Giải bài tập GDCD 9 Bài 7: Thích ứng với thay đổi
Mở đầu
Mở đầu trang 34 Bài 7 GDCD 9: Em hãy nêu suy nghĩ của bản thân về câu danh ngôn sau:
Chúng ta không thể thay đổi hướng gió nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cánh buồm. (Dolly Parton) |
Trả lời:
(*) Tham khảo:
– Trong cuộc sống, có nhiều yếu tố và tình huống không thể kiểm soát được, giống như hướng gió. Những thách thức và khó khăn này có thể làm cho chúng ta cảm thấy bất lực và mất kiểm soát. Tuy chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố ngoại cảnh, các tai ương bất ngờ ập đến, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận và phản ứng của mình đối với những tình huống bất ngờ đó.
– Điều chỉnh cánh buồm trong trường hợp này tượng trưng cho việc thay đổi chiến lược, phương pháp hoặc hành động của chúng ta để phản ứng với tình huống hiện tại. Thay vì chống lại những rào cản không thể thay đổi, chúng ta có thể thích nghi và điều chỉnh bản thân để đạt được mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề.
1. Một số thay đổi có khả năng xảy ra trong cuộc sống của em và gia đình
Khám phá trang 35 GDCD 9: Em hãy nêu những thay đổi đã xảy ra và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của các nhân vật trong những trường hợp trên
Trường hợp 1. T rất đau buồn vì sự ra đi đột ngột của bà nội. Từ nhỏ, T được bà chăm sóc, chỉ bảo. Lớn lên, bạn vẫn rất gần gũi và thường hay chia sẻ, tâm sự với bà. Giờ không còn bà ở bên cạnh, T không chấp nhận được sự thật này, bạn thường nhốt mình trong phòng, khóc và chìm đắm trong sự đau buồn.
Thông tin 2. Do hậu quả của trận lũ quét khiến gia đình V phải sơ tán đến nơi ở tạm. Mặc dù được chính quyền hỗ trợ nhưng cuộc sống của gia đình V vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, giao thông gián đoạn, tài sản bị cuốn đi, việc học tập và sinh hoạt đều gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp 3. Anh K ước mơ trở thành nghệ sĩ piano và đã đạt được nhiều giải thưởng. Nhưng không may, một tai nạn xảy ra khiến anh bị chấn thương ở tay và không thể chơi đàn được nữa. Anh K rất buồn và lo lắng cho tương lai của mình.
Trả lời:
– Trường hợp 1.
+ Những thay đổi đã xảy ra: bà nội của T qua đời, T cảm thấy rất buồn vì sự ra đi đột ngột của bà nội.
+ Ảnh hưởng: T cảm thấy đau buồn, bạn không chấp nhận được sự thật này, nên T thường nhốt mình trong phòng, khóc.
– Trường hợp 2.
+ Những thay đổi đã xảy ra: cuộc sống của gia đình V gặp nhiều khó khăn do hậu quả của trận lũ quét.
+ Ảnh hưởng: gia đình V phải sơ tán đến nơi ở tạm; tài sản bị lũ cuốn trôi; việc học tập và sinh hoạt bị gián đoạn.
– Trường hợp 3.
+ Những thay đổi đã xảy ra: anh K bị tai nạn
+ Ảnh hưởng: anh K chấn thương ở tay và không thể chơi đàn được nữa
Khám phá trang 35 GDCD 9: Em hãy nêu thêm những thay đổi khác có thể xảy ra trong cuộc sống
Trả lời:
Một số thay đổi khác có thể xảy ra trong cuộc sống:
– Ô nhiễm môi trường, các hiện tượng thời tiết cực đoan (giông, sét, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương muối,….) gây ảnh hướng đến sức khỏe và đời sống.
– Thu nhập của gia đình bị suy giảm.
– Sự xuất hiện và phát triển của các thiết bị, máy móc công nghệ cao,…
– Hạnh phúc gia đình rạn nứt/ tan vỡ,…
2. Một số biện pháp để thích ứng với thay đổi trong cuộc sống
Khám phá trang 36 GDCD 9: Theo em, việc chấp nhận sự thay đổi, giữ bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người khi phải đối mặt với thay đổi lớn trong cuộc sống?
Trả lời:
Việc chấp nhận sự thay đổi, giữ bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người khi phải đối mặt với thay đổi lớn trong cuộc sống. Vì:
– Cho dù có chấp nhận hay không thì sự thay đổi cũng diễn ra; chấp nhận là điều kiện tiên quyết để có thể đối diện và thích ứng với thay đổi.
– Chỉ khi bình tĩnh, chúng ta mới sáng suốt để giải quyết vấn đề. Khi sự việc, biến cố xảy ra, cần lắng nghe, tìm hiểu để có đầy đủ thông tin trước khi phản ứng; hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh và ở bên cạnh người thân hoặc người mà mình tin tưởng để có thêm sức mạnh khi phải đối diện với sự thay đổi.
– Luôn có nhiều cách giải quyết cho một vấn đề; cần suy nghĩ, đề ra nhiều phương án khác nhau và cân nhắc để lựa chọn phương án tích cực, khả thi nhất. Bản thân cần chủ động giải quyết trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn.
Khám phá trang 36 GDCD 9: Em hãy áp dụng thông tin trên để tư vấn giúp bạn T và V ở mục 1 có cách thích ứng phù hợp.
Trả lời:
– Lời khuyên cho bạn T (trường hợp 1): Để vượt qua nỗi buồn, bạn T có thể thực hiện một số biện pháp sau:
+ Chấp nhận sự thật về sự ra đi của bà nội.
+ Không nên trốn một mình trong phòng mà nên chia sẻ, tâm sự cùng người thân, bạn bè. Hoặc T có thể bộc lộ tình cảm của mình với bà nội thông qua các hoạt động như: vẽ tranh, viết nhật kí, sáng tác thơ, truyện ngắn,…
+ Hãy nhớ về những khoảnh khắc đẹp mà T đã trải qua cùng bà nội. Giữ lấy những kỷ niệm ấy sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi và an ủi hơn.
+ Thử tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền, đi dạo,…. Các hoạt động này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt đau đớn.
– Lời khuyên cho bạn V (trường hợp 2): V và gia đình nên bình tĩnh; chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến nơi ở mới, ví dụ như: địa hình; đường giao thông; các công trình tiện ích phụ trợ (ví dụ: bệnh viện, trường học, khu công nghiệp,…) ở gần đó; văn hóa, lối sống của người dân tại nơi ở mới,…
Khám phá trang 36 GDCD 9: Theo em, việc thích ứng được với những thay đổi trong cuộc sống có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người?
Trả lời:
Thích ứng được với những thay đổi trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn và sự thay đổi của hoàn cảnh, sống phù hợp với hoàn cảnh, không ngừng tự hoàn thiện và phát triển bản thân.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 37 GDCD 9: Em hãy nêu một số thay đổi có khả năng xảy ra trong cuộc sống của bản thân và gia đình theo gợi ý dưới đây:
Thay đổi |
Nguyên nhân |
Hậu quả |
|
|
|
Trả lời:
Thay đổi |
Nguyên nhân |
Hậu quả |
Thu nhập của gia đình bị sụt giảm |
– Công ty của bố/ mẹ thực hiện việc tinh giảm biên chế. – Nền kinh tế bị suy thoái. |
– Bố/ mẹ tạm thời thất nghiệp. – Việc chi tiêu trong gia đình phải thắt chặt. |
Thay đổi hoàn cảnh sống. |
– Chính quyền địa phương thực hiện di dời những gia đình ở nơi có nguy cơ cao sạt lở đất, đến nơi tái định cư. |
– Ở nơi mới, việc đi lại, học tập và lao động của mỗi người trong gia đình đều bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn. |
Luyện tập 2 trang 37 GDCD 9: Em đồng tình/ không đồng tình với nhận định nào dưới đây? Vì sao?
a) Thay đổi xảy đến luôn đi cùng với khó khăn và tiêu cực, càng tránh được thay đổi thì càng tốt.
b) Thích ứng với thay đổi là một trải nghiệm giúp con người học hỏi để trưởng thành.
c) Ngay cả khi cuộc sống ổn định, chúng ta vẫn cần học tập và rèn luyện kĩ năng thích ứng với sự thay đổi.
d) Chúng ta có thể không kiểm soát được thay đổi xảy đến trong cuộc sống nhưng luôn kiểm soát được cách chúng ta thích ứng với thay đổi đó.
Trả lời:
– Quan điểm a) Không đồng tình, vì: trong cuộc sống, có rất nhiều thay đổi có thể xảy ra với bản thân và gia đình. Đó có thể là những thay đổi tiêu cực, nhưng cũng có thể là thay đổi mang tính tích cực, ví dụ: nguồn thu nhập của gia đình tăng lên; hoặc sự xuất hiện của các thành tựu khoa học – công nghệ khiến cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn,…
– Quan điểm b) Đồng tình, vì: Khi thay đổi xảy ra, chúng ta cần trang bị những kĩ năng để thích ứng với sự thay đổi. Thích ứng với thay đổi giúp chúng ta vượt qua được sự thay đổi của hoàn cảnh; sống phù hợp với hoàn cảnh; không ngừng tự hoàn thiện và phát triển bản thân.
– Quan điểm c) Đồng tình, vì: cuộc sống luôn vận động không ngừng và chúng ta rất khó tránh khỏi những điều bất ngờ có thể xảy ra. Do vậy, ngay cả khi đang có cuộc sống ổn định, chúng ta vẫn cần trang bị những kĩ năng thích ứng với sự thay đổi. Việc trang bị những kĩ năng thích ứng với sự thay đổi chính là chìa khóa giúp mỗi cá nhân luôn vững tâm trong cuộc sống.
– Quan điểm d) Đồng tình, vì: Trong cuộc sống, chúng ta thường phải đối mặt với những thay đổi không mong muốn hoặc không kiểm soát được. Tuy nhiên, chúng ta có thể rèn luyện các kĩ năng để thích ứng với những thay đổi đó.
Luyện tập 3 trang 37 GDCD 9: Em hãy vận dụng cách thích ứng với sự thay đổi để tư vấn cho các bạn trong những tình huống dưới đây:
Tình huống a) Bạn B lần đầu sống xa nhà để lên thành phố học. Ở một mình, B chưa biết cân đối tài chính, mua sắm nhiều thứ không cần thiết nên thường xuyên bị thiếu tiền ăn, thậm chí tiêu cả vào tiền thuê nhà. Sống một mình, không có ai nhắc nhở nên nhiều khi B mải chơi theo bạn, đi sớm về khuya, không để ý chuyện học tập.
Tình huống b) Mẹ bạn P bị đột quỵ phải nằm liệt một chỗ, sinh hoạt cá nhân cũng cần có người hỗ trợ. P lo lắng cho mẹ và thấy lúng túng khi trong nhà vừa thiếu bàn tay mẹ vừa cần có người chăm sóc cho mẹ.
Tình huống c) Bố mẹ bạn S có cơ hội đi làm việc ở xa với thu nhập tốt hơn nên đã gửi S về quê sống cùng ông bà để bố mẹ đi lao động. S gặp nhiều khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh mới khi vừa phải sống xa bố mẹ, lại chuyển nơi ở, chuyển trường.
Trả lời:
Tình huống a)
– Bạn B cần tự lập hơn, tự mình nghiên cứu, học hỏi các kĩ năng liên quan đến việc quản lí chi tiêu và quản lí thời gian sao cho hiệu quả.
– Bên cạnh đó, bạn B có thể tâm sự, trao đổi và nhờ đến sự trợ giúp, giám sát của những người tin cậy, như: giáo viên, bạn bè,… hoặc các công cụ hỗ trợ kiểm soát chi tiêu, quản lí thời gian.
Tình huống b)
– Các thành viên trong gia đình P nên ngồi lại, trao đổi với nhau để lên kế hoạch về thời gian chăm sóc mẹ một cách hợp lí nhất.
– Cả gia đình cũng cần động viên mẹ giữ tinh thần lạc quan, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để việc điều trị tiến triển tốt hơn, sớm bình phục hơn.
– Bạn P nên tự lập hơn, chủ động học hỏi trong việc: dọn dẹp nhà cửa, tự chăm sóc bản thân,…
Tình huống c)
– Bạn S cần: bình tĩnh và thấu hiểu nỗi vất vả cũng như sự yêu thương của bố mẹ dành cho mình; luôn cố gắng học tập, rèn luyện; ngoan ngoãn, nghe lời và chăm chỉ phụ giúp ông bà các công việc nhà.
– Khi nhớ bố mẹ, S có thể: viết nhật kí hoặc gọi điện thoại để trò chuyện với bố mẹ,…
– S cũng nên mở lòng, tìm hiểu, giao lưu và kết bạn với những người bạn mới.
Luyện tập 4 trang 37 GDCD 9: Em hãy nêu một thay đổi trong cuộc sống của mình hoặc của người thân xung quanh và vận dụng cách thích ứng với thay đổi để đưa ra biện pháp thích ứng phù hợp.
Trả lời:
– Tình huống cụ thể: Bố mẹ L là công nhân. Trước đây, công ty phát triển tốt nên thu nhập của gia đình ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày của cả gia đình và chi phí cho học hành của hai chị em L. Nhưng năm nay, công ty của mẹ L giảm biên chế nên mẹ L phải nghỉ việc ở công ty. Thu nhập của gia đình L bị giảm sút đột ngột, nên mọi hoạt động chi tiêu trong gia đình đều phải thắt chặt. Vì thất nghiệp và lo lắng cho việc sinh hoạt phí của gia đình mà mẹ của L thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn bực.
– Biện pháp thích ứng: bạn L có thể khuyên mẹ:
+ Giữ bình tĩnh, giữ tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi một vài ngày để ổn định tinh thần và sức khỏe, không nên quá lo lắng.
+ Sau khi sức khỏe và tinh thần ổn định, mẹ có thể tìm hiểu và nộp hồ sơ ứng tuyển vào các công ty/ ngành nghề khác phù hợp với khả năng. Trong trường hợp chưa tìm được công ty/ ngành nghề phù hợp mang tính ổn định, lâu dài; mẹ vẫn có thể tham gia thực hiện một số công việc thời vụ để có thêm thu nhập, ví dụ như: làm giúp việc theo giờ,…
Vận dụng
Vận dụng trang 37 GDCD 9: Em hãy tìm hiểu một số kĩ năng cần thiết để thích ứng với thay đổi và viết bài chia sẻ cùng các bạn.
Trả lời:
(*) Tham khảo:
Cuộc sống luôn vận động không ngừng và chúng ta rất khó tránh khỏi những điều bất ngờ có thể xảy ra. Do vậy, việc trang bị kĩ năng thích ứng với thay đổi chính là chìa khoá giúp mỗi cá nhân luôn vững tâm trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Khi có sự thay đổi, chúng ta có thể thực hiện cách thích ứng sau đây:
Thứ nhất, chấp nhận thay đổi là tất yếu: cho dù có chấp nhận hay không thì sự thay đổi cũng diễn ra; chấp nhận là điều kiện tiên quyết để có thể đối diện và thích ứng với thay đổi. Đối với những sự thay đổi quá lớn, có thể cần nhiều thời gian để chấp nhận và đối diện.
Thứ hai, giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh: chỉ khi bình tĩnh, chúng ta mới sáng suốt để giải quyết vấn đề. Khi sự việc, biến cố xảy ra, cần lắng nghe, tìm hiểu để có đầy đủ thông tin trước khi phản ứng; hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh và ở bên cạnh người thân hoặc người mà mình tin tưởng để có thêm sức mạnh khi phải đối diện với sự thay đổi.
Thứ ba, chủ động tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực: luôn có nhiều cách giải quyết cho một vấn đề; cần suy nghĩ, đề ra nhiều phương án khác nhau và cân nhắc để lựa chọn phương án tích cực, khả thi nhất. Bản thân cần chủ động giải quyết trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn.
Xem thêm các bài giải bài tập Giáo dục công dân 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 5: Bảo vệ hoà bình
Bài 6: Quản lí thời gian hiệu quả
Bài 7: Thích ứng với thay đổi
Bài 8: Tiêu dùng thông minh
Bài 9: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm nhân là pháp lí
Bài 10: Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế