Giải bài tập Địa Lí 11 Bài 11 Tiết 1: Tự nhiên, dân cư và xã hội – Đông Nam Á
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 99 SGK Địa lí 11: Dựa vào hình 11.1, hãy cho biết khu vực Đông Nam Á tiếp giáp với các biển và đại dương nào? Nêu ý nghĩa của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực?
Trả lời:
– Đông Nam Á tiếp giáp với biển và đại dương:
+ Biển Đông.
+ Thái Bình Dương.
+ Ấn Độ Dương.
– Ý nghĩa:
+ Thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế – xã hội giữa các nước trong khu vực và trên thế giới bằng đường biển.
+ Cung cấp nguôn tài nguyên phong phú, phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển (khai thác dầu mỏ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, giao thông biển và du lịch biển…).
+ Biển và đại dương là nguồn dự trữ nhiệt ẩm dồi dào, có vai trò điều hòa khí hậu, mang lại lượng mưa lớn cho khu vực Đông Nam Á ⟶ hoạt động sinh sống và phát triển kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 99 SGK Địa lí 11: Dựa vào lược đồ “Các nước trên thế giới” trang 4, 5 trong sách giáo khoa, đọc tên các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa, Đông Nam Á biển đảo.
Trả lời:
– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa: Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Việt Nam.
– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á biển đảo: Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Đông-ti-mo, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 99 SGK Địa lí 11: Việc phát triển giao thông của Đông Nam Á lục địa theo hướng đông –tây có những ảnh hưởng gì đối với sự phát triển kinh tế – xã hội?
Trả lời:
Lãnh thổ bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi hướng tây bắc-đông nam, việc phát triển giao thông theo hướng đông –tây giúp nối liền các quốc gia với nhau (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Mianma) , thúc đẩy hoạt động giao lưu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng đông –tây giữa các quốc gia, đặc biệt ở những vùng núi khó khăn.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 99 SGK Địa lí 11: Khí hậu của Đông Nam Á có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sự phát triển kinh tế?
Trả lời:
* Thuận lợi:
– Khí hậu nhiệt đới gió mùa với nguồn nhiệt ẩm dồi dào, lượng mưa lớn thuận lợi cho phát triển trồng trọt (cây lúa nước, các loại cây công nghiệp lâu năm, hằng năm..).
– Khí hậu có sự phân hóa đa dạng tạo nên cơ cấu cây trồng và vật nuôi đa dạng.
* Khó khăn:
– Khí hậu nóng ẩm cũng là điều kiện để sâu bệnh phát triển mạnh.
– Thiên tai bão nhiệt đới, mưa lớn gây sạt lở, ngập lụt vùng đồng bằng và lũ quét, lũ ống vùng núi.
Câu hỏi và bài tập (trang 101 SGK Địa Lí lớp 11)
Câu 1 trang 101 SGK Địa lí 11: Nêu những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên trong sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Trả lời:
* Thuận lợi:
– Khí hậu nóng ẩm, lượng mưa lớn thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
– Tài nguyên đất phong phú và màu mỡ: ven biển có các đồng bằng phù sa màu mỡ, vùng núi tập trung diện tích lớn đất đỏ badan, freralit…thuận lợi cho canh tác, hình thành các vùng chuyên canh lương thực và cây công nghiệp quy mô lớn.
– Mạng lưới sông ngòi dày đặc, nguồn nước dồi dào cung cấp nguồn nước cho việc phát triển nông nghiệp, các ngành công nghiệp; đặc biệt có tiềm năng thủy điện lớn.
– Trong khu vực (trừ Lào), các quốc gia khác đều giáp biển, thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như thương mại, hàng hải; dễ dàng giao lưu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
– Khoáng sản: đa dạng và nhiều mỏ có trữ lượng lớn (than đá, dầu khí, sắt, đồng), phân bố ở khắp các nước
⟶ là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp.
– Có diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn thuận lợi để phát triển lâm nghiệp.
* Khó khăn:
– Thiên tai thường xuyên xảy ra : bão, lũ lụt, động đất, thậm chí còn chịu cả thảm họa sóng thần…
– Diện tích rừng bị thu hẹp do khai thác không hợp lí và do cháy rừng; nhiều loại khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt…
Câu 2 trang 101 SGK Địa lí 11: Những thuận lợi và trở ngại từ đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Trả lời:
* Dân cư:
– Nguồn lao động dồi dào nhưng có tay nghề và trình độ chuyên môn còn hạn chế.
– Dân đông, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Phân bố dân cư không đều, tập trung ở đồng bằng châu thổ của các con sông lớn, vùng ven biển và một số vùng đất đỏ badan, thưa thớt ở vùng núi ⟶ chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa miền núi và đồng bằng.
* Xã hội:
– Các quốc gia Đông Nam Á đều là các quốc gia đa dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, điều này gây khó khăn cho quản lí, ổn định chính trị, xã hội mỗi nước.
– Mâu thuẫn tôn giáo cũng xảy ra ở một số nơi, bất đồng về ngôn ngữ giữa các quốc gia, dân tộc,…
Lý thuyết Bài 11 Tiết 1: Tự nhiên, dân cư và xã hội – Đông Nam Á
I. Tự nhiên
1. Vị trí địa lí và lãnh thổ
– Nằm ở đông nam châu Á, tiếp giáp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cầu nối giữa lục địa Á-Âu với lục địa Úc.
– ĐNÁ bao gồm hệ thống bán đảo, đảo, quần đảo xen giữa biển rất phức tạp.
– ĐNÁ có vị trí quan trọng, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn, nơi các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng.
– Gồm 11 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapo, Thái Lan, Mianma, Malaysia, Indonexia, Philippin, Brunay, Đông timo.
2. Điều kiện tự nhiên
a. Đông Nam Á lục địa
– Địa hình:
+ Bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam hoặc bắc – nam.
+ Ven biển có các đồng bằng châu thổ màu mỡ.
– Khí hậu, sinh vật:
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một phần lãnh thổ phía bắc Mi-an-ma và bắc Việt Nam có mùa đông lạnh.
+ Sinh vật đa dạng: Rừng nhiệt đới ẩm, rừng xavan, xavan cây bụi.
– Sông ngòi: nhiều sông lớn, sông nhiều nước, giàu phù sa.
– Đất đai, khoáng sản:
+ Đất đai màu mỡ: feralit, phù sa…
+ Khoáng sản đa dạng: than, sắt, dầu khí, đồng, thiếc…
b. Đông Nam Á biển đảo
– Địa hình:
+ Nhiều đảo và quần đảo.
+ Ít đồng bằng, nhiều đồi núi (thấp), núi lửa.
– Khí hậu, sinh vật:
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu xích đạo.
+ Rừng rậm xích đạo.
– Sông ngòi: ngắn và dốc.
– Vùng biển rộng lớn: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
– Đất đai, khoáng sản:
+ Đất đai màu mỡ, đất phù sa có khoáng chất từ dung nham, đất feralit…
+ Khoáng sản phong phú: than, thiếc, đồng, dầu mỏ…
3. Đánh giá điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á
a. Thuận lợi
– Khí hậu nóng ẩm, hệ đất phong phú, màu mỡ, mạng lưới sông ngòi dày đặc -> thuận lợi phát triển nông nghiệp nhiệt đới.
– Phát triển kinh tế biển (trừ Lào).
– Nằm trong vành đai sinh khoáng, có nhiều khoáng sản => Phát triển công nghiệp.
– Rừng xích đạo và rừng nhiệt đới ẩm có diện tích lớn => Phát triển lâm nghiệp.
– Nhiều cảnh quan đẹp => phát triển du lịch.
b. Khó khăn
– Thiên tai: Động đất, sóng thần, núi lửa phun trào (do vị trí gần “vành đai lửa Thái Bình Dương”), bão, lũ lụt…
– Suy giảm rừng, xói mòn đất…
Biện pháp:
– Khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên.
– Phòng chống, khắc phục thiên tai.
II. Dân cư và xã hội
1. Dân cư
– Dân số đông, mật độ cao.
– Tỉ suất gia tăng tự nhiên còn cao nhưng đang suy giảm.
– Dân số trẻ.
– Nguồn lao động tuy dồi dào nhưng trình độ còn hạn chế => ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Phân bố dân cư không đều: tạp trung ở đồng bằng, ven biển, vùng đất đỏ.
2. Xã hội
– Các quốc gia có nhiều dân tộc.
– Một số dân tộc phân bố rộng => khó khăn cho quản lí, ổn định xã hội, chính trị.
– Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và tôn giáo lớn.
– Phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa có nhiều nét tương đồng tạo điều kiện để các nước cùng hợp tác phát triển.