Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Phần 1. Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Câu 1. Cơ quan nào của nước ta thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp?
A. Quốc hội.
B. Chủ tịch nước.
C. Chính phủ.
D. Hội đồng nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Hiến pháp năm 2013 (Điều 69, đoạn 2) quy định về chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội như sau: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”. Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, đoạn 2).
Câu 2. Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo các văn bản nào của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước?
A. Hiến pháp.
B. Luật.
C. Nghị quyết của Quốc hội.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước.
Câu 3. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm những bộ phận nào sau đây?
A. Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
B. Hội đồng dân tộc.
C. Các Uỷ ban của Quốc hội.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm: Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan giúp việc của Quốc hội. Mỗi cơ quan có cơ cấu tổ chức riêng và hoạt động để thực hiện những nhiệm vụ theo luật định.
Câu 4. Nội dung nào sau đây không đúng khi nói về hình thức hoạt động của Quốc hội?
A. tổ chức các kì họp công khai.
B. tổ chức các kì họp bí mật trong nội bộ.
C. làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
D. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định họp kín. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì. Trường hợp Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Câu 5. Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn nào sau đây?
A. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh
B. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước.
C. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Để thực hiện vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013 như sau: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước,…
Câu 6. Chủ tịch nước có thể uỷ nhiệm cho ai thực hiện một số nhiệm vụ thay thế mình?
A. Quốc Hội.
B. Phó Chủ tịch nước.
C. Hội đồng nhân dân.
D. Chính phủ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua các hoạt động cá nhân trực tiếp hoặc thông qua việc ban hành lệnh, quyết định. Đồng thời Chủ tịch nước cũng có thể uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ thay thế mình.
Câu 7. Đâu là cơ quan thực hiện hành pháp của nước ta?
A. Chính phủ.
B. Quốc hội.
C. Chủ tịch nước.
D. Hội đồng nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Câu 8. Chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện ở các nội dung nào sau đây?
A. Đề xuất, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách.
B. Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước trước Quốc hội.
C. Trình dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện ở các mặt sau: đề xuất, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình dự án trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành chính sách, kế hoạch cụ thể theo thẩm quyền, ban hành các văn bản dưới luật đề tổ chức thực thi các chủ trương,…
Câu 9. Chính phủ hoạt động theo mấy hình thức chủ yếu?
A. Hai.
B. BA.
C. Bốn.
D. Năm.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Chính phủ hoạt động theo ba hình thức thông qua các phiên họp của Chính phủ, thông qua hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, thông qua hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng Cơ quan ngang bộ.
Câu 10. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số thể hiện nguyên tắc nào trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
A. Nguyên tắc tập trung dân chủ.
B. Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
C. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan.
D. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Việc Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phần 2. Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Quốc hội
a) Chức năng của Quốc hội
– Chức năng lập hiến, lập pháp
+ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp.
+ Quyền lập hiến là quyền làm Hiến pháp bao gồm có sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoặc làm Hiến pháp mới.
+ Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
+ Quốc hội có quyền quyết định: những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, phát triển nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân; những vấn đề đối nội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của đất nước.
– Chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước
+ Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước.
b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội
– Cơ cấu tổ chức của Quốc hội
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm:
+ Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
+ Hội đồng dân tộc
+ Các ủy ban của Quốc hội
+ Đoàn đại biểu Quốc hội
+ Các cơ quan giúp việc của Quốc hội.
Mỗi cơ quan có cơ cấu tổ chức riêng và hoạt động đề thực hiện những nhiệm vụ theo luật đỉnh.
– Hình thức hoạt động của Quốc hội
– Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.
– Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì.
– Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.
2. Chủ tịch nước
a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước
– Để thực hiện vai trò là người đứng đầu Nhà nước. Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013 như sau:
+ Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
+ Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
+ Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước;
+ Quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
+ Thống lĩnh lực lương vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh,
+ Quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân;
+ Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài;
+ Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm;
+ Quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế
b) Hình thức hoạt động của Chủ tịch nước
– Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua các hoạt động cá nhân trực tiếp hoặc thông qua việc ban hành lệnh, quyết định.
– Đồng thời Chủ tịch nước cũng có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ tích nước thực hiện một số nhiệm vụ thay thế mình.
3. Chính phủ
a) Chức năng của Chính phủ
– Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
– Chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện qua các phương diện như:
+ Đề xuất, xây dựng chính sách vĩ mô, đề xuất định hướng phát triển kinh tế – xã hội
+ Đề xuất dự thảo luật trình Quốc hội;
+ Ban hành chính sách, kế hoạch cụ thể theo thẩm quyền, an hành các văn bản dưới luật để thực thi các chủ trương, chính sách, văn bản do Quốc hội ban hành: tổ chức thực hiện pháp luật;
+ Thiết lập trật tự hành chính, thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia trên cơ sở quy định của pháp luật….
b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ
Cơ cấu tổ chức
– Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao.
– Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm bộ và cơ quan ngang bộ. Đây là những cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lí nhà nước về một số ngành, lĩnh vực và các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
– Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập.
Hình thức hoạt động
– Chính phủ hoạt động theo ba hình thức thông qua:
+ Các phiên họp của Chính phủ;
+ Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ
+ Hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
– Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm KTPL 10 Bài 19: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam
Trắc nghiệm KTPL 10 Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trắc nghiệm KTPL 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trắc nghiệm KTPL 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân
Trắc nghiệm KTPL 10 Bài 23: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân