Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 18: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, và dân cư Hoa Kỳ
Mở đầu trang 81 Địa Lí 11: Tự nhiên và dân cư và xã hội Hoa Kỳ có đặc điểm như thế nào?
Lời giải:
– Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
+ Địa hình và đất: đa dạng địa hình và các loại đất: lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ địa hình đa dạng, phân hóa từ tây sang đông; A-la-xca có địa hình đa dạng, nhiều dãy núi trẻ xen kẽ đồng bằng; Quần đảo Ha-oai chủ yếu là đồi núi, bờ biển.
+ Khí hậu: phân hóa đa dạng thành nhiều đới, kiểu khí hậu khác nhau; Thuận lợi cho sản xuất và cư trú, tuy nhiên cũng có nhiều thiên tai như bão, lốc xoáy…
+ Sông, hồ: có nhiều sông lớn (Mi-xi-xi-pi, Mít-xu-ri, Cô-lô-ra-đô) có giá trị về thủy lợi, giao thông, thủy điện. Nhiều hồ lớn (Ngũ Hồ) giúp điều hòa khí hậu, cung cấp nước sinh hoạt…
+ Sinh vật: Thảm thực vật đa dạng, tổng diện tích rừng lớn (309,8 triệu ha), động vật tự nhiên đa dạng (bò Bi-dông, gấu nâu, đại bàng đầu trắng…)
+ Khoáng sản: phong phú và giàu có bậc nhất thế giới với đầy đủ nhóm khoáng sản (năng lượng, kim loại đen, kim loại màu, phi kim loại…)
+ Biển: nhiều biển, vịnh biển lớn tiếp giáp hai đại dương lớn (Mê-hi-cô, A-la-xca…). Tài nguyên sinh vật biển phong phú, giá trị kinh tế cao. Thềm lục địa chứa nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên.
– Đặc điểm dân cư và xã hội:
+ Là nước đông dân thứ 3 thế giới (331,5 triệu người – 2020)
+ Cơ cấu dân số già.
+ Dân cư Hoa Kỳ thuộc nhiều chủng tộc và dân tộc đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là đất nước của người nhập cư đến từ các châu lục khác nhau.
+ Mật độ dân số trung bình năm 2020 là 35 người/km2, phân bố dân cư không đều (chủ yếu ở các bang ven biển, bang nội địa và vùng phía tây thưa thớt hơn).
+ Trình độ đô thị hóa cao, tỉ lệ dân thành thị là 82,7%, nhiều đô thị lớn (Niu Oóc, Lốt An-giơ-lét, Si-ca-gô, Hao-xtơn…)
Câu hỏi trang 81 Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục I và hình 18.1, hãy nêu đặc điểm vị trí địa lí của Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Phạm vi lãnh thổ:
+ Diện tích rộng lớn, khoảng 9,5 triệu Km2.
+ Lãnh thổ Hoa Kỳ bao gồm: phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ, bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai. Trong đó: Phần trung tâm Bắc Mỹ: diện tích khoảng 8 triệu km2, chiều bắc – nam kéo dài từ khoảng vĩ độ 25°B đến vĩ độ 49°B, chiều đông – tây từ khoảng kinh độ 125°T đến kinh độ 67°T. Bán đảo A-la-xca: ở tây bắc châu Mỹ, có diện tích hơn 1,5 triệu km2. Quần đảo Ha-oai nằm giữa Thái Bình Dương với diện tích hơn 16 nghìn km2.
– Vị trí địa lí:
+ Nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây, cách xa các trung tâm kinh tế khác;
+ Vị trí tiếp giáp: phía bắc, giáp Ca-na-đa và Bắc Băng Dương; phía đông, giáp Đại Tây Dương; phía tây, giáp Thái Bình Dương; phía nam, giáp Mê-hi-cô.
Câu hỏi trang 81 Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục I và hình 18.1, hãy phân tích thuận lợi, khó khăn của vị trí địa lí đến sự phát triển kinh tế – xã hội Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Thuận lợi:
+ Diện tích lãnh thổ rộng lớn, thiên nhiên phân hóa đa dạng tạo điều kiện phát triển kinh tế đa dạng.
+ Giáp ba đại dương lớn, nên Hoa Kỳ dễ dàng giao lưu với các nước khác trên thế giới bằng đường biển.
+ Giáp Ca-na-đa và Mê-hi-cô là hai quốc gia có tài nguyên phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thuận lợi giao lưu, phát triển kinh tế.
– Khó khăn:
+ Lãnh thổ rộng lớn nên gặp khó khăn trong quản lí dân cư – xã hội và khó kiểm soát tình hình nhập cư trái phép.
+ Khó khăn trong giao lưu về kinh tế – văn hóa với thế giới, hoạt động thương mại tốn kém về chi phí vận tải.
+ Chịu nhiều thiên tai từ biển và đại dương như: bão, sóng thần…
Câu hỏi trang 85 Địa Lí 11: Dựa vào nội dung mục II và hình 18.1, hãy trình bày đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Địa hình và đất:
+Phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ có địa hình đa dạng và phân hóa từ tây sang đông:
▪ Phía tây là một bộ phận của hệ thống núi Cooc-đi-e với nhiều dãy núi trẻ, cao trung bình trên 3000 m; xen giữa các dãy núi là các bồn địa, cao nguyên, hoang mạc và bán hoang mạc; đất chủ yếu là đất đỏ nâu, đấy xám hoang mạc và bán hoang mạc; ven Thái Bình Dương có các thung lũng và đồng bằng nhỏ hẹp, đất màu mỡ.
▪ Phía đông là dãy A-pa-lát và vùng đồng bằng duyên hải Đại Tây Dương, đất phù sa màu mỡ.
+ Bán đảo A-la-xca: có địa hình rất đa dạng, gồm nhiều dãy núi trẻ xen kẽ các đồng bằng.
+ Quần đảo Ha-oai: địa hình chủ yếu là đồi núi, bờ biển,…
– Khí hậu:
+ Phân hóa đa dạng thành nhiều đới, kiểu khí hậu khác nhau.
▪ Ở vùng trung tâm Bắc Mỹ: phần lãnh thổ phía bắc chủ yếu nằm trong đới khí hậu ôn đới với hai kiểu khí hậu chính là ôn đới lục địa và ôn đới hải dương. Phần lãnh thổ phía nam chủ yếu nằm trong đới khí hậu cận nhiệt, với hai kiểu khí hậu chính là cận nhiệt địa trung hải và cận nhiệt hải dương.
▪ Bán đảo A-la-xca có khí hậu cận cực;
▪ Quần đảo Ha-oai có khí hậu nhiệt đới.
+ Ở các vùng núi cao, khí hậu có sự phân hóa theo độ cao.
– Sông, hồ:
+ Có nhiều sông lớn như: Mi-xi-xi-pi, Mit-xu-ri, Cô-lô-ra-đô, Cô-lum-bi-a…; Các sông chủ yếu chảy ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; Chế độ nước sông phức tạp do có nhiều nguồn cung cấp nước khác nhau.
+ Có nhiều hồ lớn. Đặc biệt, vùng Ngũ Hồ nằm ở biên giới giữa Hoa Kỳ với Ca-na-đa là một hệ thống gồm 5 hồ với tổng diện tích khoảng 245000 km2.
– Sinh vật:
+ Thảm thực vật đa dạng, thay đổi từ bắc xuống nam và từ tây sang đông: đài nguyên và đài nguyên rừng phân bố ở A-la-xca; Rừng lá kim chủ yếu ở phía tây, ven Thái Bình Dương; Rừng lá rộng phân bố ở phía đông, ven Đại Tây Dương; Khu vực phía tây nam phát triển rừng lá cứng.
+ Động vật tự nhiên ở Hoa Kỳ đa dạng, các loài tiêu biểu là: Đại bàng đầu trắng, bò Bi-dông, gấu nâu,…
– Khoáng sản:
+ Tài nguyên khoáng sản phong phú và giàu có bậc nhất thế giới với đầy đủ các nhóm khoáng sản quan trọng:
▪ Khoáng sản năng lượng tập trung ở phía đông bắc và ven vịnh Mê-hi-cô;
▪ Kim loại đen phân bố ở phía nam vùng Ngũ Hồ, kim loại màu phân bố ở phía tây;
▪ Khoáng sản phi kim loại phân bố rải rác ở phía tây và phía đông nam.
+ Nhiều loại khoáng sản của Hoa Kỳ có trữ lượng hàng đầu thế giới.
– Biển:
+ Tiếp giáp với hai đại dương lớn là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, với các biển, vịnh biển lớn như: vịnh Mê-hi-cô, vịnh A-la-xca, biển Xác-gát,…
+ Ven biển có nhiều vịnh và bãi biển đẹp.
+ Thềm lục địa chứa nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Tài nguyên sinh vật biển phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
Câu hỏi trang 85 Địa Lí 11: Dựa vào nội dung mục II và hình 18.1, hãy phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội ở Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Ảnh hưởng của địa hình, đất:
+ Địa hình núi phong cảnh đẹp hấp dẫn du khách.
+ Các đồng bằng đất đai màu mỡ => phát triển cư trú, nông nghiệp
+ Quần đảo Ha-oai dạng bờ biển đẹp thuận lợi phát triển du lịch.
+ Vùng núi phía Tây, A-la-xca địa hình chia cắt không thuận lợi cho cư trú và giao thông.
– Ảnh hưởng của khí hậu:
+ Sự phân hóa khí hậu tạo thuận lợi cho nông nghiệp có cơ cấu cây trồng và vật nuôi đa dạng, gồm các sản phẩm nông nghiệp, cận nhiệt và ôn đới.
+ Có nhiều thiên tai như bão nhiệt đới, bão tuyết, vòi rồng, lốc xoáy, mưa đá,… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
– Ảnh hưởng của sông, hồ:
+ Các sông ở Hoa Kỳ có giá trị về nhiều mặt: thuỷ lợi, giao thông, thuỷ điện, du lịch…
+ Các hồ ở Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, cung cấp nước cho sinh hoạt, giao thông, đánh cá, du lịch,…
– Ảnh hưởng của tài nguyên sinh vật:
+ Thảm thực vật đa dạng và tài nguyên rừng là cơ sở để phát triển ngành lâm nghiệp, chế biến lâm sản.
+ Động vật tự nhiên đa dạng, hoang dã thu hút khách tham quan khám phá, mạo hiểm.
– Ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản: sự giàu có, phong phú về khoáng sản là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
– Ảnh hưởng của tài nguyên biển:
+ Thuận lợi cho giao lưu với nhiều quốc gia và châu lục.
+ Phát triển nhiều ngành kinh tế biển, như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên; du lịch biển, vận tải biển,…
Câu hỏi trang 87 Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục III và hình 18.4, hãy nêu đặc điểm dân cư của Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Quy mô và cơ cấu dân số:
+ Hoa Kỳ là nước đông dân, đứng thứ ba trên thế giới (331,5 triệu người, năm 2020).
+ Cơ cấu dân số già: tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng; người trong nhóm tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao.
– Chủng tộc và vấn đề nhập cư:
+ Dân cư Hoa Kỳ gồm nhiều chủng tộc và dân tộc đến từ khắp nơi trên thế giới với nhiều phong tục, tập quán khác nhau.
+ Trong lịch sử, Hoa Kỳ là đất nước của những người nhập cư.
– Phân bố dân cư:
+ Mật độ dân số trung bình năm 2020 của Hoa Kỳ là 35 người/km2, thuộc loại thấp so với thế giới.
+ Phân bố dân cư ở Hoa Kỳ không đều: dân cư tập trung đông ở các bang ven biển, đặc biệt là ven Đại Tây Dương; thưa thớt ở các bang nội địa và vùng núi phía tây.
+ Hoa Kỳ có trình độ đô thị hoá cao, khoảng 82,7% (năm 2020).
Câu hỏi trang 87 Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục III và hình 18.4, hãy phân tích tác động của đặc điểm dân cư tới phát triển kinh tế – xã hội ở Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Dân số đông tạo nên nguồn lao động và thị trường tiêu thụ lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
– Người trong nhóm tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng cũng nảy sinh những khó khăn như: giải quyết việc làm,… Bên cạnh đó, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng đã làm gia tăng tăng chi phí cho y tế và phúc lợi xã hội….
– Sự phong phú, đa dạng về chủng tộc, dân tộc đã hình thành nên một nền văn hóa đa dạng, góp phần tạo nên sự phong phú, linh hoạt trong đời sống và kinh tế – xã hội nhưng cũng gây khó khăn nhất định trong việc quản lí xã hội.
– Người nhập cư đến từ các châu lục khác nhau và đem lại cho Hoa Kỳ nguồn lao động có trình độ cao, giàu kinh nghiệm sản xuất, nhưng cũng làm cho tỉ lệ tăng dân số của Hoa Kỳ có xu hướng giảm.
– Phân bố dân cư không đồng đều, dẫn đến tình trạng đông đúc ở các bang ven biển, thưa thớt ở các bang nội địa và vùng núi phía Tây.
– Trình độ đô thị hóa cao với nhiều đô thị lớn khiến cho việc giải quyết các vấn đề xã hội luôn là mối quan tâm của chính quyền ở các đô thị.
Luyện tập 1 trang 87 Địa Lí 11: Lập sơ đồ thể hiện những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế của Hoa Kỳ.
Lời giải:
(*) Sơ đồ tham khảo:
Luyện tập 2 trang 87 Địa Lí 11: Dựa vào bản đồ phân bố dân cư Hoa Kỳ (hình 18.4) nhận xét về sự phân bố các đô thị ở Hoa Kỳ.
Lời giải:
– Nhận xét: Nhìn chung các đô thị ở Hoa Kỳ phân bố không đồng đều:
+ Mạng lưới các đô thị từ 10 triệu dân trở lên và các đô thị từ 5 triệu – 10 triệu dân phân bố dày đặc ở các vùng: duyên hải Đông Bắc (Bốt-tơn, Phi-la-đen-phi-a, Oa-sinh-tơn, Niu-Oóc), ở ven vịnh Mê-hi-cô (Đa-lát), ven Thái Bình Dương (Xan Phran-xít-cô, Lốt An-giơ-lét), xung quanh vùng Hồ Lớn (Chi-ca-gô, Đi-troi)
+ Chỉ có số ít các đô thị dưới 5 triệu dân phân bố rải rác ở các vùng: nội địa trung tâm (Cô-lô-ra-đô), vùng núi phíaTây Bắc (Poóc-len, Xit-tơn)
Vận dụng trang 87 Địa Lí 11: >Sưu tầm thông tin về tác động của sự đa dạng chủng tộc và nhập cư đối với phát triển kinh tế xã hội của Hoa Kỳ
Lời giải:
(*) Tham khảo:
– Thông tin 1: Nước Mỹ với vết thương mâu thuẫn sắc tộc
+ Nước Mỹ lại đang tiếp tục bộc lộ những vết thương dai dẳng của một đất nước đa sắc tộc, chủng tộc, nguồn gốc. Căng thẳng đã nổ ra với cuộc biểu tình những người mang tư tưởng “da trắng thượng đẳng”. Cảnh sát đã phải căng mình mới tránh được bạo lực đổ máu.
+ Tuần hành biểu tình rồi cũng chấm dứt. Nhưng những vấn đề nội tại của nước Mỹ vẫn còn nguyên. Đó là tình trạng bạo lực với tỷ lệ cao ở khu vực da màu, là làn sóng nhập cư vào Mỹ vẫn gia tăng mạnh, là chính sách theo hướng trấn áp người nhập cư. Tất cả đang khiến cho các phong trào mang hơi hướng phân biệt chủng tộc ở Mỹ có điều kiện bùng phát.
+ Soi vào lịch sử, từ gần một thế kỷ nay, Mỹ luôn vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Có thể kể ra một số mốc thời gian như Charlotte, Bắc Carolina, tháng 9-2016; Ferguson, Missouri, tháng 8-2014; lùi xa hơn một chút, Cincinnati, Ohio, tháng 4-2001; Miami, Florida, tháng 5-1980… Trong hàng loạt những cuộc bạo động này, giới nghiên cứu lịch sử chú ý nhất tới cuộc nổi dậy của người da đen ở Chicago, Illinois, vào tháng 7-1919.
+ Ẩn sau bức tranh đa sắc của một nước Mỹ phồn vinh, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ là xung đột gay gắt giữa các hệ phái tư tưởng dân tộc, xung đột sắc tộc vẫn âm ỉ tồn tại, chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành những vụ xô xát đầy bạo lực.
– Thông tin 2: Mỹ cần lao động nhập cư để đánh bại lạm phát
+ Các chuyên gia đánh giá rằng lao động nhập cư là lời giải cho bài toán thiếu người lao động của Mỹ, một trong những yếu tố dẫn đến lạm phát. Ông Matthew J. Slaughter, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng và học giả tại Harvard là ông Gordon H.Hanson cho rằng có thể chống lạm phát bằng cách mở rộng cửa cho người nhập cư lành nghề hoặc người nhập cư lao động tay chân để đẩy mạnh năng lực cung ứng của kinh tế Mỹ. Theo họ, người nhập cư có thể giúp đáp ứng nhu cầu lao động hiện nay, như vậy dần dần sẽ hạn chế tăng tiền lương và giá cả. Việc thiếu người lao động khiến giá thành sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ đắt đỏ hơn bởi các công ty sẽ chuyển mức chi phí tăng sang chính người tiêu dùng qua việc tăng giá sản phẩm và dịch vụ.
+ Theo tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), mặc dù có nhiều bài viết về tình trạng hỗn loạn dọc biên giới Mỹ – Mexico nhưng việc nhập cư Mỹ thực sự không thay đổi trong thập niên qua. Từ năm 2011 đến năm 2021, tỉ lệ dân số Mỹ là người sinh ra ở nước ngoài chỉ tăng nhẹ, từ 13,0% lên 13,6%. Điều này phản ánh sự sụt giảm đáng kể trong lượng lao động nước ngoài. Trong giai đoạn từ 2000 – 2010, có 890.000 người nhập cư vào Mỹ mỗi năm nhưng đến thập kỷ tiếp theo, con số này giảm gần một nửa xuống còn 480.000 người mỗi năm.
+ Sụt giảm nhanh chóng về số lượng người nhập cư đã khiến thị trường lao động Mỹ khó hoạt động bình thường. Ngoài việc bù đắp cho sự sụt giảm dài hạn của tỉ lệ sinh ở Mỹ, những người lao động nhập cư có ưu điểm là linh hoạt hơn nhiều so với những người lao động bản địa. Khi tăng trưởng việc làm tăng và giảm ở các khu vực khác nhau, người lao động nhập cư là nhóm đầu tiên đáp ứng, giúp giảm sự phân bổ chênh lệch khu vực trong nguồn cung lao động của Mỹ.
Video bài giảng Địa Lí 11 Bài 18: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, và dân cư Hoa Kỳ – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài giải SGK Địa Lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 15: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Tây Nam Á
Bài 16: Kinh tế khu vực Tây Nam Á
Bài 17: Thực hành viết báo cáo về vấn đề dầu mỏ của khu vực Tây Nam Á
Bài 19: Kinh tế Hoa Kỳ