Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 1: Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các nhóm nước. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Trả lời Câu hỏi giữa bài
Trả lời Câu hỏi thảo luận số 1 trang 7 SGK Địa lí 11: Dựa vào hình 1, nhận xét sự phân bố các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới theo mức GDP bình quân đầu người (USD/người).
Phương pháp giải:
Kĩ năng đọc bản đồ
B1. Quan sát bảng chú giải: 4 nền màu tương ứng 4 cấp độ
B2. Chỉ ra các khu vực tập trung đông dân cư và khu vực thưa thớt
Trả lời:
Nhìn chung sự phân bố các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới theo mức GDP/ người không đồng đều.
– Các nước và vùng lãnh thổ có mức GDP/người cao nhất (trên 8955) : tập trung ở khu vực có nền kinh tế phát triển: Bắc Mỹ (Canađa, Hoa Kì), Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ailen, Thụy Điển…) và Ôx-trây-li-a, Niu-Di-lân, Nhật Bản.
– Mức GDP/người trung bình trên: tập trung ở khu vực Nam Mỹ (Braxin, Achentina, Paragoay, Urugoay, Chile,..), Bắc Á (Liên Bang Nga, Ca-dăc-xtan, Bê-la-rut), Tây Nam Á (Ả-rập-Xê-ut, Oman) và một số quốc gia Châu Phi (Libi, Nam Phi).
– Mức GDP/người trung bình dưới và mức thấp: tập trung ở các quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển và đang phát triển thuộc Nam Á, Đông Nam Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Iran…), các nước châu Phi (An-giê-ri, Ni-giê-ri-a…), phía Tây Nam Mỹ.
Trả lời Câu hỏi thảo luận số 2 trang 7 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng 1.1, hãy nhận xét sự chênh lệch về GDP bình quân đầu người giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Phương pháp giải:
Kĩ năng nhận xét bảng số liệu
– Nhận xét hàng dọc theo từng nhóm nước
– So sánh giữa hai nhóm nước
Trả lời:
Nhìn chung GDP/người giữa các nước phát triển và đang phát triển có sự chênh lệch nhau rất lớn.
– GDP/người của các nước phát triển đều ở mức cao (20 000 đến 45 000 USD/người), trong khi các nước đang phát triển chỉ đạt mức 1000 đến trên 2000 USD/người.
– GDP/người của các quốc gia phát triển gấp tới hàng trăm lần so với các quốc gia đang phát triển.
+ GDP/ngườicủa Đan Mạch gấp 405 lần USD/người của Ê-ti-ô-pi-a, gấp 70 lần Ấn Độ, 19 lần An-ba-ni.
+ GDP/người của Niu Di-lân gấp 217 lần Ê-ti-ô-pi-a.
Trả lời Câu hỏi thảo luận số 1 trang 8 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng 1.2, hãy nhận xét cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của các nhóm nước – năm 2004.
Phương pháp giải:
Kĩ năng nhận xét bảng số liệu
– Nhận xét theo từng nhóm nước
– Khu vực kinh tế nào cao nhất, thấp nhất (dẫn chứng)
Trả lời:
Nhìn chung cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế có sự khác nhau giữa các nhóm nước.
– Nhóm nước phát triển: cơ cấu GDP có sự phân hóa rất lớn
+ GDP tập trung cao nhất ở khu vực III (71%).
+ Tiếp đến là khu vực II (27%).
+ Khu vực I chỉ chiếm 2% GDP trong cơ cấu.
– Nhóm nước đang phát triển: tỉ trọng GDP chênh lệch nhau không quá lớn giữa các khu vực kinh tế.
+ Khu vực III chiếm tỉ trọng cao nhất (43%), tiếp đến là khu vực II (32%).
+ Khu vực I chiếm tỉ trọng thấp nhất trong cơ cấu (25%), tuy nhiên vẫn còn ở mức cao.
-> Điều này phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các nhóm nước: nhóm nước phát triển có trình độ kinh tế cao còn nhóm nước đang phát triển có trình độ thấp.
Trả lời Câu hỏi thảo luận số 2 trang 8 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng 1.3, kết hợp với thông tin ở trên, nhận xét sự khác biệt về chỉ số HDI và tuổi thọ trung bình giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển.
Phương pháp giải:
Kĩ năng nhận xét bảng số liệu
Trả lời:
-Về tuổi thọ trung bình:
+ Các nước phát triển có tuổi thọ trung bình cao (72 tuổi) -> dân số già.
+ Các nước đang phát triển tuổi thọ trung bình thấp: 65 tuổi (dưới mức cả nước 67 tuổi)
-> dân số trẻ.
– Về chỉ số HDI:
+ Nhóm nước phát triển có chỉ số HDI cao hơn mức trung bình của thế giới ( năm 2003 là 0.855)
+ Nhóm nước đang phát triển có chỉ số HDI thấp hơn mức TB thế giới, dưới 0.65 (năm 2003 là 0.694).
Trả lời Câu hỏi thảo luận trang 9 SGK Địa lí 11: Bằng hiểu biết của bản thân, em hãy:
– Nêu một số thành tựu do bốn công nghệ trụ cột tạo ra.
– Kể tên một số ngành dịch vụ cần đến nhiều tri thức (ví dụ: kế toán, bảo hiểm…).
Phương pháp giải:
Phương pháp: vận dụng, liên hệ thực tiễn.
Trả lời:
– Một số thành tựu do bốn công nghệ trụ cột tạo ra:
+ Công nghệ sinh học: tạo ra các giống mới không có trong tự nhiên, những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh,…
VD. Kĩ thuật nuôi cấy mô trong ống nghiệm, trong cơ thể sống, chọn lọc nhân tạo để tạo ra các giống mới ưu việt, loại bỏ các đặc điểm không mong muốn (giống cây chịu hạn, chịu mặn, quả không hạt…).
Tạo ra nguồn năng lượng sinh học từ các rác thải công nghiệp, rác thải công nghiệp. Phát triển công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme tạo ra sản phẩm dinh dưỡng tốt hơn.
Trong ngành y: hoàn thành chuỗi AND/bản đồ gen người, nghiên cứu ra vacxin điều trị sốt rét, xét nghiệm nước bọt dự đoán tuổi, phương pháp “siêu âm thông minh”.
+ Công nghệ vật liệu: tạo ra những vật liệu chuyên dụng mới, tính năng mới
VD: Tạo ra vật liệu composit, vật liệu siêu dẫn
+ Công nghệ năng lượng: tạo ra những nguồn năng lượng mới, đột phá hơn.
VD. Năng lượng hạt nhân: các nghiên cứu tạo ta ra năng lượng hạt nhân từ phân hạch uran, phản ứng nhiệt hạch.
Các nhà máy thủy điện có công suất lớn: lên tới hàng chục ngàn MW (Đập Tam Hiệp 22.000 MW).
Các nguồn năng lượng tái tạo: năng lượng từ gió, mặt trời, sóng thủy triều, địa nhiệt.
+ Công nghệ thông tin: tạo ra các vi mạch, chip điện tử có tốc độ xử lí cao, công nghệ điện toán đám mây, số hóa…giúp cho việc xử lí, lưu trữ và vận chuyển thông tin dễ dàng nhanh chóng hơn.
VD. Bộ xử lí nhanh nhất hiện nay (Intel Core i7), kho dữ liệu lớn nhất thế giới (máy chủ phân tích IQ của Sybase), phóng thành công các vệ tinh trong vũ trụ.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, truyền tải mạng không dây (wifi), điện thoại thông minh (iphone X), hộp thư điện tử (gmail), các trang mạng xã hội.
– Một số ngành dịch vụ cần đến nhiều tri thức: bảo hiểm, viễn thông, ngân hàng, kế toán, tư vấn,…
Câu hỏi và bài tập (trang 9 SGK Địa lí 11)
Câu 1 trang 9 SGK Địa lí 11: Trình bày những điểm tương phản về trình độ phát triển kinh tế- xã hội của nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển.
Phương pháp giải:
Kiến thức mục II trang 7 SGK Địa lí 11
Trả lời:
Những điểm tương phản về trình độ phát triển kinh tế- xã hội của nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển:
– GDP bình quân đầu người có sự chênh lệch lớn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
+ GDP/người của các nước phát triển đều ở mức cao (20 000 đến 45 000 USD/người), trong khi các nước đang phát triển chỉ đạt mức 1000 đến trên 2000 USD/người.
+ GDP/người của các quốc gia phát triển gấp tới hàng trăm lần so với các quốc gia đang phát triển ( GDP/người của Đan Mạch gấp 405 lần GDP/người của Ê-ti-ô-pi-a, gấp 70 lần Ấn Độ, 19 lần An-ba-ni).
– Cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế có sự khác nhau giữa các nhóm nước:
+ Nhóm nước phát triển có cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế phân hóa mạnh: GDP tập trung cao nhất ở khu vực III (71%), tiếp đến là khu vực II (27%), khu vực I chỉ chiếm 2% GDP.
+ Nhóm nước đang phát triển: khu vực III chiếm tỉ trọng cao nhất (43%), tiếp đến là khu vực II (32%), khu vực I chiếm tỉ trọng thấp nhất trong cơ cấu (25%), tuy nhiên vẫn còn cao.
– Các nhóm nước có sự khác biệt về các chỉ số xã hội:
+ Tuổi thọ trung bình:
Các nước phát triển có tuổi thọ trung bình cao (72 tuổi) -> dân số già.
Các nước đang phát triển tuổi thọ trung bình thấp: 65 tuổi (dưới mức cả nước 67 tuổi)
⟶ dân số trẻ.
+ Chỉ số HDI:
Nhóm nước phát triển có chỉ số HDI cao hơn mức trung bình của thế giới ( năm 2003 là 0.855)
Nhóm nước đang phát triển có chỉ số HDI thấp hơn mức TB thế giới, dưới 0.65 (năm 2003 là 0.694).
-> Nhóm nước phát triển có trình độ kinh tế – xã hội cao hơn hằn nhóm nước đang phát triển.
Câu 2 trang 9 SGK Địa lí 11: Nêu đặc trưng và tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đến nền kinh tế – xã hội thế giới.
Phương pháp giải:
Kiến thức mục III trang 8 SGK Địa lí 11
Trả lời:
– Đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại:
+ Diễn ra vào cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI.
+ Đặc trưng là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng công nghệ cao. Đây là các công nghệ dựa vào những thành tựu khoa học mới, với hàm lượng tri thức cao.
+ Bốn công nghệ trụ cột, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến phát triển kinh tế – xã hội là: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, công nghệ thông tin.
– Tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại:
+ Làm xuất hiện nhiều ngành mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tạo ra những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.
+ Tác động ngày càng sâu sắc, làm cho nền kinh tế thế giới chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp sang một loại hình kinh tế mới, dựa trên tri thức, kĩ thuật, công nghệ cao, được gọi là nền kinh tế tri thức.
Câu 3 trang 9 SGK Địa lí 11: Dựa vào bảng số liệu sau:
Phương pháp giải:
Kĩ năng vẽ biểu đồ đường và nhận xét biểu đồ.
Trả lời:
Nhận xét: Tổng nợ nước ngoài của nhóm nước đang phát triển tăng nhanh, từ 1990 đến 2004 tăng lên gấp 2,07 lần, tương đương với 1414 tỉ USD.
Lý thuyết Bài 1: Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các nhóm nước. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại
1. Sự phân chia thế giới thành các nhóm nước
– Trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau được chia làm 2 nhóm nước: phát triển và đang phát triển.
– Các nước đang phát triển có GDP bình quân đầu người thấp, nợ nước ngoài nhiều và HDI ở mức thấp.
– Các nước phát triển có GDP/người cao, đầu tư nước ngoài nhiều, HDI cao.
– Một số nước vùng lãnh thổ đạt được trình độ nhất định về công nghiệp gọi là các nước công nghiệp mới (NICs).
2. Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế xã hội của các nhóm nước
– GDP bình quân đầu người chênh lệch lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển.
– Trong cơ cấu kinh tế:
+ Các nước phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỉ lệ rất lớn, nông nghiệp rất nhỏ.
+ Các nước đang phát triển tỉ lệ ngành nông nghiệp còn cao.
– Tuổi thọ trung bình các nước phát triển > các nước đang phát triển.
– HDI các nước phát triển > các nước đang phát triển.
3. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại
– Thời gian: Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỉ XXI, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại được tiến hành.
– Đặc trưng: sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng – bùng nổ công nghệ cao.
+ Dựa vào thành tựu KH mới với hàm lượng tri thức cao.
+ Bốn trụ cột: Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu; Công nghệ năng lượng; Công nghệ thông tin.
Tác động: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tác động ngày càng sâu sắc, làm xuất hiện nhiều ngành mới, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, làm cho kinh tế thế giới chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức (nền kinh tế dựa trên tri thức, kỹ thuật, công nghệ cao).