Giải bài tập Sinh học lớp 11 Bài 13: Cảm ứng ở động vật
Giải Sinh học 11 trang 85
Mở đầu trang 85 Sinh học 11: Quan sát hình 13.1 và cho biết: Khi tay bị chạm vào gai trên cây xương rồng thì phản ứng của tay sẽ như thế nào?
Lời giải:
Khi tay bị chạm vào gai trên cây xương rồng thì tay sẽ có phản ứng ngay lập tức rụt lại.
I. Các hình thức cảm ứng ở động vật
Câu hỏi trang 85 Sinh học 11: Quan sát hình 13.2 và nêu đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng lưới. Sứa phản ứng như thế nào khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể?
Lời giải:
– Đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng lưới: Các tế bào thần kinh (neuron) phân bố rải rác khắp cơ thể và liên kết với nhau như mạng lưới.
– Phản ứng của sứa khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể: Sứa có hệ thần kinh dạng lưới → Ở sứa, khi bị kích thích tại một điểm, xung thần kinh từ điểm kích thích sẽ lan truyền khắp mạng lưới thần kinh và làm toàn bộ cơ thể co lại.
Giải Sinh học 11 trang 86
Câu hỏi trang 86 Sinh học 11: Quan sát hình 13.3 và nêu đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.
• Giun đốt có phản ứng như thế nào khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể?
Lời giải:
• Đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng chuỗi hạch:
– Gồm các hạch thần kinh (là tập hợp các neuron) nối với nhau tạo thành chuỗi nằm dọc cơ thể, mỗi hạch thần kinh là trung tâm điều khiển hoạt động một vùng xác định của cơ thể.
– Các hạch ở phần đầu có kích thước lớn hơn tạo thành não giúp chi phối các hoạt động phức tạp của cơ thể.
• Phản ứng của giun đốt khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể: Giun đốt có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → Khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể, cơ thể trả lời cục bộ (một phần cơ thể) mà không phản ứng toàn thân như động vật có thần kinh dạng lưới.
Câu hỏi trang 86 Sinh học 11: Quan sát hình 13.4 và nêu cấu trúc hệ thần kinh người.
Lời giải:
Cấu trúc hệ thần kinh người: Người có hệ thần kinh dạng ống, cấu tạo gồm 2 phần: thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.
– Phần thần kinh trung ương gồm tập hợp số lượng lớn neuron tạo thành ống nằm ở phía lưng của cơ thể, trong đó, phần đầu ống phát triển mạnh thành não bộ, phần sau là tủy sống.
– Phần thần kinh ngoại biên gồm các dây thần kinh não, dây thần kinh tủy sống giúp liên hệ giữa thần kinh trung ương với cơ quan thụ cảm (dây thần kinh cảm giác) và với cơ quan phản ứng (dây thần kinh vận động).
Giải Sinh học 11 trang 87
Luyện tập trang 87 Sinh học 11: Những khẳng định nào dưới đây là đúng khi so sánh đặc điểm cảm ứng của các dạng hệ thần kinh.
A. Tốc độ cảm ứng nhanh nhất ở hệ thần kinh dạng lưới.
B. Độ chính xác của cảm ứng lớn nhất ở hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.
C. Độ phức tạp của cảm ứng lớn nhất ở hệ thần kinh dạng ống.
Lời giải:
A. Sai. Tốc độ cảm ứng tăng dần theo sự tiến hóa của hệ thần kinh từ hệ thần kinh dạng lưới, đến hệ thần kinh dạng chuỗi hạch và cao nhất là hệ thần kinh dạng ống.
B. Sai. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng ống có tính chính xác hơn các nhóm có hệ thần kinh dạng lưới và dạng chuỗi hạch.
C. Đúng. Sự tiến hóa của hệ thần kinh dạng ống giúp động vật có hệ thần kinh dạng ống thực hiện được những cảm ứng có độ phức tạp cao.
II. Cơ chế cảm ứng của động vật
Câu hỏi trang 87 Sinh học 11: Quan sát hình 13.5, mô tả quá trình truyền tin qua synapse hóa học.
Lời giải:
Quá trình truyền tin qua synapse hóa học:
– Xung thần kinh lan truyền đến chùy synapse kích thích Ca2+ đi từ dịch ngoại bào vào trong chùy synapse.
– Ca2+ làm cho các bóng chứa chất trung gian hóa học gắn vào màng trước và vỡ ra, giải phóng chất truyền tin hóa học vào khe synapse theo con đường xuất bào.
– Chất truyền tin hóa học gắn vào thụ thể tương ứng ở màng sau synapse làm xuất hiện và lan truyền tiếp xung thần kinh ở màng sau synapse.
– Enzyme phân giải chất truyền tin hóa học thành các tiểu phần. Tiểu phần được vận chuyển trở lại màng trước, đi vào chùy synapse để làm nguyên liệu tổng hợp chất truyền tin hóa học chứa trong các bóng.
Giải Sinh học 11 trang 88
Câu hỏi trang 88 Sinh học 11: Quan sát hình 13.6 và cho biết một cung phản xạ gồm những khâu nào. Nêu vai trò của mỗi cơ quan, bộ phận trong một cung phản xạ
Lời giải:
– Một cung phản xạ gồm 5 khâu:
1 – Thụ thể tiếp nhận kích thích, hình thành xung thần kinh.
2 – Dẫn truyền xung thần kinh đến trung ương thần kinh.
3 – Trung ương thần kinh xử lí thông tin, đưa ra quyết định trả lời kích thích, lưu giữ thông tin.
4 – Dẫn truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời.
5 – Cơ quan trả lời phản ứng lại kích thích.
– Vai trò của mỗi cơ quan, bộ phận trong một cung phản xạ:
Cơ quan, bộ phận trong một cung phản xạ |
Vai trò của mỗi cơ quan, bộ phận trong một cung phản xạ |
Thụ thể cảm giác |
Tiếp nhận kích thích và hình thành xung thần kinh. |
Neuron cảm giác |
Tiếp nhận, dẫn truyền xung thần kinh từ thụ thể cảm giác đến trung ương thần kinh. |
Trung ương thần kinh (tủy sống hoặc não bộ) |
Tiếp nhận, xử lí thông tin, đưa ra quyết định trả lời kích thích, lưu giữ thông tin. |
Neuron vận động |
Tiếp nhận, dẫn truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời. |
Cơ quan trả lời (cơ hoặc tuyến) |
Thực hiện phản ứng trả lời kích thích. |
Tìm hiểu thêm trang 88 Sinh học 11: Một người bị tai biến mạch máu não, chụp cộng hưởng từ cho thấy người này bị tổn thương vùng điều khiển vận động ở bán cầu não trái. Hãy tìm hiểu và cho biết khả năng vận động của người này sẽ thay đổi như thế nào so với người bình thường. Giải thích.
Lời giải:
– Khi bị tổn thương vùng điều khiển vận động ở bán cầu não trái thì sẽ làm mất chức năng vận động của nửa người bên phải (liệt nửa người bên phải).
– Giải thích: Neuron vận động dẫn truyền xung thần kinh thực hiện các vận động xuất phát từ vùng điều khiển vận động ở vỏ não có sự bắt chéo sang phía bên đối diện, tạo ra bó tháp chéo theo cột trắng bên xuống tủy sống. Do sự bắt chéo của bó tháp nên khi vùng điều khiển vận động ở một bán cầu đại não bị tổn thương sẽ gây liệt vận động ở nửa bên đối diện của cơ thể.
Giải Sinh học 11 trang 89
Luyện tập trang 89 Sinh học 11: Điền các thông tin thích hợp vào bảng 13.1.
Lời giải:
Cơ quan |
Dạng thụ thể |
Vai trò của thụ thể |
Mắt |
Thụ thể điện từ |
Tiếp nhận kích thích ánh sáng. |
Tai |
Thụ thể cơ học |
Tiếp nhận kích thích sóng âm. |
Mũi |
Thụ thể hóa học |
Tiếp nhận kích thích từ các phân tử hóa học cho cảm giác về mùi. |
Lưỡi |
Thụ thể hóa học |
Tiếp nhận kích thích từ các phân tử hóa học cho cảm giác về vị. |
Thụ thể nhiệt |
Tiếp nhận kích thích thay đổi nhiệt độ. |
|
Thụ thể đau |
Tiếp nhận kích thích tổn thương do tác nhận cơ học, điện, nhiệt,… |
|
Da |
Thụ thể đau |
Tiếp nhận kích thích tổn thương do tác nhận cơ học, điện, nhiệt,… |
Thụ thể nhiệt |
Tiếp nhận kích thích thay đổi nhiệt độ. |
|
Thụ thể cơ học |
Tiếp nhận kích thích về biến dạng vật lí như trơn, nhẵn hay thô, ráp, vuông, tròn,… |
Câu hỏi trang 89 Sinh học 11: Quan sát hình 13.7a và phân tích quá trình cảm nhận hình ảnh của cơ quan cảm giác thị giác.
• Quan sát hình 13.7b và phân tích quá trình cảm nhận âm thanh của cơ quan cảm giác thính giác.
Lời giải:
• Quá trình cảm nhận hình ảnh của cơ quan cảm giác thị giác: Ánh sáng từ vật qua giác mạc, thủy tinh thể được hội tụ trên võng mạc. Tại võng mạc, ánh sáng kích thích tế bào thụ cảm ánh sáng hình thành xung thần kinh truyền qua dây thần kinh thị giác về trung khu thị giác ở thùy chẩm của não bộ. Trung khu thị giác phân tích cho cảm nhận về hình ảnh của vật.
• Quá trình cảm nhận âm thanh của cơ quan cảm giác thính giác: Sóng âm thanh qua ống tai tác động làm màng nhĩ, các xương tai giữa dao động, từ đó làm dao động dịch ốc tai, kích thích tế bào thụ cảm âm thanh hình thành xung thần kinh. Xung thần kinh truyền qua dây thần kinh thính giác tới trung khu thính giác ở thùy thái dương của não bộ, cho cảm nhận về âm thanh.
Giải Sinh học 11 trang 90
Câu hỏi trang 90 Sinh học 11: Dựa vào bảng 13.2, nêu đặc điểm của phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.
Lời giải:
– Đặc điểm của phản xạ không điều kiện:
+ Là phản xạ bẩm sinh (sinh ra đã có), di truyền.
+ Mang tính đặc trưng cho loài.
+ Rất bền vững.
+ Đòi hỏi tác nhân kích thích thích ứng.
+ Số lượng có giới hạn.
– Đặc điểm của phản xạ có điều kiện:
+ Là phản xạ được hình thành trong đời sống cá thể, không di truyền.
+ Mang tính cá thể.
+ Không bền vững (dễ mất nếu không được củng cố).
+ Được hình thành với tác nhân bất kì.
+ Số lượng không giới hạn.
Luyện tập trang 90 Sinh học 11: Các phản xạ dưới đây phản xạ nào là phản xạ có điều kiện, phản xạ không điều kiện. Giải thích.
– Bạn A toát mồ hôi khi hoạt động thể lực mạnh.
– Bạn B tiết nước bọt khi nghe từ “nước chanh”.
– Bạn C dừng xe khi thấy đèn giao thông chuyển sang màu đỏ.
Lời giải:
– “Bạn A toát mồ hôi khi hoạt động thể lực mạnh” là phản xạ không điều kiện, do đây là phản xạ bẩm sinh (sinh ra đã có, không cần phải qua học tập).
– “Bạn B tiết nước bọt khi nghe từ “nước chanh”” là phản xạ có điều kiện, do đây là phản xạ được hình thành trong đời sống cá thể (phải từng ăn quả chanh hoặc uống nước chanh thì mới có phản xạ này).
– “Bạn C dừng xe khi thấy đèn giao thông chuyển sang màu đỏ” là phản xạ có điều kiện, do đây là phản xạ được hình thành trong đời sống cá thể (phải được học luật giao thông hoặc chứng kiến hành vi tham gia giao thông của người khác thì mới có phản xạ này).
III. Vận dụng hiểu biết về cảm ứng trong bảo vệ sức khỏe
Giải Sinh học 11 trang 91
Câu hỏi trang 91 Sinh học 11: Hãy nêu một số bệnh do tổn thương hệ thần kinh làm mất khả năng vận động, mất khả năng cảm giác
Lời giải:
Một số bệnh do tổn thương hệ thần kinh làm mất khả năng vận động, mất khả năng cảm giác:
– Mất khả năng nhìn: Tổn thương võng mạc ở mắt, viêm dây thần kinh thị giác, tổn thương thùy chẩm đều có thể dẫn đến mù.
– Liệt: Tai biến mạch máu não có thể dẫn đến liệt một phần cơ thể hoặc toàn thân.
– Mất khả năng nói: Nếu tổn thương diện hẹp hồi trán lên có thể sẽ mất khả năng nói.
Câu hỏi trang 91 Sinh học 11: Quan sát hình 13.9 và cho biết cơ chế của cảm giác đau.
Lời giải:
Cơ chế của cảm giác đau: Tổn thương, viêm, khối u,… tác động vào thụ thể đau tạo thành xung thần kinh theo dây thần kinh đến tủy sống. Một số neuron trung gian ở tủy sống chuyển xung thần kinh đau từ tủy sống lên não, gây ra cảm giác đau.
Giải Sinh học 11 trang 92
Luyện tập trang 92 Sinh học 11: Tại sao không nên lạm dụng chất kích thích và sử dụng chất gây nghiện?
Lời giải:
Không nên lạm dụng chất kích thích và sử dụng chất gây nghiện vì:
– Những chất này làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng làm cơ thể phụ thuộc vào chất đó hoặc cảm giác thèm, muốn sử dụng chất đó đến mức có thể mất kiểm soát hành vi.
– Sử dụng thường xuyên chất kích thích, chất gây nghiện dẫn đến nghiện, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, hủy hoại tế bào thần kinh.
– Việc cai nghiện rất khó khăn vì cơ thể đã hình thành phản xạ có điều kiện bền vững với những tác nhân gây nghiện và người nghiện có thể bị những tổn thương khó phục hồi trên não.
Vận dụng trang 92 Sinh học 11: Giải thích tại sao việc học kiến thức, học kĩ năng là quá trình hình thành phản xạ có điều kiện.
Lời giải:
Việc học kiến thức, học kĩ năng là quá trình hình thành phản xạ có điều kiện vì kiến thức và kĩ năng thu được được hình thành trong đời sống cá thể (không phải sinh ra đã có) và được hình thành bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần, đồng thời, nếu không củng cố thường xuyên thì rất dễ bị mất đi.
Xem thêm các bài giải SGK Sinh học lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 12: Cảm ứng ở thực vật
Bài 13: Cảm ứng ở động vật
Bài 14: Tập tính ở động vật
Ôn tập chủ đề 2
Bài 15: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật