Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 90 Tập 2
1. Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh
– Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh thuộc loại văn bản thuyết minh, được viết ra nhằm đưa đến cho người đọc những thông tin khái quát về một cảnh quan đáng du ngoạn, thưởng lãm. Cảnh quan được đề cập thường có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên (thắng cảnh) và vẻ đẹp của các công trình nhân tạo, trong đó phổ biến là loại công trình phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng (danh lam).
– Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh có thể được triển khai theo nhiều cách khác nhau. Tuy vậy, việc tạo lập mọi văn bản thuộc kiểu này đều phải đảm bảo các yêu cầu chính: nêu được vị trí không gian và quá trình hình thành cảnh quan; miêu tả được cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan; đánh giá được ý nghĩa của cảnh quan đối với đời sống con người; phối hợp hiệu Quả phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ khi thể hiện tất cả nội dung trên.
2. Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử
– Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thuộc loại văn bản thuyết minh. Nội dung của nó nói về những địa điểm, công trình (bao gồm cả di vật, cổ vật tồn tại trong đó) còn ghi dấu các sự kiện đáng nhớ của lịch sử đất nước, dân tộc, nhân loại. Thông qua việc kết nối quá khứ với hiện tại, văn bản khơi dậy ý thức trân trọng lịch sử, vun đắp thái độ yêu quý, giữ gìn những “trang sử sống” có thể gửi đến tương lai nhiều bài học có ý nghĩa. Trong nhiều trường hợp, di tích lịch sử là một bộ phận hữu cơ của danh lam thắng cảnh. Vì vậy, giữa văn bản giới thiệu về di tích lịch sử với văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh có một số điểm tương đồng trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.
3. Cách trình bày thông tin trong văn bản thông tin
– Tùy vào mục đích và nội dung thông tin mà người viết sẽ chọn những cách triển khai văn bản linh hoạt, phù hợp.
– Kiểu văn bản giới thiệu về một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử thường được triển khai theo cách riêng: đi từ cái nhìn tổng quan đến miêu tả cụ thể các bộ phận hợp thành của đối tượng; trình bày xen kẽ tình trạng thực tế và lịch sử hình thành của đối tượng; chú ý đặt đối tượng giới thiệu vào đúng loại của nó để thực hiện những so sánh, đánh giá cần thiết.
4. Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu
Khi tạo lập văn bản, để đạt được hiệu quả tối đa trong việc truyền đạt thông tin (thông tin khách quan hay thông tin tình thái, thông tin thẩm mĩ), người ta thường điều chỉnh những câu định viết hoặc đã viết bằng cách làm biến đổi cấu trúc hoặc mở rộng cấu trúc của chúng. Trong việc làm biến đổi cấu trúc câu, vấn đề thay đổi trật tự các từ ngữ, chuyển cụm chủ ngữ – vị ngữ thành cụm danh từ, chuyển kiểu câu chủ động thành câu bị động hoặc ngược lại thường được đặc biệt chú ý. Trong việc mở rộng cấu trúc cầu, vấn để bổ sung hay mở rộng một thành phần câu nào đó lại là những điều thường được quan tâm đầu tiên.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Thực hành đọc: Chuẩn bị hành trang
Tri thức ngữ văn trang 90
Yên Tử, núi thiêng
Thực hành tiếng Việt trang 95
Văn hóa hoa – cây cảnh
Thực hành tiếng Việt trang 100