường trình, phần kết thúc.
Bước 3: Viết bản tường trình
Dựa vào dàn ý, hãy viết thành một bản tường trình hoàn chỉnh. Khi viết, cần bảo đảm các yêu cầu đối với một bản tường trình.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Dựa vào bảng kiểm trong SGK Ngữ văn 7, tập hai (tr.61 – 62) để xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
* Bài mẫu tham khảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2022
BẢN TƯỜNG TRÌNH
Về việc không làm bài tập về nhà
Kính gửi: Thầy Hoàng Minh Đ – Hiệu trưởng THCS XX và cô Bùi Thị H, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C1, trường THCS XX.
Em là Nguyễn Mạnh D, hiện đang là học sinh lớp 7C1.
Em viết bản tường trình này để tường trình về sự việc sau:
Ngày 9 tháng 5 năm 2022, em và một số bạn gồm Nguyễn Văn A, Trịnh Đức B, Hoàng Xuân C chạy nhảy, đùa giỡn trên cầu thang trong giờ ra chơi và không may khiến bạn Nguyễn Thu H bị ngã đập khuỷu tay xuống nền đất. Sau đó em và các bạn đã kịp thời đưa bạn H xuống phòng y tế của trường để kiểm tra. May mắn là bạn H chỉ bị xây xước nhẹ ngoài da, không ảnh hưởng gì nghiêm trọng.
Em rất xin lỗi vì đã khiến thầy cô phải buồn lòng. Em xin hứa từ sau sẽ đi đứng nhẹ nhàng, không đùa nghịch ngoài hành lang trường nữa ạ.
Người làm tường trình
(Đã kí)
Nguyễn Mạnh D.
Câu hỏi trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trao đổi với các bạn trong nhóm/ lớp về chủ đề sau: “Thế nào là một người bạn tốt?”. Khi trao đổi, em cần chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác.
Trả lời:
HS thực hiện bài nói và nghe theo trình tự các bước gợi ý sau:
Bước 1: Chuẩn bị
+ Chuẩn bị nội dung trao đổi
+ Chuẩn bị cách trao đổi
Bước 2: Trao đổi
+ Trình bày ý kiến
+ Tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người khác, bảo vệ ý kiến của mình.
* Bài mẫu tham khảo:
Ông cha ta từng nói:
“Bạn bè là nghĩa tương thân
Khó khăn hoạn nạn ân cần có nhau”
Con người không ai có thể sống mà không có bạn bè. Tình bạn là một trong những tình cảm cao đẹp và trong sáng nhất. Để cho tình bạn bền vững lâu dài, mỗi người cần phải tìm cho mình một người bạn thực sự tốt và chính chúng ta cũng hãy cố gắng là bạn tốt của họ. Vậy thế nào là một người bạn tốt?
Trước hết ta cần hiểu, một người bạn tốt phải là người không ích kỉ. Một người mà lúc nào cũng chỉ biết quan tâm đến lợi ích và cảm xúc của riêng mình thì không thể là người bạn tốt được. Khi bạn gặp khó khăn, hoạn nạn ta lại thờ ơ, không giúp đỡ ; Khi bạn gặp chuyện buồn ta không biết động viên, chia sẻ mà thay vào đó là những lời nói khó nghe thì làm sao có thể gọi là bạn tốt được. Bởi tình bạn là một phạm trù hai mặt. Nó tồn tại bền vững được chính là nhờ sự cho và nhận giữa hai người, và không có tình bạn nào có thể tồn tại lâu dài được khi tất cả chỉ cho ở một bên và tất cả chỉ nhận về một phía.
Phẩm chất thứ hai ở một người bạn tốt là tính kiên định. Không ai sống trên đời này lại thập toàn thập mỹ. Vì vậy, đừng bao giờ đánh giá bạn mình qua một vài chuyện nhỏ nhặt. Hãy học tập câu chuyện ngụ ngôn là khi bạn làm điều gì có lỗi với ta, thì ta hãy viết những điều đó trên cát. Còn khi bạn giúp đỡ ta thì hãy khắc ghi những điều đó lên đá. Có như thế tình bạn mới đẹp, mới bền vững được. Đừng như một số người không kiên định, thường chạy theo những người có chức, có quyền, cùng đam mê, cùng sở thích… Nhưng rồi, thời gian làm cho những người bạn của họ không còn chức, không còn quyền, họ lại chạy theo những người khác, những người có thể mang lại chỗ dựa, mang lại lợi ích cho họ. Và như thế cả cuộc đời, họ loay hoay tìm kiếm, nhưng tìm mãi, tìm mãi họ không tìm được một người bạn tốt đúng nghĩa.
Và đã là một người bạn tốt thì không thể thiếu được lòng trung thành, sự tin tưởng lẫn nhau. Hai người phải trung thành, không bao giờ được để cho sự hoài nghi chia cắt cảm xúc của mình thế mới là bạn tốt. Những người dễ nghe theo những tin đồn và lời bàn tán về bạn của họ thì không thể là người bạn tốt được. Khi nghe được những lời đó hãy gặp trực tiếp để nói lại với bạn mình. Nếu đúng là bạn sai thì giúp bạn sửa, còn nếu là do bịa đặt thì hãy giúp bạn tìm cách giải quyết. Có thế bạn bè mới hiểu và thông cảm cho nhau. Đừng như một số người :
“Khi vui thì vỗ tay vào
Khi gặp hoạn nạn thì chẳng thấy ai”
Sự tín nhiệm cũng là một trong những yêu tố chính để tạo nên tình bạn tốt. Giữa hai người phải có sự tín nhiệm lẫn nhau để mỗi người có thể an toàn khi tâm sự những điều thầm kín của mình. Những người không giữ kín được bí mật thì không thể có một người bạn thân, bạn tốt đúng nghĩa.
Và cuối cùng, người bạn tốt phải là người biết cảm thông, biết giúp đỡ nhau về cả tinh thần lẫn vật chất.
Vậy ta phải làm gì để có được bạn tốt ? Thưa, ta phải biết tôn trọng người bạn của mình cũng như tôn trọng các mối quan hệ của họ. Đôi khi hai người bạn có thể xảy ra cãi vã do suy nghĩ của mỗi người khác nhau nên bất đồng quan điểm. Những lúc như thế mỗi người hãy hạ mình xuống và nhận lỗi về mình bởi giữ tình bạn không quá khó như tình yêu. Điều quan trọng phải là tình bạn thực sự, không vụ lợi, không tính toán. Giữa những người bạn cần có sự yêu quý nhau. Như bức tranh phải để ở nơi sáng nhất mới thấy hết vẻ đẹp của nó, tình bạn cũng vậy, phải đặt ở nơi đẹp nhất trong lòng mỗi người, lúc đó ta mới biết một người bạn quan trọng và cần thiết với ta như thế nào.
Tình bạn được ai đó ví như chìa khóa mở cửa vào tâm hồn người khác. Ai không có bạn thì mãi mãi khép mình trong vỏ ốc, chẳng bao giờ khám phá ra được tâm hồn người khác đẹp như thế nào và cũng không thể tìm thấy vẻ đẹp nơi tâm hồn mình. Tình bạn là tình cảm đáng quý, đáng trân trọng, là một trong những niềm hạnh phúc ở đời. Vậy ta hãy biết nâng niu và gìn giữ tình bạn bởi đó là món quà quý giá đã ban tặng cho cuộc sống chúng ta.
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân
Bài 6 : Hành trình tri thức
Bài 8 : Nét đẹp văn hóa Việt
Bài 9 : Trong thế giới viễn tưởng
Bài 10 : Lắng nghe trái tim mình