Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 6: Một số chế định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Mở đầu trang 42 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Thông tin. Sau khi hoàn thành kịch bản phim X, ông T đã kí hợp đồng cho phép Công ty điện ảnh K sản xuất bộ phim cùng tên và bán cho các rạp chiếu phim trong thành phố trình chiếu bộ phim đó.
Câu hỏi: Em hãy cho biết quyền nhân thân và quyền tài sản của ông T đối với kịch bản phim X.
Lời giải:
– Quyền nhân thân của ông T đối với kịch bản phim X:
+ Quyền đặt tên tác phẩm.
+ Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng
+ Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
+ Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Quyền tài sản của ông T đối với kịch bản phim X:
+ Quyền làm tác phẩm phái sinh
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng.
+ Sao chép tác phẩm.
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác.
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về sở hữu trí tuệ
Câu hỏi 1 trang 45 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy chỉ ra quyền nhân thân và quyền tài sản của các tác giả ở các trường hợp 4, 5, 6.
Lời giải:
* Trường hợp 4:
– Quyền nhân thân của nhạc sĩ Q:
+ Đặt tên cho các bài hát mà ông sáng tác.
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên bài hát; được nêu tên thật hoặc bút danh khi bài hát được công bố, sử dụng.
+ Cho phép các ca sĩ biểu diễn bài hát tại các dân khấu ca nhạc hoặc trên sóng phát thanh, truyền hình.
– Quyền tài sản của nhạc sĩ Q:
+ Làm tác phẩm phái sinh.
+ Biểu diễn bài hát trước công chúng
+ Truyền đạt bài hát đến công chúng bằng các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử,…
* Trường hợp 5:
– Quyền nhân thân của kĩ sư K:
+ Đặt tên cho loại máy móc mà ông chế tạo ra.
+ Công bố loại máy gặp đập do mình sáng chế ra.
+ Đứng tên trên bằng bảo hộ sáng chế đối với loại máy gặt đập này.
+ Được ghi tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế loại máy gặt đập.
– Quyền tài sản của kĩ sư K:
+ Sao chép, nhân bản loại máy gặt đập do mình sáng chế ra.
+ Phân phối bản gốc hoặc bản sao của chiếc máy gặt đập cho các cơ sở, đại lý buôn bán máy móc nông nghiệp hoặc tới các hộ gia đình/ cá nhân bà con nông dân.
+ Giới thiệu, truyền đạt về loại máy gặt đập này thông qua các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác.
* Trường hợp 6:
– Quyền nhân thân của kĩ sư C:
+ Đặt tên cho giống lúa mà ông nghiên cứu, lai tạo ra.
+ Công bố giống lúa mà ông nghiên cứu, lai tạo ra.
+ Đứng tên trên bằng bảo hộ sáng chế đối với giống lúa này.
– Quyền tài sản của kĩ sư C:
+ Nhân giống giống lúa do mình nghiên cứu, lai tạo ra.
+ Phân phối giống lúa đó tới các cơ sở, đại lý buôn bán hạt giống hoặc tới các các hộ gia đình/ cá nhân bà con nông dân.
+ Giới thiệu, truyền đạt về giống lúa này thông qua các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác.
Câu hỏi 2 trang 45 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Việc phô tô giáo trình mà không xin phép Trường Đại học B của cửa hàng phô tô K sẽ phải chịu hậu quả gì? Vì sao?
Lời giải:
– Cửa hàng phô tô K có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi phô tô giáo trình mà không xin phép Trường Đại học B.
– Vì: hành vi này của cửa hàng phô tô K là hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm (được quy định tại khoản 1 điều 18 Luật sở hữu trí tuệ, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Câu hỏi 3 trang 45 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Việc làm nhái mẫu mã giày của xưởng đóng giày X sẽ phải chịu hậu quả gì? Vì sao?
Lời giải:
– Xưởng đóng giày X có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi làm nhái mẫu giày của xưởng đóng giày E.
+ Vì: hành vi này của xưởng đống giày X đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp (được quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp).
2. Một số quy định cơ bản của pháp luật về chuyển giao công nghệ
Câu hỏi 1 trang 46 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Trong trường hợp 3, chủ thể nào là bên có quyền chuyển giao công nghệ? Chủ thể nào là bên nhận công nghệ? Đối tượng công nghệ được chuyển giao trong trường hợp này là gì?
Lời giải:
– Bên có quyền chuyển giao công nghệ là: Hãng xe hơi M
– Bên nhận chuyển giao công nghệ là: Công ty T
– Đối tượng công nghệ được chuyển giao là: công nghệ sản xuất ô tô.
Câu hỏi 2 trang 46 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy chỉ ra quyền nhân thân và quyền tài sản của hãng xe hơi M.
Lời giải:
– Quyền nhân thân của hãng xe hơi M:
+ Đặt tên cho công nghệ sản xuất xe ô tô.
+ Đứng tên trên công nghệ sản xuất xe ô tô hoặc được nêu tên khi công nghệ sản xuất ô tô này được công bố, sử dụng.
+ Công bố hoặc cho phép cá nhân/ tổ chức khác công bố công nghệ sản xuất ô tô này.
+ Bảo vệ sự toàn vẹn, không cho các cá nhân/ tổ chức khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc về công nghệ sản xuất ô tô dưới bất kì hình thức nào.
– Quyền tài sản của hãng xe hơi M:
+ Phân phối, chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô.
+ Truyền đạt, giới thiệu về công nghệ sản xuất ô tô này tới công chúng.
Câu hỏi 3 trang 46 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Khi cung cấp công nghệ sản xuất xe máy của Hãng xe máy Y cho Hãng xe máy A mà không được phép, anh T sẽ phải chịu hậu quả gì? Vì sao?
Lời giải:
– Hành vi của anh T có thể bị xử phạt từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
– Vì: anh T đã cung cấp công nghệ sản xuất xe máy của hãng Y cho hãng A (mà chưa được hãng Y đồng ý). Đây là hành vi vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học công nghệ (được nêu tại khoản 1 điều 12 Nghị định số 51/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ).
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 46 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?
a. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do minh sáng tạo ra hoặc sở hữu.
b. Tác giả sáng chế được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế và được nhận thù lao.
c. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
d. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu công nghệ.
Lời giải:
– Ý kiến a) Đúng. Vì: Theo khoản 2 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022): quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
– Ý kiến b) Đúng. Vì: theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 122 uật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022): Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí có các quyền sau:
+ Quyền nhân thân: được ghi tên là tác giả trong Bằng sáng chế; được nêu tên tác giả trong các tài liệu công nố, giới thiệu về sáng chế,….
+ Quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là: quyền nhận thù lao.
– Ý kiến c) Đúng. Vì: theo khoản 7 điều 2 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017: Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
– Ý kiến d) Sai. Vì: việc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ cho các tổ chức, cá nhân khác cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu công nghệ.
Luyện tập 2 trang 47 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hành vi của chủ thể trong các tình huống sau là thực hiện đúng hay vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ? Vì sao?
a. Công ty S may đo và đưa ra bán trên thị trường hàng loạt áo đông xuân theo kiểu dáng của Công ty X mặc dù chưa được Công ty X chuyển giao công nghệ.
b. Sau khi nghiên cứu ra giống cà chua mới đạt năng suất cao, Trung tâm nghiên cứu V đã chuyển giao kĩ thuật trồng và chăm sóc giống cà chua này cho nhiều bà con nông dân ở tỉnh H.
c. Nhạc sĩ Y đã dịch lời một bài hát của nước ngoài ra tiếng Việt, sau đó giới thiệu trước công chúng rằng cả nhạc và lời của bài hát đều do mình sáng tác.
d. Gia đình ông S đã mở cửa hàng bán phở sau khi nhận được bí quyết chế biến phở do ông chủ cửa hàng phở nổi tiếng ở địa phương chuyển giao.
Lời giải:
– Tình huống a) Hành vi của công ty S đã vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Vì: chưa được sự đồng ý và chuyển giao công nghệ từ công ty X, nhưng công ty S đã may đo và đưa ra bán trên thị trường mẫu áo đông xuân theo kiểu dáng của công ty X.
– Tình huống b) Hành vi của Trung tâm nghiên cứu V đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Vì: Trung tâm nghiên cứu V là tác giả của giống cà chua, nên công ty V có các quyền nhân thân, quyền tài sản và chuyển giao công nghệ đối với giống cà chua này.
– Tình huống c) Hành vi của nhạc sĩ Y đã vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Vì:
+ Nhạc sĩ Y không phải là tác giả của bài hát, nên ông không có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với bài hát này.
+ Hành vi của nhạc sĩ Y (dịch lời bài hát nước ngoài ra tiếng việt, giới thiệu tới công chúng cả nhạc và lời đều do mình sáng tác) đã xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của nhạc sĩ nước ngoài.
– Tình huống d) Cần phải căn cứ vào nội dung hợp đồng, thỏa thuận chuyển giao bí quyết, kĩ thuật nấu phở giữa chủ cửa hàng phở (bên chuyển giao) với gia đình ông S (bên nhận chuyển giao) với mới có thể xác định được hành vi của ông S có vi phạm pháp luật hay không.
Luyện tập 3 trang 47 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:
– Trường hợp a. Ông Q là một nhà văn nổi tiếng, chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Một hôm, ông Q vô tình đọc được một tác phẩm của người khác xuất bản sau tác phẩm của ông một thời gian, có tên khác với tác phẩm của ông, nhưng nội dung bên trong thì đến hơn 50% giống với tác phẩm của ông.
1 Theo em, trong trường hợp này, quyền tác giả của ông Q bị xâm phạm như thế nào?
2 Em hãy tư vấn giúp ông Q cách thức để bảo vệ quyền lợi của mình.
– Trường hợp b. Là chủ một trang trại hoa hồng lớn và cũng là người say mê nghiên cứu, chị H đã lai tạo ra một giống hoa hồng mới. Tuy nhiên, chị H luôn lo ngại quyền đối với giống hoa hồng mới có thể bị xâm phạm bởi người khác.
Em hãy tư vấn cho chị H cách thức để có thể bảo vệ được quyền của mình đối với giống hoa hồng do chị lai tạo được.
– Trường hợp c. Anh M là một ca sĩ đã thành danh, khi biết nhạc sĩ C mới sáng tác được một bài hát mới, anh rất muốn được biểu diễn bài hát này trước công chúng.
Em hãy tư vấn cho anh M cách thức để thực hiện được mong muốn của mình.
Lời giải:
* Trả lời câu hỏi trường hợp a)
– Yêu cầu số 1: Quyền tác giả của ông Q đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Điều này được thể hiện ở các chi tiết:
+ Tác phẩm truyện tranh do ông Q viết bị xâm phạm, cắt xén, không còn nguyên vẹn.
+ Hơn 50% nội dung tác phẩm do ông Q viết bị người khác sao chép.
– Yêu cầu số 2: để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Q nên thu thập bằng chứng và gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.
* Trả lời câu hỏi trường hợp b) Để bảo vệ quyền đối với giống hoa hồng do mình lai tạo được, chị H nên:
+ Đặt tên cho giống hoa hồng mà mình vừa lai tạo được.
+ Nộp đơn đăng kí tới cơ quan nhà nước có có thẩm quyền để được cấp Cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.
+ Truyền thông, giới thiệu, công bố tới mọi người về giống hoa hồng do mình lai tạo ra, thông qua mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện nào khác.
* Trả lời câu hỏi trường hợp c) Để thực hiện mong muốn của mình, anh M nên:
+ Liên hệ với nhạc sĩ C, trao đổi, thỏa thuận, kí kết hợp đồng với nhạc sĩ C để được nhạc sĩ C đồng ý cho phép biểu diễn diễn tác phẩm.
+ Khi biểu diễn tác phẩm, cần nêu rõ và chính xác thông tin về: tên tác phẩm – nhạc sĩ sáng tác; biểu diễn chính xác, trọn vẹn các ca từ trong tác phẩm; không tự ý cắt xén, chỉnh sửa ca từ của bài hát.
Vận dụng
Vận dụng trang 47 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy viết bài kể lại một câu chuyện liên quan đến việc thực hiện pháp luật hoặc vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ và rút ra bài học cho bản thân.
Lời giải:
(*) Vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ:
– Ngày 26/1/2015, Acecook phát hiện sản phẩm Hảo Hạng của Asia Foods có kiểu dáng thiết kế bao bì gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo. Cụ thể, kiểu chữ, hình tô mì, sợi mì tôm, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo đã được bảo hộ và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
– Cho rằng thiết kế mới đây của mì Hảo Hạng giống hệt với bao bì mì Hảo Hảo của mình, Acecook Việt Nam quyết định kiện ra tòa, yêu cầu bốn vấn đề: xác định hành vi vi phạm của Asia Foods, buộc chấm dứt vi phạm, Asia Foods đăng báo xin lỗi công khai trong ba kỳ, bồi thường thiệt hại gần 700 triệu đồng cho Acecook.
– Đầu tháng 2/2015, Acecook Việt Nam gửi công văn khuyến cáo Asia Foods về hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Sau đó, 2 bên nhiều lần làm việc với nhau nhưng không đạt được thống nhất.
– Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên mì Hảo Hạng của Asia Foods có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với mì Hảo Hảo của Acecook. Do đó Asia Foods phải chấm dứt vi phạm, đăng báo xin lỗi công khai ba kỳ liên tiếp. Tòa cũng tuyên Asia Foods bồi thường 80 triệu đồng chi phí luật sư cho Acecook.
(*) Bài học cho bản thân: trang bị thêm kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 5: Một số chế định của pháp luật dân sự về hôn nhân và gia đình, thừa kế di sản
Bài 6: Một số chế định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động
Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội
Bài 9: Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động
Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên
Chuyên đề 2: Một số vấn đề về pháp luật dân sự
Chuyên đề 3: Một số vấn đề về pháp luật lao động