Giải bài tập GDQP lớp 11 Bài 9: Nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo
Mở đầu
Mở đầu trang 55 GDQP 11: Theo em, chiến sĩ trong hình 9.1 đang thực hiện nhiệm vụ gì?
Lời giải:
– Chiến sĩ trong hình 9.1a đang thực hiện nhiệm vụ: phát hiện địch và chỉ mục tiêu
– Chiến sĩ trong hình 9.1b đang thực hiện nhiệm vụ: truyền tin liên lạc và báo cáo
Khám phá
I. Nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu
Câu hỏi trang 55 GDQP 11: Tại sao khi nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu phải tập trung tư tưởng và có ý thức cảnh giác cao?
Lời giải:
– Khi nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu phải tập trung tư tưởng và có ý thức cảnh giác cao nhằm mục đích:
+ Phát hiện địch một cách nhanh chóng, bí mật, thận trọng, đảm bảo an toàn.
+ Xử trí các tình huống trong chiến đấu nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Câu hỏi trang 56 GDQP 11: Tại sao khi chọn vị trí nhìn, ban ngày nên chọn nơi cao, ban đêm nên chọn nơi thấp?
Lời giải:
– Ban ngày nên chọn vị trí nhìn cao, kín đáo, có tầm nhìn xa và rộng để theo dõi được hành động của địch, bảo đảm bí mật, tiện cho việc nguỵ trang và liên lạc báo cáo.
– Ban đêm nên chọn vị trí nhìn thấp để tiện quan sát, phát hiện các mục tiêu trên cao.
Câu hỏi trang 56 GDQP 11: Nêu điểm khác nhau giữa chọn vị trí nghe so với chọn vị trí nhìn.
Lời giải:
– Chọn vị trí nghe: chọn những nơi tương đối yên tĩnh, xung quanh không có nhiều tiếng động ồn ào lớn hơn tiếng động cần nghe, nơi địa hình, địa vật trống trải, không có vật chắn ngăn cách.
– Chọn vị trí nhìn:
+ Ban ngày nên chọn nơi cao, kín đáo, có tầm nhìn xa và rộng để theo dõi được hành động của địch, bảo đảm bí mật, tiện cho việc nguỵ trang và liên lạc báo cáo.
+ Ban đêm nên chọn nơi thấp để tiện quan sát, phát hiện các mục tiêu trên cao.
Câu hỏi trang 57 GDQP 11: Khi cần giữ yếu tố bí mật nên vận dụng phương pháp chỉ mục tiêu nào? Tại sao?
Lời giải:
– Khi cần giữ yếu tố bí mật nên vận dụng phương pháp chỉ mục tiêu căn cứ vào vật chuẩn. Vì: người chỉ huy và các chiến sĩ trong đơn vị đã quy định thống nhất các vật chuẩn trên thực địa (có thể các quy chuẩn về vật mẫu giữa các đơn vị có sự khác nhau), mặt khác, địch không nắm bắt được các thông tin về vật chuẩn… nên việc chỉ mục tiêu lúc này sẽ nhanh chóng, bí mật và chuẩn xác hơn.
II. Truyền tin liên lạc, báo cáo
Câu hỏi trang 58 GDQP 11: Tại sao nói truyền tin liên lạc, báo cáo là nội dung không thể thiếu trong chiến đấu?
Lời giải:
– Truyền tin liên lạc, báo cáo là nội dung không thể thiếu trong chiến đấu, nhằm: bảo đảm chỉ huy được thông suốt, giữ vững liên lạc, hiệp đồng trong hành quân và chiến đấu giữa người chỉ huy với bộ đội, giữa đơn vị này với đơn vị khác.
Câu hỏi trang 59 GDQP 11: Tại sao khi truyền tin ban đêm, người phía trước phải lùi lại phía sau, người phía sau phải tiến lên phía trước?
Lời giải:
– Việc di chuyển trong đêm tối dễ dẫn đến sự vấp ngã hoặc va chạm vào các vật xung quanh, có thể gây ra tiếng động làm địch phát hiện. Do đó, chiến sĩ phía trước lùi lại phía sau, người phía sau tiến lên phía trước sẽ góp phần hạn chế quãng đường di chuyển, giúp bí mật.
– Mặt khác, đêm tối thường yên tĩnh nên âm lượng khi truyền tin phải nhỏ để tránh bị địch phát hiện.
Luyện tập
Luyện tập trang 59 GDQP 11:Luyện tập hành động của chiến sĩ nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo.
– Luyện tập cá nhân: Từng người tự nghiên cứu, thực hiện động tác, xác định vị trí, cách nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo (tại thao trường, bãi tập).
– Luyện tập theo nhóm: Luân phiên ở cương vị trưởng nhóm chỉ huy nhóm luyện tập theo các bước:
+ Bước 1: Tập chậm: Luyện tập chậm cho đến nhanh dần hành động của chiến sĩ nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo (quá trình luyện tập sửa tập cho nhau).
+ Bước 2: Tập tổng hợp: Luyện tập nhanh, sát thực tế chiến đấu hành động của chiến sĩ nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo (quá trình luyện tập sửa tập cho nhau).
Lời giải:
(*) Lưu ý: Học sinh tự thực hiện theo sự hướng dẫn của giáo viên
Vận dụng
Vận dụng trang 59 GDQP 11: Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ,….. ở trường học, nơi cư trú,… em sẽ làm gì để thông báo cho mọi người được nhanh nhất?
Lời giải:
– Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ,….. ở trường học, nơi cư trú,… để thông báo cho mọi người được nhanh nhất, em cần:
+ Ngay lập tức di chuyển khỏi địa điểm đó, đồng thời dùng lời nói (với âm lượng lớn, nội dung ngắn gọn, rõ ràng…) để thông báo về địa điểm/ tình huống khẩn cấp.
+ Nhanh chóng liên lạc tới lực lượng chức năng để được hỗ trợ (thông qua các số điện thoại khẩn cấp, như: 112 – tìm kiếm, cứu nạn; 114 – cứu hỏa; 115 – cứu thương,…).
Xem thêm các bài giảng GDQP 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo
Bài 7: Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Bài 8: Lợi dụng địa hình, địa vật
Bài 9: Nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo
Bài 10: Kĩ thuật sử dụng lựu đạn