Lý thuyết KTPL 11 Bài 5: Thất nghiệp
A. Lý thuyết KTPL 11 Bài 5: Thất nghiệp
1. Khái niệm thất nghiệp
– Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận lực lượng lao động muốn làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
Thất nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai
2. Các loại hình thất nghiệp và nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
– Có nhiều tiêu chí phân loại thất nghiệp. Căn cứ vào nguồn gốc thất nghiệp, thất nghiệp được chia thành các loại sau:
+ Thất nghiệp tạm thời: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện khi người lao động thay đổi công việc hoặc chỗ ở,… chưa xin được việc làm mới nên tạm thời thất nghiệp.
+ Thất nghiệp cơ cấu: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do có sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, sự dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế hoặc sự thay đổi phương thức sản xuất trong một ngành.
+ Thất nghiệp chu kì: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do tính chu kì của nền kinh tế khi nền kinh tế bị suy thoái hoặc khủng hoảng dẫn đến mức cầu chung về lao động giảm.
– Theo đặc trưng của người thất nghiệp, còn có: thất nghiệp theo giới tính, thất nghiệp theo lứa tuổi; thất nghiệp theo vùng, lãnh thổ; thất nghiệp theo ngành nghề,…
– Theo tính chất thất nghiệp còn có: thất nghiệp tự nguyện; thất nghiệp không tự nguyện; thất nghiệp thời vụ; thất nghiệp trá hình…..
Biểu đồ thể hiện tỉ lệ thất nghiệp theo giới tính ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2019
3. Hậu quả của thất nghiệp
– Trong nền kinh tế thị trường, thất nghiệp gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về mặt kinh tế, xã hội:
+ Thất nghiệp làm người lao động không có thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình gặp khó khăn.
+ Thất nghiệp cao làm cho sản lượng của nền kinh tế ở dưới mức tiềm năng, sức mua của nền kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
+ Thất nghiệp gây lãng phí lao động xã hội, làm giảm sản lượng của nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế.
+ Thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện các tệ nạn xã hội.
Người thất nghiệp xếp hàng để nhận trợ cấp từ chính phủ
4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp
– Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp thông qua việc:
+ Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm…
+ Phát triển hệ thống dạy nghề, dịch vụ việc làm,…
+ Bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động.
– Trách nhiệm của học sinh:
+ Học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, việc làm;
+ Thực hiện đúng và tuyên truyền, vận động những người xung quanh ủng hộ, chấp hành những chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
+ Phê phán những hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp từ bảo hiểm xã hội
B. Bài tập trắc nghiệm KTPL 11 Bài 5: Thất nghiệp
Câu 1. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng thất nghiệp?
A. Sự mất cân đối giữa lượng cung và cầu trên thị trường lao động.
B. Người lao động thiếu chuyên môn, nghiệp vụ và kĩ năng làm việc.
C. Nền kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
D. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nên đặt ra yêu cầu mới về chất lượng lao động.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
– Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp:
+ Nguyên nhân chủ quan: bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật, tự thôi việc do không hài lòng với công việc đang có, do thiếu chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc,…
+ Nguyên nhân khách quan: nền kinh tế suy thoái nên doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất; do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, do sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.
Câu 2. Tình trạng thất nghiệp để lại hậu quả như thế nào đối với mỗi cá nhân?
A. Thu nhập giảm hoặc không có, đời sống gặp nhiều khó khăn.
B. Lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ, buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
C. Lãng phí nguồn lực, làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.
D. Phát sinh nhiều tệ nạn xã hội; trật tự, an ninh xã hội không ổn định.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
– Đối với mỗi cá nhân, thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp.
Câu 3. Xác định loại hình thất nghiệp được đề cập đến trong trường hợp sau:
Trường hợp. Doanh nghiệp A tạm ngưng sản xuất do thiếu đơn hàng, chị P phải nghỉ việc và không tìm được việc làm khác trong tình hình kinh tế thành phố đang đình trệ. Chị mong chờ doanh nghiệp A hồi phục sản xuất, tuyển dụng lại lao động tạm nghỉ việc để chị lại có được việc làm như trước.
A. Thất nghiệp tạm thời.
B. Thất nghiệp cơ cấu.
C. Thất nghiệp chu kì.
D. Thất nghiệp tự nguyện.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Loại hình thất nghiệp được đề cập đến trong trường hợp trên là thất nghiệp chu kì (tình trạng thất nghiệp xuất hiện do tính chu kì của nền kinh tế khi nền kinh tế bị suy thoái hoặc khủng hoảng dẫn đến mức cầu chung về lao động giảm).
Câu 4. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vai trò của nhà nước trong việc iểm soát và kiềm chế thất nghiệp?
A. Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động.
B. Khuyến khích các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng hoạt động sản xuất.
C. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động.
D. Nghiêm cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
– Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Nhà nước sử dụng nhiều giải pháp để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp như:
+ Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động;
+ Khuyến khích các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng hoạt động sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động;
+ Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động.
– Ngoài ra, Nhà nước còn thường xuyên quan tâm đào tạo lao động trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình trường lớp, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.
Câu 5. Trong trường hợp dưới đây, nhà nước đã thực hiện chính sách nào để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp?
Trường hợp. Nền kinh tế thực hiện quá trình chuyển đổi số sẽ làm cho một bộ phận người lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới, họ không có việc làm, không có thu nhập và gia tăng tình trạng thất nghiệp trong xã hội. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đào tạo và tái đào tạo người lao động, khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp tự tạo việc làm, cải thiện dịch vụ thị trường lao động.
A. Trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp/ người lao động đang tạm thời ngưng việc.
B. Nghiêm cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
C. Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ.
D. Hỗ trợ kinh phí đào tạo và tái đào tạo người lao động; khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Trong trường hợp trên, để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, nhà nước đã: Hỗ trợ kinh phí đào tạo và tái đào tạo người lao động; khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp tự tạo việc làm, cải thiện dịch vụ thị trường lao động.
Câu 6. Tình trạng người lao động mong muốn có việc làm nhưng chưa tìm được việc làm được gọi là
A. thất nghiệp.
B. sa thải.
C. giải nghệ.
D. bỏ việc.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Thất nghiệp là tình trạng người lao động mong muốn có việc làm nhưng chưa tìm được việc làm.
Câu 7. Tình trạng thất nghiệp xuất hiện khi người lao động thay đổi công việc hoặc chỗ ở,… chưa tìm được việc làm mới được gọi là
A. thất nghiệp tạm thời.
B. thất nghiệp cơ cấu.
C. thất nghiệp chu kì.
D. thất nghiệp tự nguyện.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Thất nghiệp tạm thời là tình trạng thất nghiệp xuất hiện khi người lao động thay đổi công việc hoặc chỗ ở,… chưa tìm được việc làm mới.
Câu 8. Tình trạng thất nghiệp xảy ra do người lao động mong muốn làm việc nhưng không thể tìm kiếm được việc làm được gọi là
A. thất nghiệp tự nguyện.
B. thất nghiệp không tự nguyện.
C. thất nghiệp cơ cấu.
D. thất nghiệp tạm thời.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Thất nghiệp không tự nguyện xảy ra do người lao động mong muốn làm việc nhưng không thể tìm kiếm được việc làm.
Câu 9. Xác định loại hình thất nghiệp được đề cập đến trong trường hợp sau:
Trường hợp. Ông B không đáp ứng được yêu cầu của việc làm mới khi doanh nghiệp chuyển đổi sang quy trình sản xuất hiện đại nên phải nghỉ việc.
A. Thất nghiệp tạm thời.
B. Thất nghiệp cơ cấu.
C. Thất nghiệp chu kì.
D. Thất nghiệp tự nguyện.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Loại hình thất nghiệp được đề cập đến trong trường hợp trên là thất nghiệp cơ cấu (thất nghiệp gắn liền với sự biến động cơ cấu kinh tế và sự thay đổi của công nghệ dẫn đến yêu cầu lao động có trình độ cao hơn, lao động không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải)
Câu 10. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng thất nghiệp?
A. Người lao động thiếu kĩ năng làm việc.
B. Người lao động bị sa thải do vi phạm kỉ luật.
C. Tự thôi việc do không hài lòng với công việc đang có.
D. Sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
– Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp:
+ Nguyên nhân chủ quan: bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật, tự thôi việc do không hài lòng với công việc đang có, do thiếu chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc,…
+ Nguyên nhân khách quan: nền kinh tế suy thoái nên doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất; do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, do sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.
Câu 11. Tình trạng thất nghiệp xảy ra do người lao động không muốn làm việc vì điều kiện làm việc và mức lương chưa phù hợp với họ được gọi là
A. thất nghiệp tự nguyện.
B. thất nghiệp không tự nguyện.
C. thất nghiệp cơ cấu.
D. thất nghiệp tạm thời.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Thất nghiệp tự nguyện xảy ra do người lao động không muốn làm việc do điều kiện làm việc và mức lương chưa phù hợp với họ.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Kinh tế Pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 4: Việc làm
Lý thuyết Bài 5: Thất nghiệp
Lý thuyết Bài 6: Lạm phát
Lý thuyết Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh
Lý thuyết Bài 8: Đạo đức kinh doanh