Kinh tế pháp luật lớp 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước
Phần 1. Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước
1. Cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:
+ Cơ quan quyền lực nhà nước.
+ Cơ quan hành chính nhà nước.
+ Cơ quan tư pháp:
+ Hội đồng Bầu cử Quốc gia
+ Kiểm toán nhà nước
2. Cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Cơ quan quyền lực nhà nước:
+ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
+ Hội đồng nhân dân các cấp Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
– Cơ quan hành chính nhà nước:
+ Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
+ Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cung cấp bầu là Cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và
cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
– Cơ quan tư pháp:
+ Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
+ Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
– Chủ tịch nước: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
– Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
– Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Phần 2. Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước
Câu 1. Cơ quan nào mang quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân?
A. Quốc hội.
B. Hội đồng nhân dân.
C. Chính phủ.
D. Ủy ban nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Trích Điều 113 Hiến pháp năm 2013, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Câu 2. Nội dung nào sau đây thể hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội?
A. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.
B. Sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế.
C. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Một số nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội:
+ Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;
+ Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
+ Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
+ Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
Câu 3. Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì?
A. Chính phủ.
B. Tòa án nhân dân.
C. Hội đồng nhân dân.
D. Viện kiểm sát nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Trích Điều 94 Hiến pháp năm 2013, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Câu 4. Nội dung nào sau đây nói về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ?
A. Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
B. Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội.
C. Tổ chức thực thi Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Một số nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ:
+ Tổ chức thực thi Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thương vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tích nước.
+ Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội
+ Thống nhất quản lí về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
+ Thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia
+ Thực hiện quản lí về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước
+ Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân
+ Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Câu 5. Nội dung nào sau đây thể hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân?
A. Tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
B. Tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
C. Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân:
+ Tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương
+ Tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân
+ Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao
Câu 6. Nước ta có bao nhiêu cơ quan hành chính?
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Cơ quan hành chính nhà nước bao gồm:
+ Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
+ Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cũng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân.
Câu 7. Nước ta có bao nhiêu cơ quan tư pháp chính?
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Cơ quan tư pháp của nước ta bao gồm:
+ Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
+ Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Câu 8. Cơ quan nào có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội?
A. Chính phủ.
B. Kiểm toán nhà nước.
C. Hội đồng nhân dân.
D. Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Câu 9. Cơ quan nào của nước ta do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật?
A. Kiểm toán nhà nước.
B. Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
C. Hội đồng nhân dân.
D. Chính phủ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lí, sử dụng tài chính, tài sản công.
Câu 10. Hội đồng bầu cử quốc gia có chức năng gì sau đây?
A. Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội.
B. Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
C. Hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Trích Điều 117 Hiến pháp năm 2013, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 19: Thực hiện pháp luật
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 20: Khái niệm, đặc điểm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 21: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về chính trị
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 22: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 23: Nội dung cơ bản của hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước