Giải SBT Kinh tế Pháp luật 11 Bài 16: Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc
Bài 1 trang 89 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Theo quy định của pháp luật, độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân là
A. từ 18 tuổi đến 25 tuổi.
B. từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
C. từ 18 tuổi đến 27 tuổi.
D. từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Theo quy định của pháp luật, độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Bài 2 trang 89 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Khẳng định nào sau đây không đúng khi nói đến quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc?
A. Bảo vệ Tổ quốc là quyền cơ bản của công dân.
B. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân.
C. Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mình lực lượng quân đội.
D. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi công dân.
Bài 3 trang 89 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào dưới đây không phải là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc?
A. Tham gia nghĩa vụ quân sự.
B. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
C. Bảo vệ trật tự, an ninh xã hội.
D. Góp ý cho các chính sách phát triển kinh tế.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
– Bảo vệ Tổ quốc bao gồm việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và bảo vệ trật tự, an ninh xã hội.
Bài 4 trang 89 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào dưới đây không vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc?
A. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
B. Gian dối trong khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự.
C. Tham gia tập trung huấn luyện quân sự.
D. Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Hành vi tham gia tập trung huấn luyện quân sự không vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc
Bài 5 trang 89 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Trường hợp nào dưới đây không được tạm hoãn gọi nhập ngũ?
A. Sinh viên đang học tại các trường đại học.
B. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
C. Đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp.
D. Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trường hợp công dân đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp không được tạm hoãn gọi nhập ngũ
Bài 6 trang 90 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự là thực hiện quyền nào dưới đây?
A. Quyền dân chủ.
B. Quyền bình đẳng.
C. Quyền tự do.
D. Quyền lập hội.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Bảo vệ Tổ quốc là một trong những quyền dân chủ cơ bản của công dân.
Bài 7 trang 90 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào sau đây là thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân?
A. Tham gia giữ gìn các di sản văn hoá ở địa phương.
B. Tham gia tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự.
C. Tham gia tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.
D. Tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Hành vi tham gia tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự là thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân
Bài 8 trang 90 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào dưới đây vi phạm quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân?
A. Tuyên truyền đường lối của Đảng.
B. Tham gia dân quân tự vệ.
C. Nói xấu chính quyền địa phương.
D. Giữ gìn an ninh, trật tự.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Hành vi nói xấu chính quyền địa phương đã vi phạm quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân
Bài 9 trang 90 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào sau đây không phải là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân?
A. Tham gia phục vụ trong Công an nhân dân.
B. Tham gia phục vụ trong Quân đội nhân dân.
C. Tham gia bảo vệ biên giới.
D. Tham gia biểu tình.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Hành vi tham gia biểu tình không phải là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân
Bài 10 trang 90 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Theo quy định của pháp luật, đối tượng nào sau đây không được miễn đăng kí nghĩa vụ quân sự?
A. Người mắc bệnh hiểm nghèo.
B. Người mắc bệnh tâm thần.
C. Người khuyết tật.
D. Người đi làm ở xa.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Theo quy định của pháp luật, người đi làm ở xa không được miễn đăng kí nghĩa vụ quân sự
Bài 11 trang 91 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Theo quy định của pháp luật, độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự là
A. từ 17 tuổi.
B. từ đủ 17 tuổi.
C. từ 18 tuổi.
D. từ đủ 18 tuổi.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Theo quy định của pháp luật, độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự là từ đủ 17 tuổi.
Bài 12 trang 91 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin
GƯƠNG SÁNG TRONG PHÒNG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH
Ông Nguyễn Hữu Minh – Phó Bí thư Chi bộ ấp Tân Quy B, xã Tân Hưng (Long Phú) là một tấm gương sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thời gian qua, ông Minh đã tích vận động gia đình, người dân trong xóm, ấp thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực phòng, chống tội phạm.
Khi được chính quyền triển khai và quán triệt chủ trương, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, nhất là việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 521/QĐ-TTg, ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ông Minh phấn khởi, tích cực vận động gia đình, người thân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Ông Minh còn mạnh dạn vận động gia đình, người thân tích cực tham gia về phòng ngừa, tố giác tội phạm. Trong năm, ông đã cung cấp 8 nguồn tin có giá trị về trật tự xã hội, giúp lực lượng công an khám phá nhanh 1 vụ trộm cắp tài sản, triệt phá 2 điểm tệ nạn, bắt 2 đối tượng buôn bán ma tuý và cung cấp nhiều tin liên quan phòng, chống Covid-19. Ngoài việc mạnh dạn cung cấp tin báo, tố giác tội phạm, ông Minh còn thường xuyên tham gia họp khu dân cư để đẩy mạnh tuyên truyền về quyền, trách nhiệm người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực hưởng ứng đầy đủ các phong trào tại địa phương, như: dặm, vá đường nông thôn hư hỏng, cải tạo vệ sinh môi trường xanh, sạch, tham gia quản lí giáo dục đối tượng chậm tiến tại cộng đồng, vận động xóm giềng, khu dân cư nói không với tội phạm, tệ nạn xã hội,… Từ những việc làm nhỏ đó, ông Minh đã góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng phong trào, đạt kết quả tích cực trong thực hiện chuyển hoá địa bàn.
a) Em hãy xác định những việc làm tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của ông Minh.
b) Em rút ra được bài học gì cho bản thân qua tấm gương tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của ông Minh.
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Những việc làm tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của ông Minh:
+ Vận động gia đình, người dân trong xóm, ấp thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực phòng, chống tội phạm.
+ Vận động gia đình, người thân tích cực tham gia về phòng ngừa, tố giác tội phạm.
+ Thường xuyên tham gia họp khu dân cư để đẩy mạnh tuyên truyền về quyền, trách nhiệm người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực hưởng ứng đầy đủ các phong trào tại địa phương
♦ Yêu cầu b) Bài học: Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.
Bài 13 trang 92 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Tốt nghiệp trung học phổ thông, H có nguyện vọng tham gia nghĩa vụ quân sự, nhưng bố của H lại không đồng ý vì muốn con tiếp tục đi học.
a) Em có đồng ý với ý kiến của bố bạn H không? Vì sao?
b) Nếu là H trong trường hợp này, em sẽ làm gì để thực hiện được quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mình?
Lời giải:
♦ Yêu cầu a)
– Suy nghĩ và hành vi của H là đúng với quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc.
– Việc bố H không đồng ý cho H tham gia Nghĩa vụ quân sự là cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc.
♦ Yêu cầu b) Nếu là H, em sẽ giải thích cho bố mẹ hiểu quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Việc tham gia Nghĩa vụ quân sự là phù hợp với lứa tuổi.
Bài 14 trang 92 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Anh V (đủ 18 tuổi) là công nhân của một nhà máy, được gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển. Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, anh V lại không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ với lí do bản thân đang có việc làm ổn định.
a) Theo em, hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ của anh V có vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân không? Vì sao?
b) Hành vi của anh V có thể dẫn đến hậu quả gì?
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ của anh V vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân theo khoản 2 Điều 45 Hiến pháp năm 2013 “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này” và khoản 1 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
♦ Yêu cầu b) Đối với hành vi của anh V tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bài 15 trang 92 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Với mục đích để con tiếp tục phụ giúp gia đình trong kinh doanh, ông A đã nhờ người làm giá giấy khám sức khoẻ để con không đủ điều kiện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tuy đã bị xử phạt hành chính, nhưng ông A vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo em, hành vi của ông A có thể bị xử lí như thế nào vì đã xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân?
Lời giải:
– Tuy đã bị xử phạt vi phạm hành chính cho việc làm giả giấy tờ khám sức khoẻ cho con, nhưng ông A vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lí theo quy định tại khoản 1 Điều 335 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: “Người nào cố ý cản trở việc đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Như vậy, với hành vi của mình, ông A có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt từ từ 3 tháng đến 2 năm.
Bài 16 trang 92 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Sau khi nhận tiền của gia đình ông M, ông Q là cán bộ xã đã tự ý gạch tên con trai ông M ra khỏi danh sách đăng kí nghĩa vụ quân sự
a) Theo em, hành vi của ông Q có vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân không? Vì sao?
b) Hậu quả nào có thể xảy ra từ hành vi của ông Q?
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Hành vi của ông Q tự ý bỏ tên con trai ông M ra khỏi danh sách đăng kí nghĩa vụ quân sự là vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân được quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự”.
♦ Yêu cầu b) Hành vi của ông Q có thể bị xử lí theo khoản 1 Điều 334 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Bài 17 trang 92 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Anh P là người có bệnh mãn tính về hô hấp, thường xuyên điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, ông S là cán bộ xã lại để tên của anh P trong danh sách thông báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
a) Theo em, hành vi của ông S có đúng với quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân không? Vì sao?
b) Nếu là anh P, trong trường hợp trên, em sẽ làm gì?
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Hành vi của ông S là không đúng với quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân được quy định tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật”.
♦ Yêu cầu b) Nếu là anh P trong trường hợp trên, em sẽ mang bệnh án đến gặp ông S để trao đổi và yêu cầu ông S bỏ tên mình trong danh sách thông báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Bài 18 trang 93 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Trong quá trình học đại học, C được hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do mải chơi, không theo được chương trình, C đã bỏ học đi làm công nhân cho một công ty. Khi nhận được thông báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự, C đã nhờ một người không rõ lai lịch làm giúp một giấy chứng nhận giá là sinh viên của trường đại học để nộp cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã với mục đích hoãn nghĩa vụ quân sự.
a) Theo em, hành vi của C có vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc không? Vì sao?
b) Hành vi của C có thể phải chịu hậu quả gì?
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Hành vi của C vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Hiến pháp năm 2013 “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này” và khoản 1 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
♦ Yêu cầu b) Hành vi của C có thể bị xử lí theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bài 19 trang 93 SBT Kinh tế Pháp luật 11: D là con bà H đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã vì tội trộm cắp tài sản. Khi thấy xã thông báo đăng kí khám tuyển nghĩa vụ quân sự, bà H đã yêu cầu ông B là cán bộ đưa tên con mình vào danh sách, nhưng ông B không đồng ý.
Theo em, việc ông B không đồng ý với ý kiến của bà H có đúng không? Vì sao?
Lời giải:
– Việc ông B không đồng ý với yêu cầu đưa tên con trai của bà H vào danh sách thông báo đăng kí khám tuyển nghĩa vụ quân sự là hoàn toàn đúng, vì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự về đối tượng không được đăng kí nghĩa vụ quân sự: “Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Bài 20 trang 93 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, học sinh trung học phổ thông có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc như thế nào?
Lời giải:
– Trách nhiệm của học sinh THPT:
+ Tìm hiểu quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc;
+ Xây dựng ý thức tự giác thực hiện quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc;
+ Vận động những người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ này.
Bài 21 trang 93 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy nêu một số trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân ở địa phương em (nếu có). Bài học rút ra cho bản thân em là gì?
Lời giải:
(*) Trường hợp: Là học sinh lớp 11 nhưng P rất tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự của địa phương. P cho rằng, thông qua hoạt động tuyên truyền thì bản thân sẽ hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bố mẹ của P không cho con tham gia vì muốn con tập trung học tập.
(*) Bài học: Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.
Xem thêm giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo
Bài 16: Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc
Bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm
Bài 18: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở
Bài 19: Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín