Giải bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 4 Bài 7: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Khởi động (trang 35)
Câu hỏi trang 35 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Cách đây hàng nghìn năm, con người đã sinh sống ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nơi có dân cư rất đông đúc với nhiều lễ hội đặc sắc. Đồng bằng Bắc Bộ nổi tiếng là vùng đất trăm nghề. Hãy kể tên một lễ hội hoặc nghề truyền thống ở Đồng bằng Bắc Bộ mà em biết.
Lời giải:
– Một số lễ hội ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ: lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội); Hội Lim (tỉnh Bắc Ninh); Hội Gióng (huyện Gia Lâm, Hà Nội); hội Phủ Dầy (tỉnh Nam Định),…
– Một số nghề truyền thống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ: nghề làm gốm sứ ở Bát Tràng (Hà Nội); nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà Nội); nghề đúc đồng ở Đại Bái (Bắc Ninh),…
Khám phá (trang 35, 36, 38, 39, 40)
Câu hỏi trang 35 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:
• Kể tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
• Nêu tên những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số từ 501 đến 1.000 người/km2, từ 1001 đến 1500 người/km2 và từ 1501 người/km2 trở lên.
• Nhận xét và giải thích về sự phân bố dân cư ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Lời giải:
• Yêu cầu số 1: Một số dân tộc sinh sống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ là: Kinh, Mường, Tày, Thái, Dao,…
• Yêu cầu số 2:
– Những tỉnh có mật độ dân số từ 501 đến 1.000 người/km2 là: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình.
– Những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số từ 1001 đến 1500 người/km2 là: Hưng Yên; Hải Dương; Thái Bình; Nam Định và thành phố Hải Phòng.
– Những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số trên 1501 người/km2 là: Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội.
• Yêu cầu số 3:
– Nhận xét: Đồng bằng Bắc Bộ là nơi dân cư đông đúc nhất nước ta. Năm 2020, mật độ dân số trung bình của vùng là 1431 người/km2 (cả nước là 295 người/km2). Dân cư tập trung đông ở vùng trung tâm, thưa hơn ở phía rìa đồng bằng.
– Giải thích: vùng Đồng bằng Bắc Bộ có dân cư tập trung đông là do điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân sống ở đây từ lâu đời, có nhiều đô thị và trung tâm công nghiệp.
Câu hỏi trang 36 Lịch sử và Địa lí lớp 4: • Quan sát hình 3, em hãy mô tả một số hoạt động trong sản xuất lúa nước.
• Em có nhận xét gì về việc sản xuất lúa nước của người nông dân?
Lời giải:
• Yêu cầu số 1: Một số hoạt động trong sản xuất lúa nước
– Bước 1 – Chọn giống lúa: chọn giống lúa tốt, có khả năng chống sâu bệnh, năng suất cao, phù hợp mùa vụ của địa phương.
– Bước 2 – Làm đất: dọn sạch rạ, cỏ, cày, bừa cho nguyễn đất và san bằng đất.
– Bước 3 – Gieo mạ và cấy lúa: gieo hạt lúa đã nảy mầm xuống đất thành mạ (cây non), sau đó nhổ và đem mạ ra cấy ngoài ruộng để thành cây lúa.
– Bước 4 – Chăm sóc lúa: làm cỏ, bón phân, tưới tiêu nước hợp lí; phòng trừ sâu bệnh.
– Bước 5 – Thu hoạch và bảo quản: thu hoạch lúa; phơi hoặc sấy khô thóc; đóng bao, bảo quản nơi khô thoáng.
• Yêu cầu số 2: Nhận xét:
– Việc sản xuất lúa nước của người nông dân rất vất vả và phải trải qua nhiều công đoạn, với nhiều hoạt động khác nhau.
– Trước đây, hầu hết các công việc sản xuất lúa đều làm bằng sức người. Ngày nay, nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật và máy móc được áp dụng giúp nâng cao năng suất lúa, giảm bớt công sức của người nông dân.
Câu hỏi trang 38 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 4, em hãy mô tả về nghề thủ công ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Lời giải:
– Đồng bằng Bắc Bộ là vùng có rất nhiều nghề thủ công khác nhau. Nhiều nghề đạt mức độ tinh xảo, tạo nên những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng (thành phố Hà Nội), đồ gỗ Đồng Kỵ và đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), chạm bạc Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình), sản phẩm từ cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình)….
– Để tạo nên một sản phẩm thủ công, những người thợ phải tiến hành các công đoạn khác nhau. Ngày nay, nhiều công việc sản xuất thủ công được áp dụng máy móc và công nghệ mới giúp cho sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng và đẹp mắt
Câu hỏi trang 39 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 5, em hãy mô tả hệ thống đê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cho biết vai trò của đê.
Lời giải:
– Mô tả hệ thống đê sông Hồng:
+ Hệ thống đê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ có tổng chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét. Nhiều nơi đê có độ cao từ 6 m đến 8 m, có nơi cao hơn 10 m.
+ Đây là công trình vĩ đại của người dân trong việc ngăn lũ của sông ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
– Vai trò của đê sông Hồng: nhờ có hệ thống đê ven sông mà đời sống của người dân được đảm bảo hơn; dân cư phân bố rộng khắp đồng bằng; nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển; nhiều di tích lịch sử, văn hóa,… được lưu giữ.
Câu hỏi trang 39 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 6, em hãy mô tả về làng quê của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ trước kia và ngày nay.
Lời giải:
– Người dân ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sống thành làng với nhiều ngôi nhà xây dựng gần nhau. Làng là nơi người dân có mối liên kết chặt chẽ với nhau dựa trên quan hệ dòng họ, hàng xóm,… giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần.
– Trước kia, làng ở Đồng bằng Bắc Bộ thường có lũy tre xanh bao bọc, có cổng vào làng. Mỗi làng có một ngôi đình thờ người có công với làng, với nước gọi là Thành hoàng. Một số làng còn có đền, chùa,…
– Ngày nay, làng có nhiều nhà hiện đại hơn, đường làng thường được đổ bê tông hoặc rải nhựa thuận tiện cho việc đi lại, có các công trình phục vụ công cộng như: nhà văn hóa, trường học,…
Câu hỏi trang 40 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Quan sát các hình từ 7 đến 10 và kết hợp với hiểu biết của bản thân, em hãy kể tên một số lễ hội và hoạt động trong lễ hội ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Lời giải:
– Một số lễ hội ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ: lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội); Hội Lim (tỉnh Bắc Ninh); Hội Gióng (huyện Gia Lâm, Hà Nội); hội Phủ Dầy (tỉnh Nam Định),…
– Một số hoạt động trong lễ hội: người dân thường mặc trang phục truyền thống, tổ chức tế lễ và các hoạt động vui chơi, giải trí.
Giải Lịch Sử và Địa Lí lớp 4 trang 41
Luyện tập (trang 41)
Luyện tập 1 trang 41 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Vì sao Đồng bằng Bắc Bộ trở thành vùng sản xuất lúa nước lớn thứ hai của Việt Nam?
Lời giải:
– Nhờ có diện tích lớn, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, người dân có kinh nghiệm trồng lúa nên Đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành vùng sản xuất lúa lớn thứ hai của Việt Nam (sau vùng Nam Bộ).
Luyện tập 2 trang 41 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Hãy chia sẻ hiểu biết của mình về một số nét văn hóa đặc trưng (làng quê, lễ hội) của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Lời giải:
– Chia sẻ hiểu biết về làng quê ở Đồng bằng Bắc Bộ
+ Người dân ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sống thành làng với nhiều ngôi nhà xây dựng gần nhau. Làng là nơi người dân có mối liên kết chặt chẽ với nhau dựa trên quan hệ dòng họ, hàng xóm,… giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần.
+ Trước kia, làng ở Đồng bằng Bắc Bộ thường có lũy tre xanh bao bọc, có cổng vào làng. Mỗi làng có một ngôi đình thờ người có công với làng, với nước gọi là Thành hoàng. Một số làng còn có đền, chùa,…
+ Ngày nay, làng có nhiều nhà hiện đại hơn, đường làng thường được đổ bê tông hoặc rải nhựa thuận tiện cho việc đi lại, có các công trình phục vụ công cộng như: nhà văn hóa, trường học,…
– Chia sẻ hiểu biết về lễ hội ở Đồng bằng Bắc Bộ
+ Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân để cầu cho một năm mới mạnh khỏe, mùa màng bội thu, tạ ơn trời đất,…
+ Trong lễ hội, người dân thường mặc trang phục truyền thống, tổ chức tế lễ và các hoạt động vui chơi, giải trí.
+ Một số lễ hội nổi tiếng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ: lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội); Hội Lim (tỉnh Bắc Ninh); Hội Gióng (huyện Gia Lâm, Hà Nội); hội Phủ Dầy (tỉnh Nam Định),…
Vận dụng (trang 41)
Vận dụng trang 41 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây.
Nhiệm vụ 1. Khi nói về vai trò của đề ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bạn Lan nói rằng: “Hệ thống đê ven sông có tác dụng chủ yếu trong việc trị thuỷ”. Bạn Tuấn lại cho rằng: “Hệ thống đê đã làm cho phần lớn diện tích đồng bằng không được bồi đắp thêm phù sa hằng năm”. Nếu là bạn cùng lớp, em sẽ nói gì với hai bạn? Tại sao?
Nhiệm vụ 2. Hãy giới thiệu về một hoạt động sản xuất truyền thống ở địa phương em. Theo em, cần làm gì để vừa có thể phát triển hoạt động sản xuất đó vừa bảo vệ môi trường địa phương?
Lời giải:
(*) Lựa chọn: thực hiện nhiệm vụ 1
(*) Tham khảo:
– Nếu là bạn cùng lớp, em sẽ nói hai bạn rằng: ý kiến của cả 2 bạn đều đúng, đều nói lên vai trò của hệ thống đê sông Hồng đối với người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Vì:
+ Hệ thống đê sông Hồng là công trình vĩ đại của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong việc ngăn lũ của các dòng sông. Nhờ có hệ thống đê ven sông mà đời sống của người dân được đảm bảo hơn; dân cư phân bố rộng khắp đồng bằng; nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển; nhiều di tích lịch sử, văn hóa,… được lưu giữ.
+ Do có hệ thống đê sông Hồng, nên vùng phía trong đê (gồm các khu đất cao và ô trũng), không được bồi đắp phù sa hằng năm. Ngược lại, phía ngoài đê, đất phù sa vẫn được bồi đắp, vì vậy, hiện nay, đồng bằng sông Hồng vẫn đang tiếp tục được mở rộng về phía biển.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử & Địa lí lớp 4 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 6: Thiên nhiên vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Bài 7: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Bài 8: Sông Hồng và văn minh sông Hồng
Bài 9: Thăng Long – Hà Nội
Bài 10: Văn Miếu – Quốc Tử Giám